Đề: Nhân vật nào trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu gây cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Đó là nhân vật Phùng - người kể chuyện, cũng là sự hóa thân của tác giả Nguyễn Minh Châu vào nhân vật này. Lời kể chuyện của nhân vật Phùng luôn tỏ ra khách quan, chân thật và giàu sức thuyết phục. Nhân vật Phùng đã có một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, khả năng cao trong việc khám phá đời sống được bộc lộ qua một số tình huống truyện.

HƯỚNG DẪN

Một số nét gợi ý:

* Nhân vật gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc

Đó là nhân vật Phùng - người kể chuyện, cũng là sự hóa thân của tác giả Nguyễn Minh Châu vào nhân vật này. Lời kể chuyện của nhân vật Phùng luôn tỏ ra khách quan, chân thật và giàu sức thuyết phục. Nhân vật Phùng đã có một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, khả năng cao trong việc khám phá đời sống được bộc lộ qua một số tình huống truyện.

Ngôn ngữ từng nhân vật vì thế cũng trở nên phù hợp đặc điểm, tính cách của từng người:

• Nhân vật lão đàn ông có giọng điệu thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ tục tằn, hung bạo.

• Những lời của nhân vật người đàn bà thật dịu dàng, xót xa khi nói với con, thật đớn đau, thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận của người phụ nữ hàng chài.

• Những lời của nhân vật Đẩu là giọng điệu của một người tốt bụng, nhiệt thành.

Tất cả các nhân vật ấy đều được thể hiện rất sinh động, chân thực trong ngôn ngữ linh hoạt và đầy sáng tạo, góp phần đắc lực khắc sâu chủ đề - tư tưởng của Chiếc thuyền ngoài xa.

Nhân vật phùng - người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thật sự gây được nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Bởi vì:

* Người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy đã phát hiện ra những mâu thuẫn éo le trong nghề nghiệp của mình. Anh đã thấu hiểu rằng: Mỗi người trong cõi đời nhất là người nghệ sĩ, không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người.

* Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Phùng mong muốn có được những bức ảnh thật ưng ý. Anh đã sung sướng vô cùng khi đã “chộp” được một cảnh tuyệt đẹp trong một lần “phục kích” tại vùng biển xưa kia là chiến trường cũ của anh. Đôi mắt Phùng - đôi mắt nhà nghề đã phát hiện ra một vẻ đẹp của mặt biển mờ sương. Với Phùng đó là vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ có thể bắt gặp được một lần mà thôi:

Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.

Phùng đã coi đây là một niềm hạnh phúc được khám phá và sáng tạo. Anh đã ngỡ ngàng bao nhiêu và lại ngập tràn sung sướng bấy nhiêu khi có được một lần bấm máy trước cảnh đẹp tuyệt diệu như vậy.

Phùng đã cảm nhận được trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa trời biển mờ sương kia, anh thật sự bắt gặp cái sâu thẳm của vẻ đẹp thiện mĩ của cuộc sống. Phùng thấy tâm hồn mình bỗng trở nên trong trẻo hơn bởi cái đẹp đằm thắm mà không kém phần lãng mạn ấy.

Như vậy: với phát hiện thứ nhất đầy thơ mộng, nhân vật Phùng đã có được “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”. Thế nhưng, phát hiện tiếp theo lại đem đến cho Phùng một sự bất ngờ: Phải chăng đó là trò đùa trớ trêu và quái ác của cuộc sống?

Phùng đã từng cho rằng: “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Nhưng, đằng sau cái đẹp toàn bích mà anh đã bắt gặp trên mặt biển xa kia lại chẳng có gì là đạo đức, là chân lý của sự hoàn thiện. Bởi vì, anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền đẹp như một giấc mơ ấy có một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu bước ra. Cũng từ trong chiếc thuyền ngư phủ ấy có một người đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một cách để giải tỏa bao uất ức khổ đau đã ngấm sâu vào cõi đời mình.

Phùng tận mắt chứng kiến lão đàn ông đánh vợ một cách vô lý và hết sức dã man. Phùng không thể làm ngơ, bởi anh đã từng là người lính cầm súng đi chiến đấu để bảo vệ vẻ đẹp cho thuyền, cho biển quê hương. Nhưng Phùng chưa kịp xông ra thì thằng Phác, con của lão đàn ông nọ đã kịp tới để che chở cho người mẹ bất hạnh, đáng thương.

Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác - thằng bé trên rừng xuống vừa nằm ngủ với tôi từ lúc nửa đêm. Thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng làm nó khi chạy qua không nhìn thấy tôi. Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông.

Khi chứng kiến cảnh đó, Phùng càng thấm thía rằng: là người lính, người nghệ sĩ chân chính thì không hề dửng dưng trước sự bạo hành của cái ác, cái tục tằn. Dù có bị lão đàn ông đánh trả đến bị thương và được đưa về trạm y tế của tòa án huyện, gặp lại bạn chiến đấu cũ là Đẩu, Phùng vẫn cay đắng nhận ra bao trái ngang của một thực tế gia đình. Những bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa kỳ lạ, giúp cho những thước phim mà Phùng đã dày công chụp được bỗng hiện hình lên bao hình ảnh khủng khiếp và ghê sợ. Từ đây, Phùng đã có một cách nhìn đời khác hẳn. Anh hiểu sâu thêm tính cách người đàn bà cam chịu kia, hiểu thêm thái độ, hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha đối với mẹ của chúng. Anh còn hiểu sâu thêm bản chất người đồng đội cũ của mình bây giờ đã là một chánh án huyện vẫn luôn tốt bụng và nhiệt thành. Và hơn thế nữa, Phùng lại hiểu thêm về chính mình. Một người nghệ sĩ nhân dân chân chính như Phùng phải có như đa diện vào cuộc sống.

Người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên là Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã thực sự trưởng thành từ chính cuộc đời lao động nghệ thuật của mình. Anh đã không cho phép mình có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản mà cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào tầng sâu lịch sử.

Có thể nói: nhân vật Phùng thực sự thể hiện một cách sinh động sự hóa thân đẹp đẽ của nhà văn Nguyễn Minh Châu, một cây bút văn xuôi đầy bản lĩnh và tài hoa.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu.
Đề: Bình giảng đoạn đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu;  ... Mình về mình có nhớ ta...Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật