QUÊ HƯƠNG - Tế Hanh

Tố Hữu đã ca ngợi thơ Tế Hanh là những câu hát yêu thương, còn nhà thơ Xuân Diệu thì cho rằng nó như một dòng suối nhỏ nhưng là nguồn tình cảm trong lành và bền vững. Đọc bài Quê hương của Tế Hanh ta cảm thấy yêu thơ và tâm hồn thơ của Tế Hanh. Với ông những cảnh sắc về bầu trời, dòng sông, cánh buồm, bến đỗ, con cá... là màu sắc, là hương vị là hình bóng thân yêu của quê nhà. Những nét nhân hóa trong bài thơ Quê hương rất sáng tạo và hấp dẫn người đọc. Đó chính là điểm nhấn giúp bài thơ giàu tình cảm và cảm xúc.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Tế Hanh sinh năm 1921 tại Quảng Ngãi. Bài thơ Quê hương được viết khi ông đang học tại Huế, vào lúc đó ông mới 18 tuổi. Bài thơ có 20 câu, mỗi câu có 8 chữ. Lời thơ trong sáng, hình ảnh sáng tạo, cảm xúc nồng hậu thiết tha. Tình yêu và lòng thương nhớ quê hương của người con xa quê được thể hiện qua những vần thơ đậm đà và giàu hình ảnh.

Hai câu thơ đầu với hai chữ “làng tôi” cho thấy niềm tự hào của tác giả về làng quê của mình. Đó là một làng chài ven biển miền Trung, có sông nước bao la vây quanh. Làng cách xa biển “nửa ngày sông”, một cách tính độ dài dân dã. Chữ “vốn” rất có ý nghĩa trong việc gợi lên một nghề truyền thống lâu đời và chính yếu của người dân quê hương.

Với những vần thơ bình dị mà gợi cảm, bài thơ Quê hương của Tế Hanh đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động của làng chài. Bài thơ cho thấy tình cảm quê hương trong sáng, thiết tha của nhà thơ.

II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)

Câu 1.

Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi:

Sáu câu thơ tiếp theo nói về cảnh ra khơi đánh cá của người dân làng chài. Đó là những hình ảnh đẹp, thơ mộng và mạnh mẽ trong những buổi sáng khi ánh ban mai hừng lên. Các tính từ được dùng rất chọn lọc trong đoạn thơ này đã tạo nên những hình ảnh rất đẹp: trong, nhẹ, hồng. Giọng thơ nhỏ nhẹ, tâm tình, như có tiếng reo:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Niềm vui đi chinh phục biển cả và khí thế ra khơi của bà con dân chài được thể hiện qua các hình ảnh về con thuyền, cánh buồm và mái chèo. Chiếc thuyền được ví với con tuấn mã phi nhanh đầy hãng hái. Mái chèo như lưỡi kiếm khổng lồ chém xuống mặt nước. Cánh buồm trắng to như mảnh hồn làng, cách ví von rất sáng tạo nhằm nói lên khí thế lao động và khát vọng về ấm no hạnh phúc của người dân làng chài. Câu thơ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió là một hình ảnh đẹp về cánh buồm to lớn đang căng gió ra khơi xa. Các từ ngữ hăng, phăng, vượt, rướn, thâu góp đã làm nổi bật sức mạnh, niềm tin tưởng tự hào vào khí thế ra khơi của đoàn thuyền đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Cảnh đón thuyền cá về bến:

Hai khổ thơ 8 câu tả cảnh làng chài khi những đoàn thuyền đánh cá quay về bến. Cảnh ồn ào tấp nập của làng chài đã được tác giả khắc họa rất sinh động. Các hình ảnh cá đầy ghe, những con cá tươi ngon thân bạc trắng đã cho thấy một chuyến ra khơi đầy may mắn và bội thu. Ba tiếng nhờ ơn trời là lời cảm tạ thiên nhiên đã mang lại cho người dân những chuyến ra khơi bình yên, cũng như cho con người một nguồn sống. Trời đã cho biển lặng, sóng êm, biển cho nhiều tôm cá, tất cả tạo cho tác giả một niềm hi vọng về cuộc sống tốt đẹp của người dân làng chài. Những câu thơ trong phần này đầy màu sắc và hương vị biển:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Từ nhỏ có lẽ tác giả đã sống với quê hương, sống với những lần đoàn thuyền ra khơi đánh cá và trở về nên mới có được những vần thơ thật sâu sắc và giàu hình ảnh đến thế. Dù ở xa quê hương nhưng tác giả vẫn diễn tả như thể mình đang chứng kiến cảnh tượng ấy đang diễn ra. Chính tình yêu quê hương đã giúp tác giả có được những cảm xúc như thế.

Câu 2. Phân tích bốn câu thơ:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
  Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
  Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

Phân tích 2 câu thơ đầu:

- Với làng chài lưới, với những con thuyền ra khơi, cánh buồm có ý nghĩa lớn lao, tượng trưng cho sức đi xa, đồng thời tượng trưng cho cuộc sống lao động của dân làng. Nhìn cánh buồm nghĩ đến mảnh hồn làng, liên tưởng đó thật tự nhiên. Hình ảnh tiếp sau có tính tạo hình rõ rệt: “Rướn” là vươn lên cao với tất cả sức mạnh của mình. Cánh buồm nhìn từ xa như đang cố gắng vươn lên, “rướn thân trắng” để thu góp gió của biển khơi đưa con thuyền ra xa. Cách nhìn ấy là của một họa sĩ tài ba. Nó tạo thêm cho hình ảnh cánh buồm chất hùng tráng và lãng mạn.

- Vẻ đẹp bay bổng, mang ý nghĩa lớn lao: Lối nói ẩn dụ và sự so sánh ở đây vừa vẽ ra chính xác cái hình, vừa cho em nhận được cái hồn của sự vật.

Phân tích 2 câu thơ sau:

Bài thơ tràn đầy những chi tiết thực của đời sống làng chài: tiếng “ồn ào trên bến đỗ”, cảnh người đông đúc “tấp nập đón ghe về”, cảnh “cá đầy ghe”, với “thân bạc trắng”. Nó vẽ lên khung cảnh lao động khẩn trương và yêu đời của những người dân chài. Trên nền chung ấy, nổi bật hình ảnh khỏe mạnh toát ra sức sống mạnh mẽ của người lao động vùng biển:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

Cách tạo dựng hình ảnh bằng cảm xúc bắt nguồn từ thính giác, khứu giác ấy còn đem đến cho bài thơ nhiều hình ảnh mới lạ về cuộc sống làng chài.

- Vẻ đẹp thật giản dị nhưng cũng thật khỏe khoắn, thơ mộng: Tế Hanh đã tạo được bức tượng khỏe khoắn, giàu sức sống của người dân chài. Hình ảnh vừa chân thực, vừa lãng mạn đầy thi vị. Sóng, gió, nắng, nước biển in dấu lên làn da, tạo ra cái “vị xa xăm” nồng nàn trên thân thể người trai xứ biển.

Câu 3. Tình cảm nhà thơ đối với quê hương:

- Trong nỗi nhớ: “luôn tưởng nhớ” - một nỗi nhớ “dây dưa”.

- Điều đặc biệt là nỗi nhớ quê hương là nhớ những ấn tượng làng chài nước xanh, cá bạc, buồm vôi, Con thuyền và mùi nồng mặn của nước biển.

Đó là tất cả màu sắc, hương vị của một làng chài ven biển, nơi tác giả đã tắm cả tuổi thơ làm cho nó không lẫn với bất cứ một quê hương nào khác.

Câu 4. Những nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật:

Quê hương là bài thơ trữ tình, nhưng phần lớn số câu thơ lại chủ yếu là miêu tả.

Phương thức biểu đạt: Đây vẫn là bài thơ trữ tình, mà phương thức biểu đạt bao trùm là biểu cảm, bởi lẽ toàn bộ hệ thống hình ảnh miêu tả chỉ là tái hiện phong cảnh, cuộc sống của người dân làng chài quê hương trong nỗi nhớ của chủ thể trữ tình.

Ngay trong 4 câu thơ khổ kết, tuy phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm, nhưng 2 câu giữa cũng là miêu tả.

Như vậy, yếu tố miêu tả ở đây, dù chiếm một tỉ lệ lớn, vẫn chỉ là phục vụ cho biểu cảm, trữ tình. Mặt khác, ngòi bút miêu tả của tác giả trong bài thơ không khách quan, mà trái lại, thấm đậm cảm xúc chủ quan. Như vậy mới có những so sánh đẹp, bay bổng, đầy lãng mạn, mới có những chỗ sử dụng biện pháp nhân hóa một cách độc đáo, thổi linh hồn vào sự vật, khiến sự vật có một vẻ đẹp, một ý nghĩa, tầm vóc bất ngờ.

III. BÀI VĂN THAM KHAO

Nêu cảm nghĩ về bài thơ Quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

Bài làm

Tế Hanh sinh năm 1921 tại Quảng Ngãi. Bài thơ Quê hương được viết khi ông đang học tại Huế, vào lúc đó ông mới 18 tuổi. Bài thơ có 20 câu, mỗi câu có 8 chữ. Lời thơ trong sáng, hình ảnh sáng tạo, cảm xúc nồng hậu thiết tha. Tình yêu và lòng thương nhớ quê hương của người con xa quê được thể hiện qua những vần thơ đậm đà và giàu hình ảnh.

Hai câu thơ đầu với hai chữ “làng tôi” cho thấy niềm tự hào của tác giả về làng quê của mình. Đó là một làng chài ven biển miền Trung, có sông nước bao la vây quanh. Làng cách xa biển “nửa ngày sông”, một cách tính độ dài dân dã. Chữ “vốn” rất có ý nghĩa trong việc gợi lên một nghề truyền thống lâu đời và chính yếu của người dân quê hương.

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Sáu câu thơ tiếp theo nói về cảnh ra khơi đánh cá của người dân làng chài. Đó là những hình ảnh đẹp, thơ mộng và mạnh mẽ trong những Buổi sáng khi ánh ban mai hừng lên. Các tính từ được dùng rất chọn lọc trong đoạn thơ này đã tạo nên những hình ảnh rất đẹp: trong, nhẹ, hồng. Trong thơ nhỏ nhẹ, tâm tình, như có tiếng reo:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Niềm vui đi chinh phục biển cả và khí thế ra khơi của bà con dân chài được thể hiện qua các hình ảnh về con thuyền, cánh buồm và mái chèo. Chiếc thuyền được ví với con tuấn mã phi nhanh đầy hăng hái. Mái chèo như lưỡi kiếm khổng lồ chém xuống mặt nước. Cánh buồm trắng to như mảnh hồn làng, cách ví von rất sáng tạo nhằm nói lên khí thế lao động và khát vọng về ấm no hạnh phúc của người dân làng chài. Câu thơ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió là một hình ảnh đẹp về cánh buồm to lớn đang căng gió ra khơi xa. Các từ ngữ hăng, phăng, vượt, rướn, thâu góp đã làm nổi bật sức mạnh, niềm tin tưởng tự hào vào khí thế ra khơi của đoàn thuyền đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Hai khổ thơ 8 câu tả cảnh làng chài khi những đoàn thuyền đánh cá quay về bến. Cảnh ồn ào tấp nập của làng chài đã được tác giả khắc họa rất sinh động. Các hình ảnh cá đầy ghe, những con cá tươi ngon thân bạc trắng đã cho thấy một chuyến ra khơi đầy may mắn và bội thu. Ba tiếng nhờ ơn trời là lời cảm tạ thiên nhiên đã mang lại cho người dân những chuyến ra khơi bình yên, cũng như cho con người một nguồn sống. Trời đã cho biển lặng, sóng êm, biển cho nhiều tôm cá, tất cả tạo cho tác giả một niềm hi vọng về cuộc sống tốt đẹp của người dân làng chài. Những câu thơ trong phần này đầy màu sắc và hương vị biển:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Từ nhỏ có lẽ tác giả đã sống với quê hương, sống với những lần đoàn thuyền ra khơi đánh cá và trở về nên mới có được những vần thơ thật sâu sắc và giàu hình ảnh. Dù ở xa quê hương nhưng tác giả vẫn diễn tả như thể mình đang chứng kiến cảnh tượng ấy đang diễn ra. Chính tình yêu quê hương đã giúp tác giả có được những cảm xúc như thế.

Yêu quê hương là yêu mến những chàng trai làng cường tráng có làn da ngăm rám nắng, được tôi luyện trong lao động, trong vị mặn của nước biển quê hương:

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

Yêu làng chài là yêu những con thuyền sau một chuyến ra khơi vất vả, trở về nằm ngủ im lìm trên bến. Con thuyền trong bài thơ đã được nhân hóa nhằm gợi tả cuộc sống lao động vất vả mà yên vui của người dân:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Các chữ im, mỏi, nằm, nghe, thấm dần rất gợi cảm và biểu cảm. Sự chuyển đổi cảm giác tài tình đã tạo nên những vần thơ giàu cảm xúc. Khổ thơ cuối nói lên nỗi nhớ nhung làng chài quê hương của người con xa quê. Nỗi nhớ ấy được diễn tả qua điệp khúc "nhớ" trong các câu thơ:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Nhớ quê hương là nhớ màu xanh của nước, màu bạc tươi ngon của cá màu vôi bạc phếch của cánh buồm, là nhớ con thuyền làng chài rẽ sóng ra khơi, là nhớ cái mùi nồng mặn quá trong hương vị của biển. Chữ thoáng trong câu vừa gợi tả hình bóng con thuyền ra khơi mờ dần nơi cuối biển vừa thể hiện niềm tưởng nhớ trong hoài niệm của tác giả.

Tố Hữu đã ca ngợi thơ Tế Hanh là những câu hát yêu thương, còn nhà thơ Xuân Diệu thì cho rằng nó như một dòng suối nhỏ nhưng là nguồn tình cảm trong lành và bền vững. Đọc bài Quê hương của Tế Hanh ta cảm thấy yêu thơ và tâm hồn thơ của Tế Hanh. Với ông những cảnh sắc về bầu trời, dòng sông, cánh buồm, bến đỗ, con cá... là màu sắc, là hương vị là hình bóng thân yêu của quê nhà. Những nét nhân hóa trong bài thơ Quê hương rất sáng tạo và hấp dẫn người đọc. Đó chính là điểm nhấn giúp bài thơ giàu tình cảm và cảm xúc.

Các bài học liên quan
NHỚ RỪNG - Thế Lữ
Thuyết minh về cây tre.
ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA PHẦN TIẾNG VIỆT
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật