Đề: Bình giảng đoạn đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu; ... Mình về mình có nhớ ta...Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng. Khoảng tháng 10 năm ấy, các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước rồi Việt Bắc chuyển về Hà Nội. Niềm lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng là nguồn cảm hứng để Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc gồm 150 câu lục bát, là một khúc ca trữ tình hay nhất trong tập thơ cùng tên của nhà thơ

BÀI LÀM

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng. Khoảng tháng 10 năm ấy, các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước rồi Việt Bắc chuyển về Hà Nội. Niềm lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng là nguồn cảm hứng để Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc gồm 150 câu lục bát, là một khúc ca trữ tình hay nhất trong tập thơ cùng tên của nhà thơ: Đoạn mở đầu gồm hai mươi câu thơ đã thể hiện tình cảm gắn bó giữa kẻ ở người về, tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu:

... Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

... Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, có nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

Với kết cấu theo lối hát giao duyên, đoạn thơ tả cuộc chia tay giữa người Việt Bắc và người cách mạng. Nghĩa tình kẻ ở người về được biểu hiện đằm thắm qua các đại từ “minh”, tan”. Thể thơ lục bát êm ái, mượt mà. Hai nhân vật trữ tình “mình” “ta” gợi bao lưu luyến trong buổi chia tay. Những lời nhắn nhủ của người ở lại (mình có nhớ ta, mình có nhớ không) vang lên như ray rứt không nguôi.

Mười lăm năm ấy gợi thời gian, cây, núi, sông, nguồn gợi không gian, thời gian của một thời kỳ hoạt động cách mạng và kháng chiến chống Pháp, không gian của một vùng căn cứ địa cách mạng. Trạng ngữ thiết tha mặn nồng thể hiện bao ân tình đầy hương vị mặn mà nồng thắm của nhiều kỉ niệm mến yêu. Điệp từ nhớ gợi nỗi nhớ triền miên:

... Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếp theo là tiếng lòng của người về. Người về nghe câu hỏi, lòng bồi hồi nên bước chân bồn chồn. Áo chàm bình dị, chân tình. Câu thơ bỏ lửng với nhịp thơ ngập ngừng cầm tay nhau - biết nói gì hôm nay diễn tả sự vấn vương vì xúc động nên không thể bày giãi tâm tình:

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Mười hai câu thơ tiếp theo là lời Việt Bắc. Giọng thơ vừa hỏi han vừa gợi nhớ theo thời gian, lan tỏa trong không gian. Nhớ về những kỉ niệm xa xưa từ buổi đầu cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp...

... Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù.

Những không gian, địa điểm cứ hiện dần từ mờ xa, mưa nguồn, suối lũ mây mù, đến xác định như một điểm chốt vững vàng chiến khu, rồi đẩy lên một sức mạnh đấu tranh, khi kháng Nhật, thúc Việt Minh, khai sinh những địa danh lịch sử như những cái nôi đón đỡ cách mạng (Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa). Những chi tiết về cuộc sống và tình người: (bát cơm chấm muối, quả trám bùi, đọt măng mai, mái nhà hắt hiu lau xám) cứ dần dần tái hiện, nhắc nhở mối thù hai vai chung gánh, những tấm lòng son không bao giờ phai nhạt.

Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.

Nghệ thuật nhân hóa ẩn dụ (rừng núi nhớ ai... trám để rụng, măng để già), điệp từ mình về mình đi, có nhớ, còn nhớ, nhịp câu 2/4 - 4/4 đều đặn... như gợi lên hình ảnh một người đang bâng khuâng sững sờ với cảm giác hụt hẫng của chia li, dè chừng sự lãng quên nên nhắc nhở tha thiết người về bằng những hoài niệm ân nghĩa nhất, nguồn cội sâu rộng nhất... sâu trong tình người, rộng trong thời gian, không gian. Đó là tình cảm những con người cách mạng trong không gian, thời gian của cách mạng.

Tóm lại đoạn thơ thể hiện những tình cảm có ý nghĩa thời đại. Đó là tình đoàn kết, nghĩa thủy chung giữa nhân dân và cách mạng, từ phong trào Việt Minh đến thời kì kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Ngoài ra, đoạn thơ cũng thể hiện chất thơ trữ tình chính trị đậm đà tính dân tộc của Tố Hữu. Phong cách đó đã ảnh hưởng đến thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích bức tranh Mùa thu nay khác rồi trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
Đề: Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.  Ôi những cánh đồng quê chảy máu... Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Đề: Phân tích truyện Bắt sấu rừng U Minh Hạ của nhà văn Sơn Nam.
Đề: Bằng một số lược đoạn truyện ngắn Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải, anh (chị) đã cảm nhận gì về vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật