Để: Em sẽ viết như thế nào để thể hiện nhận thức đúng đắn của mình đối với vai trò công lao của thầy giáo, cô giáo và nói lên lòng biết ơn của mình đối với thầy cô?

Kính thưa các thầy, các cô! Đất nước ta đang bước vào những ngày sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2002, năm có nhiều bước ngoặc lớn lao nhằm đổi mới nền kinh tế, xã hội, đổi mới bộ mặt của đất nước bước sang bản lề của thế kỉ 21.

Trong buổi họp mặt kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20 tháng 11), em được phân công viết bài chào mừng các thầy giáo, cô giáo. Em sẽ viết như thế nào để thể hiện nhận thức đúng đắn của mình đối với vai trò công lao của thầy giáo, cô giáo và nói lên lòng biết ơn của mình đối với thầy cô?

BÀI LÀM

Kính thưa các thầy, các cô!

Đất nước ta đang bước vào những ngày sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2002, năm có nhiều bước ngoặc lớn lao nhằm đổi mới nền kinh tế, xã hội, đổi mới bộ mặt của đất nước bước sang bản lề của thế kỉ 21. Ngành giáo dục đang rạo rực khí thế thi đua dạy tốt, học tốt chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Thay mặt cho toàn thể các bạn học sinh trong trường, em xin gửi tới các thầy, các cô những lời chào mừng tốt đẹp nhất, kính dâng lên các thầy, các cô những đóa hoa thành tích của chúng em và tấm lòng biết ơn sâu sắc các thầy, cô, những người đã dạy dỗ, chăm sóc tuổi thơ của chúng em.

Kính thưa các thầy, các cô!

Chúng em biết, người thầy dạy học là người được xã hội giao phó cho một trách nhiệm lớn lao là đào tạo thế hệ trẻ thành những con người mới, những người phát triển toàn diện, đem đến cho tâm hồn trẻ những tri thức, những kinh nghiệm mà nhân loại đã tích lũy trong suốt quá trình lịch sử lâu dài về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, về cuộc sống. Các thầy, các cô đã “vì lợi ích trăm năm”, vì “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” mà “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành những con người hữu ích, xây dựng xã hội hiện tại và tương lai. Thật đúng khi nhà thơ Bùi Đăng Sinh, hiện nay là một nhà giáo kì cựu, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã viết:

Đồi cao thắm sắc hoa thơm
Trồng hoa thầy đã trồng luôn cả người

Các thầy, các cô là những kĩ sư tâm hồn. Các thầy, các cô đang làm một nghề cao quý nhất: nghề dạy học, nghề mà nhân dân ta vốn coi trọng, quan tâm và biết ơn. Họ thường bảo nhau:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy

Vì học sinh thân yêu, các thầy cô đã luôn quan tâm đến sự tiến bộ của chúng em, vui sướng trước sự trưởng thành của chúng em, trăn trở trước những thiếu sót mà chúng em mắc phải.

Từ cái bình yên là nhà trường, tình cảm gắn bó giữa chúng em và các thầy, các cô là một tình cảm đặc biệt, sâu sắc. Tình cảm đó cùng chúng em đi suốt cuộc đời, động viên, nâng đỡ chúng em đi lên và trưởng thành. Có ai trong các cương vị cao nhất ở các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, ở các cơ quan khoa học và các đơn vị sản xuất, ở các đơn vị quân đội, lại không từng được dạy dỗ, chăm sóc từ cái nôi là nhà trường?

Trong lịch sử dân tộc ta có biết tấm gương quên mình vì hạnh phúc, tương lai của học sinh. Xưa có thầy Chu Văn An đã dạy dỗ biết bao nhiêu nhân tài cho đất đất nước, nay có cô giáo Tô Thị Rỉnh, thầy giáo Nguyễn Lân, Hoàng Như Mai đã hết lòng vì đàn em thân yêu. Lại có những tấm gương quên mình cứu đàn em nhỏ giữa bom đạn Mĩ như cô giáo Xuân ở trường Thụy Dân - Thái Bình...

Kính thưa các thầy, các cô!

Chúng em hiểu, lao động của các thầy, các cô là hết sức đặc biệt, đầy sáng tạo. Công việc của các thầy cô là một công việc âm thầm, bền bỉ, lâu dài, có thể hàng chục năm sau mới thấy kết quả. Chúng em cũng hiểu, tôn kính thầy giáo, cô giáo là tôn trọng những người làm công việc cao quý, là biểu hiện của đạo đức xã hội chủ nghĩa ở những con người có văn hóa. Chúng em cũng hiểu, muốn tiến bộ phải biết nghe lời thầy cô dạy bảo, phải tự mình vươn lên trên cơ sở những gì thầy cô đã rèn giũa, chờ mong.

Ăn quả nhớ người trồng cây, chúng em thấy mình phải góp phần cùng xã hội chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của thầy giáo, cô giáo, phải nỗ lực học tập, rèn luyện làm theo lời chỉ bảo của thầy cô để thầy cô vui lòng. Những điều đó cũng chính là hạnh phúc to lớn của người học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Kính thưa các thầy, các cô!

Giữa không khí tưng bừng của ngày hội, chúng em vô cùng phấn khởi và khó có thể diễn đạt hết cảm xúc của mình, khó có thể biểu hiện hết lòng kính yêu, biết ơn của mình. Những suy nghĩ trên đây chỉ là những tình cảm chân thành nhất, xuất phát từ tấm lòng tuổi thơ của chúng em. .Chúng em xin kính chúc các thầy, các cô luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để dìu dắt chúng em, dạy dỗ chúng em và những lớp đàn em của chúng em, để mai sau chúng em cũng được như các thầy, các cô, trở thành những người công dân tốt, những người có ích cho xã hội, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

* Bài đọc. thêm:

THƠ RẮN

Một hôm, cậu học trò nhỏ Lê Quý Đôn cởi truồng đi tắm cùng các bạn bên ngòi Bích Câu. Chợt có một người khách ăn mặc sang trọng hỏi thăm lối vào tư dinh của Tiến sĩ hầu tước Lê Trọng Thứ - tức Lê Phú Thứ, cha Lê Quý Đôn. Cậu bé Đôn nhân đang cởi truồng, liền đứng dang bai chân và dang hai tay, rồi bảo ông khách: “Đố ông biết chữ gì đây?

Nếu nói đúng thì tôi mới chỉ nhà cho ông”. Thấy đứa trẻ ngỗ ngược, ông khách có ý giận, không thèm nói gì. Lũ trẻ cùng tắm với trò Đôn đều reo cười ầm lên: “Ô, ông quan ăn mặc đẹp thế kia mà không biết chữ!”. Khách cũng nóng mặt, nhưng nghĩ lại thấy trò nghịch ngợm của đứa bé có cái gì khác thường, bèn quay lại nói: “chữ đại chứ gì!”. Cậu bé Đôn toét miệng cười mà rằng: “Ông quên mất cái châm rồi. Đây là chữ thái chứ!” Quả vậy, hình người dang tay dang chân thì đúng là chữ đại, nhưng thêm cái chấm ở bẹn nữa thì lại là chữ thái. Đó chính là chỗ hóm hỉnh mà thông minh khác thường của cậu học trò nhỏ Lê Quý Đôn, nghe đâu năm ấy mới khoảng tám chín tuổi.

Khi vào đến tư dinh hỏi chuyện, khách mới biết cậu bé đó chính là con trai quan Thượng, khách tỏ ý khen ngợi không ngớt lời. Nhưng cụ Thượng đâu có bằng lòng về thái độ xấc xưởng đó của cậu con trai, cụ cho gọi Đôn về, bắt phải khoanh tay xin lỗi ông khách, đồng thời bắt phải làm một bài thơ tự trách mình thì mới tha đòn. Cậu bé Đôn đã nhanh nhẹn ứng khẩu ngay một bài thơ Nôm như sau:

        Chẳng phải liu diu vẫn giống nhà
      Rắn đầu biếng học lẽ không tha
  Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
 Nay thét mai gầm rát cổ cha
       Ráo mép chỉ quen phường láo lếu
  Lằn lưng cam chịu vết năm ba
Từ nay Trâu Lỗ sin siêng học,
     Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Bài thơ tài tình ở chỗ câu thơ nào cũng có tên một loài rắn, lại hàm ý tự trách mình là anh học trò rắn mày, rắn mặt, lười học, nay xin siêng năng chăm học theo đạo thánh hiền, để khỏi hổ danh gia thế.

Cả ông bố và ông khách, sau khi nghe bài thơ của cậu bé Lê Quý Đôn đều tỏ ra hết sức kinh ngạc.

Các bài học liên quan
Đề: Tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt đã được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lý Bạch: Đầu giường... cố hương.  Hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ trên.
Đề: Qua cách miêu tả cảnh vật trong bài thơ Xa ngắm thác núi Lư em đã thấy gì về nghệ thuật miêu tả và tính cách của nhà thơ Lí Bạch?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật