Đề: Trình bày cảm nhận về truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Có ai đó chưa từng được hiểu về con người Tây Nguyên, xin hãy đến với Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Rừng xà nu chính là bài ca đẹp nhất, lấp lánh nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

BÀI LÀM

Có ai đó chưa từng được hiểu về con người Tây Nguyên, xin hãy đến với Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Rừng xà nu chính là bài ca đẹp nhất, lấp lánh nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tác phẩm thể hiện tinh thần bất khuất về một sức sống mãnh liệt quật cường của những con người bình dị mà anh dũng ở mảnh đất Tây Nguyên giàu truyền thống dân tộc.

Hình tượng cây xà nu với một màu xanh bạt ngàn thực sự đã trở thành một biểu tượng, một ám ảnh nghệ thuật của tác phẩm.

Rừng xà nu là một truyện ngắn tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi. Cái chất sử thi ấy không chỉ ngâm vào tính cách, số phận của từng nhân vật mà nó còn len lỏi, trú ngụ ở cả dáng hình của những cây xà nu. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại chọn hình ảnh cây xà nu để làm nền cho tác phẩm mà chính bởi xà nu là loại cây luôn biểu hiện cho sự sống. Đó là loại cây không bao giờ chịu cúi đầu, nó chỉ biết vươn cao mình để hứng lấy ánh nắng mặt trời ấn tượng về màu xanh của rừng xà nu là một phần cảm hứng giúp tác giả xây dựng nên hình tượng cây xà nu mang đầy tính nghệ thuật trong truyện ngắn này.

Mở đầu tác phẩm hiện lên hình ảnh rừng xà nu đau thương nhưng quật cường “cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, ở chỗ vết thương nhựa ứa ra, tràn trề thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn”. Với một mở đầu bằng những hình ảnh mất mát đớn đau của rừng xà nu gợi lên trong ta hình ảnh hào hùng về một cuộc chiến tranh bi tráng. Mỗi cây xà nu là một con người “hàng ngàn cây không có cây nào không bị thương” cũng như những con người Việt Nam, không có con người nào sống trong chiến tranh mà không đau thương mất mát. Ở đây, nghệ thuật miêu tả của tác giả đã tới độ chín muồi, hội tụ đầy đủ màu sắc, âm thanh hình khối, hương vị... để tạo nên một bức tranh hoành tráng về rừng xà nu. Hình ảnh những cây xà nu bất khuất, kiên cường vươn lên thẳng tắp mỡ màng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời được tác giả ví như những chàng trai cường tráng xông pha nơi trận mạc. vẻ đẹp oai linh hùng vĩ đó khó có một tác giả nào có thể khắc họa thành công như Nguyễn Trung Thành. Mặc cho đại bác Mĩ cứ bắn cứ phá - sau mỗi cây gục xuống những mầm cây non lại nhú lên mạnh mẽ hơn.

Hình tượng cây xà nu được tác giả nghiên cứu một cách tỉ mỉ bằng thị giác, cảm giác, vị giác, xúc giác khiến cho bức tranh hình khối màu sắc hiện lên lung linh lấp lánh mà kì vĩ: “Trong rừng có ít loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như cây xà nu. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng... Ở đó nhựa còn trong, chất dầu còn loáng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”. Tác giả đã khéo miêu tả nỗi đau của cây như chính nỗi đau của con người; nhức nhối, quằn quại trước khi ra đi. Trái tim ông như ngừng đập, rỉ máu trước những thân cây ngã xuống “bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Phải nói Nguyễn Trung Thành đã tạo nên cái độc đáo bậc nhất trong hình tượng cây rừng xà nu nằm đằng sau là hình ảnh ẩn dụ của một dân tộc tràn đầy sức sống đang vươn lên bất tử, phản kháng và ghìm chặt lịch sử để xây nên một trang mới hào hùng, vốn dĩ truyện ngắn Rừng xà nu ra đời vào thời điểm đất nước Việt Nam sục sôi đánh Mĩ, ý chí và lòng hận thù kẻ đã gây tang tóc đau thương cho dân tộc kết tinh lại khiến cho Nguyễn Trung Thành gặt hái được thành công rực rỡ khi thâm nhập vào thế giới của núi rừng cao nguyên. Không phải vô tình mà hình tượng cây xà nu được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong truyện. Đặc biệt là hai hình ảnh mở đầu và kết thúc cũng bằng chính cái hình tượng nghệ thuật đó.

Bằng ngòi bút tài hoa và lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết, Nguyễn Trung Thành đã tố cáo tội ác của giặc Mĩ thông qua hình ảnh sinh động của rừng xà nu. Mỗi cây xà nu là bóng dáng của một con người: là một Mai, một Dít, một Heng, một xút... Những cây cao lớn quật cường là một cụ Mết, một anh Quyết và đồ cũng chính là hình tượng gắn liền với con người dũng mãnh gan dạ: Tnú. Tất cả những con người đó làm thành một dân tộc bất khuất cũng như tít cả những cây đó làm thành một rừng xà nu bạt ngàn xanh tốt.

Trơ lì với nỗi đau tận cùng, Tnú đã quay lại làng quê cũng là nơi cất lên nỗi bất hạnh cho vợ con anh dưới ánh lửa bập bùng và niềm sung sướng của dân làng Xô Man. Anh trở lại thăm làng trong một đêm. Diễn tiến câu chuyện cũng là chuyện một đêm nhưng đó là chuyện của một đời người; chuyện của một người nhưng cũng là chuyện của một dân tộc. Trong thời gian ngắn, một không gian hẹp, Nguyễn Trung Thành đã vẽ lên hình tượng một dân tộc không ngủ, một dân tộc thao thức vì vận mệnh ngày mai trước bình minh. Khúc lịch sử Xô Man được cụ Mết kể suốt một đêm dài bên bếp lửa đó là một chuỗi dài của những đau thương bắt đầu bằng cái chết của anh Xút bị chúng treo cổ trên cây vả đầu làng, tiếp theo là những cái chết thảm của bà Nhan, chúng chặt đầu, cột tóc treo đầu súng. Sự hi sinh của anh Quyết, rồi bao nhiêu cái chết nữa cuối cùng là sự ra đi của đứa con mới một tháng tuổi và của Mai dưới bàn tay tra tấn dã man tàn bạo của giặc. Tất cả như “đặc quyện thành từng cục máu lớn" nhức nhối, rực lửa trong trái tim Tnú. Nguyễn Trung Thành đã dày công xây dựng: nên nhân vật Tnú một người con của núi rừng Tây Nguyên vùng dậy công phá trước sức mạnh hung tàn của quân thù. Anh là một con người dũng cảm gan dạ bất chấp gian khổ hiểm nguy vì cách mạng. Anh có một tình cảm son sắt thủy chung với cách mạng và sớm hiểu ra rằng vận mệnh của dân tộc một phần bé nhỏ tùy thuộc vào những con người như anh, trông đợi vào lòng can đảm và ý chí phục thù, rửa nhục nơi anh.

Cùng với Mai, Tnú đã có một lý tưởng chân chính: lý tưởng cách mạng dưới sự dìu dắt của anh Quyết và cũng là sự dìu dắt của Đảng, Tnú sống chiến đấu và bảo vệ cho lí tưởng thiêng liêng cao cả của mình. Những ngày đầu trước thời gian nổi dậy là những ngày khó khăn đối với Tnú khi phải học chữ. Anh đã lặng lẽ khóc trong đêm vì sự bất lực, bất tài của mình, vì sự kém cỏi đối với Mai. Nhưng nhân vật anh Quyết đã đem lại ánh sáng và quyết tâm lớn cho Tnú. “Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”. Tnú là hiện thân của không một sức mạnh nào có thể khuất phục được nổi. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Mết lại mở đầu câu chuyện kể về cuộc đời Tnú, về hình ảnh hai bàn tay cụt ngón. Nó như chứng tích vẫn còn đó thôi thúc ngọn lửa đấu tranh - trong lòng người dân Xô Man của mọi tầng lớp già trẻ gái trai đứng lên chiến đấu cho ngày mai. Đứa con ưu tú ấy trưởng thành như đêm nay đã trải qua biết bao khổ đau, biết bao oán thừ với tấm lưng hằn sâu những dọc ngang vết chém, với đôi bàn tay cụt ngón và một trái tim bầm tím vì thương tích, vì sự ra đi quằn quại của những người thân. Nơi con người anh hội tụ đầy đủ một sức mạnh cường tráng, một ý chí sắt đá, một tinh thần dũng cảm nhưng anh phải chứng kiến kẻ thù giết hại vợ con một cách hung bạo. Anh không cứu được mẹ con Mai. Trong tột cùng đớn đau, anh cảm thấy không còn gì có thể đớn đau hơn được nữa. Và ngọn lửa kia chỉ có thể đốt cháy những đầu ngón tay anh, không thể đốt được lòng căm thù ngút ngàn trong anh, anh không kêu, không van vì chúng dường như chẳng có nghĩa lý gì đối với một trái tim cũng đang bốc lửa ngùn ngụt.

Những lời anh Quyết lại vang lên. "Người cộng sản không thèm kêu van... ”. Sức dồn nén đã đến lúc công phá và anh thét lên “Giết”. Đó cũng là hệ quả từ lời kêu gọi của cụ Mết “Hãy nhớ lấy, chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo mác”. Ngay khi đó, Tnú hiểu ra rằng “Tnú không cứu sống được vợ con” vì anh chỉ có bàn tay không mà chúng nó thì cầm súng. Đó là chân lý hiển nhiên của thời đại. Hình ảnh mười ngón tay Tnú bốc cháy “thành mười ngọn đuốc” bằng chính chất nhựa của quê hương mình thật đớn đau và nghịch lý. Lũ giặc điên cuồng kia gieo lên tội ác và chúng đã phải đền tội bằng hậu quả của những chứng tích để lại. Chính cái bàn tay cụt ngón đó lại cầm súng, cầm giáo, cầm mác và bằng chính nó giết chết những kẻ bạo tàn. Đây cũng là triết lý sinh tồn của người Việt Nam mà Nguyễn Trung Thành đã lấy hình ảnh của Tnú để nói lên sức mạnh của dân tộc: dù bị tàn nhưng không phế mà ngược lại lại vùng lên khốc liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sục sôi hơn. Nguyễn Trung Thành buộc Tnú phải giết chết thằng Dục bằng chính bàn tay cụt đốt của mình chứ không phải bằng súng, bằng giáo, cũng là câu trả lời đơn giản cho một cuộc chiến tranh không cân sức giữa một bên là súng đạn với những vũ khí tối tân và một bên ý chí chiến đấu cộng lại với giáo, mác, gậy gộc... và một bên là những nông dân hiền như đất. Nhân vật Tnú là sự hóa thân của hình tượng Núp trong Đất nước đứng lên và xa hơn là bóng dáng của những anh hùng trong những bản trường ca Đăm San, Xinh Nhã và cũng chính là bóng dáng của những anh hùng đã trưởng thành trong cuộc chiến đấu khốc liệt vì tự do độc lập trong những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc.

Bên cạnh nhân vật Tnú là nhân vật cụ Mết được tác giả khắc họa đậm nét đầy ấn tượng. Vừa là nhân vật chính, vừa là nhân vật biểu trưng cho văn hóa núi rừng Tây Nguyên, mở đầu bằng sự miêu tả về hình ảnh bằng hình thức cụ thể hóa nhân vật, bằng một chất giọng trầm ấm vang lên trong đêm giữa vùng núi hoang vu hẻo lánh, “già làng” Xô Man nhắc nhở những đứa con của đất nước phải nhớ lấy lịch sử của dân tộc không được phép quên: “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tao chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe". Lời cụ Mết cũng như lời kêu gọi của Đảng, như một chân lý chiến đấu “chúng nó” đã cầm súng, chúng ta phải cầm giáo”. Nhân vật cụ Mết có ý nghĩa như một mắt xích nối liền quá khứ và hiện tại, là người thắp đuốc cho ngọn lửa đấu tranh truyền lại lớp lớp thế hệ sau. Một con người dày dạn bất khuất, kiên cường lúc nào cũng trăn trở trước vận mệnh của dân tộc, luôn dõi theo từng bước đi, từng chiến thắng, thất bại của mỗi người con cụ, vừa đầm ấm chân tình thiết tha nhưng cũng nghiêm khắc đúng mực “Cấp chỉ huy cho về mấy đêm?... Phải chấp hành cho đúng”.

Chúng ta không thể bỏ qua nhân vật Quyết. Dù chỉ xuất hiện rất ngắn trong truyện nhưng nhân vật anh Quyết là hiện thân của Đảng, của cách mạng đã dẫn dắt Tnú và Mai đi những bước chập chững đầu tiên trong con đường đấu tranh vì độc lập của dân tộc. Lời của anh Quyết như một lời nhắc nhủ của Đảng, của cách mạng “Không học chữ làm sao làm được cán bộ giỏi”. Và anh Quyết đã thay Đảng đặt bổn phận, nghĩa vụ lớn lao, thiêng liêng và cao cả lên đôi vai Tnú: “Tnú phải học chữ giỏi thay tui làm cán bộ... . Sự có mặt của nhân vật Quyết mang đến cho tác phẩm về chiều sâu khái quát. Anh Quyết đã cống hiến cuộc đời mình bất chấp gian khổ hi sinh, đấu tranh cho hạnh phúc của núi rừng Tây Nguyên, mở đường cho phong trào kháng chiến mang tính tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của đất nước.

Mỗi nhân vật hiện lên trong truyện đều được Nguyễn Trung Thành gắn cho một ý nghĩa nhất định. Với Mai, là một người phụ nữ thông minh, trọn tình với cách mạng, là người vợ thủy chung son sắt. Mai cũng là điển hình của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, gan dạ, dũng cảm, quật cường dám hi sinh vì Tổ quốc. Dít và Heng là những thế hệ nối tiếp với sức sống và hi vọng tràn trề như những mầm xà nu non mới trỗi dậy và muốn “phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng..."

Và đây, chúng ta hãy quay lại với tình đoàn kết dân tộc - sức mạnh vô biên của cao nguyên trong đêm Tnú về thăm làng. “Cả làng vây chặt quanh Tnú”, "những cặp mắt tròn xoe, những tiếng ré lên, những tiếng reo... [...] Những bà già, các cô... ngồi trong nhà cười rúc rích... một lũ trẻ lau nhau... Mỗi khi có chuyện trong làng thì tất thảy đều tập trung để nghe cụ Mết đại diện cho già làng chủ trì. Còn nữa, một đêm tập kết đáng nhớ của dân làng Xô Man trong tiếng chiêng trống, trong tiếng đáp lại của vũ khí với sự vùng lên của dân làng giải thoát sự bức bách của cuộc sống, đòi lại sự sinh tồn từ kẻ thù.

Tác phẩm Rừng xà nu như một bản trường ca sử thi vang lên đậm chất Tây Nguyên, từ tên làng Xô Man, người Strá, Tnú, Dít, Heng... đến “con suối nhỏ có một khúc nứa dẫn nước từ trong lòng đá”, “tiếng chày dồn dập” , “những bà già lụm cụm bò xuống thang”, “món canh tàu môn bạc hà nấu lạt trong ống nứa” ... Nguyễn Trung Thành đã phải tỉ mẩn lắm với những chi tiết nhỏ nhặt lặt vặt để vun đúc lên một khái quát tổng thể về con người và tính cách người Tây Nguyên. Huyền thoại về làng Xô Man sống hẻo lánh hun hút có phần ẩn dật giữa núi rừng dưới sự đùm bọc che chở của rừng xà nu nổi dậy công phá trước sức mạnh hủy diệt của kẻ thù đi qua tầm ngắm của Nguyễn Trung Thành và được nâng lên với vị thế lớn lao hơn với tầm vóc nhân loại.

Tác phẩm đọng lại với hình ảnh rừng xà nu lại trở về, vẫn trong cảm hứng sử thi thấp thoáng dưới bóng dáng hùng vĩ, vạm vỡ và hoành tráng của núi rừng trải dài hút tầm mắt trong màu xanh bạt ngàn xà nu hứa hẹn một tương lai mới lấp lánh như ánh nắng hè.

Các bài học liên quan
ĐỀ: 1. Phân tích nhân vật Trương Ba để thấy được khát vọng bình dị mà cao đẹp của con người lao động. 2. Phân tích đoạn kết của vở kịch.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật