MUỐN LÀM THẰNG CUỘI

Muốn làm thằng Cuội là bài thơ độc đáo, thú vị, giọng thơ nhẹ nhàng, thánh thoát; trí tưởng tượng bay bổng, chất mộng ảo, chất ngông thấm đẫm bài thơ.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Bài thơ nói chuyện nhà thơ chán đời trần thế, muốn làm thằng Cuội lên cung trăng chơi với chị Hằng, thực ra ông muốn giãi bày tâm sự của mình.

Muốn làm thằng Cuội là bài thơ độc đáo, thú vị, giọng thơ nhẹ nhàng, thánh thoát; trí tưởng tượng bay bổng, chất mộng ảo, chất ngông thấm đẫm bài thơ.

Bài thơ có đoạn kết thể hiện sự thoát li, một cách nói phong tình tài hoa như nhận xét: “Thơ của ông là chất thơ trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt tác; với những tư tưởng lâng lâng, với cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mĩ”.

Cái “ngông” của Tản Đà một phần là tính tự nhiên, nhưng một phần cũng là do Tản Đà phải tự tạo để phản ứng với thứ ô trọc giữa cuộc đời.

Tản Đà đã sẵn sàng đánh đổi cái nghèo vật chất để có lấy cái giàu tinh thần. Giữa cái ác, Tản Đà tách ra để đi đến cái thiện. Giữa cái xấu, Tản Đà còn có ý thức lên cái đẹp. Đẹp của con người. Đẹp của văn chương. Đẹp cả trong cách sống. Cho nên, trong cái “ngông” của Tản Đà lại chất chứa ở trong đó, đằng sau đó một nhân cách, một đạo lí làm người, một giá trị nhân bản.
(Thi sĩ Tản Đà - Lê Thanh)

II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)

Câu 1. Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, Tản Đà có tâm trạng chán trần thế vì:

Nhà thơ muốn làm thằng Cuội, lên cung trăng chơi cùng chị Hằng vì ông buồn chán cuộc sống nơi trần thế, thích làm bạn cùng gió cùng trăng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.

Nhà thơ nói chuyện muốn lên chơi với chị Hằng, nhưng thực ra ông muốn giãi bày tâm sự của mình.

- Cái buồn chán là thực trong tâm trạng của Tản Đà.

- Khi đó cuộc sống có nhiều điều đáng buồn chán, nhất là đối với một tâm hồn thi sĩ như ông. Đất nước bị mất chủ quyền, nỗi nhục mất nước vẫn còn đây. Mặt khác, ông buồn vì mình là người tài hoa nhưng số phận nhiều lận đận.

- Vì không đủ sức để thay đổi hiện thực ông muốn thoát ra khỏi nó, muốn làm thằng Cuội lên chơi cung trăng.

Câu 2. Có nhận xét, Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Nghĩa của “ngông”. Phân tích cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội.

- Tản Đà với cách sống dường như nằm giữa cõi mộng và cõi thực, giữa cái tỉnh và cái điên, không giống với một ai, từ lâu đã được mệnh danh là “ngông”. Nhưng thực chất của cái ngông đó là:

Thế gian có bác Tản Đà
Quê hương thì có, cửa nhà thì không
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt li.

Sống giữa cảnh đất nước lầm than và nhố nhăng, Tản Đà không phải không đủ sức tạo cho mình một cuộc sống sung túc, thậm chí giàu sang. Nhưng Tản Đà đã không nhập cuộc. Tản Đà lánh đục theo trong, tự mình tìm kế sinh nhai để rồi gánh chịu sự túng quẫn suốt đời, nhất là trong những năm cuối đời. Ông sẵn sàng đánh đổi cái nghèo vật chất để có lấy cái giàu tinh thần.

- Đó chính là cái “ngông” của Tản Đà mà người đời từ lâu đã tinh ý nhận ra để không những không ghét, không khó chịu, lại còn lấy làm vui, làm quý, bởi ẩn sau đó là nhân cách, là đạo lí làm người, là giá trị nhân bản.

- Cái “ngông” của Tản Đà mỗi phần là cá tính tự nhiên, nhưng một phần cũng là do Tản Đà phải tự tạo để phản ứng với thứ ô trọc giữa cuộc đời.

Câu 3. Hình ảnh cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thế gian cười, Ý nghĩa của cái cười ở đây.

Cái “ngông” của Tản Đà trong bài thơ tập trung chủ yếu ở câu cuối:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười

Ở đây ông tự cho mình là người ở vị trí cao hơn tất cả, còn cuộc sống nơi trần thế chỉ là trần tục, thấp hèn, đáng cười. Ông cười tất cả. Đó chính là cái “ngông” của Tản Đà và cũng chính là ý nghĩa của cái cười trong câu thơ.

Câu 4. Những yếu tố nghệ thuật đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ:

Muốn làm thằng Cuội là bài thơ độc đáo, thú vị, giọng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát. Trí tưởng tượng lại phong phú kì diệu. Chất mộng ảo, chất ngông thấm đẫm bài thơ.

Yếu tố làm nên sức hấp dẫn của bài thơ chính là sự tưởng tượng bay bổng của một tâm hồn thi sĩ lãng mạn.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Câu 1. Nhận xét về phép đối trong các câu 3, 4, và 5, 6:

* Phép đối trong hai câu 3, 4: Nhà thơ cất tiếng hỏi:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Nhưng không đợi trả lời, mà là để ngỏ lời:

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Phép đối ở đây không phải là sự trao đổi giữa hai người mà chỉ có nhà thơ “Cung quế" đối với "Cành đa", “ngồi đó chửa” đối với “nhắc lên chơi”.

* Phép đối trong hai câu 5, 6: Phép đối ở đây diễn ra rất tế nhị:

Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

- “Bầu bạn” với "gió mây"

- “Can chi tủi” với “thế mới vui" rất chỉnh.

Lời thơ tuy có phong tình nhưng vẫn không buông thả, thi sĩ thoát khỏi trần thế ngột ngạt, tầm thường để đến một nơi khác lạ. Ở nơi trần thế, thi sĩ cô đơn không có bầu bạn, không có tri âm tri kỉ, điều đó thật là tủi cực. Nay lên cung trăng với chị Hằng và tha hồ mở lòng ra “cùng gió, cùng mây” và theo ông "thế mới vui". Nghĩa là giải tỏa được nỗi buồn chán trong lòng.

Phép đối ở những câu thơ trên rất tế nhị, nhẹ nhàng mà vẫn làm nổi bật được sắc thái biểu cảm.

Cách nối ở hai câu 5, 6 không có dấu hiệu về ham muốn vật chất tầm thường, chỉ có ý nghĩa trân trọng những giá trị tinh thần cao đẹp.

Câu 2. So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bài thơ này với bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy có nhiều điều thú vị.

Ở bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy giàu nhạc điệu, tạo nên vẻ đài các, trang nhã rất chuẩn mực của thơ Đường. Nghệ thuật dùng từ và diễn tả tài tình, đọc lên có một cảm giác bâng khuâng một nỗi buồn man mác.

Nhà thơ đã sử dụng thành thạo các từ láy, từ tượng hình, tượng thanh, cách chơi chữ đồng âm trong thơ.

Ở bài thơ Muốn làm thằng Cuội, ta thấy giai điệu thật nhẹ nhàng, thanh thoát, pha chút tình tứ hóm hỉnh, có nét phóng túng, ngông nghênh của một hồn thơ lãng mạn. Lời thơ giản dị trong sáng gần với những lời nói thường.

Luật vẫn chặt chẽ nhưng không còn là thứ trói buộc tâm hồn thi sĩ, tâm sự cứ tự nhiên tuôn chảy như không hề câu nệ một khuôn sáo nào. Sức hấp dẫn của bài thơ chính là ở đó.

Vẫn số câu, số chữ ấy, ý tứ vẫn hàm súc, chất chứa tâm trạng, nhưng nó không mực thước, trang trọng, đăng đối như bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

IV. BÀI VĂN THAM KHẢO

Cảm nhận bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà.

Bài làm

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) là gương mặt đặc biệt trên thi đàn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, người đã mang đến một làn gió lạ cho thơ ca Việt Nam, với cái ngông nghênh khinh bạc của nhà Nho cuối cùng và người tiên phong cho thi ca vào con đường chuyên nghiệp. Tình say, ý lạ, từ mới chưa làm nên một Tản Đà, mà điều chủ yếu là sự thành thực tự nhiên trong cảm xúc, ngay cả khi thi nhân chìm đắm vào cõi mộng. Những “khối tình”, những “giấc mộng” làm nên một phần văn nghiệp Tản Đà. Muốn làm thằng Cuội là một sự kết hợp của mộng và tình, để ta nhận ra chân dung của con người dám lấy cái ngông như một sự thách thức với cuộc đời ô trọc.

Tản Đà đã có vinh dự là người “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa” (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam). Cung bậc của tiếng đàn ấy là của một tâm hồn phóng túng không bị câu thúc trong lối văn trường ốc, có cái bay bổng của vị “trích tiên” tự coi mình là người lạc bước chốn trần gian. Thơ Tản Đà có một không gian riêng với Tây Thi, Dương Quý Phi, Chức Nữ, Hằng Nga, những giai nhân “hồng nhan tri kỉ” với khách tài tử phong lưu. Người đời đã cho Tản Đà là “ngông”, nhưng cần phải hiểu đó cũng chính là thái độ của ông phản ứng lại xã hội thực dân phong kiến vốn có quá nhiều điều khiến ông chán ngán buồn bực. Muốn làm thằng Cuội chính là một phản ứng như vậy.

Dường như đối với Tản Đà, mùa thu cũng tạo nên nhiều duyên nợ. Từ khoảnh khắc “Vèo trông lá rụng đầy sân” để nhận ra công danh như một thoáng chốc, đến đêm thu chìm đắm trong mối sầu, thi nhân đã để cho những tâm tình bộc bạch cùng trời đất:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.

Lại một đêm thu, lần này nhà thơ tìm đến với “chị Hằng”. Mà lạ, không phải với cái cuồng vọng đòi cưới Hằng Nga mà lại là một chút khép mình xưng “em” rất ngọt! Cậu ấm Hiếu đã mỏi mệt với những muộn phiền trần thế, nên thở ra một giọng chán đời chăng? Cái buồn cố hữu của mùa thu khiến nhà thơ buồn, hay ánh trăng đối diện với con người gợi ra cảm giác lẻ loi đến mênh mông? Tản Đà đã đến với trăng không phải bằng tư thế “đối diện đàm tâm” - nhìn nhau chuyện trò trong im lặng bằng sự cảm thông của đôi lòng, ông đã thốt lên lời tha thiết nhắn nhủ “chị Hằng ơi!”. Nỗi buồn trần thế tràn ngập đêm thu, từ trong tỏa ra chứ không phải do “gió thu lạnh - sương thu bạch - khói thu xây thành” như câu thơ trong "Cảm thu, tiễn thu" mà thi sĩ chạnh lòng. Điều khiển chứ không phải là “chán hết rồi”, Chán nửa có nghĩa là chưa chán hẳn, còn thiết tha với cõi đời. Vậy là thi nhân mâu thuẫn với chính mình, giữa ước muốn thoát li hẳn đời như các thi nhân xưa muốn về với cõi tiên “lánh đục tìm trong” và tâm nguyện ở lại với đời để làm tròn “thiên lương” giúp ích cho dân chúng. Đã có lần nhà thơ băn khoăn với câu hỏi “Đời đáng chán hay là không đáng chán?” với bạn tri âm. Nhưng phút này đây, tri âm vắng bóng để nhà thơ vọng về trăng tâm sự với chị Hằng.

Trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt của nhà thơ đã làm nên một ước vọng cao vời:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Hai câu thực làm rõ cho ước muốn của Tản Đà: muốn làm thằng cuội Cung quế, cành đa để gợi nhắc câu chuyện cổ tích nhưng dường như ở sự so sánh ngầm trong ý thơ: ở cõi trần gian, “trích tiên” Tản Đà đang cô đơn trong nỗi buồn của chính mình, còn nơi cung Quảng, Hằng Nga cũng đang cô đơn như khách trần gian. Hành trình tưởng tượng của nhà thơ đã ngược về với thời gian cổ tích, để nhà thơ hóa thân vào chú Cuội. Duy chỉ có khác một chi tiết nhỏ: ngày xưa Cuội bám cành đa thần để bay lên trăng, còn hiện tại thì cành đa ấy lại là chiếc thang đón hồn thi nhân lên cung quế. Nghĩa là Tản Đà đến với Hằng Nga để thay thế vai trò chú Cuội. Câu thơ có một chút hóm hỉnh trong ý tứ, nhưng đó là cách cắt nghĩa cho tính chất cuộc gặp gỡ đặc biệt này: giữa Hằng Nga và Tản Đà là mối quan hệ của hai tâm hồn cô đơn đang cần tìm đến nhau. Tản Đà “xin” mà không cầu lụy, bởi lẽ khi hướng về “cung quế”, có lẽ thi nhân cùng hiểu thấu nỗi niềm Hằng Nga chăng?

Bởi thế, hai câu luận là sự sẻ chia của đôi hồn cô đơn:

Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui.

Bản chất đa tình của thi sĩ đã hé lộ. Câu thơ không phải chỉ diễn tả tâm trạng từ một phía, vì nếu như vậy chẳng hóa ra thi sĩ lên trăng chỉ là giải thoát cho nỗi buồn bực của riêng mình? Cái nồng nàn trong tình ý câu thơ chính là ở chỗ nhà thơ cùng lúc diễn tả hai tâm trạng: một là của Hằng Nga - người cung Quảng Hàn, một là của Tản Đà - người trần thế. Nét phóng khoáng tâm hồn thi nhân đâu chỉ là cái ước vọng lên trăng để vượt thoát cảnh trần đầy chán ngán, mà chính là khi được làm chú Cuội nghĩa là được làm bạn cùng san sớt nỗi buồn với giai nhân cung quế. Có như vậy mới thật sự là tri âm tri kỉ! Cái độc đáo Tản Đà chính là ở chỗ cảm nhận được nỗi u buồn của Hằng Nga trong không gian quạnh quẽ chốn Quảng Hàn. Cũng như đã có lần nhà thơ phát hiện giữa cõi tiên tấm lòng trần gian của tiên nữ:

Lá đào rơi rắc chốn Thiên Thai
Suối tiên, oanh đưa luống ngậm ngùi

(Tống biệt)

Cảnh tiên cũng buồn, nên thi nhân lên với cõi tiên là để chia sẻ cùng người tiên chút tình nồng dương gian của người - cõi - tục. Đồng thời khi được “cùng gió cùng mây” không vướng bận những lo toan trần thế, con người cũng được giải thoát khỏi nỗi sầu vô hình đè nặng. Tìm về cõi mộng là cách để phá tan thành sầu ở cõi thực, nỗi sầu như thi nhân đã từng cảm nhận: “Từ độ sầu đến nay, ngày nào cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối, chém làm sao cho dứt; sầu không có khôi, đập sao cho tan...” (Giải sầu). Trong nỗi sầu của nhà thơ, ta nhận ra những ám ảnh thời thế, nhắn thế và trần thế. Bầu bạn cùng chị Hằng, phải chăng là lúc nhà thơ thật sự thoát khỏi những ám ảnh ấy khi được cận kề hồng nhan
tri kỉ:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười

Bài thơ được mở đầu bằng lời than “buồn lắm”, kết lại bằng nụ cười đêm rằm tháng Tám. Niềm vui thay thế nỗi buồn khi những tấm lòng tri kỉ đã gặp gỡ được nhau. Cảm hứng của bài thơ trọn vẹn với hình ảnh trăng thu tuyệt đẹp lay thức giấc mơ của bao kẻ muốn lánh đời thoát tục. Nhưng nếu chỉ có vậy thì cảm hứng bài thơ chưa vượt thoát khỏi khuôn sáo cũ mòn của thơ xưa. Cái tình tứ “tựa nhau” đã làm hiện rõ chất lãng mạn độc đáo của tâm hồn nhà thơ. Có lẽ chưa ai trước Tản Đà lại có sự liên tưởng táo bạo đến thế! Câu chữ khéo léo, ý tình dào dạt của Tản Đà đã làm nên nét nghĩa mới của hình tượng: chú Cuội - Hằng Nga trong cổ tích đã hóa thân thành đôi lứa khăng khít Tản Đà tài tử và Hằng Nga giai nhân. Nhưng cõi trần “chán nửa” vẫn hiện diện cùng khoảnh khắc “trông xuống thế gian” của đôi lứa tâm đầu ý hợp, làm nên nụ cười “rất Tản Đà”. Cười cho trò đời bon chen, cười trước tình đời nhạt nhẽo, và trên hết là nụ cười của kẻ vẫn còn nặng lòng trần thế, canh cánh trong hồn thiên chức nhà văn: “Hai chữ thiên lương thằng Hiếu nhớ”. Phải chăng nụ cười ấy ẩn chứa một thông điệp hướng về tương lai rạng rỡ niềm vui? Và cũng vì thế mà trăng phải là “rằm tháng tám”, vằng vặc, tròn đầy, trong trẻo. Tắm mình trong ánh sáng dịu dàng giữa nơi cung quế là cả một tâm hồn thi nhân bay bổng tuyệt vời, thăng hoa cùng vẻ đẹp tuyệt đối của “nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”.

Bài thơ cho ta nhận ra một chân dung tâm hồn Tản Đà: phóng khoáng, đa tình, nhiều mộng tưởng mà vẫn vướng vít những ưu tư trần thế. Con người ấy muốn giữ trọn “thiên lương” giữa cuộc đời ô trọc nên phải đắm chìm trong những “giấc mộng con” để sống thành thực với chính mình và với cuộc đời. Ta chợt nhận ra một nhân cách cao quý không bị vẩn đục bởi những toan tính vụ lợi tầm thường, một con người “đi qua cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX” mà vẫn giữ trọn “linh hồn cao khiết”.

Muốn làm thằng Cuội cũng như bao bài thơ bộc bạch tâm tư của Tản Đà giúp ta hiểu thêm về một con người đã dám phô bày cái tôi đầy cá tính của mình với người đời không cần giấu giếm, như là một cách để đối lập với cả một xã hội thực dân - phong kiến. Tác phẩm góp thêm luồng sinh khí cho cảm hứng lãng mạn, với trí tưởng tượng bay bổng và cảm xúc mãnh liệt, sẽ phát triển mạnh mẽ trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945.

Các bài học liên quan
THUYẾT MINH VỀ MỘT THỂ LOẠI VĂN HỌC
Thuyết minh về một giống vật nuôi.
Thuyết minh về đôi dép lốp (cao su) trong kháng chiến.
Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam.
LUYỆN NÓI: THUYẾT MINH VỀ MỘT THỨ ĐỒ DÙNG
DẤU NGOẶC KÉP

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật