5 cách hữu hiệu nhất giúp học tốt môn Lịch Sử
Môn Lịch Sử chuyển qua dạng thi Trắc nghiệm nói là dễ cũng đúng mà khó cũng đúng. Dễ hơn là bởi vì các em sẽ giảm bớt được lượng kiến thức cần học thuộc mà chuyển qua kiểu tư duy, hiểu, phân tích, suy luận là làm được bài.
Nhưng khó hơn nằm ở chỗ, để làm được thì đòi hỏi các bạn phải nắm thật chắc lượng kiến thức trong sách giáo khoa, trong khi thực tế thì đa phần các bạn rất ngại học trong sách.
Vậy liệu có cách nào có thể giúp cho học sinh học tốt hơn môn Lịch Sử không? Bài viết dưới sẽ phân tích và chia sẻ cùng cá bạn 5 phương pháp giúp việc học trở nên nhẹ nhàng và hứng thú hơn nhé!
Học bài qua sơ đồ sẽ giúp các bạn ghi nhớ tốt hơn
1. Tạo mỗi liên kết giữa bản thân và Lịch Sử
Tuy không phải là bộ môn thuộc khối tự nhiên nhưng Lịch Sử lại là môn học có khá nhiều số liệu và dữ kiện cần phải ghi nhớ chính xác, đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều học sinh cảm thấy chán nản mỗi khi học.
Tuy nhiên, nếu muốn học tốt, và đạt điểm cao, bắt buộc các bạn phải nhớ được các mốc sự kiện, số liệu... để việc học trở nên đơn giản, không bị nhàm chán, khô cứng thì hãy thử gắn những con số này với thời gian, sự kiện quen thuộc trong cuộc sống như ngày của mình như sinh nhật của người thân, bạn bè, ...
Ngoài ra còn có thêm một phương án nữa là viết hết các mốc thời gian sự kiện vào tờ giấy ghi chú, sau đó thay vì ngồi học thuộc hãy dán nó lên góc học tập, tường nhà, cửa ra vào, góc nấu ăn hay bất cứ vị trí dễ thấy, mà thấy thường xuyên nhất sẽ rất có ích cho việc ghi nhớ.
2. Xâu chuỗi các sự kiện với nhau
Để nhớ tất cả các sự kiện bạn có thể sử dụng phương pháp xâu chuổi, tạo ra mối liên quan có nghĩa là chỉ cần nhớ 1, mà có thể suy ra sự kiện kia. Quan trọng là tìm ra các sự kiện có mối liên kết với nhau.
Chẳng hạn như ngày 27 tháng 1 (1973) là ngày Hiệp định Pari được ký kết, thì có thể đảo lại, ngày 21 tháng 7 (1954) là ngày kí Hiệp định Giơnevơ.
3. Xây dựng sơ đồ tư duy
Phương pháp này vô cùng hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian, lại giúp ghi nhớ lâu hơn so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, phương pháp này không có công thức cố định, mỗi bạn sẽ có một phương pháp xây dựng sơ đồ khác nhau, sao cho phù hợp, dễ học và dễ ghi nhớ nhất.
Để xây dựng được hoàn chỉnh một sơ đồ tư duy cũng tương đối khó khăn, yêu cầu các bạn cần phải hiểu và nắm được bài, cần có sự liên tưởng, và sắp xếp các ý sao cho thật hợp lý từ gốc ra các phần nhánh.
4. Học bằng phim tài liệu
Học trên sách vở khá khô khan, vì thế các bạn có thể tìm học thông qua những bộ phim tài liệu giúp nắm bắt chính xác nhất các sự kiện lịch sử. Bằng hình ảnh sống động, cụ thể trên phim sẽ giúp các bạn tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng hơn, ghi nhớ dễ dàng hơn.
5. Tham gia các kỳ thi thử để hệ thống lại kiến thức
Không có cách học nào tốt hơn bằng việc thực hành, các bạn nên tham gia các bài kiểm tra kiến thức trên mạng, hoặc tự làm các đề thi thử.
Phương pháp này không chỉ giúp bổ sung những kiến thức lịch sử còn hổng, tích lũy kinh nghiệm làm bài, học hỏi thêm về cách phân bổ thời gian hợp lý trong quá trình làm bài.
Mong rằng với một số chia sẻ trên sẽ giúp các bạn cải thiện tình trạng học tập môn Lịch Sử, lựa chọn được một phương pháp phù hợp để học và đạt được kết quả cao trong các kỳ thi nhé!
Chúc các bạn thành công!