Trong bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh có một thế giới trăng đầy lãng mạn. Hãy làm rõ nhận định trên

Bài thơ Ngắm trăng nằm trước chùm thơ Trung thu của Hồ Chí Minh. Bài thơ được viết vào mùa thu năm 1942, đó là bài số 21 trong Nhật kí trong tù của Bác.

Bài làm

Bài thơ Ngắm trăng nằm trước chùm thơ Trung thu của Hồ Chí Minh. Bài thơ được viết vào mùa thu năm 1942, đó là bài số 21 trong Nhật kí trong tù của Bác.

Bài thơ viết về cảnh ngắm trăng nhưng không phải ngắm trăng một cách bình thường mà nhìn ánh trăng từ trong ngục. Từ tư thế ngắm trăng ấy đã toát lên một vẻ đẹp thanh cao trong tâm hồn Bác, một phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng trước cảnh đẹp thiên nhiên.

Mở đầu bài thơ là cảnh ngộ của nhà thơ:

Trong tù không rượu cũng không hoa.

Bị giam cầm trong nhà lao của bọn Tưởng Giới Thạch, sự thiếu thốn trăm bề là điều tất nhiên. Điều này không nói ra thì có lẽ chúng ta cũng hình dung được. Nhưng sự thiếu thốn ấy không ngăn nổi tâm hồn thơ của Bác, không làm cho Bác buồn lòng:

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.

Ánh trăng, rượu, hoa là những thứ đi liền với tâm hồn thi sĩ. Rất nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ những thú vui này. Đối với Bác, chung quanh chỉ có ánh trăng soi từ bên ngoài qua song sắt. Trước cảnh đẹp nhưng lại thiếu rượu và hoa, điều này đã làm mất đi một phần thi hứng của nhà thơ. Hai câu thơ đầu chưa đề cập đến ánh trăng nhưng đọc lên như đã hiện hữu một ánh trăng. Ánh trăng đó chính là ánh sáng trong tâm hồn Bác, soi vào một đêm tối tăm của đất nước. Hai câu thơ sau ánh trăng mới thật sự xuất hiện và bao trùm không gian chốn ngục thất, ánh trăng trở thành “nhân vật” chính của đêm nay:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Điểm nhấn của bài thơ chính là ở hai câu thơ cuối. Không chỉ có mỗi hình ảnh mà là hai hình ảnh hòa quyện vào nhau. Sự hòa quyện đến đồng điệu và tưởng chừng như chỉ có một. Trong các câu thơ chữ Hán thường có hai hình ảnh gắn liền với nhau, chẳng hạn như nhân - nguyệt hoặc nguyệt - thi gia. Trong bài thơ của Bác Hồ cũng thế. Câu thứ ba Bác vẫn còn xưng Người, những câu cuối đã thành nhà thơ. Câu thơ mang ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc. Từ trong ngục tối, nơi chỉ có bốn bức tường giam, không có bất kì thú vui nào, người tù nhìn ánh trăng soi từ cửa sổ. Đó là hình ảnh rất bình thường nhưng đối với Bác nó trở thành một niềm vui, một dịp may hiếm có. Từ ngắm, thể hiện vẻ say sưa và một sự thưởng thức, thưởng thức cái đẹp, cái tao nhã của thiên nhiên. Không chỉ diễn ra một chiều ngắm. Ánh trăng đã được nhân hóa để nhòm lại nhà thơ, vầng trăng bây giờ không còn là một vật vô tri vô giác nữa mà đã có tâm hồn, một tâm hồn đồng điệu với tâm hồn Bác. Bác và trăng lặng lẽ nhìn nhau, cảm thông, chia sẻ với mối tình tri âm, tri kỉ. Hai câu thơ đối nhau, ngôn ngữ và hình ảnh cân xứng, hài hòa. Trăng và nhà thơ dù bị song sắt ngục tù chia cách nhưng vẫn rất gần gũi và ân tình. Đọc hai câu thơ chúng ta thấy ánh trăng như tràn ngập, như bừng sáng chiếu cả không gian bao la; khung cảnh không còn là ngục thất mà là một thế giới bao la với ánh trăng chiếu sáng và tâm hồn thi sĩ bay bổng. Có thể nói đây là hai câu thơ hay nhất và đẹp nhất ánh trăng trong thơ Bác. Tư thế ngắm trăng của Hồ Chí Minh đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp của Bác, đồng thời thể hiện tinh thần lạc quan của Người dù ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất. Chúng ta còn bắt gặp nhiều bài thơ khác thể hiện được ý chí, nghị lực và tinh thần lạc quan của Bác nhưng đây là bài thơ để lại nhiều ấn tượng nhất. Bài thơ vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên, vừa biểu lộ một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại, vừa thể hiện khát vọng tự do. Nó là hình ảnh tượng trưng cho một tâm thế sẵn sàng. Như Bác đã nói: “Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao”.

Nhà văn Hoài Thanh đã nhận xét rằng “Thơ Bác đầy trăng” quả thật không sai vì trong Nhật kí trong tù có đến 7 bài thơ nhắc đến trăng.

Các bài học liên quan
BÀN LUẬN VỀ PHÉP HỌC (Luận học pháp)
ÔN TẬP VỀ LUẬN ĐIỂM
HÀNH ĐỘNG NÓI (tiếp theo)
HÀNH ĐỘNG NÓI
HỊCH TƯỚNG SĨ - Trần Quốc Tuấn

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật