THUẾ MÁU (trích Bản án chế độ thực dân Pháp) - Nguyễn Ái Quốc

Đoạn trích Thuế máu được rút trong chương I của Bản án chế độ thực dân Pháp. Các tiêu đề trong phần này lần lượt là Chiến tranh và người bản xứ; Chế độ lính tình nguyện; Kết quả của sự hi sinh. Phần đầu trong văn bản chính là mục Chiến tranh và người bản xứ. Phần này nói về tình cảnh của những người An-nam-mít và những người nô lệ da đen phải làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân Pháp và bị đối xử một cách vô cùng tàn nhẫn.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp được Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp trong thời gian Người ở Pháp và được xuất bản lần đầu tiên tại Pari vào năm 1925. Tác phẩm đã tố cáo và kết án những tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân Pháp đồng thời phản ánh cuộc sống tủi nhục đau thương của những người dân nô lệ ở các xứ thuộc địa trên thế giới.

Đoạn trích Thuế máu được rút trong chương I của Bản án chế độ thực dân Pháp. Các tiêu đề trong phần này lần lượt là Chiến tranh và người bản xứ; Chế độ lính tình nguyện; Kết quả của sự hi sinh. Phần đầu trong văn bản chính là mục Chiến tranh và người bản xứ. Phần này nói về tình cảnh của những người An-nam-mít và những người nô lệ da đen phải làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân Pháp và bị đối xử một cách vô cùng tàn nhẫn.

Trong suốt 80 năm thống trị nước ta, thực dân Pháp đã đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí nhằm bóc lột dân ta đến tận xương tủy. Khi đọc đoạn trích Thuế máu chúng ta được biết thêm một loại thuế có một không hai mà bọn thực dân đặt lên đầu nhân dân ta.

Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật như tương phản đối lập, kết hợp miêu tả với bình luận, sử dụng số liệu… đặc biệt là giọng văn chua cay, châm biếm, mỉa mai để vạch trần và lên án những tội ác của bọn thực dân.

Bản án chế độ thực dân Pháp là một tác phẩm chính luận giàu tính chất tố cáo và luận chiến có giá trị thức tỉnh đặc sắc.

II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)

Câu 1. Cách đặt tên chương, tên các phần trong văn bản:

Thuế máu là cách gọi của Nguyễn Ái Quốc. Cái tên đã gợi lên một phần sự bi thảm của người dân thuộc địa. Trong đó bao hàm cả nỗi khổ đau, lòng căm phẫn, thái độ đối với tội ác của bọn xâm lược Pháp.

Câu 2. So sánh thái độ của các quan cai trị thực dân:

- Trước chiến tranh, người An Nam bị xem là giống người hạ đẳng, là những tên An-nam-mít bẩn thỉu, bị đánh đập, đối xử như súc vật.

- Khi cuộc chiến tranh bùng nổ, lập tức họ được các quan cai trị tâng bốc, vỗ về, được phong cho các danh hiệu cao quý như con yêu, bạn hiền.

Điều này đã nói lên thủ đoạn lừa bịp bỉ ổi của các quan cai trị, các phụ mẫu nhân hậu. Sự lừa bịp đó nhằm đổ toàn quyền lớn, toàn quyền bé biến dân thuộc địa thành bia đỡ đạn.

Số phận thảm thương của người dân thuộc địa trong cuộc chiến tranh phi nghĩa được miêu tả rất cụ thể:

- Họ phải đột ngột xa gia đình, quê hương vì mục đích vô nghĩa, đem mạng sống đổi lấy vinh dự hão huyền.

- Tác giả kể ra biết bao cái chết thảm thương của người lính thuộc địa trên chiến trường.

- Tác giả dùng giọng điệu vừa châm biếm vừa xót xa: đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mác nơi lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy, hoặc lấy xương mình chạm trên những chiếc gậy của các ngài thống chế.

- Có người tuy không trực tiếp ra trận nhưng phải làm những công việc phục vụ chiến tranh. Những kẻ khốn nạn ấy đã khạc ra từng miếng phổi! Đó là sự trả giá rùng rợn của dân bản xứ đối với chiến tranh.

- Tác giả đã đưa ra con số đáng chú ý về số người bản xứ đã bỏ mình trên đất Pháp mấy năm nay trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

Câu 3. Các thủ đoạn mánh khóe bắt lính của thực dân:

- Chúng tiến hành vây ráp và cưỡng bức người ta phải đi lính.

- Lợi dụng việc bắt lính để dọa nạt, xoay xở kiếm tiền đôi với nhà giàu có máu mặt.

- Nhốt người như nhốt súc vật, sẵn sàng đàn áp dã man nếu chống đối lại.

- Trong khi tiến hành làm những việc trôn thì bọn cầm quyền vẫn rêu rao rằng người dân thuộc địa tự nguyện đầu quân.

- Lời tuyên bố trịnh trọng của toàn quyền chỉ càng bộc lộ sự lừa bịp trơ trẽn.

Người dân thuộc địa có thật tình nguyện:

Người dân thuộc địa trốn tránh, có người tự làm cho mình nhiễm phải bệnh nặng, nếu không có tiền xì ra.

Câu 4. Kết quả sự hình sinh của người dân thuộc địa trong các cuộc chiến tranh: Sự hi sinh của người dân thuộc địa trong các cuộc chiến tranh và cách đối xử của chính quyền đối với họ đã được phơi bày trong đoạn trích Thuế máu.

- Khi chiến tranh chấm dứt thì những lời tuyên bố bịp bợm cũng chấm dứt. Những người lính thuộc địa sống sót trở về lại mặc nhiên trở lại giống người hèn hạ.

- Bộ mặt tráo trở, tàn nhẫn của chính quyền thực dân bộc lộ trắng trợn, hèn kém, họ tước đoạt tất cả của cải mà người lính thuộc địa mua sắm được. Trong khi đó thì người anh hùng hôm nào lại bị đối xử tàn tệ, đánh đập thô bỉ như đối với súc vật.

- Khốn nạn hơn nữa, sự hi sinh của người dân thuộc địa không hề mang lại lợi ích gì cho họ. Bọn thực dân còn gây thêm tội ác là cấp thẻ môn bài bán lẻ thuốc phiện cho thương binh người Pháp và vợ con của tử sĩ người Pháp để reo rắc, đầu độc dân bản xứ.

Câu 5.

a. Nhận xét về trình tự bố cục các phần trong chương “Thuế máu”.

Ba phần của chương Thuế máu được bố cục theo trình tự thời gian:

- Trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất

- Trong khi xảy ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

- Sau khi xảy ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Với cách sắp xếp này, bộ mặt giả nhân giả nghĩa, trơ trẽn, bản chất tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp xung quanh việc bóc lột “thuế máu” được phơi bày toàn diện, triệt để. Mặt khác, thân phận thảm thương của người dân nô lệ ở các xứ thuộc địa cũng được miêu tả một cách cụ thể, sinh động.

b. Phân tích nghệ thuật châm biếm, đả kích sắc sảo tài tình của tác giả thể hiện qua cách xây dựng hình ảnh, giọng điệu.

Nghệ thuật châm biếm ảnh được xây dựng có tính xác thực, phản ánh chính xác tình trạng thực dân Pháp bóc lột nhân dân ta. Bản thân các hình ảnh ấy đã mang tính lí lẽ không thể chối cãi.

- Vừa xác thực, các hình ảnh trong tác phẩm vừa mang tính chất châm biếm, trào phúng sắc sảo và xót xa. Nhiều hình ảnh, nhất là ở phần Chiến tranh và người bản xứ, mang đậm sự mỉa mai chua chát, cay đắng cho số phận thảm thương của người lính thuộc địa.

- Gắn với hình ảnh, ngôn từ trong đoạn trích cũng mang màu sắc trào phúng, châm biếm: con yêu, chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do, lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế, lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy, vật liệu biết nói...

- Giọng điệu trào phúng đặc sắc:

+ Giọng điệu giễu cợt, mỉa mai: ấy thế mà, đùng một cái,...

+ Nhắc lại những mĩ từ, danh hiệu hào nhoáng mà chính quyền thực dân khoác cho người lính thuộc địa để đả kích bản chất lừa bịp, trơ trẽn của chúng.

+ Sử dụng rất thành công giọng điệu giễu nhại, nghệ thuật phản bác. Dùng liên tiếp các câu hỏi để nêu lên sự thật phũ phàng, đập lại lời lẽ bịp bợm của bọn cầm quyền.

Câu 6. Yếu tố biểu cảm trong đoạn trích:

- Sử dụng có hiệu quả biện pháp thuật kể để nêu ra những câu chuyện, những bằng chứng rõ ràng.

+ Các câu chuyện, các sự kiện, con số được nêu ra đều lấy từ thực tế sinh động nên không thể chối cãi.

+ Để tăng tính xác thực, tác giả còn dẫn ra ý kiên của người khác hay lời lẽ của chính đối tượng đả kích.

- Các hình ảnh được xây dựng mang tính biểu cảm cao:

+ Làm toát lên số phận đáng thương của người dân thuộc địa, bộ mặt giả nhân, giả nghĩa, bỉ ổi của chính quyền thực dân.

+ Hệ thống hình ảnh và giọng điệu của tác phẩm khiến người đọc thêm căm phẫn kẻ thống trị tàn ác, có niềm xót xa, thương cảm cho thân phận người dân nô lệ bị lợi dụng, bị bóc lột bằng “thuế máu”.

- Trong đoạn trích, yếu tố tự sự và yếu tố biểu cảm được kết hợp chặt chẽ, hài hòa.

III. BÀI VĂN THAM KHẢO

Chương Thuế máu trong Bản án chế độ thực dân Pháp đã xây dựng hình tượng khái quát về tên thực dân quỷ quyệt ghê tởm.

Bài làm

Bản án chế độ thực dân Pháp in lần đầu năm 1925, đến nay đã 8 năm trôi qua, nhưng nó vẫn làm bức xúc trước bao tội ác vô cùng dã man của bọn thực dân Pháp, xót xa trước nỗi thống khổ của những người nô lệ da màu, những Nê-gơ-rô, những An-nam-mít.

Đặc biệt chương Thuế máu đã xây dựng hình tượng khái quát về tên thực dân quỷ quyệt, ghê tởm đầy ấn tượng.

Trong những thế kỉ trước, với tàu chiến và đại bác, thực dân Pháp đã xâm lược nhiều nước châu Phi, châu Á. Chúng đã mượn lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái” đi xâm lược, nô dịch các dân tộc, bóc lột, áp bức dã man những người nô lệ “bản xứ”. Nhưng chúng vẫn rêu rao là “khai hóa”, là “bảo hộ”. Nguyễn Ái Quốc qua chương “Thuế máu” đã vạch trần, tố cáo, lên án tội ác tày trời của những công sứ, những tên toàn quyền bụng phệ!

Bọn thực dân Pháp rất xảo quyệt, tàn bạo và quắt quay. Dưới con mắt chúng, dân bản xứ chỉ là những tên da đen “bẩn thỉu”, những tên “An-nam-mít” “bẩn thỉu” được chúng đối xử bằng dùi cui, bằng roi vọt. Chúng khinh miệt cho rằng họ “chỉ biết kéo xe tay” và “ăn đòn” của các quan cai trị! Thế nhưng khi chiến tranh bùng nổ, để bắt được nhiều lính đi làm bia đỡ đạn, chúng đã quay ngoắt 180°, dùng những lời lẽ ngọt ngào, dụ dỗ, bịp bợm. Những nô lệ “bẩn thỉu” và khốn nạn ấy “lập tức” được bọn quan lại thực dân “biến thành” những “con yêu” của “nước mẹ”, những "bạn hiền" của các ông Tây bà đầm, những “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”. Thật mỉa mai là “những chiến sĩ” vĩ đại ấy chưa bao giờ được hưởng một tí công lí và tự do nào. Thương thay cho họ phải trả giá bằng nước mắt và xương máu. Phải “xa lìa” vợ con, phải “rời bỏ” mảnh ruộng đàn cừu. Phải làm mồi cho thủy lôi. Phải “bỏ xác” trên vùng Ban-Căng hoang vu. Xương máu của những kẻ làm bia đỡ đạn thật vô lí, vô nghĩa, hoặc “tưới những vòng nguyệt quế của cấp chỉ huy”, hoặc “chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”. Những lính thợ phải “làm kiệt sức”, “bị nhiễm những luồng khí độc đỏ ối”, phải “khạc ra từng miếng phổi”. Nguyễn Ai Quốc đã nêu lên sự thật, những con số nói lên chiến tích đánh “thuế máu” của thực dân Pháp; bảy mươi vạn người bản xứ được đi nộp “thuế máu”, trong đó có tám vạn người phải bỏ xác trên các bãi chiến trường châu u “không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình”.

Chiến tranh kết thúc, khi đại bác “đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi” thì bọn cầm quyền thực dân “bỗng dưng im bặt như có phép lạ”. Những kẻ đi nộp “thuế máu” có may mắn sống sót trở về, cả người Nê-gơ-rô lẫn người “An-nam-mít”, lại trở lại “giống người bẩn thỉu”. Họ bị bọn thực dân “lột hết” tất cả của cải của họ, từ cái đồng hồ, đến bộ quần áo mới. Họ bị đẩy xuống tàu về nước, bị đối xử như súc vật... và bọn quan cai trị đã “đón chào” họ bằng một bài diễn văn “yêu nước”. “Các anh đã bảo vệ Tổ quốc”, thế là tốt, bây giờ chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi! Giọng lưỡi ấy đã thể hiện bản chất trơ tráo, đểu cáng của bọn thực dân Pháp.

Hình ảnh tên thực dân quỷ quyệt, ghê tởm đã bị tác giả vạch mặt và lên án qua cảnh bắt lính. Chúng đã từng bắt dân nô lệ Đông Dương mua rượu và thuốc phiện “theo lệnh quan trên”, chúng từng "bóp nặn" họ bằng mọi thứ sưu thuế, tạp dịch. Chiến tranh bùng nổ, thực dân đã “tiến hành những cuộc lùng ráp lớn về nhân lực trên toàn cõi Đông Dương”. Hàng vạn người “bị bắt đều bị nhốt vào các trại lính”. Để có nhiều “vật liệu biết nói”, các vị “chúa tinh” - những viên công sứ ở Đông Dương ra lệnh cho bọn quan lại dưới quyền phải tìm mọi cách “xoay xở” để “trong một thời hạn nhất định phải nộp cho đủ một số người nhất định” được vinh hạnh đi nộp “thuế máu”. Kẻ nghèo khổ bị bắt làm bia đỡ đạn thì can tâm “chịu chết”, còn con cái nhà giàu thì “đi lính tình nguyện hoặc xì ra tiền”. Để “đền đáp” công ơn các thương binh người Pháp và vợ của các tử sĩ người Pháp, bọn thực dân đã “ưu đãi”, cấp môn bài bán thuốc phiện cho họ.

Bản án chế độ thực dân Pháp là một tác phẩm chính luận giàu tính chất tố cáo và luận chiến có giá trị thức tỉnh đặc sắc.

Các bài học liên quan
VIẾT ĐOẠN VĂN TRÌNH BÀY LUẬN ĐIỂM
BÀN LUẬN VỀ PHÉP HỌC (Luận học pháp)
ÔN TẬP VỀ LUẬN ĐIỂM
HÀNH ĐỘNG NÓI (tiếp theo)
HÀNH ĐỘNG NÓI

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật