Bài số 105: Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Đọc Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê ta đón nhận thêm một chân dung đẹp - Phương Định cô thanh niên xung phong trẻ, người Hà Nội, nhân vật chính của truyện.

BÀI LÀM

Những ngày tháng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ta bắt gặp sự góp mặt của nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ ra trận. Nhưng góp mặt nhiều nhất trên con đường ra trận ấy là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, trẻ trung, hồn nhiên nhưng cũng dũng cảm tuyệt vời trong thơ Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đình Thi. Đọc Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê ta đón nhận thêm một chân dung đẹp - Phương Định cô thanh niên xung phong trẻ, người Hà Nội, nhân vật chính của truyện. Phương Định để lại trong ta những cảm nhận rất chung về cả một thế hệ nhưng cũng rất riêng về một con người cụ thể, cá tính cụ thể không hòa trộn.

Là con gái Hà Nội tuổi đời còn rất trẻ, cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Một vẻ đẹp đầy nữ tính và có chiều sâu. Cô còn biết rằng mình được nhiều người, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó khiến cô thấy vui và tự hào nhưng vẫn ý thức trân trọng quãng đời đẹp nhất của mình: “Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”. Hóa ra những cô gái ở thời nào cũng vậy, dù đang ở đâu và làm bất cứ việc gì họ vẫn luôn thích ngắm mình và làm dáng, họ luôn là những bông hoa tô điểm cho cuộc đời. Nhạy cảm là vậy nhưng cô chưa dành riêng tình cảm cho một ai. Có thể có nhiều lí do nhưng với một cô gái được học hành và sâu sắc như Phương Định chắc số lí do còn nhiều hơn. Hoặc đang còn lưỡng lự vì hoàn cảnh chiến đấu quá khắc nghiệt, hoặc tuổi đời còn ít, hoặc cô còn đang tìm hiểu đối tượng... Cô gái Hà Nội ấy thường tỏ ra kín đáo giữa đám đông? Phải chăng đó là nét văn hóa rất riêng của con gái Hà Nội: “Khi bọn con gái xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Có mâu thuẫn không nhỉ? Hoàn toàn không, đó là cách biểu lộ tình cảm khôn ngoan nhất, im lặng nhưng chính là đang nói được rất nhiều. Các anh bộ đội chắc không thể nào không chú ý đến một cô gái Hà Nội như vậy cho nên buộc phải làm quen bằng cách viết thư mặc dù có thể chào nhau hàng ngày. Qua những dòng tản mạn nhưng Phương Định hiện lên là một cô gái Hà Nội thật đáng yêu: biết điệu đà, làm dáng nhưng không lẳng lơ mà kín đáo, tế nhị, rất Hà Nội.

Nơi chiến trường ác liệt, cũng như hai đồng đội trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến những người đồng đội của mình, đặc biệt là hai người bạn gái cùng tổ. Họ lo lắng và quan tâm đến nhau như ruột thịt, nhất là sau mỗi lần phá bom: “Tôi phủi áo, căng mắt nhìn qua khói và chạy theo chị Thao... Chị Thao vấp ngã. Tôi đỡ chị… Tôi moi đất, bế Nho đặt lên đùi mình...’’. Dường như vào lúc ấy không còn là Phương Định điệu đà hay làm đỏm nữa mà đã nhường chỗ cho một Phương Định khác xuất hiện: nhanh nhẹn, tháo vát dành tất cả tình yêu thương cho đồng đội của mình. Một Phương Định như thế này thì ai dám nói con gái Hà Nội không chịu được khổ hay tình cảm hời hợt. Cô đang sống rất thật với những tình cảm của mình. Cô chăm đồng đội thành thạo như một y tá: “Tôi rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than. Bông băng trắng... Tôi tiêm cho Nho”. Trong trường hợp khẩn cấp cô đã biết sử dụng kiến thức của mình vận dụng vào thực tế. Quả là một cô gái đảm đang, thích ứng nhanh với thực tế chiến trường, nỗ lực làm tất cả những việc đó bởi tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương đối với đồng đội của mình. Có lẽ điều đó còn xuất phát từ tâm hồn giàu tình cảm của cây bút nữ Lê Minh Khuê.

Ta còn bắt gặp Phương Định trong một lần phá bom. Dù đã làm công việc nguy hiểm ấy bao nhiêu lần, trong ba năm mỗi ngày cô phá bom tới năm lần, nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách thần kinh ghê gớm “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm”. Có lẽ nếu không có thực tế chiến đấu ở Trường Sơn, Lê Minh Khuê không thể viết được những cảm giác thật đến như vậy. Tiếng lưỡi xẻng chạm vào quả bom không được Phương Định minh họa bằng âm thanh nhưng sao nó làm cho ta cũng như đang sởn da gà. Mặc dù vẫn sợ nhưng cô gái Hà Nội vẫn biết cách lấy lại bình tĩnh hay tư thế tác phong cho mình không cần thiết: “Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Một cô gái nhỏ bé trước một quả bom to đùng có thể nổ tung bất cứ lúc nào nhưng vẫn tỏ ra đàng hoàng chững chạc. Song chi tiết này không hề xao khi nó được đặt trong chi tiết: vì có các chiến sĩ đang theo dõi cô, các anh ấy không thích đi khom - kiểu khúm núm, sợ hãi. Chi tiết này vẫn rất thật và rất người, nó lại như rất thống nhất với cô Phương Định hàng ngày vẫn tỏ ra hơi kiêu kì. Cô không đi khom vì có đồng đội đang khích lệ động viên và cô không đi khom bởi vì cô còn mang trong mình lòng tự trọng, kiêu hãnh của một cô gái Hà thành.

Là con gái Hà Nội vào chiến trường, Phương Định mang theo hành trang là thời học sinh hồn nhiên, vô tư lự bên người mẹ và những hình ảnh, những kỉ niệm thân thương quá đối với thành phố của cô. Vào chiến trường ba năm đã quen với những thử thách nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với cái chết, nhưng cũng như những đồng đội khác, cô không mất đi sự hồn nhiên trong sáng và mơ ước về tương lai. Cô vẫn giữ nguyên sở thích âm nhạc của mình. Thích hát, tự bịa lời cho những điệu nhạc. Không chỉ có vậy, là con gái Hà Nội nên sở thích cũng rất sang: thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô, thích dân ca Ý trữ tình giàu có. Một sở thích rất thanh lịch phản ánh văn văn hóa, hiểu biết của một cô gái có học vấn. Rồi có đột ngột hiện ra với sự hồn nhiên đến đáng yêu khi cô gặp cơn mưa đá trên cao điểm: “Tôi chạy vào, bỏ trên bàn tay đang xoè ra của Nho mấy viên đá nhỏ. Lại chạy ra, vui thích cuống cuồng”. Rồi mưa tạnh “Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi”. Vào đúng thời điểm ấy cô bỗng nhớ quay quắt người mẹ của mình, ngôi nhà thân yêu và cả những hình ảnh, kỉ niệm thân thương về thành phố quê hương mình.

Lê Minh Khuê viết truyện ngắn này năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở giai đoạn gay go ác liệt. Mặc dù vậy họ vẫn sống một cách tự nhiên, yêu đời, lại rất dũng cảm trong chiến đấu. Cô vẫn giữ những mơ ước về tương lai dẫu biết rằng ngày ấy có thể còn rất xa.

Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế; bằng những trải nghiệm qua thực tế chiến đấu của bản thân; bằng cả cảm xúc, rung động của chính lứa tuổi mình (truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971 khi tác giả mới 22 tuổi), Lê Minh Khuê đã đem đến cho người đọc một chân dung sống động về những cô gái thanh niên xung phong ở Trường Sơn những năm tháng ác liệt nhất qua nhân vật Phương Định. Đó là một lời ngợi ca cuộc sống, ngợi ca con người Việt Nam trong chiến tranh với sức trẻ, lòng dũng cảm và sự lạc quan phi thường.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật