Bài số 97: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà

Viết về gia đình trong chiến tranh là một mảng đề tài lớn của Văn học kháng chiến chống Mỹ. Cùng với Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, ta còn có thêm Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn Chiếc lược ngà, một câu chuyện cảm động — một bài ca về tình phụ tử.

BÀI LÀM

Viết về gia đình trong chiến tranh là một mảng đề tài lớn của Văn học kháng chiến chống Mỹ. Cùng với Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, ta còn có thêm Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn Chiếc lược ngà, một câu chuyện cảm động — một bài ca về tình phụ tử.

Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh là Nguyễn Sáng, sinh năm 1932, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Là bộ đội thời đánh Pháp, sau năm 1945 tập kết ra Bắc mới bắt đầu viết văn. Những năm đánh Mỹ, ông sống và hoạt động tại chiến trường Nam Bộ. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Cảnh vật, con người và hơi thở nhịp sống trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng đậm đặc màu sắc Nam Bộ, màu sắc bi tráng với bao sự tích anh hùng, những tình huống hấp dẫn đầy kịch tính và giàu chất thơ tạo nên cốt cách và vẻ đẹp trong văn Nguyễn Quang Sáng. Trong những năm tháng kháng chiến, tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng đã có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ, động viên sức chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân miền Nam, củng cố niềm tin yêu của cả nước đối với đồng bào nơi Thành đồng Tổ quốc. Tác phẩm tiêu biểu, được nhiều người biết đến là: Các tập truyện ngắn: Con chim vàng, Người quê hương, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Người con đi xa... Tiểu thuyết có: Đất lửa, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu. Ngoài ra ông còn có một số kịch bản phim, lưu giữ trong lòng người: Một thời để nhớ, một thời để yêu... Nhà văn đã được nhận: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống nhất (1995); Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1959); Giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993; Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim ở Matxcơva (1981); Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (1980).

Nguyễn Quang Sáng viết truyện ngắn Chiếc lược ngà vào tháng 9 năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những tháng ngày sôi sục đánh Mỹ. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Quang Sáng.

Truyện có thể được tóm tắt như sau: Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến khi con gái chưa đầy tuổi, tám năm sau ông mới có dịp về thăm nhà, đang háo hức để gặp con thì ông Sáu lại bị con cự tuyệt, ông đau khổ vô cùng vì con bé đối xử với ông như người xa lạ. Nhờ sự giải thích của bà ngoại thì bé Thu mới nhận cha. Lúc tình cảm cha con mãnh liệt lại là lúc biệt ly, bé dặn cha mua cho mình một cây lược. Tại căn cứ, ông Sáu cố công tìm một khúc ngà rồi chế ra công cụ và tỉ mẩn làm lược. Khi cây lược hoàn thành, ông còn khắc lên dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của Ba”. Ông lại bị thương trong một trận càn, trước khi nhắm mắt, ông được bác Ba - người đồng đội, người bạn hứa sẽ trao tận tay cây lược cho bé Thu. Với tình huống độc đáo, câu chuyện cảm động về tình cha con đã phản ánh sâu sắc và ca ngợi tình cảm con người trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

Nét đặc sắc về nghệ thuật là miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật đặc sắc, đặc biệt là nhân vật trẻ em. Cốt truyện đầy bất ngờ mà tự nhiên, có sức cuốn hút người đọc.

Đoạn trích Chiếc lược ngà đã đạt được giá trị sâu sắc cả về nội dung và hình thức biểu đạt. Hình tượng chiếc lược ngà và câu chuyện giữa hai cha con người cán bộ còn gây được xúc động lâu bền trong lòng người đọc.

Các bài học liên quan
Bài số 91: Những vang âm trong Lặng lẽ Sa Pa (Cảm xúc khi đọc Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long)
Bài số 90: Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã gây rất nhiều thiện cảm cho người đọc. Em có cảm nhận gì về nhân vật này?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật