Đề: Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Ôi những cánh đồng quê chảy máu... Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

Đất nước là một bài thơ nổi tiếng gồm ba mảng thơ, được Nguyễn Đình Thi bắt đầu sáng tác từ năm 1948 đến năm 1955. Bằng nghệ thuật cô đúc, sáng tạo, nhà thơ đã bộc lộ những cảm xúc sâu lắng, những suy nghĩ khái quát về hình tượng đất nước.

BÀI LÀM

Đất nước là một bài thơ nổi tiếng gồm ba mảng thơ, được Nguyễn Đình Thi bắt đầu sáng tác từ năm 1948 đến năm 1955. Bằng nghệ thuật cô đúc, sáng tạo, nhà thơ đã bộc lộ những cảm xúc sâu lắng, những suy nghĩ khái quát về hình tượng đất nước. Hình ảnh đau thương, bi tráng của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp được thể hiện rõ nét trong đoạn thơ thứ hai của bài, với khổ thơ mở đoạn:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

Sự tương phản giữa tội ác của kẻ thù và tinh thần chiến đấu của nhân dân ta thể hiện như thế nào qua khổ thơ đầy hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn trên?

Theo Nguyễn Đình Thi, những câu thơ này được ông viết vào một buổi chiều hành quân trong rừng đồi núi Bắc Giang. Mở đầu là từ cảm thán “ôi” thể hiện nỗi đau đớn, xót xa của nhà thơ trước hình ảnh quê hương bị kẻ thù giày xéo:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát, vừa thực vừa hư, có đường nét và màu sắc tương phản. Ráng chiều đỏ rực đổ xuống cánh đồng xanh trông như cánh đồng đang ứa máu: một liên tưởng độc đáo. Hình ảnh thơ có thực nhưng mang ý nghĩa tượng trưng: kẻ thù đã làm đổ máu bao nhiêu dân lành vô tội trên khắp các miền quê khi chúng tái xâm lược nước ta.

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Từ con đường hành quân trên vùng đồi núi Bắc Giang, nhà thơ nhìn về đồn bót giặc trải đều theo làng xóm với những hàng rào thép gai tua tủa, tưởng chừng như đâm nát cả bầu trời chiều trên quê hương. Biện pháp nhân hóa và liên tưởng độc đáo đã gây ấn tượng mạnh mẽ về tội ác của giặc xâm lược.

Hai câu thơ mới đọc chừng như chỉ mô tả ngoại cảnh, nhưng thật ra thể hiện tâm trạng vô cùng đau xót của nhà thơ trước cảnh quê hương ta bị tàn phá, cuộc sống thanh bình của nhân dân ta bị tước đoạt bị hủy hoại như lời thơ của Hoàng cầm:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp,
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn,
Ruộng ta khô,
Nhà ta cháy,
...
Kiệt cùng ngổ thẳm bờ hoang.
                              (Bên kia sông Đuống)

Từ trong đau thương uất hận, nhân dân ta đã vùng lên. Nông dân, công nhân, đều trở thành chiến sĩ:

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.

Tất cả đều có chung lý tưởng đánh đuổi giặc thù ra khỏi quê hương thân yêu. Đêm đêm, họ ngước nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời mà nhớ người thân, nhớ đến ánh mắt người yêu đang dõi theo từng bước gian khổ của họ trên đường hành quân:

Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Nghệ thuật sử dụng từ láy nung nấu, bồn chồn rất đạt, kết hợp với hình ảnh đã nói lên động cơ chiến đấu của người chiến sĩ tình cảm yêu nước chung của cả dân tộc hòa vào tâm tình riêng của người chiến sĩ. Chính sự kết hợp hài hòa hai loại tình cảm chung và riêng đó đã tạo nên sức mạnh Và niềm tin rạng rỡ: Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Tóm lại nếu toàn bộ bài thơ Đất nước thể hiện tình cảm tha thiết và lòng tự hào về đất nước, khẳng định đất nước qua những cái vô hình là hồn nước, thì khổ thơ này đã thể hiện trọn vẹn niềm đau thương uất hận của nhà thơ trước tội ác của giặc xâm lược.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích nhân vật ông Tám trong truyện Đất của nhà văn Anh Đức.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật