Đề: Cảm nhận về bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Vào một buổi sáng mát trong giữa núi đồi Việt Bắc thời kì đầu chống Pháp, Nguyễn Đình Thi nhớ những ngày thu Hà Nội đã xa.

BÀI LÀM

Vào một buổi sáng mát trong giữa núi đồi Việt Bắc thời kì đầu chống Pháp, Nguyễn Đình Thi nhớ những ngày thu Hà Nội đã xa.

Thu về qua hương cốm mới; đúng là hương gây mùi nhớ. Hương cốm nhắc ta cái hương vị của đồng quê nội cỏ Việt Nam. cốm là một thứ quà quê hiếm quý mà bình dị, đơn sơ mà sang trọng. Nhà thơ gợi ra trong lòng người đọc niềm vui sướng khi nâng trên tay gói cốm trong lá sen thơm ngát lúc giao mùa hạ sang thu. Hương cốm làm ta nhớ lại những đôi trai gái nên vợ nên chồng. Phải chăng, nhớ thu Hà Nội, Nguyễn Đình Thi nhớ lại một Hà Nội ấm áp, ngọt ngào, thuần khiết và thanh lịch. Trong nỗi nhớ man mác một niềm lưu luyến.

Cái lưu luyến của người đi xa nơi mình yêu dấu sao khỏi tránh được nỗi buồn khi phải chia phôi. Tiếng lá khô xao xác vẫn âm vang trong tâm trí dù đã cách xa lâu rồi. Khi gió heo may chớm lạnh trên những dãy phố dài Hà Nội, lá rụng, không khí hanh khô, theo gió hiu hiu, lá bay xào xạc. Và cái xào xạc ấy rất quen với người Hà Nội mỗi độ thu về. Đi xa càng nhớ, âm thanh xào xạc vẫn cứ âm vang trong trí nhớ, làm nên một âm điệu buồn khiến cái xào xạc của lá chạy trên đường thành cái xao xác trong tâm tưởng.

Thu Hà Nội trong Nguyễn Đình Thi chính là cái xao xác của lá khô trên những phố dài và cái mát dịu của hương cốm mới. Hương vị, âm thanh ấy mãi mãi vẫn còn nguyên đó, trở đi trở lại với vòng quay của tháng năm. Hà Nội trong nhà thơ vẫn còn đó, gắn bó không thể sẻ chia, sự gắn bó dịu êm mà sâu thẳm. Phải xa không thể không buồn song tuy buồn mà vẫn có nó ở trong lòng bởi trên đời này có những cái buồn vì mất hết, không tìm lại được cái mình vốn có.

Người Hà Nội yêu mùa thu Hà Nội: Song, một nét rất đẹp trong tâm hồn con người Hà Nội trong những trạng huống đặc biệt của lịch sử: Lúc cần phải chia tay, người Hà Nội cũng rất kiên nghị dứt áo ra đi. Người Hà Nội biết chấp nhận đầy cương quyết bởi trong lòng họ ra đi để sẽ trở về. Đẹp sao tư thế người Hà Nội ra đi, lên chiến khu, xung vào đoàn quân chiến đấu, nén lòng không do dự, cất bước lên đường, để lại sau lưng biết bao bâng khuâng lưu luyến.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Câu thơ liền một mạch. Tiếp theo là một tiết tấu cắt ra từng nhịp chứa chất bao nhiêu là trầm tư suy nghĩ và phảng phất nỗi buồn cố hữu:

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Buồn mà vẫn khỏe bởi trong suy nghĩ của người Hà Nội, của nhà thơ ra đi không có nghĩa là rời bỏ, mà là để Hà Nội mãi mãi là của lòng: mình với cái hương cốm ấy và cái âm thanh xao xác đầu thu ấy.

Đây là một đoạn thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi về thu Hà Nội và người Hà Nội gắn bó với mùa thu đất nước. Và ở đây cũng thể hiện tài hoa của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh vực thơ trữ tình: thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc, với những nét rất đặc trưng cho Hà Nội ngọt ngào, thanh lịch.

Từ cảm xúc xưa đến cảm xúc thu nay giữa núi đồi Việt Bắc, tiếng thơ sôi nổi, rộn ràng, không gian mở rộng từ Hà Nội ra bao la đất nước. Nhà thơ dõng dạc: Mùa thu nay khác rồi. Cái khác nổi bật lên là luồng âm thanh, màu sắc mới của đất trời, của lòng người đang reo vui, hồ hỏi. Gió như rộng hơn, sắc thu như biếc hơn, xanh hơn. Lòng người tươi vui, đằm thắm hơn. Trong biếc nói cười thiết tha. Tư thế của con người cảm nhận mùa thu là tư thế của người làm chủ non sông đất nước mình, đàng hoàng, phóng khoáng giữa một không gian cao rộng khoáng đạt bao la. Đó là một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ biểu đạt trong thi ca, cảm xúc của một nhà thơ - chiến sĩ - công dân của một nước đang chiến đấu bảo vệ thành quả “độc lập” và tự do. Đứng trên tầm cao “giữa núi đồi’ trào dâng một niềm tự hào lịch sử. Phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng đâu đâu cũng là “của chúng ta”. Niềm vui sướng, tự hào pha lẫn niềm kiêu hãnh thấm vào tất cả: từ bầu trời: cao rộng đến tận đáy sông sâu, lan tỏa ra không gian bát ngát muôn phương nghìn nẻo theo những cánh đồng, những cánh rừng, những con đường, những dòng sông. Khúc giao hưởng “của chúng ta” vang lên trong trời đất và trong lòng người là một bản hòa tấu lịch sử của một dân tộc bất khuất. Cảm xúc thơ chuyển từ không gian hiện hữu đi vào chiều sâu lịch sử cha ông. Lòng tự hào dân tộc sau giây phút sôi nổi dâng tràn trở nên sâu lắng trong dòng sông lịch sử, thì thầm từ trong lòng đất mẹ vọng về:

Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Cảm xúc thu nay, thu kháng chiến khơi dậy trong con người Việt Nam đang chiến đấu chống kẻ thù hung hãn biết bao nhiêu là sức hiền hòa, nghèo khổ làm nên kì tích vang dội toàn cầu. Có người thẩm định rằng, cái tài hoa Nguyễn Đình Thi khi diễn đạt thu xưa hay hơn cái thu nay. Cảm xúc về thu nay chưa theo kịp ý thức và nhận thức, ý chưa quyện với tình. Chúng ta không nghĩ thế. Nói về mùa thu, tác giả lần đầu tiên cho một loài cây quen thuộc mà các nhà thơ trước ông không hề để ý đó là tre: Gió thét rừng tre phấp phới. Cây tre, hơn nữa là rừng tre xứng đáng là biểu tượng của thiên nhiên Việt Nam, cũng là biểu tượng cho con người Việt Nam dẻo dai, bền bỉ, bất khuất. Một Việt Nam của hiện tại, của quá khứ và của tương lai, một Việt Nam trường tồn ẩn chứa trong hình ảnh đó. Đó là một sáng tạo độc đáo, giàu sức thể hiện đạt đến độ hàm súc, một tiêu chí quan trọng của tiếng nói nghệ thuật. Mặc khác, niềm tự hào vừa là nhận thức vừa là tình cảm, vừa là sóng lòng trào dâng vừa là trí tuệ sâu sắc, cho nên bên cái say còn có cái cứng cáp của nghĩ suy, của triết lí, đó là thứ cảm xúc của cả trái tim và khối óc. Chính sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố đó mà cảm xúc về mùa thu nay có chiều sâu, chắc nịch của nhận thức, đồng thời cổ cái dào dạt theo chiều mở ra với không gian đất nước và cuồn cuộn theo nhịp lòng tuôn trào của nhà thơ. Sự chuyển hóa cảm xúc từ không gian vào thời gian, từ hiện hữu vào quá khứ, làm cho nhịp cảm xúc biến hóa và hàm súc. Lẽ nào hồn thơ chưa đến độ chín đầy?

Bút pháp của tác giả đổi khác hẳn so với phần trên khi tái hiện lại toàn bộ cuộc chiến đấu trường kì ba ngàn ngày không nghỉ. Nguyễn Đình Thi thiên về cách diễn đạt bằng những hình ảnh tượng trưng hàm chứa ý nghĩa khái quát.

Đất nước mang đầy thương tích chiến tranh, tội ác kẻ thù in dấu trên đất nước, những tổn thất hi sinh thật lớn lao, đã không bút nào tả xiết. Nhà thơ, chỉ bằng một phác họa tài tình, đã vẽ lên bức tranh đau thương của dân tộc với vài nét chấm phá: bầu trời, cánh đồng tượng trưng cho nước, dây thép gai tượng trưng cho ách chiếm đóng và tội ác của kẻ thù và máu chảy tượng trưng cho mất mát đau thương. Bằng một thủ pháp điện ảnh tài tình, hình ảnh thơ hiện ra đầy xúc động:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.

Ống kính nhà thơ từ mặt đất hắt chiếu lên bầu trời tạo ra mảng Dây thép gai đâm nát trời chiều và theo chiều ngược lại, ánh mặt trời đỏ ối từ trên tỏa xuống lênh láng cánh đồng quê như máu chảy đầm đìa. Đó là một hình ảnh khái quát, tượng trưng nhưng bắt nguồn từ thực tiễn khốc liệt của sự tàn phá, giết chóc mà kẻ thù gieo rắc trên đất nước ta. Trong bức tranh đầy thương tích đó, nhà thơ thốt lên nỗi đau đớn của một trái tim rỉ máu: Ôi.

Từ đau thương, đất nước và nhân dân ta ngời lên một khuôn mặt khác thường: căm thù và chiến đấu kiên cường bất khuất. Từ anh chiến sĩ trên đường những đêm dài hành quân nung nấu - Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu đến đồng bào ở hậu phương từ gốc lúa bờ tre hồn hậu - Bỗng bật lên tiếng thét căm hờn. Cả dân tộc nhất tề đứng lên, dân tộc đó nhất định không thể bị đánh bại. Nhà thơ đã diễn đạt một cách hình ảnh trong tương quan giữa kẻ thù và nhân dân ta. Truyền thống bất khuất của tiền nhân biểu hiện hôm nay:

Xiềng xích chúng bay không khóa được 
Trời đầy chim và đất đầy hoa 
Súng đạn chúng bay không bắn được 
Lòng dân ta yêu nước thương nhà.

Trước hoàn cảnh cam go ấy, nhân dân ta vẫn vời vợi một niềm tin, một niềm tin của một trí tuệ nắm vững quy luật của chiến tranh chính nghĩa, của lịch sử, niềm tin sắt đá chỉ có trong thời đại mới, thời đại giải phóng dân tộc trong phạm trù cách mạng vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiền phong và Bác Hồ:

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Vẫn là loại hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng song vẫn truyền cho ta một cái gì thật là tươi mát, thật lạc quan ngay trong những ngày nước còn sôi, lửa còn bỏng.

Cuối cùng đất nước ta, dân tộc ta chiến thắng, thành quả Cách mạng tháng Tám được bảo vệ, nhà nước công nông đầu tiên “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ở Đông Nam Á vẫn tồn tại và lớn mạnh. Cùng với chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, một hình ảnh nước Việt Nam mới nước Việt Nam nông nghiệp - nền văn minh lúa, đã vụt dậy sáng lòa:

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Đoạn kết của bài thơ là một tượng đài đất nước nói với các thế hệ mai sau: đất nước ta, dân tộc ta đã phải xây dựng một Việt Nam khai sinh nó ra từ máu lửa cùng với việc khai tử chủ nghĩa thực dân trên hành tinh này, nêu một tấm gương cho toàn thể các dân tộc bị bức toàn thế giới.

Các bài học liên quan
Đề: Bằng một số lược đoạn truyện ngắn Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải, anh (chị) đã cảm nhận gì về vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước?
Đề: Phân tích nhân vật ông Tám trong truyện Đất của nhà văn Anh Đức.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật