Đề: Hãy hình dung tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang. Tâm trạng đó thể hiện như thế nào? (mượn cảnh nói tình và trực tiếp tả tình như thế nào?)

BÀI LÀM

- Bài thơ thoạt đầu tả cảnh (bốn câu đầu):

    Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
    Lom khom dưới núi tiều vài chú
      Lác đác bên sông chợ mấy nhà...

(Đèo Ngang... xế tà! cỏ cây... dưới núi... bên sông...)

- Sau đó, từ tả cảnh bài thơ chuyển sang tả tình, mượn cảnh tả tình, nói lên tâm sự của nhà thơ trước cảnh (bốn câu cuối):

     Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
      Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
     Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

(Nhớ nước... Thương nhà... Dừng chân đứng lại... ta với ta)

Hai câu đề: Tả đại thế cảnh Đèo Ngang.

+ Câu 1 (phá đề): Ghi lại một nét thoáng qua về không gian và thời gian:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Không gian: Đèo Ngang (tức Hoành Sơn) gợi lên hình ảnh một vùng núi non hiểm trở nằm ngang trên đường từ bắc vào nam.

Thời gian: nơi núi non hiểm trở ấy càng trở nên hoang vu, buồn vắng vào lúc chiều tà bóng xế.

+ Câu 2 (thừa đề): Phác ra một nét chung về cảnh Đèo Ngang:

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Phép điệp từ (chen... chen...), phép đối (Cây chen đá! lá chen hoa), cách điệp âm liên tiếp (tà... đá... lá... hoa...) trong câu thơ đã tạo ra ấn tượng một cảnh thiên nhiên hoang dã, ngút ngàn cây và đá, lá và hoa, ngoài ra không có gì khác.

Bốn câu thực và luận: Tả cụ thể cảnh Đèo Ngang (những cảnh mắt thấy tai nghe).

+ Cảnh mắt thấy (2 câu thực):

Lom khom / dưới núi / tiều vài chú
Lác đác / bên sông / chợ mấy nhà.

“Lom khom", "lác đác" là những từ láy âm, giàu sức gợi hình; kết hợp với phép đảo ngữ trong từng câu (Với chú tiều lom khom dưới núi - Mấy nhà chợ lác đác bên sông) và phép đối giữa hai câu (lom khom / lác đác - dưới núi - bên sông - tiều vài chú - chợ mấy nhà), càng làm tăng thêm sức gợi tả như tạc, như vẽ ra trước mắt ta cảnh vật "dưới núi" và "bên sông".

Bóng dáng con người thấp thoáng "dưới núi", nhỏ xíu (lom khom), thưa thớt quá (vài chú) không làm vơi được cái vắng. Đến cảnh "bên sông" chỉ lơ thơ mấy cái lều quán giữa chợ càng làm tăng thêm nỗi buồn. Nhà thơ đã cảm nhận rất sâu lắng cái buồn vắng, hiu quạnh của một chiều tà ở Đèo Ngang.

+ Cảnh tai nghe (2 câu luận):

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Tiếng cuốc kêu trên đèo vắng, lúc chiều tà vốn đã thê lương, nó lại khắc khoải trong lòng nhà thơ nên càng gợi thêm cái hắt hiu buồn vắng.

Nếu bốn câu đầu còn nặng về tả cảnh là chính thì hai câu 5 - 6 chủ yếu mượn cảnh để tả tình. Với phép lộng ngữ (chơi chữ) tài tình, nhân hóa con "quốc quốc" với nỗi đau lòng nhớ nước và con "gia gia" với nỗi thương nhà mỏi miệng kêu hoài, kết hợp với phép đối tài hoa giữa hai câu 5 - 6, nhà thơ đã tạo ra sự cộng hưởng đậm đà làm cho nỗi niềm nhớ, thương, đau, buồn của lòng người càng thêm da diết.

Hai câu kết: Thâu tóm một cách sinh động và sâu lắng diễn biến tâm trạng của nhà thơ lúc này từ chỗ ngắm cảnh bên ngoài chợt quay về với lòng mình:

      Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

+ Câu 7 biểu hiện hình ảnh con người đối diện với toàn cảnh nhiên, một thiên nhiên mênh mang như vô tình, chỉ có trời, có núi, có sông như mở rộng ra vô tận.

+ Câu 8 khắc một nét chốt cùng tâm trạng của nhà thơ trước cái mênh mang vô tận và như vô tình ấy của cảnh vật, chợt cảm thấy cô đơn, hiu quạnh bèn quay về với lòng mình, với nỗi niềm riêng tư của mình, chịu đối diện với mình: "ta với ta"

* Đọc thêm bài: Chiều hôm nhớ nhà để thấy rõ thơ tả cảnh của Bà Huyện Thanh Quan có đặc điểm gì về nội dung và nghệ thuật?

- Giống như bài Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà thoạt đầu tả cảnh (bốn câu đầu):

            Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
     Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.
   Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

(Trời chiều... hoàng hôn - Tiếng ốc... trống dồn/ ngư ông... mục từ..)

Sau đó, từ tả cảnh bài thơ cũng chuyển sang tả tình, mượn cảnh tả tình, nói lên tâm sự nhớ nhà da diết, cô quạnh, buồn thương man mác của nhà thơ:

              Ngàn mây gió cuốn chim bay mỏi,
                Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
              Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

(... chim bay mỏi/... khách bước dồn/... người lữ thứ/... nỗi hàn ôn)

- Rõ ràng qua cả hai bài thơ Qua Đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà chúng ta đều bắt gặp ở nữ sĩ Thanh Quan:

+ Một nghệ thuật thơ rất mực tài hoa, trang nhã, tinh tế, "tả cảnh ngụ tình”.

+ Một phong cách thơ nặng tâm tư hoài cổ, bàng bạc một nỗi buồn kín đáo trước thực tại đời sống đương thời.

* Lập lại trật tự bình thường về ngữ pháp của hai câu thực và hai câu luận để thấy kết cấu câu trong thơ khác cách kết cấu câu trong văn xuôi. Tại sao thơ được phép có những kết cấu câu không bình thường?

Dưới đây là một cách (trong nhiều cách) diễn đạt bằng văn xuôi theo trật tự bình thường về ngữ pháp ở hai câu thực và hai câu luận:

- Câu 3:

Lom khom dưới núi tiều vài chú (thơ).
Vài chú tiều lom khom dưới núi (văn xuôi).

- Câu 4:

Lác đác bên sông chợ mấy nhà (thơ).
Mấy nhà (quán) chợ lác đác bên sông (văn xuôi).

- Câu 5:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc (thơ).
Con quốc quốc đau lòng nhớ nước (văn xuôi).

- Câu 6:

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (thơ)
Cái gia gia mỏi miệng thương nhà (văn xuôi).

Do yêu cầu về vần điệu và yêu cầu gợi cảm xúc, gợi liên tưởng nên kết cấu câu trong thơ linh hoạt, tự do hơn, không chặt chẽ như trong văn xuôi. Song, chính vì thế lại khó hơn văn xuôi nếu muốn cho thơ thực sự hay.

* Bài đọc thêm:

QUA ĐÈO NGANG

MỘT BỨC TRANH TÂM TRẠNG ĐỘC ĐÁO

Qua Đèo Ngang là một bức tranh lớn, đượm buồn, đầy hoài niệm.

Có phải ngẫu nhiên nhà thơ đến với Đèo Ngang trong "bóng xế tà"? Nơi đây, trong ánh chiều sắp tắt, cảnh vật đã bày rõ ra cái vẻ hoang vu, hiu hắt đến rợn người. Chỉ có những "đá" những "hoa" chen chúc hỗn độn trong cây, cành, cỏ, lá như trái đất từ thuở hồng hoang nào đó. Với vị trí câu đề, khung cảnh ấy gieo một ấn tượng trống vắng, lạnh lẽo cả về không gian lẫn thời gian. Một sắc vị rêu phong của tâm hồn trùm lên lời thơ gợi những dấu vết của một thời đã qua như có lần nhà thơ hoài tưởng:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

                                                     (Thăng Long hoài cổ)

Tuy ở đây, giữa cái không gian mênh mông, trống trải của Đèo Ngang này, nhà thơ không nói rõ một cái gì "xưa" "", nhưng âm hưởng của "hồn thu thảo" màu sắc của "bóng tịch dương" như đồng vọng, như nhuộm lại trong một không gian khác trần trụi hơn, cô quạnh hơn. Đành rằng nơi đây cũng có bóng người, có dấu ấn của sự sống hiện thời:

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Nhưng thưa thớt quá, tiều tụy quá. Nó chỉ càng làm tăng thêm cái vẻ tàn tạ, quạnh hiu của cảnh vật mà thôi. Dẫu có thể chỉ là chú tiều ước lệ, hay còn đang băn khoăn chợ hay rợ thì hai câu thực này vẫn cứ là hai nét đặc tả tài hoa về một không gian và thời gian đích thực, vừa hiện tại, vừa quá vãng. Nó như điểm tựa cho hai câu luận thốt lên da diết đớn đau:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Tiếng chim kêu đó hay tiếng lòng khắc khoải của nhà thơ? Sao lại nhớ nước trong lòng con cuốc cuốc? Sao lại thương nhà nơi miệng cái gia gia? Tiếng chim vô hồi thắt quặn hay chính là một nỗi niềm vời vợi nhớ thương? Ở đây, cảnh vật tự nhiên với cõi lòng nhà thơ đã hòa trộn vào nhau một cách kì diệu như một khúc cộng hưởng âm sắc thật độc đáo, thật gợi cảm có một không hai trong nền thơ cổ điển Việt Nam. Nói một cách khác, với Qua Đèo Ngang, từ cảnh vật và bằng cảnh vật, nhà thơ đã cất lên tiếng lòng riêng của mình trong một cảm xúc thời thế xót xa và cháy bỏng, bùng lên trong giây lát, để rồi lại trở về với cái mênh mang, hoang vắng vốn có của đất trời và cái cô đơn lạnh lẽo đến tuyệt đỉnh của chính nhà thơ:

      Dừng chân dừng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta

Hai chữ "ta" mà vẫn chỉ có một người trong một "mảnh" lòng bé nhỏ, đơn côi đến đáng sợ giữa một "trời non nước" mênh mông nhường ấy. Kết thúc bài thơ như vậy khác nào một lần nữa, nhà thơ đã phủ lên cho bức tranh Đèo Ngang một sắc màu "tang thương" của thời thế, một lời chối từ xót xa đối với thực tại?

Trong dãy Hoàng Sơn vốn to lớn, hùng vĩ là thế, vậy mà trong "bóng xế tà" với "mảnh tình riêng" của nhà thơ, Đèo Ngang chỉ còn là hình ảnh của một tâm trạng, một cách nhìn đối với thời cuộc.

* Bài đọc thêm

KHEN TINH, CHÊ KHÉO

Bà Huyện Thanh Quan quê ở làng Nghi Tàm bên Hồ Tây, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) sống vào khoảng đầu thời Nguyễn. Vì lấy chồng làm Tri huyện Thanh Quan, nên người ta thường gọi bà là bà Huyện Thanh Quan. Còn tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh ít ai nhắc đến. Bà là người có tài làm thơ, lại là người có đức độ trong việc dạy học. Thời kỳ làm Cung trung giáo tập, tài đức của bà đã làm cho Minh Mệnh vốn là một ông vua khắc nghiệt, khó tính cũng phải quý trọng, tin dùng, thường vẫn cùng với bà đàm luận chuyện văn chương rất là tương đắc.

... Tương truyền, khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc có ghé thăm một xưởng làm đồ gốm. Theo yêu cầu của những người thợ ở đây, Nguyễn Du đã đề vào bức vẽ sơn thủy trong một bộ đồ trà hai câu thơ Nôm như sau:

Nghêu ngao vui thú yên hà,
       Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

Về sau bộ đồ trà ấy đã được sản xuất hàng loạt, và khi xuất xưởng được rất nhiều khách hàng ưa chuộng... Thời Minh Mệnh, có người dâng nhà vua bộ đĩa chén uống trà đó. Minh Mệnh thích lắm, một hôm đem khoe với các cận thần có mặt, nhân tiện lại bảo bà Thanh Quan vịnh thêm một câu thơ Nôm. Bà xem qua bộ đĩa chén rồi làm hai câu rằng:

Như in thảo mộc trời Nam lại,
Đem cả sơn hà đất Bắc sang.

Câu thơ là một lời bình khá tinh tế, vừa nói được bộ đĩa chén là do người phương Bắc làm, vừa nói được cái hồn dân tộc đậm đà của người đề từ. Minh Mệnh hài lòng lắm.

Cùng hôm đó. Minh Mệnh viết hai chữ "đại tự" Phúc Thọ vào tờ giấy đỏ chừng như để ban ơn cho một đại thần nào đó. Nhân đang hứng, Minh Mệnh quay hỏi ban giáo Thanh Quan chữ viết thế nào? Bà đáp:

Phúc tối hậu, thọ tối trường!

Nghĩa là:

"Phúc cực dày, Thọ cực dài"

Mới đầu Minh Mệnh hơi ngơ ngác, nhưng rồi nhìn kĩ chữ viết của mình, ông vua khó tính đã nhận ra: chữ Phúc thì béo phục phịch, chữ Thọ thì dài lêu nghêu. Minh Mệnh thích thú, mỉm cười, biết là bà giáo đã chê vua viết xấu, nhưng chê thật khéo léo, văn vẻ, mà cũng thật hóm hỉnh.

Các bài học liên quan
Đề: Hãy miêu tả chân dung một người bạn của em.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật