Đọc hiểu bài thơ Tự Tình II
I - Gợi dẫn 1. Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài năng, là hiện tượng văn học trung đại Việt Nam, song cũng là nhà thơ mà cuộc đời còn rất nhiều bí ẩn. Có rất nhiều giai thoại về hoàn cảnh xuất thân, cuộc sống và cá tính của bà. Hiện nay phần đông các nhà nghiên cứu thống nhất ý kiến: Bà là con ông Hồ Phi Diễn, một nhà nho nghèo quê ở Nghệ An.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bài tham khảo: Tự tình 3 - Tranh tố nữ.
- Phân tích bài thơ Tự Tình của Hồ Xuân Hương - Lớp 11
- Tự tình - Hồ Xuân Hương
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
Ông Hồ Phi Diễn ra Bắc dạy học và lấy vợ lẽ, rồi sinh ra Hồ Xuân Hương. Gia đình bà từng sống ở Thăng Long và bà từng dựng ngôi Cổ Nguyệt đường để đón tiếp, giao du với khách văn chương. Bà giao du rộng rãi, đường tình duyên của bà gặp nhiều trắc trở.
2. Bài thơ thuộc chùm ba bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương. Chùm thơ bộc lộ tâm sự của một người phụ nữ đa đoan luôn khát khao hạnh phúc nhưng luôn gặp những điều bất hạnh. Hiện lên trong chùm thơ là người phụ nữ đằm thắm, cá tính mãnh liệt nhưng không thiếu sự dịu dàng, yếu đuối của nữ tính.
3. Trong khi đọc, chú ý cách gieo vần theo niêm luật của thơ thất ngôn bát cú.
II - Kiến thức cơ bản
Những nhà thơ có cá tính mạnh mẽ đều là những người tinh tế trước bước chuyển của thời gian. Thời gian vô thuỷ, vô chung, đời người thì hữu hạn. Hoặc giả thời gian nếu có tuần hoàn thì tuổi trẻ vẫn qua đi. Thế đối nghịch giữa thời gian với cuộc đời, đặc biệt là với tuổi trẻ và tình yêu khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ mà tâm trạng của nhân vật trữ tình thường là buồn đau da diết. Bài Tự tình của Hồ Xuân Hương là một bài thơ như thế.
Đường tình duyên vốn đã chẳng êm xuôi, lại thêm tính tình Xuân Hương khẳng khái có chút ngang tàng, tất cả khiến người nữ sĩ không thể gò được mình vào cái khung vừa chật hẹp, vừa hà khắc của thời phong kiến. Sự bẽ bàng và chua chát xuất phát từ đây. Cuộc đời hai lần phải đi làm lẽ, với người phụ nữ thời phong kiến, như vậy cũng có thể xem là đã “chẳng còn gì”. Nhưng còn buồn hơn, ở Hồ Xuân Hương, sự gắng gượng ấy lại còn chẳng đến đâu. Xem thơ Hồ Xuân Hương thì dễ thấy, những bài thơ dự đoán là được làm vào giai đoạn sau này có nhiều bài tỏ ra chán nản (trong đó có bài Tự tình này). Thơ ít thấy cái khẩu khí mạnh mẽ và quyết liệt. Giọng thơ trầm, sâu lắng và nhiều “tâm sự” hơn.
Như đã nói, bài Tự tình này khai thác thế đối nghịch giữa thời gian với tuổi trẻ và tình yêu. Bài thơ là mạch cảm xúc của nhiều niềm tâm sự. Niềm tâm sự ấy đến vào lúc cũng thật là tinh tế.
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Câu thơ nói đến thời gian nhưng cũng lại gợi được cái không gian rợn ngợp. Thời gian, không gian đối lập với con người nhỏ bé, cô đơn. Đêm khuya, vắng lặng và tĩnh mịch. Đó là thời điểm con người cảm giác rõ nhất sự cô đơn. Một mình đối diện với đêm khuya, khi tất cả mọi âm thanh của cuộc sống đã lắng lại, đã lùi lại cả phía sau, người phụ nữ đa đoạn ấy càng thấm thía nỗi buồn. Cái âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống canh không làm cho đêm bớt tĩnh lặng, mà ngược lại nó làm cho đêm sâu hơn, vắng hơn và lòng người buồn hơn. Tiếng trống canh dồn là nhắc nhở thời gian đang bước từng bước lạnh lùng. Nhà thơ đã lấy động để mà tả tĩnh – một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca trung đại. Văng vẳng vừa gợi âm thanh của tiếng trống điểm canh, vừa gợi sự quạnh quẽ của đêm khuya. Một mình đối diện với đêm khuya vắng lặng đến cô tịch vốn đã dễ gợi niềm tâm sự. ở đây, còn thêm sự cô đơn thì nỗi buồn hẳn càng dễ đến hơn. Câu thơ đầu có chỗ hiện còn nhiều cách hiểu. Đó là cụm từ trống canh dồn. Thiết nghĩ, trống canh dồn không thể hiểu là sự gấp gáp, dồn dập, liên hồi của tiếng trống. Hiểu như vậy có phần gượng ép. Đêm khuya không ai đánh trống dồn dập, liên hồi. Vả lại trống điểm canh lại càng không đánh dồn dập được. Câu thơ chưa nhắc đến chủ thể nhưng thực tế đã là một câu để gợi tình. Một mình đối diện với đêm khuya, nhân vật trữ tình ngán ngẩm bởi thời gian trôi nhanh mà tình duyên thì vẫn còn dang dở. Thời gian không chỉ nhanh từng ngày, từng tháng, từng năm mà còn nhanh ngay cả mỗi canh giờ. Bởi thế mà ngay cả lúc, thời gian tưởng như có bước đi chậm nhất thì nó vẫn cứ trôi vội vã. Vậy là cụm từ trống canh dồncó thể hiểu : thời gian trôi nhanh nên cảm giác các canh ngắn lại. Cũng vì thế mà tiếng trống điểm canh cũng dồn lại gần nhau hơn.
Giữa cái nền không gian rợn ngợp cô đơn ấy hiện lên một hình ảnh thật bẽ bàng:
Trơ cái hồng nhan với nước non
Động từ trơ được đẩy lên đầu câu đứng ngay trước chủ thể “hồng nhan”. Từ hồng nhan (sắc mặt hồng) chỉ dung nhan người phụ nữ, cũng là khái niệm chỉ phụ nữ nói chung thiên về ngợi khen vẻ đẹp. Thế mà lại “trơ cái hồng nhan”. Chủ thể đã mất hoàn toàn cảm giác, trơ ra, chai lì đi trước cuộc đời. Đã vậy từ hồng nhan lại nằm ngay sau từ cái vốn không đi liền với danh từ chỉ người. Câu thơ mỉa mai, rẻ rúng đến xót xa. Nhịp thơ chắc khoẻ như gân lên ở đầu câu nhưng lại chùng xuống ở cuối câu như muốn ngân thêm mãi cảm giác bẽ bàng.
Câu thơ buồn, tình buồn, cảnh cũng buồn. Vì thế cũng là hợp lôgíc khi ở hai câu thực, nhân vật trữ tình tìm đến rượu:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Chủ thể trữ tình mượn rượu để tìm quên nhưng say rồi lại tỉnh. Tỉnh là tỉnh rượu nhưng cũng lại là tỉnh trước hiện thực bẽ bàng. Cụm từ say lại tỉnh gợi cái vòng lẩn quẩn: buồn – mượn rượu để tìm quên – nhưng tỉnh rượu, nỗi buồn lại nhân lên gấp bội phần. Hương tình sao cũng giống như hương rượu, khiến ta say. Và nếu như sau cơn say rượu, ta mệt mỏi rã rời thì sau một thoáng hương tình rất có thể ta phải đau đớn, xót xa.
Câu thơ thứ tư mới thực là một câu tả thực. Câu thơ gợi ra nguyên nhân của sự bẽ bàng:
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xưa nay, vầng trăng tròn đầy vốn tượng trưng cho sự viên mãn của hạnh phúc lứa đôi. Nhưng ở câu thơ này, nó là một sự khao khát. Niềm khát khao của bất kì một người phụ nữ nào trên thế gian này, khát khao hạnh phúc, khát khao thoát khỏi nỗi cô độc, lẻ loi. Nhiều người vẫn dựa vào những câu chuyện về tình duyên của Xuân Hương để lí giải nghĩa của câu thơ này. Thế nhưng, đó chỉ là sự suy luận với mong mỏi tìm hiểu cặn kẽ cụ thể một hình ảnh thơ. Không thể nói rằng cả hai lần làm lẽ, Hồ Xuân Hương đều không hạnh phúc. Mặc dù có thể là gắng gượng nhưng phải làm lẽ ở thời phong kiến cũng không có gì là ghê gớm. Xuân Hương có buồn nhưng không kêu ca. Nàng chỉ tiếc hạnh phúc lứa đôi đã có những lúc tròn đầy sao giờ “xế bóng” mà lại không viên mãn. Hạnh phúc sao không trọn vẹn. Câu thơ không đơn giản thế, không chỉ là nỗi buồn của riêng Xuân Hương vì chuyện hạnh phúc lứa đôi dang dở. Ai dám khẳng định rằng tất cả mọi người phụ nữ trong mọi thời đại đều chắc chắn hạnh phúc, không cảm thấy cô đơn khi có đủ cặp, đủ đôi. Nỗi buồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ là nỗi buồn chung. Đó là nỗi khát khao một hạnh phúc vẹn tròn. Nhất là những người phụ nữ không may mắn trong chuyện tình duyên, tuổi xuân cứ lạnh lùng trôi đi mà hạnh phúc tìm hoài không thấy.
Sự khác biệt lớn nhất thể hiện bản lĩnh của Hồ Xuân Hương là ở nữ sĩ, phẫn uất bao giờ cũng đi liền với phản kháng. Hai câu thơ luận chính là hai câu nói lên cái bản lĩnh ấy của Hồ Xuân Hương :
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Hai câu thơ đăng đối và chắc khoẻ được tạo nên từ nghệ thuật đảo ngữ và luật đối quy định trong câu luận. Một nhỏ bé và yếu ớt (đám rêu). Một là vật vô tri (đá). Nhưng thiên nhiên lại chở cái phẫn uất của lòng người nên dù yếu ớt mà vẫn tràn đầy sức sống (từng đám rêu xiên ngang mặt đất). Dù vô tri, đá vẫn cựa động, quẫy đạp, phá phách (mấy hòn đá đâm toạc chân mây). Bản lĩnh của Hồ Xuân Hương không chỉ tìm thấy trong ý nghĩa của sự miêu tả. Nó nằm ngay ở cách dùng từ. Ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương mạnh mẽ, bướng bỉnh và phải là độc đáo: xiên ngang, đâm toạc. Chúng ta gặp nhiều cách dùng từ này trong thơ của Xuân Hương : xoạc cẳng, phường lòi tói, chín mõm mòm… Đó là phong cách ngôn ngữ riêng của Bà chúa thơ Nôm Xuân Hương.
Hai câu thơ tả cảnh nhưng cũng là để thể hiện cá tính Hồ Xuân Hương – con người không dễ dàng bằng lòng hoàn cảnh. Nhưng nếu chỉ có vậy, thơ Xuân Hương sẽ khô khan và gượng ép. Bởi thế hai câu thơ cuối là hai câu nói thực lòng người phụ nữ:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Dù gắng gượng, bài thơ vẫn kết thúc trong tâm trạng chán chường. Từ ngán nỗi nói lên điều đó. Xuân Hương ngán ngẩm nỗi đời éo le, cũng là ngán ngẩm số phận mình bạc bẽo. Tạo hoá cho bốn mùa xoay vần trở lại nhưng tuổi xuân mãi mãi qua đi. Mùa xuân của đất trời mỗi năm một mới. Nhưng mùa xuân của cuộc đời chỉ có một chiều tàn úa. Hai từ lại trong câu này có nghĩa khác nhau. Một từ là “thêm lần nữa”, một từ là “trở lại”. Nhịp câu thơ kéo dài như nỗi chán chường, sự cô đơn bất tận của nhân vật trữ tình.
Câu thơ cuối là sự sáng tạo tuyệt vời của nghệ thuật tăng tiến:
Mảnh tình san sẻ tí con con
Mảnh tình đã ít đã nhỏ, lại còn san sẻ nên thành ra chỉ còn lại tí con con, đã tí lại con con, hầu như chẳng còn gì. Câu thơ là tâm sự của người đi làm lẽ:
Tối tối chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu nằm suông chuồng bò
(Ca dao)
Cảnh chồng chung vợ chạ thực sự là một dấu ấn khắc sâu vào cuộc đời bất hạnh, chán chường của người phụ nữ mà trong hoàn cảnh nào cũng không nguôi khát vọng yêu thương.
Trong thơ ca trung đại, cái Tôi cá nhân giữ một vị trí rất khiêm tốn, nó nhỏ bé và yếu ớt nấp sau một cái ta đầy kiêu ngạo. Nhưng những người nghệ sĩ như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đều không chấp nhận thực tế ấy. Với tài năng, tình đời và bản lĩnh sáng tạo của mình, họ đã dũng cảm đưa cái Tôi cá nhân với những tâm trạng rất riêng, rất người, rất đời thường vào những trang thơ, trang văn. Và đó đều là cái tình đời, tình người của những người nghệ sĩ có tấm lòng nhân đạo và tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Chùm 3 bài Tự tình của Hồ Xuân Hương, mỗi bài có một vẻ riêng. Dù sao cũng phải nói rằng ở bài này thấy ít sự ngao ngán hơn. Thơ vẫn có những lúc phá phách nhưng không phải theo kiểu bất cần. Bài thơ nghiêng hơn về âm hưởng trữ tình. Nỗi buồn đong đầy nhưng vẫn lắng sâu, không hời hợt. Nhìn thẳng để viết thật về lòng mình, bài thơ không chỉ là tâm sự của Hồ Xuân Hương. Bài thơ còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
III - liên hệ
Đọc thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Tế Hanh bình luận:
Kính chào chị Hồ Xuân Hương,
Ôi một tài thơ cỡ khác thường.
“Xiên ngang mặt đất” câu thơ nhọn,
“Dê cỏn buồn sừng” chữ hóc xương.
Không chịu cam tâm làm phận gái,
Chế giễu nam nhi cả một phường.
“Bà chúa thơ Nôm” ai sánh kịp,
Ra ngoài lề lối của văn chương.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo