Đề: Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có hai nhân vật đặc sắc là Huấn Cao và viên cai ngục. Nếu cần chọn một trong hai nhân vật để làm sáng tỏ sự sáng tạo độc đáo của tác giả, anh (chị) sẽ chọn nhân vật nào?

Hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù là đứa con tinh thần yêu quý của Nguyễn Tuân, là biểu tượng cho một cái đẹp, cái tài, cái Thiên Lương của “một thời vang bóng” đáng được tôn kính và ngợi ca.

Đề: Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có hai nhân vật đặc sắc là Huấn Cao và viên cai ngục. Nếu cần chọn một trong hai nhân vật để làm sáng tỏ sự sáng tạo độc đáo của tác giả, anh (chị) sẽ chọn nhân vật nào? Hãy cho biết tại sao lại chọn như vậy.

BÀI LÀM

Nghệ thuật là tôi, khoa học là chúng ta”. Nhận định này nhấn mạnh về tính sáng tạo, nét đặc sắc riêng của từng cây bút trong quá trình sáng tác hay nói rộng ra đó chính là phong cách sáng tác Nguyễn Tuân một nhà văn rất độc đáo, một cái tôi rất mực tài hoa, uyên bác, ngạo nghễ ít ai sánh kịp. Hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù là đứa con tinh thần yêu quý của Nguyễn Tuân, là biểu tượng cho một cái đẹp, cái tài, cái Thiên Lương của “một thời vang bóng” đáng được tôn kính và ngợi ca.

Sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật nói chung và của Nguyễn Tuân nói riêng bao gồm hai khía cạnh: nội dung và hình thức. Sáng tạo về mặt nội dung tức là nhà văn đột phá vào những thi đề, văn đề mới, đào xới lên những mảnh đất hoang chưa được khai phá và làm cho nó màu mỡ để cây đời mãi mãi xanh tươi. Quả thật sẽ là một nhận định siêu hình nếu chúng ta nói Nguyễn Tuân có sự sáng tạo về mặt nội dung mà không đặt vấn đề vào một hoàn cảnh cụ thể. Hoàn cảnh ấy là giai đoạn 1930 -1945 hay nói cách khác là trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ, xã hội Việt Nam tăm tối, bế tắc, ngột ngạt, căng thẳng với những mâu thuẫn về giai cấp đã được đẩy lên mức độ tột đỉnh trạng thái tích điện để sẵn sàng chỉ chờ tia chớp giật cách mạng là sẽ nổi bão giông. Vì thế, theo xu hướng chung của các nhà văn lúc bấy giờ như Nam Cao, Ngô Tất Tố, tập trung khai thác vào hai vấn đề chính là người nông dân và tri thức tiểu tư sản trong mối quan hệ mâu thuẫn với xã hội đương thời

Thế nhưng, Nguyễn Tuân có vẻ như đi ngược lại chiều hướng ấy, như con cá kình cứ phăng phăng lội ngược dòng nước để tìm hướng đi cho riêng mình nhưng vẫn không lệch ra khỏi dòng dân tộc. Ông tìm tòi, say mê ca ngợi, kiếm tìm, phát hiện những cái đẹp của một thời xa xưa như thú ngâm thơ, uống rượu, đánh cờ... Vì những lẽ đó có người cho rằng Nguyễn Tuân là mặt nhà .văn luôn say mê cái đẹp luôn nhìn con người và sự vật ở khía cạnh thẩm Mĩ và văn hóa tiêu biểu như cái đức của nhân cách, cái tài năng của đức độ và thiên lương trong sáng. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi lại chọn nhân vật Huấn Cao để làm rõ cho nhận định của đề bài.

Nhân vật này có đủ những đức tính, những phẩm chất mà Nguyễn Tuân hằng kiếm tìm. Huấn Cao là một nhà nho nhưng đồng thời cũng là một “tên phiến loạn” dám đứng đầu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Vì vậy, bên cạnh cái tài viết chữ đẹp mà mọi người hằng ca ngợi “Chữ ông đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ Huấn Cao treo trong nhà quý như một báu vật” thì ông lại còn có tài bẻ khóa vượt ngục. Là một nhà nho yêu nước và trọng nghĩa khí, ông khinh thường những tên tiểu nhân đê tiện, coi nhẹ những đòn roi trấn áp của lao tù và tất nhiên vì thế mà mặc dù có được Huấn Cao trong tay, viên quản ngục vẫn không nghĩ ra được cách nào để thuyết phục ông cho chữ.

Về phần Huấn Cao, tính ông "vốn khoanh, nhất sinh không bao giờ vì tiền mà ép mình viết chữ bao giờ”. Thế nhưng khi nghe thấy thơ lại nổi lên khát khao của viên quản ngục là được ông cho chữ, Huấn Cao lại đồng ý ngay. Không phải bởi vì quan ngục biệt đãi ông rượu thịt mà vì “ta không ngờ một người như thầy quản đây lại có một sở thích cao đẹp như thế, suýt chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Đến đây thì hình tượng Huấn Cao đã vụt tỏa sáng lên bởi vì ông không những có tài mà ông còn có cái tâm, cái đức độ, “liên tài” biết quý trọng cái đẹp và những người say mê cái đẹp.

Trong toàn bộ truyện ngắn, có lẽ cảnh độc đáo nhất, cao đẹp nhất ấy chính là cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong lao tù ngổn ngang rác rưởi, dưới sàn đầy phân chuột và phân gián. “Trong không khí khói tỏa mù mịt như một đám cháy nhà, ngọn đuốc cháy rừng rực soi rõ ba mái đầu đang chụm lại trên, một tấm lụa bạch... Người tù có đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô những nét chữ trên tấm lụa bạch trắng tinh... thầy thơ lại cầm thau mực run và viên quản ngục thì khép nép cất những đồng tiền đánh dấu ô chữ”.

Đến đây thì đề lao của giai cấp thống trị không còn nữa mà là nơi cái Đẹp ngự trị, là nơi sáng tạo nghệ thuật. Nhà tù tượng trưng cho cái ác, cái xấu, cái tối tăm, dơ bẩn bỗng vụt sáng có cái thiện, cái đẹp, cái tài và cái thiên lương. “Thiên lương” nghĩa là lương tri lương tâm, lương năng (tri giác, tâm tính, tài năng trời ban phú cho), nghĩa là hướng tới cái lương thiện. Như vậy, Huấn Cao, một ngôi sao chính vị không những một mình tỏa sáng mà lan truyền, san sẻ những tia sáng cho những vì sao khác. Ông khuyên quản ngục nên từ bỏ nghề này mà về quê, nơi đây không phải là nơi treo bức lụa bạch, nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người. Muốn thưởng thức cái đẹp trước hết phải giữ cho thiên lương lành vững, kẻo không sẽ nhem nhuốc một đời lương thiện đó và viên quan ngục cúi đầu xin bái lĩnh.

Tài năng độc đáo của Nguyễn Tuân là ở chỗ ông đã thực hiện một bước “chuyển đổi” thật ngoạn mục vị trí xã hội của người tù và quản ngục, chuyển đổi để tạo thành nơi sáng tạo nghệ thuật và biến nơi cái ác ngự trị thành chỗ cái thiện lên ngôi. Phải chăng đó là “một mũi tên mà bắn trúng được hai con chim: Một mặt tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến bế tắc, xấu xa, tàn bạo một cách hợp pháp; mặt khác lại làm cho cái thiên lương, cái đẹp của nhân cách, tài năng được tỏa sáng.

Để chuyên chở một nội dung phong phú và độc đáo như thế Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt các phương tiện nghệ thuật nhuần nhuyễn và tài hoa. Đó chính là cách xây dựng hình tượng Huấn Cao thật sống động, gần gũi, đáng kính, khiến ai cũng hiểu, ai cũng dễ liên tưởng tới nguyên mẫu của “thánh” Cao Bá Quát.

Cả một đời đứng thẳng
Chỉ cúi trước cành mai.

Lồng câu chuyện vào một khung cảnh thật độc đáo, thuyết minh bằng một giọng trầm hùng, bình thản mà chất chứa biết bao lời tâm huyết, nhắn gợi, độc giả tưởng như nhà văn không kể chuyện mà bản thân mình cũng không nghe chuyện mà như đang bước vào một hành trình cùng với Huấn Cao để đi đến chỗ thanh cao, trong sáng vĩnh hằng.

Với tác phẩm Chữ người tử tù Nguyễn Tuân thật không thẹn là một đại biểu suất sắc của văn xuôi lãng mạn Việt Nam thế kỉ hai mươi. Sự độc đáo sáng tạo trong văn chương, chính là bắt nguồn từ “cái tâm” phong phú và tài hoa của Nguyễn Tuân. Phải có một tấm lòng khát khao yêu cái đẹp, quý trọng những cái đẹp của một thời xưa cũ thì ông mới có thể làm chúng sống lại một cách độc đáo và mang đậm một dấu ấn Nguyễn Tuân ngông ngạo, uyên bác và tài hoa đến thế.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng các nhân vật Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật