BÀN LUẬN VỀ PHÉP HỌC (Luận học pháp)

Bàn luận về phép học giúp ta hiểu được mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, góp phần làm hưng thịnh đất nước, chứ không phải để cầu danh lợi. Muốn học tốt phải có phương pháp, học cho rộng nhưng phải nắm cho gọn, đặc biệt, học đi đôi với hành.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Bàn luận về phép học là văn bản trích từ bài tấu của Nguyễn Thiếp gửi cho vua Quang Trung vào tháng 8 năm 1791. Lúc bấy giờ Nguyễn Thiếp đang làm ở Viện Sùng Chính, phụ trách việc biên soạn sách và xây dựng Phượng Hoàng Trung đô ở Nghệ An. Bài tấu thể hiện tấm lòng của Nguyễn Thiếp đối với việc chấn hưng nền học thuật nước nhà. Mục đích cao cả của ông là nhằm mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Bàn luận về phép học giúp ta hiểu được mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, góp phần làm hưng thịnh đất nước, chứ không phải để cầu danh lợi. Muốn học tốt phải có phương pháp, học cho rộng nhưng phải nắm cho gọn, đặc biệt, học đi đôi với hành.

II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)

Câu 1. Phần đầu tác giả nêu khái quát mục đích chân chính của việc học, đó là học để làm người.

Tác giả đã dùng câu châm ngôn vừa dễ hiểu, vừa tăng thêm sức thuyết phục: “Ngọc không mài, không thành đồ vật, người không học, không hiểu rõ đạo”. Khái niệm học được so sánh cụ thể nên dễ hiểu, dễ cảm nhận.

Khái niệm đạo vốn trừu tượng, phức tạp được giải thích thật ngắn gọn, rõ ràng.

Câu 2. Tác giả đã phê phán những lối học lệch lạc, sai trái:

Sau khi xác định mục đích của việc học, tác giả lấy xã hội đương thời để soi sáng và phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong việc học: lối học để có danh tiếng, được trọng vọng, được nhàn nhã, được nhiều lợi lộc.

Tác hại của lối học lệch lạc đỏ là chúa tầm thường, thần nịnh hót, người trên kẻ dưới thích sự chạy chọt, luồn cúi, không có thực chất, dẫn đến cầu danh lợi, là học thuộc lòng câu chữ mà không hiểu nội dung, chỉ có danh lợi mà không có thực chất.

Câu 3. Để khuyến khích việc học, Nguyễn Thiếp khuyên vua Quang Trung mở thêm trường, mở rộng thành phần người học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Việc học phải bắt đầu từ trả lời những câu hỏi có tính chất nền tảng.

Câu 4. Bài tấu có đoạn bàn về phép học, đó là những phép học:

- Tuần tự tiến lên từ thấp đến cao.

- Học rộng nghĩ sâu, biết tóm lược những điều cơ bản, cốt yếu nhất.

- Học phải biết kết hợp với hành. Học không phải chỉ để biết mà còn để làm.

Từ thực tế việc học của bản thân em thấy phương pháp học: từ thấp đến cao và học phải biết kết hợp với hành là tốt nhất. Đây là cốt lõi của việc học, vì có như thế thì việc học mới có ý nghĩa thiết thực với sự việc phát triển xã hội, đất nước có nhiều nhân tài, chế độ mới vững mạnh, quốc gia hưng thịnh.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện một phương pháp giáo dục mà Bác Hồ đã nêu: Học đi đôi với hành, học có liên hệ với thực tế, học để phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Như vậy nhiệt tâm của La Sơn Phu Tử đối với nước, với dân, với sự nghiệp “trồng người” đã để lại điều hay cho hậu thế.

Câu 5. Học sinh tự giải

III. BÀI VĂN THAM KHẢO

Phân tích văn bản Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp.

Bài làm

Bài tấu Bàn luận về phép học được Nguyễn Thiếp viết khi đang giữ trọng trách Viện trưởng Viện Sùng Chính phụ trách việc biên soạn sách và xây dựng việc học hành thời vua Quang Trung.

Cũng như các văn trình tấu khác, ông mở đầu bằng cách nhắc lại những điều giáo huấn cổ xưa: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”. Ông đã nêu ý nghĩa và vai trò của học vấn, rồi than phiền: “nền chính học đã thất truyền” và nêu ra các hiện tượng đáng trách như: “đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi”, có thường đạo lí, “không còn biết tam cương ngũ thường”. Thậm chí ông chỉ ra cái cảnh nhà dột từ nóc: “chúa trọng nịnh thần”.

Như vậy ở phần này ta thấy khái niệm của Nguyễn Thiếp về vai trò học tập là tiến bộ, trong sáng.

Sang phần thứ hai, ông đề cập đến nội dung và phương pháp học: “Học ở đâu? Học cái gì? Học như thế nào?”. Quan điểm của ông là “trường học của phủ, huyện, các trường tư, con cháu các nhà văn võ thuộc lại ở các trấn cựu triều đều tùy đâu tiện đấy mà đi học”.

Bài tấu có đoạn trình bày về “phép học”. Nguyễn Thiếp khẳng định: “phép dạy nhất định theo Chu Tử. Lúc đầu học Tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử”.

Ở đây ta thấy đề cập của Nguyễn Thiếp về nội dung học tập không có gì mới. Ông chưa vượt qua được những hạn chế của lịch sử và thời đại, vẫn còn tôn thờ sách Tàu đã tồn tại mấy ngàn năm, chưa chú ý hướng tới khoa học.

Nhưng phần nói về phương pháp học thì có ý kiến rất xác đáng. Đó là coi trọng vấn đề thiết yếu cơ bản: “lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc”, sau đó. “học rộng rồi tóm lược cho gọn”. Học sẽ đi đôi với hành: “theo điều học mà làm”. Từ đó ta thấy lòng mong ước của ông rất đẹp đẽ, chân thành: “Họa may kẻ nhân tài mới lập được công. Nhà nước vì thế mà vững yên”.

Đây là điều đúng đắn, một phép học tốt nhất vì không phải chỉ phù hợp với nhà nước phong kiến lúc đó, mà cả đến sau này nữa.

Phần cuối, tác giả giãi bày tấm lòng của mình qua những lời khuyên nhà vua chấn hưng việc học. Ông khẳng định tầm quan trọng của việc học, đạo học: “Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”. Rõ ràng đây là những lời nói chân tình có ý nghĩa chiến lược “trồng người”.

Về nghệ thuật, bài tấu là một bài văn nghị luận trình bày theo phương pháp diễn dịch. Các luận điểm đặt ra trong bài rất rõ ràng và có kĩ năng, làm người đọc dễ cảm nhận.

Các bài học liên quan
HÀNH ĐỘNG NÓI
HỊCH TƯỚNG SĨ - Trần Quốc Tuấn
CHƯƠNG TRÌNH ĐỊA PHƯƠNG (Phần Tập làm văn)
CÂU PHỦ ĐỊNH
CHIẾU DỜI ĐÔ (Thiên đồ chiếu) - Lí Công Uẩn
Thuyết minh về truyện ngắn.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật