Đề: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Đọc những bài thơ của Bác, em hiểu ra rằng, như một mạch nước không ngừng tuôn chảy, cái ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Bác cứ dần hiện ra mỗi lúc một rõ, không ồn ào mà lặng lẽ, cứ thế mà thấm sâu vào tâm hồn ta.

BÀI LÀM

Đọc những bài thơ của Bác, em hiểu ra rằng, như một mạch nước không ngừng tuôn chảy, cái ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Bác cứ dần hiện ra mỗi lúc một rõ, không ồn ào mà lặng lẽ, cứ thế mà thấm sâu vào tâm hồn ta. Thế hệ chúng em làm sao hiểu hết được những lo toan của một vị Chủ tịch nước trong những ngày kháng chiến gian khổ, những trăn trở vì lo cho vận nước. Chúng em lại càng không hiểu vì sao, giữa bề bộn công việc của kháng chiến, bác vẫn có thể dành thời giờ để nghĩ đến “mây gió trăng hoa”? Bài thơ Cảnh khuya đã bộc lộ một phần những điều để chúng em hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu.

       Tiếng suối trong như tiếng hát xa
      Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
           Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bài thơ tứ tuyệt có bốn dòng thơ: Mỗi dòng thơ có bảy tiếng. Thật là tài tình, chỉ vẻn vẹn có hai mươi tám tiếng, ví như ta nói một câu dài, thế mà Bác đã vẽ nên được một bức tranh, không, những hai bức tranh. Bức tranh thiên nhiên mà chúng ta dễ nhận thấy có trăng, có cây, có hoa và có cả tiếng suối chảy nữa. Và còn một bức tranh nữa, đó là bức tranh tâm trạng của một người cộng sản, của một vị lãnh tụ trước vận mệnh của đất nước.

Bức tranh của bác vẽ là cảnh khuya. Không cần phải đọc đến câu thứ hai chúng ta mới biết điều đó. Ngay ở câu đầu tiên chúng ta đã nhận ra điều ấy rồi. Trong đêm khuya tĩnh lặng của núi rừng, phải lắng nghe mới thấy được tiếng nước chảy ở một con suối xa. Bác ví “tiếng suối trong như tiếng hát” của con người từ xa vọng lại. Phải là một người yêu thiên nhiên, khao khát thiên nhiên lắm mới lắng nghe để thấy được cái âm vang ấy, mới để cho cái nguồn chảy từ ấy đến lai láng chảy trong tâm hồn của mình. Và tiếng suối chảy trong trẻo ấy đã đánh thức, đã giữ để con người nhìn ra, nhận ra vẻ đẹp của đêm khuya. Bác thấy trăng tỏa sáng khắp nơi, trăng lồng, trăng đan vào cây cổ thụ, trăng tràn vào hoa. Cũng có thể là hoa thật nhưng theo em, ánh trăng tỏa sáng vào cái nền tối là cây cổ thụ, nên tạo ra hoa đấy thôi.

Như trên đã nói, ở đây còn có một bức tranh tâm trạng nữa. Tâm trạng ấy trước hết là vui. Điều này để nhận ra khi Bác viết:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Giữa rừng núi âm u, cảnh khuya đẹp như vẽ, một người mang tâm hồn thi sĩ như Bác làm sao đi ngủ được. Phải ngắm trăng đã chứ. Đó là lẽ thường. Bác vốn là người yêu thiên nhiên thì làm sao có thể vô tình mà không ngắm trăng, mà ngủ được. Thế nhưng còn vì một tâm trạng nữa, đó là nỗi lo cho dân cho nước của một vĩ nhân. Biết bao giờ Người mới thanh thản để được ngắm trăng? Đọc đến đây, em càng hiểu thêm về tâm hồn Bác, hiểu thêm sự vĩ đại của một lãnh tụ lúc nào cũng lo cho dân, cho nước, cho tương lai của chúng em.

Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Bác ơi! Bây giờ thì đất nước đã hoàn toàn độc lập tự do. Chúng cháu tha hồ mà ngắm trăng trong cuộc sống ngày càng no ấm. Hẳn là khi đã đi xa, Bác vẫn cùng về đây ngắm trăng cùng chúng cháu. Và chúng cháu thấy như Bác đang mỉm cười trong đêm trăng đẹp hôm nay.

* Bài đọc thêm:

CẢNH KHUYA

         “Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
       Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
           Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Ai đã từng ở gần suối đều nghiệm thấy ban ngày, vì lẫn trong muôn nghìn tạp âm khác, ta rất khó nghe tiếng suối chảy. Chỉ ban đêm, nhất là về khuya (như ta chợt tỉnh giấc chẳng hạn) tiếng suối mới hiện rõ, rì rầm như cơn mưa từ xa đang đến.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Câu đầu bài thơ đã đi sát vào đề. Tiếng suối cũng mới mẻ thân thiết. Người xưa hay ví tiếng suối với tiếng đàn:

Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm”.
                                                                (Nguyễn Trãi - Côn Sơn Ca)

Với Bác, tiếng suối như tiếng hát. Nếu thiên nhiên có khi gào lên trong tiếng gió (gió gào), thét lên trong tiếng mưa (mưa thét), thì giữa đêm khuya thanh vắng tiếng suối đúng là tiếng hát trong trẻo của thiên nhiên. Cách ví ấy cũng mới mẻ, vừa gợi lên những tình cảm hiện hòa thân thiết: con người xem thiên nhiên như người bạn. Bài Cảnh khuya được một nhạc sĩ Liên Xô (trước đây) phổ nhạc, được nhiều nhà thơ Việt Nam nhắc nhở, một phần do câu mở đầu đầy hấp dẫn này.

Trong không khí thanh vắng, trên cái nền âm thanh là tiếng suối xa xa trong trẻo, hiện lên trước mắt một bức tranh với những mảng đen trắng rất rõ:

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Trăng lồng cổ thụ…” Cảnh lớn, nét bút đậm, trăng khuya chiếu sáng rõ cây cổ thụ cao vút giữa rừng. Trăng tượng trưng cho sự hiền hòa, thanh cao, cổ thụ tượng trưng cho sự bền vững từng trải. Một cái đẹp kì vĩ trong hội họa cổ điển phương Đông.

Bên cạnh cảnh lớn, kì vĩ ấy, là một cảnh nhỏ, ở từng thấp, có lẽ được vẽ bằng nét bút mảnh mai tỉ mỉ hơn: ánh trăng chiếu vào hoa, nhòe lẫn vào hoa làm cho hoa sáng hơn, lấp lánh. Bóng lồng hay chỉ ba chữ nhưng gợi cả một bức tranh.

Hai câu mở đầu bài Cảnh khuya đã có đủ cái đẹp kì vĩ, lẫn tinh tế, từ xa đến gần: nào rừng, nào suối, nào cổ thụ, nào hoa. Và trên hết, giữa tầng không, là một mảnh trăng rất sáng (Có sáng lắm mới chiếu rõ được hoa rừng). Trăng về khuya mà!

Ta nhớ Bác từng làm thơ Đường luật bằng chữ Hán, từng vẽ những bức phỏng tranh cổ Trung Quốc hồi ở Pháp - trong những câu thơ tiếng Việt này, cái cốt cách phương Đông hiện ra rất rõ. Và nếu nhớ rằng Bác làm những câu thơ này năm 57 tuổi, ta mới thấy hết sự trẻ trung tươi mát của tâm hồn Bác. Tiếp đến câu thứ ba như tổng kết hai câu trên:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”.

vế trước đã rõ, vế sau cần giải thích. Có thể người chưa ngủ, vì ai nỡ ngủ cho đành trong cảnh rừng trăng rất đẹp, cảnh mà Đào Tiềm, Vương Duy sống lại chắc cũng vô cùng thích thú. Hoặc người chưa ngủ vì còn băn khoăn day dứt về cái vô hạn của vũ trụ và hữu hạn của kiếp người? Trương Nhược Hư đã từng hỏi:

Ai người đầu đã soi trăng ấy
      Trăng ấy soi người tự thuở nào?”.

Nhấn mạnh một lần nữa chữ chưa ngủ, Bác giải thích lí do gọn và rõ: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Với câu kết này, tinh thần bài thơ đã hoàn toàn đổi mới: nhà nghệ sĩ cốt cách phương Đông đã hiển nhiên thành nhà cách mạng hiện đại.

Tổng hợp bốn câu, ta thấy thể hiện phong thái ung dung tự chủ trong mọi hoàn cảnh, cái bản lĩnh tuyệt vời của Người sáng lập ra Đảng và Nhà nước ta. Bác chỉ nói lo nỗi nước nhà đơn sơ có thế nhưng ta biết bài thơ này làm năm 1947, năm thứ hai của cuộc toàn quốc kháng chiến, năm bọn Pháp mở chiến dịch nhảy dù tấn công Việt Bắc, những năm tháng không thể nào quên, như lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Giá ta biết rõ ngày tháng và địa điểm Bác làm bài thơ này thì tốt biết bao nhiêu). Nhưng dầu nỗi nước nhà có lớn như thế nào, cũng không đủ để Bác bỏ qua đi một “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” và một ánh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Thử nghĩ còn gì khó chịu, mất tự do hơn khi đi thuyền mà chân phải treo lủng lẳng tựa giáo hình, nhưng trong chuyến đi về huyện Ung ấy, Bác vẫn tự do ngắm cảnh hai bờ sông. Đạt đến sự tự chủ, tự do nội tại, nên chính trong ngục tối của Tưởng Giới Thạch, Bác viết những trang Nhật kí trong tù sáng mát đầy trăng.

Không bị những khó khăn làm chi nao núng, Bác không để hoàn cảnh chi phối.

Qua nhiều trang hồi ký của những người sống gần Bác, ta hiểu rõ hơn câu kết bài Cảnh rừng Việt Bắc:

  “Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này

Vậy thì trong Cảnh khuya, cái thú lâm tuyền, có suối reo, trăng sáng, hoa nở, chắc cũng phù hợp với tuổi già, phù hợp với một khía cạnh của tâm hồn Bác, Bác có thể đưa ra một câu kết khác chứ. Không, là nhà cách mạng hành động, là người suốt đời theo một chủ đích kiên định, dù trong một bài thơ nhỏ, trong một khoảnh khắc giữa rừng khuya, Bác cũng không quên nhiệm vụ trước mắt của toàn dân tộc.

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Đúng, câu kết có chút bất ngờ. Nhưng hoàn toàn không phải vấn đề thủ pháp kĩ thuật gì khác, mà có gốc ở cốt cách kiên định của Bác. Mà có phải lần này là lần đầu ta gặp sự bất ngờ này đâu. Trằn trọc từ canh một đến canh năm, vừa chợp mắt Bác đã nhớ đến:

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Thân tặng ông bạn già đã từ nghìn dặm đến thăm, cũng lại là:

Một câu xin tặng cụ
          Kháng chiến ắt thành công

Điều Bác tâm niệm đó, cũng thể hiện ngay trong những dòng đầu bản Di chúc cuối cùng.

Cảnh khuya là bài thơ rất ngắn, nhưng nội dung thể hiện được tâm hồn và chí khí của Bác, hình thức có sự tiếp thu truyền thống và đổi mới rất tài tình. Tôi đã đọc nhiều lần, nghiền ngẫm, nhưng khi viết những dòng này vẫn thấy mình không nói hết cái hay, nhất là của câu đầu bài thơ:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa...

Các bài học liên quan
Đề: Tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt đã được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lý Bạch: Đầu giường... cố hương.  Hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ trên.
Đề: Qua cách miêu tả cảnh vật trong bài thơ Xa ngắm thác núi Lư em đã thấy gì về nghệ thuật miêu tả và tính cách của nhà thơ Lí Bạch?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật