Bài số 96: Bé Thu và một tình yêu cha đằm thắm - cảm nhận về nhân vật bé Thu trong chuyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Chiến tranh với bao câu chuyện về đất và người, những câu chuyện về những cuộc đời thật, con người thật mà đẹp như trong cổ tích. Một trong những cổ tích hiện đại đó chính là Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

BÀI LÀM

Chiến tranh với bao câu chuyện về đất và người, những câu chuyện về những cuộc đời thật, con người thật mà đẹp như trong cổ tích. Một trong những cổ tích hiện đại đó chính là Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Nhân vật chính của truyện - một cô bé tám tuổi tên Thu với tình yêu cha kì lạ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, về sự kì diệu mà con người Việt Nam tạo nên.

Trong hoàn cảnh chiến tranh cha phải đi chiến đấu biền biệt xa nhà đến khi Thu lên 8 tuổi, hai cha con mới được gặp nhau. Vậy mà trong suốt 3 ngày gần gũi cô bé đã không nhận cha mình. Cô nói năng cộc lốc, cư xử vùng vằng, ương ngạnh, tưởng chừng tình cha con sẽ không hình thành, vậy mà thật bất ngờ trước khi ông Sáu đi xa, tình cảm thiêng liêng ấy đã bùng cháy lên. Trong đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao, miệng nó cất tiếng gọi "ba”, cử chỉ ôm chặt lấy ba, hôn ba và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba. Nó còn hét lên "Không”, hai tay siết chặt cổ ba, dang cả hai chân quặp chặt lấy ba, đôi vai nhỏ của nó run run. Đó là tiếng khóc ân hận. Trong ý nghĩ ngây thơ của nó, người cha thật đẹp, nhưng vì bom đạn quân thù cô bé đã không hiểu được, khi hiểu được thì đã muộn. Để diễn tả tình cảm đặc biệt, đằm thắm này, tác giả không viết nhiều, chỉ chọn một chi tiết làm chúng ta xúc động bởi nó trong trẻo, chân thành: đó là chi tiết Thu siết chặt lấy cổ cha... tiếng kêu của nó như là tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người. Tiếng ba như vỡ tung ra từ lòng nó. Dường như từ giờ phút thức tỉnh đó, Thu bắt đầu thay đổi, cô không chỉ yêu cha mà còn tự hào về người cha - một người anh hùng.

Có thể nói ở tuổi thiếu nhi, Thu là cô bé có tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc, hồn nhiên, ngây thơ. Tất cả những nét tính cách ấy đều tập trung thể hiện về một tình yêu cha đằm thắm, kì lạ.

Tình yêu cha đằm thắm, kì lạ ấy của bé Thu đã đem đến cho người đọc niềm tin vào sức mạnh của tình phụ tử, tình yêu ấy là động lực, là sự thôi thúc cô bé tám tuổi khi trưởng thành nối gót cha đánh giặc, trở thành cô giáo liên gan dạ, thông minh làm kẻ thù phải khiếp sợ. Sợi dây tình phụ tử ấy đã xuyên suốt những ngả đường đánh giặc của dân tộc, kết nối với thời đại và còn mãi trong ta hình ảnh cô bé tám tuổi với tình yêu cha đằm thắm kì lạ dù chiến tranh đã lùi thật xa.

Các bài học liên quan
Bài số 91: Những vang âm trong Lặng lẽ Sa Pa (Cảm xúc khi đọc Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long)
Bài số 90: Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã gây rất nhiều thiện cảm cho người đọc. Em có cảm nhận gì về nhân vật này?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật