Đề: Hãy phân tích một bài thơ chữ Hán của Hồ Chủ Tịch sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp mà anh (chị) thích nhất
Trăng là một đề tài muôn thuở của thơ. Hình như khi loài người bắt đầu làm thơ đã bắt đầu xuất hiện trăng trong thơ, ta đã gặp trăng trong ca dao, trong thơ Lý Bạch.
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
- Đề: Cảm nghĩ của em về bài Cảnh khuya của Bác Hồ.
- Đề: Bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ đã gợi cho em cảm nghĩ gì sâu sắc về Bác Hồ kính yêu, về thơ văn của Người?
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Trăng là một đề tài muôn thuở của thơ. Hình như khi loài người bắt đầu làm thơ đã bắt đầu xuất hiện trăng trong thơ, ta đã gặp trăng trong ca dao, trong thơ Lý Bạch.
NGUYÊN TIÊU
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền
(1948)
Bản dịch của Xuân Thủy:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Trong bài thơ là cảnh trăng một đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng) trên một dòng sông giữa núi rừng Việt Bắc. Hoàn cảnh sáng tác là sau một cuộc họp của những người lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến để bàn về kháng chiến, bàn về đánh giặc. Đó là hoàn cảnh để sinh ra những câu thơ hùng khí, sang sảng tiếng đồng tiếng sắt. Nhưng rất lạ là bài thơ từ đầu đến cuối lại không có giọng ấy, chỉ có trăng, trăng tròn trăng đẹp, trăng sáng, trăng tràn trề lan chảy.
Mở đầu, nhà thơ tả ngay vầng trăng:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Câu thơ giới thiệu: đêm nay là đêm rằm, rằm tháng giêng vầng trăng tròn, rất tròn, tròn vành vạnh (nguyên văn: chính viên). Thực ra nói như thế cũng chưa nói được bao nhiêu về trăng. Nghe thì biết vậy, ta chưa thấy trăng hiện ta, chưa thấy cái vẻ của trăng, cái hồn của trăng. Trăng trong câu này còn là trăng chung, của mọi người, ai cũng thấy được và ai cũng có thể có được. Bởi vầng trăng còn cụ thể quá, định hình quá: trăng - đêm rằm - tròn đầy. Chuyện ấy có gì lạ? Đã thấy đâu con mắt của người nghệ sĩ.
Nhưng câu thơ thứ nhất là bước chuẩn bị cần thiết, là sự khởi động để bay lên trong câu sau:
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
(Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên)
Đây không còn là vầng trăng nữa mà là ánh trăng. Cảm giác chung do câu thơ đưa lại là: trăng sáng quá, trong trẻo quá, mà đất trời thì mênh mông đến rợn ngợp lên. Trời bao la không một gợn máy, chỉ có ánh trăng, trở thành ánh trăng. Dòng sông bao la như vô tận trong đêm trăng, lấp lánh ánh trăng, tràn trề ánh trăng. Cho đến cuối tầm nhìn cũng có ánh trăng, chỉ có ánh trăng. Trời vốn màu gì, màu xanh chăng? Không phải, chỉ một màu duy nhất: màu trăng. Sông màu gì? Nước màu gì? Xanh hay trắng, đỏ, hồng, hay tím thẫm? Không, sông nước cũng chỉ một màu: màu ánh trăng. Không thấy đâu chỗ nối trời với nước, chỉ có một mà thôi, điệp liền một màu, liên tục, bát ngát, mênh mông, vô cùng, vô tận...
Không tả trăng, chỉ nói: nước liền với trời mà khiến người ta thấy trăng là thế. Cái tài hoa của câu thơ là thế. Chất nghệ sĩ của cách nhìn, chỗ tài tình của chữ nghĩa là thế.
Trên cái nền trăng ấy là con người, một chiếc thuyền trên dòng sông:
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Dịch đúng nghĩa, câu thơ này phải là:
Giữa vùng trời sáng bàn bạc việc quân
(thử dịch: quân sự bàn trong vùng khói sóng)
Vùng khói sóng ở đây là giữa dòng sông, nhưng lúc này trên mặt sông, đêm lạnh khiến nước tỏa hơi mịt mờ như khói. Khói tỏa khắp bốn bề, lãng đãng cuốn đi. Con thuyền giữa dòng sông như ở giữa một vùng hư ảo, như đang trở về một thời cổ tích xa vời nào, như một suối đào, một cảnh bồng lai nào đó. Con thuyền cứ như lơ lửng đâu đó trong không trung, giữa bốn bề mây khói.
“Yên ba thâm xứ"... ý thơ ấy dễ kéo câu thơ trôi tuột đi mất đến hư vô, thoát li lắm. Mấy chữ ấy thật dễ kết hợp với những ý thơ nhàn tản vốn rất dồi dào trong thơ cổ: đi hái thuốc non tiên, gặp tiên, trò chuyện với tiên, kể chuyện tiên hoặc ít nhất cũng: gọi tiểu đồng pha trà, rót rượu... Nói chung bắt đầu từ hình ảnh đó, câu thơ đang đi chênh vênh bờ vực: một bên là cuộc đời, một bên là mộng ảo, vô ý, thiếu chủ động là rơi mất. Quyết định điều đó, chủ yếu là do thế giới quan, nhân sinh quan của người làm thơ, nhưng cũng không kém quan trọng còn là cái tài của nhà thơ, không khéo là bị lôi tuột vào ảo, vào mộng, nhưng không khéo cũng sẽ đi đến một kiểu kết hợp khập khiễng, giả tạo, khiên cưỡng. Ở đây:
Yên ba thâm xứ đàm quân
Sự kết hợp thật bất ngờ, thật mới mà cũng thật hòa hợp. Chất mộng là của đời, chất thực cũng của đời. Cái mộng trở nên thực, cái thực cũng vì thế mà bay lên, đẹp hơn, lí tưởng, thi vị hơn. Thế đấy, “việc quân” nào phải chuyện không thơ. “Đàm quân sự” là bàn chuyện đời sống, nhưng ở đây là chuyện kháng chiến, chuyện cứu nước, cứu dân, chuyện chính nghĩa nên nó đẹp, nó lí tưởng, nó đầy thi vị. “Bàn việc quân” trong một hoàn cảnh như vậy càng phù hợp, càng dồi dào ý nghĩa, càng khích lệ ước mơ chứ sao!
Câu thơ bay lên mà vẫn bay trong cuộc đời, nhìn vào cuộc đời. Chất hiện thực và chất lãng mạn cứ quyện vào nhau như bản chất cuộc đời vốn vậy. Nhân sinh quan một người một người sản với chất men say của nhà nghệ sĩ không hề đối nghịch nhau mà càng bổ sung cho nhau để tạo nên chỗ độc đáo của câu thơ. người làm thơ non tay không dám viết câu thơ như thế, không viết nổi câu thơ như thế.
Câu thơ thứ ba hay thật, nhưng câu thơ cuối cùng mới là tuyệt đỉnh:
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Việc quân bàn xong rồi, đúng nửa đêm rồi, trở về, sương khói cũng vừa tan, trăng trở nên tột cùng rực rỡ. Giờ đây, trăng không chỉ sáng trên trời, trên sông, trên nước, trăng đã tràn trề trong tâm hồn nhà thơ. bây giờ, từ nhà quân sự sáng suốt, nhà thơ trọn vẹn làm người nghệ sĩ tài hoa.
Thơ Đường có câu:
Ánh trăng sáng láng tràn về
Xòe tay thử hứng không hề đầy tay
Người xưa xòe tay hứng trăng, nhà thơ nay chở về cả một non thuyền đầy trăng. Chuyện quân sự vừa qua hẳn phải thú vị, thông suốt, sảng khoái, đầy hi vọng, tin tưởng, lạc quan, mới có lúc trở về như vậy. Một thuyền đầy trăng! Hình ảnh sao mà khơi gợi đến thế một con thuyền không chở gì cả, chỉ chở đầy trăng, tức là chở cả bầu trời, cả cuộc đời, với bao niềm vui, lạc quan, hi vọng.
Không phải “ánh trăng đầy thuyền” mà chính là “trăng đầy thuyền”. Không phải từ trời cao, trăng chiếu xuống thuyền, mà chính trăng đang ở trong thuyền, ngập đầy thuyền. Hình như nãy giờ không phải là chuyện quân sự mà là thuyền đậu bến trăng, chờ trăng xuống để chở trăng về bắt đầu từ cái phút huyền nhiệm: nửa đêm. Từ thuyền, trăng tỏa sáng bốn bề, trăng tỏa sáng, soi sáng mãi con đường về. Cả bức tranh lộng lẫy, toàn một màu trăng, toàn một màu ánh sáng lung linh. Bức tranh thực mà rất mộng, rất lãng mạn. Người và trăng hòa hợp biết chừng nào. Hồn người phải rộng mở biết bao để cảm thông, hòa nhập vào cái bao la ấy của thiên nhiên, cái sáng bừng ấy của trời đất.
BÀI LÀM 2
Trong thơ ta, ít có một thi nhân nào gắn bó với trăng như Bác. Trong suốt cuộc trường chinh phấn đấu vì độc lập của nước, vì hạnh phúc của dân, trăng với Người là một thứ hành trang tinh thần thủy chung hiếm thấy, ở góc độ miêu tả, tiếp cận nào, đường vào thơ Bác, cái ánh sáng huy hoàng ấy cũng hết sức hồn hậu, bình yên. Khi bè bạn (Tin thắng trận), lúc hữu tình (Đi thuyền trên sông Đáy), hoặc là biểu trưng tuyệt vời một cốt cách (Cánh rừng Việt Bắc) hoặc là một trang sức vô giá của thiên nhiên. Rằm tháng giêng nằm trong khu vực thứ thứ tư này của hệ thống tuần hoàn biến tấu ấy.
Hoàn cảnh sáng tác bài Rằm tháng giêng rất giống lúc Bác ở trong tù trên khía cạnh “không rượu cũng không hoa” (“Trong tù không rượu cũng không hoa”). Thay hai chữ “trong tù” đi (bằng hai chữ: “Trên thuyền” chẳng hạn) câu thơ đã sang trang cho một giai đoạn mới. Dù với một hoàn cảnh không giống như xưa - nghĩa là không còn bị xiềng xích nữa, song tâm thế thi nhân vẫn chỉ là một mà thôi. Câu dịch “Rằm xuân lồng lộng trăng soi” chưa lột tả hết được cái ngỡ ngàng trong lần ngắm trăng này của Bác: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”. Có lẽ ngồi trên con thuyền giữa đêm trăng sông nước, không phải là để đi dạo cảnh mà là bàn bạc việc quân cơ, chợt nhìn ánh trăng trong trẻo giữa trời mà Bác nhớ ra: À! Đêm nay là nguyên tiêu, thảo nào trăng tròn thế! Câu thơ mang tính chất nhận diện: và chính vì thế nó như một tiếng reo thầm. Cuộc gặp trăng bất ngờ mà xiết bao thú vị. Thì ra trong chặng đường còn chồng chất khó khăn, thiếu thốn này, Người vẫn còn đầy một kho hạnh phúc thừa dư. Trong sự khẩn trương, tất bật của tình hình, thiên nhiên vẫn dành cho Người phút nghỉ ngơi, thư giãn. Trăng vốn đẹp, nay bất ngờ mà hưởng thụ cái đẹp ấy, hạnh phúc vô tình tự nó sẽ nhân đôi. Dù trăng với người vốn không xa lạ, ấy thế mà đêm nay, nó mới mẻ, tinh khôi như trở lại cái phút ban đầu (“Cái phút ban đầu lưu luyến ấy”), vẻ đẹp của trăng đêm nay là vẻ đẹp của quả chín trên cành. Nó là hình ảnh của sự trọn vẹn, toàn bích cả trên hai bình điện: sự ưu đãi của thiên nhiên và lòng cảm mến của con người.
Ánh trăng đẹp cũng như một bản nhạc hay. Lên tới tuyệt vời cung bậc chúng đều tạo nên một sự im lặng - cảm thông - chuyển hóa. Đó là trạng thái cân bằng giữa đối tượng khách quan với chủ thể lĩnh hội. Khoảng cách phân thân giữa đề tài và người nghệ sĩ đã rút ngắn tới cùng, được thay vào đó một sự nhập thân đồng điệu. Trăng và Người ở đây đã diễn ra cái sự “mặt mơ tưởng mặt” như ngày nào còn trong từ ngục “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ”. Nay “cửa sổ” (thực chất là cửa sắt) đã không còn, chỉ còn lại một sự say mê - và điều này thì không khác trước. Bớt đi được cái cửa tù của sáu, bảy năm về trước, trời đất bỗng mênh mông:
“Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”
Câu thơ giống như một sự bùng nổ dây chuyền bởi mùa xuân vừa cựa mình thức giấc. Tất cả: dòng sông, mặt đất, chân mây; tất cả im lặng, nén lòng suốt ba mùa hanh leo, nắng lửa. Nó bền bỉ đợi chờ héo hắt cả ruột gan. Để đến phút bây giờ. “Một phút - đời người” là thế! Hết một năm trời đằng đẵng đợi đợi trông kia mới đến được một đêm nguyên tiêu ngắn ngủi. Thế mà suýt nữa vô tình mà quên lãng, vô thức mà lỡ hẹn cùng trăng. Mà nhìn kìa, chỉ một phút hóa thân kì diệu, trăng sáng với mùa xuân đã không còn ranh giới nữa. Xuân sông gọi xuân nước. Xuân nước gọi xuân trời . Tất cả tưng bừng, ríu rít, cuồn cuộn trào dâng như những bàn chân vô hình rủ nhau, theo nhau bước vào ngày hội. Đam mê như một giấc chiêm bao với bạt ngàn giàu có. Mỗi nhịp thơ là một cảnh sắc ngoạn mục tuyệt vời. Cả câu thơ là một chuỗi ngọc dính kết vào nhau theo nhau bước vào ngày hội. Đam mê như một giấc chiêm bao với bạt ngàn giàu có. Mỗi nhịp thơ là một cảnh sách ngoạn mục tuyệt vời. Cả câu thơ là một chuỗi ngọc dính kết vào nhau bằng màu sắc. Đúng là cả bầu trời “bát ngát xa trông” nhưng không phải “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” (Truyện Kiều”) mà chỉ một sắc xuân trăng bằng bàng bạc vô tận cùng. Chính là mùa xuân đang xòe nở một bông hoa trắng, bằng cái mặt bằng mênh mông, bằng sắc xuân mượt mềm của nó. Tiết tấu của câu thơ (ba nhịp và nhịp đôi) làm ta liên tưởng đến Xuân Diệu - người cùng diễn tả độ rộng không gian: “Trăng sáng, trăng xưa, trăng rộng quá”. Cũng là trăng, là xuân, cũng ba nhịp đổ dồn mà tác giả Thơ thơ cảm nhận một sự đơn côi, cá thể (dù là có hai người “Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”) giữa cái vô hạn trời uổng phí! Còn với Bác, câu thơ đã nâng đỡ tâm hồn. Hồn thi nhân như cánh diều lộng gió đang mải miết bay cùng cái bát ngát trăng trời, sông nước mênh mông. Thế mới biết, trong cuộc sống và trong thơ, con người ta cần đến một tầm nhìn biết mấy. Nếu không, những cảm nhận ngược chiều sẽ đi vào ngõ cụt, đó cũng là lẽ đương nhiên. Cũng nên thể tất một điều là thi phẩm của Xuân Diệu không cùng một hoàn cảnh với Bác Hồ (bên cạnh yếu tố chủ quan). Hai câu thơ, hai cách nhìn nếu với Xuân Diệu là đáng xót thương, thì với Bác Hồ, lòng yêu thiên nhiên của người đọc phải tự nâng cấp để ngang tầm, để bắt kịp được những cơn sóng trời gối nhau, tràn chảy.
Trong thơ Đường tứ tuyệt, câu ba là câu đệm. Nó chuẩn bị, nó nén dồn cho một mũi tên từ đó (câu ba) và cả từ trước đó (câu một và hai) như một thứ bệ phóng để vọt ra. Bất ngờ đến mức nào, ấn tượng đến mức nào còn tùy thuộc vào hướng đi của tứ thơ đột ngột ấy. Đột ngột trong cảm nghĩ, trong ấn tượng nhưng lại lôgic trong hình tượng toàn bài. Đây là một sự thách đố mà người giải nó phải rất cao tay:
“Yên ba thâm xứ đàm quân sự”
Cái gạch nối “yên ba” này làm ta nhớ đến bồn chồn: Thôi Hiệu “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Như thế là một phương hướng của thơ xưa là từ cái thực tại cái trước mắt mà hướng rất sâu, rất xa vào quá khứ với bao u tịch, cma3 hoài. Bởi điều này có hoàn cảnh khách quan của lịch sử. Và còn bởi “khói sóng” là một cái gì đó rất mờ ảo, chập chờn. Đó là nơi thâm sơn cùng cốc, con đường :đào nguyên” khi mà thi nhân chỉ còn một khoảng không rất rộng rất dài bầu bạn. Thế mà giữa một con đường quen thuộc đến nao lòng kia, Bác lại rẽ sang một hướng khác. Lẽ ra phải trở về phía sau “Đường về thu trước xa lắm lắm”, Bác đi về phía trước. Người đi thẳng vào những vấn đề trung tâm của cuộc sống, nơi mà sự còn mất của dân tộc đang đặt ra từng phút từng giờ: việc quân cơ, cứu quốc. Và điều kì diệu là dẫu đặt ra cái mà thơ Đường, Tống không thể đặt ra, câu kết thúc (thường có một dư vị bao trùm) vẫn rất là thi sĩ: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Như thế là trăng xuân đã mặc áo cho nước cho trời (câu 1 + 2) giờ đây đến lượt con thuyền về muộn (khuya về). Sự kì diệu đã xảy ra trong một phút không ngờ: con thuyền đã biến đổi hẳn đi như không còn chính nó. Chỉ có điều: nếu trời và nước có độ rộng thì khoang thuyền lại có độ sâu, có sức chứa chở. Thuyền nhẹ khi đi là thế, nhẹ như mấy năm về trước , (“Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”), lúc trở về đã ngập đầy, mép 1 thuyền đã ngang bằng với mép nước vì trên con thuyền huyền thoại ấy nó đã đầy nặng ánh trăng.
Điều quan trọng hơn là: như một phong cách vững bền chứ phải đâu ngẫu hứng, trong thực tế, Bác đã đem chất thép cho thơ. để trống vắng câu ba hoặc thay nó bằng một cái gì tương tự, bài thơ vẫn dễ dàng tạo nên một nhất quán bố cục, và có lẽ khó mà phân biệt với thơ Đường, Tống. Vấn đề là ở chỗ: từ một công việc dường như rất ít chất thơ - theo quan niệm cũ (đàm quân sư), Bác đã thổi vào một linh hồn. Thế là tất cả trở nên lung linh hương sắc. Mà có khiên cưỡng chút nào đâu? Cảm xúc thực của Người cứ tự nó trào ra, tự nó cất lên thành nhạc. Thì ra sự nghiệp kháng chiến là gốc rễ, cây trồng để có một mùa vui lớn. Mùa vui lớn ấy là độc lập, tự do - điều quý nhất với một dân tộc, với mỗi con người. Phấn đấu cho sự nghiệp ấy bản thân sự phấn đấu này là rất nên thơ. Đây là chưa nói đến một ngoại cảnh hữu tình làm ngọn gió cho chiếc nôi đưa tâm hồn yên ả. Cũng phải nói thêm: bài thơ sáng tác vào năm 1948, năm mà cuộc kháng chiến đã hái gặt được những chiến công - dù chưa hẳn đã dội vang như Điện Biên Phủ sau này, nhưng cũng đã gieo hạt niềm tin cho nhân dân và trước hết - những người chèo lái. Bài thơ nói đến “đàm quân sự” dù không hề có súng nổ quân reo nhưng vẫn có cái dư vị chiến trường, một không khí trận mạc rất gần, ở đâu đó đây thôi. Mới một năm trước đó, năm 1947, Bác còn bề bộn lo toan “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”. Bây giờ gánh nặng ưu tư đã dường như vơi bớt.
Thơ Bác là một tâm hồn riêng, một tiếng nói riêng. Nhưng sức vang động từ phía cuộc đời ở nơi đây rất lớn.
* Bài đọc thêm:
NGÀY XUÂN ĐỌC BÀI THƠ XUÂN
NGUYÊN TIÊU CỦA BÁC HỒ
Một đêm xuân, trăng tròn. Sông xuân, nước xuân tiếp liền với bầu trời xuân. Một bức tranh xuân tuyệt đẹp, tràn đầy sức xuân.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Kim dạ: đêm nay. Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng tròn vành vạnh. Đêm nay đẫm xuân: sông xuân, nước xuân, trời xuân. Xuân như giăng từ mặt nước đến bầu trời. Đêm nay tình xuân lai láng. Cũng phải đêm nay đêm nguyên tiêu này “chứ không phải đêm nào khác, đêm khác cảnh trời không như đêm nay, tình ta, cảm xúc ta khác đêm nay” (Huỳnh Lý).
Bài thơ mở đầu là cảnh trăng sáng lồng lộng trên dòng sông. Câu tiếp theo vẽ cảnh trời nước bao la một màu. Cái màu sắc riêng của mùa xuân không thể nhầm lẫn được, chỉ mùa xuân mới có. Tươi mát, êm dịu, không gợn đục, không một chút buồn, chỉ thấy sáng trong, rộng mở, hữu hạn của sông xuân, nước xuân đồng nhất với cái vô hạn của bầu trời xuân làm cho không gian trở nên bát ngát như tấm lòng và tâm thế nhà thơ vậy.
Đã qua đi mùa đông u ám. Rằm tháng giêng. Thời tiết sang xuân, chất hết trăng mùa đông lạnh lẽo. Lần đầu tiên của một năm, trăng sáng, bầu trời trong trẻo, ấm áp. Cái quý, cái giá trị của trăng rằm tháng giêng là thế, đón nhận Nguyên tiêu là thế.
Tứ thơ đột xuất ở câu chuyển câu thứ ba:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
(Giữa dòng bàn bạc việc quân)
và kết thúc bất ngờ thú vị:
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Một con thuyền, một sự kiện trên dòng sông trăng sáng, vẫn là chất liệu của Đường thi: vầng trăng, dòng sông, bầu trời, con thuyền, nhưng sao không hề lẻ loi, hiu quạnh, buồn tủi mà phơi phới.
Có một hình ảnh để gợi buồn nhất: Yên ba thâm xứ (ở sâu trong khói sóng) làm ta dễ nhớ câu thơ:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sứ nhân sầu.
của Thôi Hiệu trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu, Tản Đà dịch:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
và câu thơ của Cao Bá Quát:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
(Cuộc đời lên xuống anh đừng hỏi
Ở sâu trong khói sóng một con thuyền)
Cái khói sóng trên sông mờ ảo, sâu thẳm, hư vô kia ngập một nỗi buồn day dứt của khách giang hồ phải ly quê và một nỗi đau tuyệt vọng của người có chí mà bế tắc trước cuộc đời. Còn Nguyên tiêu:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Đàm quân sự: bàn việc quân. Thì ra trên thuyền không phải một lãng tử, một du khách, không phải những tài tử đàm tâm sự hay đàm thế sự mà đây là bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến đang bàn việc quân ở một nơi bí mật (ở sâu trong khối sóng).
Bác Hồ của chúng ta là thế. Những năm 1947 - 1948, tình thế cách mạng vẫn còn gieo neo mặc dù đã có những bước chuyển. Bao chồng chất khó khăn của những ngày đầu mới giành chính quyền tưởng như không qua nổi, đã vượt qua. Tình hình cũng đúng như sự chuyển mùa của thiên nhiên, mùa đông qua đi, mùa xuân đã đến. Chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947 là một mốc chuyển, nhưng cuộc kháng chiến còn bao thử thách. Bộ chỉ huy phải làm việc căng thẳng cả ban đêm trên một con thuyền giữa chốn rừng sâu sông nước. Gian nan, vất vả nhưng cũng rất nên thơ. Mà việc quân cũng nên thơ lắm chứ. Bàn việc quân giữa khung cảnh đầy xuân sắc lại càng nên thơ, và quả đã thành thơ thật.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Nửa đêm... quay thuyền về. Công việc bàn định xong, trăng sáng đẩy thuyền.
Thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng có một bài thơ chữ Hán tả đêm rằm tháng giêng: Quỳnh Hải nguyên tiêu. Đêm rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải. Bài thơ có đoạn:
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thuyền quyên
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
tạm dịch:
Rằm xuân trăng sáng đầy trời
Hằng Nga vẫn đẹp như hồi năm nao
Xuân vui vui với ai nào
Trăng tròn muôn dặm Quỳnh Châu cũng tròn.
Đêm rằm tháng giêng, trăng tròn, sáng đầy trời, nhà thơ ở Quỳnh Hải, quê vợ, với một nỗi buồn Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán (Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác). Trăng sáng cũng chẳng đem lại cho tác giả được chút vui nào chỉ thêm buồn. Cái buồn tha hương trải khắp muôn dặm Quỳnh Châu. Bài thơ thật tê tái. Cũng là Nguyên tiêu nhưng hai bài thơ, hai hoàn cảnh, hai tâm trạng, nên hứng thơ, lời thơ và khí thơ khác hẳn nhau.
Nếu ngược thời gian, mở rộng biên độ, ta có thể so sánh Nguyên tiêu với Phong Kiều dạ bạc - một bài thơ nổi tiếng của Trương Kế rất quen thuộc với chúng ta để càng thấy cái khí sắc thơ Bác Hồ.
Trương Kế thả thuyền trên sông là để tìm thú vui chốc lát bé nhỏ trong cuộc đời dằng dặc, đầy rẫy buồn đau:
Trăng là tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Đêm đã về khuya, bóng trăng đã tà nhường chỗ cho màn sương đục phủ kín đầy trời, một tiếng quạ kêu lạc lõng trong đêm sương trăng mờ càng làm, tăng vẻ buồn của cuộc đời sâu mãi vào cõi mịt mù. Xa xa đốm lửa le lói trên chiếc thuyền hàng chài thức khuya, lưới cá và bóng cây phong đứng im lìm, trầm tư bên bờ sông. Cuộc đời mới buồn bã làm sao, vẫn giẫm chân tại chỗ. Người du khách sau khi nhấp chén rượu say nằm ngủ trên thuyền và mang theo cả khối sầu ấy vào trong giấc mộng.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Bài thơ có trăng, có thuyền, có cây, có ánh lửa, có tiếng chim, có cả tiếng chuông chùa mà vẫn vắng lặng và một nỗi buồn thê thảm tràn ngập. Nguyên văn câu Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San là Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền thì mấy chữ chung thanh đáo khách thuyền thật là thần tình, đến câu Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền với mấy chữ nguyệt mãn thuyền trong Nguyên tiêu thì càng thần tình hơn. Trăng chứa đầy thuyền chứ không phải thuyền đầy trăng.
Trăng trong Phong Kiều dạ bạc là vầng trăng lặn. Trăng trong Nguyên tiêu là trăng đang lên. Lại là trăng rằm tháng giêng đang độ non tơ, trăng tròn như sự vật đang ở thời kỳ viên mãn nhất, như cuộc đời đang ở độ sung sức nhất. Bài thơ của Bác mở ra lúc trăng vừa lên và khép lại lúc trăng ở chính giữa vòm trời. Phải ở vị trí này trăng mới chứa đầy thuyền được, nhất là chiếc thuyền đang trên sông nơi thâm sơn cùng cốc của núi rừng sông nước Việt Bắc. Việc quân cơ được nhất trí cao, trên dưới đồng lòng, ra về trăng chứa đầy thuyền. Trăng đã tìm đến với Bác, trăng cùng Bác và Bác cùng trăng trên đường về phơi phới tin yêu.
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Cũng cần nói thêm một chút, đêm trăng tròn đầu tiên của mùa xuân mới của cả một năm mới, tự nó đã là một niềm tin yêu, một niềm vui, niềm hứa hẹn. Một kế hoạch đánh địch, thắng địch được quyết định trong cái đêm trăng tròn đẹp như vậy, nên thơ như vậy, chắc hẳn người cầm quân - thi nhân ở cái tầm hoàn toàn làm chủ tình thế, nắm chắc thế trận, biết ta biết địch mới có cái thế ung dung, cái tư thế lồng lộng quyền hòa một cách hoàn toàn tự nhiên với cái đẹp, cái trong sáng của vũ trụ giữa đêm rằm tháng giêng này.
- Các thể loại văn tham khảo lớp 7
- Bài 1 sgk ngữ văn 7
- Bài 2 sgk ngữ văn 7
- Bài 3 sgk ngữ văn 7
- Bài 4 sgk ngữ văn 7
- Bài 5 sgk ngữ văn 7
- Bài 6 sgk ngữ văn 7
- Bài 7 sgk ngữ văn 7
- Bài 8 sgk ngữ văn 7
- Bài 9 sgk ngữ văn 7
- Bài 10 sgk ngữ văn 7
- Bài 11 sgk ngữ văn 7
- Bài 12 sgk ngữ văn 7
- Bài 13 sgk ngữ văn 7
- Bài 14 sgk ngữ văn 7
- Bài 15 sgk ngữ văn 7
- Bài 16 sgk ngữ văn 7
- Bài 17 sgk ngữ văn 7
- Bài 18 sgk ngữ văn 7
- Bài 19 sgk ngữ văn 7
- Bài 20 sgk ngữ văn 7
- Bài 21 sgk ngữ văn 7
- Bài 22 sgk ngữ văn 7
- Bài 23 sgk ngữ văn 7
- Bài 24 sgk ngữ văn 7
- Bài 25 sgk ngữ văn 7
- Bài 26 sgk ngữ văn 7
- Bài 27 sgk ngữ văn 7
- Bài 28 sgk ngữ văn 7
- Bài 29 sgk ngữ văn 7
- Bài 30 sgk ngữ văn 7
- Bài 31 sgk ngữ văn 7
- Bài 32 sgk ngữ văn 7
- Bài 33 sgk ngữ văn 7
- Bài 34 sgk ngữ văn 7