Đề: Lập dàn bài chi tiết cho đề văn: Bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến cho thấy rõ một tình bạn thắm thiết, cao đẹp của nhà thơ

Nguyễn Khuyến là nhà thơ nôm kiệt xuất của dân tộc ta đầu thế kỉ 20. Ông để lại nhiều bài thơ nói lên tình bạn đẹp: bạn cùng nghề, bạn đồng học, bạn đồng khoa, những mối tình bằng hữu tri âm, tri kỉ.

DÀN BÀI CHI HẾT

I. Mở bài:

- Nguyễn Khuyến là nhà thơ nôm kiệt xuất của dân tộc ta đầu thế kỉ 20. Ông để lại nhiều bài thơ nói lên tình bạn đẹp: bạn cùng nghề, bạn đồng học, bạn đồng khoa, những mối tình bằng hữu tri âm, tri kỉ.

"Ai lên thăm hỏi bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu?"...
                                            (Lụt hỏi thăm bạn)

"Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta"...
                                                         (Khóc Dương Khuê)

- Bạn đến chơi nhà là một trong những bài thơ nôm tiêu biểu của Nguyễn Khuyến, nói lên tình bạn đẹp chân thành và cảm động.

II. Thân bài:

1. Câu thơ nhập đề tự nhiên như lời nói mộc mạc của nhà thơ sau bao năm tháng mới gặp lại bạn. Lời chào hỏi vồn vã, tỏ nỗi vui mừng khôn xiết kể:

"Đã bấy lâu nay, bác tới nhà".

Chữ "bác" nói lên tình cảm thân mật và kính trọng, lời xưng hô thân tình. Đằng sau lời chào bạn có thể nhiều giọt nước mắt ứa ra ở khóe mắt già.

- "Đã bấy lâu nay" là bao năm tháng? Tính thời gian không được xác định cụ thể, nhưng có thể là đã khá lâu, xiết bao mong nhớ đợi chờ. Bộ phận trạng ngữ chỉ thời gian được đặt lên đầu câu thơ diễn tả sự xa cách nhớ mong làm nổi bật ý thơ: niềm xúc động và vui sướng vô hạn khi gặp lại bạn.

- Trong bài thơ Khóc Dương Khuê có một chi tiết giúp ta cảm nhận được một phần nào cái hay, cái tình ẩn chứa trong câu nhập đề:

              "... Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần.
Cầm tay hỏi hết xa gần,
             Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can".

"Bác" được nói đến trong bài thơ Bạn đến chơi nhà là bạn chí thân, ở xa, lâu ngày mới gặp nên Nguyễn Khuyến rất vui mừng và sinh động.

2. Năm câu thơ tiếp theo toát lên một nụ cười hóm hỉnh. Ý thơ bao trùm: Đã lâu ngày, bạn mới đến chơi, biết lấy gì để đãi bạn? Một tình huống khá éo le: "Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa". Chữ "thời" là một hư từ, rất ít xuất hiện trong thơ vì dễ rơi vào sự tầm thường, nhạt nhẽo. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Khuyến, nó trở nên thanh thoát, tự nhiên vô cùng, chứng tỏ ông có một bút pháp nghệ thuật già dặn, điêu luyện.

Nguyễn Khuyến sau khi cáo quan, lui về sống bình dị ở chốn vườn Bùi, với "năm gian nhà cỏ thấp le te", với một cơ ngơi:

"Chín sào tư thổ là nơi ở
            Một gói tàn thư ấy nghiệp nhà"
                                                        (Ngày xuân dạy các con)

- Phần thực và luận, tính hệ thống của bài thơ rất chặt chẽ, nhất quán ở một lối nói, một cách viết đậm đà. Ý vị: Có tất cả mà cũng chẳng có gì!... Có ao và cá, có vườn và gà, có bầu và mướp, có cải và cà... Bức tranh vườn Bùi hiện lên sống động, vui tươi. Một nếp sống dân dã chất phác, cần cù và đôn hậu. Một cuộc đời ấm áp, thanh bạch, xanh tươi cây đời và tình người rất đáng tự hào. Người đọc như cảm thấy Nguyễn Khuyến đang dắt tay bạn ra thăm vườn, tận hưởng thú vui thôn dã của một ông quan trốn đời đi ở ẩn. Nghệ thuật đối chặt chè, giọng thơ nhẹ nhàng, vui tươi. Hai câu trong phần thực đối nhau hài hòa như cảnh sắc vườn tược chốn quê:

"Ao sâu nước cả khôn chài cá
        Vườn ruộng rào thưa khó đuổi gà"

- Các tính từ (sâu, cả, rộng, thưa), các trạng từ chỉ tình thái (khôn, khó), các trạng từ chỉ sự tiếp diễn của hành động (chửa, mới, vừa, đương) đã được sắp xếp trong thế hô ứng, bổ trợ cho nhau, vừa khéo léo, dung dị, vừa tự nhiên, sống động. Ngôn từ biểu cảm ấy được đặt bên cạnh các chi tiết miêu tả chấm phá làm hiện lên khung cảnh vườn tược, cây cối đang đơm hoa kết trái, tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt đáng yêu:

"Cải chửa ra cây, cà mới nụ
              Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa"

- Dân gian có câu: "Khách đến chơi nhà không gà cũng vịt". Qua các câu thơ trên, hình như Nguyễn Khuyến đang giải bày với bạn: trong nhà, ngoài vườn có bao nhiêu thứ, nhưng thực ra chẳng có gì để thiết bạn vì tất cả mọi thứ, mọi thức chưa đến lúc, đến thời. Câu thơ thứ bảy tiếp nối và mở rộng ý thơ trên, khẳng định rõ hơn cái "không có":

"Đầu trò tiếp khách, trầu không có"

- Phải chăng cái nghèo của cụ Nguyễn Khuyến đã đến mức ấy ư? "Vẽ chi một mớ trầu cay" (Ca dao)? Nhà thơ đã cường điệu hóa cái nghèo, thi vị hóa cái nghèo. Một ông quan về quê ở ẩn có "Chín sào tư thổ là đất ở" thì không thể "miếng trầu là đầu câu chuyện" để tiếp bạn cũng "không có". Đây là một lời thơ hóm hỉnh, pha chút tự trào vui vui để nói lên một cuộc sống thanh bạch, một tâm hồn thanh cao, một khí tiết cứng cỏi của một nhà nho rũ bỏ chức tước, bổng lộc của thực dân, lui về sống bình dị giữa quê hương.

3. Cấu kết là một sự "bùng nổ" về ý và tình. Tiếp bạn chẳng có mâm cao cỗ đầy, cao lương mĩ vị, cơm gà cá gỡ, mà chỉ có một tấm lòng, một tình bạn chân thành, thắm thiết:

"Bác đến chơi đây, ta với ta"

- Bác đã không quản đường sá xa xôi đến thăm tôi còn gì quý hóa bằng! Tình bạn là trên hết. Không một thứ vật chất nào có thể thay thế được tình bạn tri âm, tri kỷ. Chữ "ta" là đại từ nhân xưng, là "tôi", là "bác", là hai chúng ta. Cụm từ "ta với ta" biểu lộ một niềm vui tràn đầy trong tâm hồn, tỏa rộng trong thời gian và không gian. "Ta với ta" một tình bạn gắn bó, thiết tha, sâu nặng lắm.

III. Kết bài

- Cố đọc qua một số bài thơ của Tam nguyên Yên Đổ nói về tình bạn, ta mới thấy hết cái hay, cái ý vị của bài thơ "Bạn đến chơi nhà". Bài thơ được viết bằng thơ thất ngôn bát cú, niêm luật chặt chẽ, phép đối hợp cách, hài hòa. Lời thơ thuần nôm, không có một từ Hán Việt nào, đọc lên nghe thanh thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên. Người đọc có cảm giác là nhà thơ xuất khẩu thành chương.

- Bài thơ nôm khó quên này cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao, chân tình, một cụ già hồn hậu, sống đẹp. Tình bạn của Nguyễn Khuyến trong sáng, thanh bạch đối lập với nhân tình thế thái "còn bạc còn tiền còn đệ tử"... mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kịch liệt lên án. Hai nhà thơ cách nhau vài thế kỷ mà có chung một tâm hồn lớn: nhân hậu, thủy chung. Tâm hồn đó, tấm lòng đó vẫn xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người soi chung.

- Nguyễn Khuyến không những là nhà thơ của cảnh sắc làng quê Việt Nam mà còn là nhà thơ của tình bạn trong sáng, thủy chung đáng yêu, đáng kính.

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ

MỘT BÀI THƠ HAY

Nhân dân ở vùng Hà Nam, Nam Định yêu và thuộc thơ và câu đối của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến rất nhiều. Trong đó có những bài phổ biến rộng rãi nhất "Câu cá mùa thu", "Bạn đến chơi nhà..." Giải thích về hiện tượng này, người ta cho rằng có hai khía cạnh đặc biệt trong thơ của cụ:

- Trước hết là những bài thơ dùng thuần từ nôm, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân, họ quen thuộc như cầm bó rau tươi vậy.

- Hai là vấn đề nội dung diễn đạt trong thơ là những câu chuyện hàng ngày. Vùng Bình Lục, Hà Nam, vùng Ý yên, Nam Định chẳng mấy nhà không có ao! (quê nội và quê ngoại của cụ). Nhìn xuống ao là người ta nhớ ngay những câu thơ nói về cái ao:

    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo..."
"Ao sâu nước cả khôn chài cá..."

Đặc biệt đối với bài "Bạn đến chơi nhà" tần số xuất hiện hàng ngày còn lớn hơn mỗi khi bạn gần, bạn xa đến chơi, họ mượn câu thơ để chào bạn "dù cho là ông bạn hàng xóm mời nhau sang uống bát nước chè tươi":

"Đã bấy lâu nay bác tới nhà"

Quan tâm đến tình hình đó để đi vào bình xét các bài thơ của cụ sao cho thích hợp:

1- Nụ cười hóm hỉnh của nhà thơ trong bài "Bạn đến chơi nhà":

... Bạn đến chơi nhà là bài thơ có bốn cục lạ, mới đọc ta cứ tưởng đã là bài thơ "thất ngôn bát cú" làm theo thể Đường luật. Nghĩa là nó có một cấu trúc chặt chẽ từng cặp một: Đề thực, luận, kết.. Nhưng đọc lại nhiều lần ta thấy cụ Tam Nguyên đã phá vỡ cái cấu trúc ấy chính vì vậy mà bài thơ có sự sáng tạo, nên rất hay!

- Cụ chỉ dùng một câu mở đầu (thừa đề) để người đọc hình dung thấy cụ đang dang tay cười nói chào bạn một cách hồ hởi: "Đã bấy lâu nay bác tới nhà".

- Tiếp đó từ câu hai đến câu bảy, cụ nói với bạn như giãi bày một nỗi băn khoăn của mình trong việc "thù tiếp" bạn:

"Trẻ thời đi vắng chợ thời xa": cái nan giải đầu tiên là không có người giúp việc đi chợ mua bán thức ăn và sai bảo mọi việc.

"Ao sâu nước cả khôn chài cá", "Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà", Nghĩ đến khả năng nhà có sẵn, nhưng làm sao mà thực hiện được! (Ông già làm sao mà lội xuống ao sâu chài lưới bắt cá, và chạy đuổi gà trên một cái vườn rộng?)

"Cải chửa ra cây, cà mới nụ", "Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa". Lại nghĩ đến "cây nhà lá vườn" có khả năng hái lượm được nhưng "cải chửa ra cây... mướp đương hoa" làm sao mà ăn?

Đến đây thì mâm cơm đãi khách không còn khả năng thực hiện, đành vậy, nhưng cái mà lẽ ra không thể nào thiếu được là miếng trầu thì "đầu trò tiếp khách trầu không có" nốt.

- "Bác đến chơi đây ta với ta". Như vậy là bạn tri âm, tri kỉ lâu ngày mới gặp nhau chỉ còn là sự đối diện "ta với ta".

2 - Cái gì còn lại trong ta qua bài Bạn đến chơi nhà:

Đọc xong bài thơ, người ta ngờ vực đây là chuyện có thật hay là chuyện đùa? Có lẽ chẳng ai nghĩ nhà quan Nghè về ở ẩn tuy có thanh bần nhưng chẳng lẽ nghèo đến nỗi không lo nổi một mâm cơm tiếp khách. Tình bạn của cụ từ khi còn ở triều chính đến khi về nghỉ có ai ngờ cụ là người sống thiếu chân tình với bè bạn, quê hương? Cho nên càng không nên nghĩ đây là bài thơ "đuổi khéo" bạn. Thậm chí cũng không nên nghĩ đây là bài thơ làm ra để thử lòng bạn, thử cả lòng mình!

Không, cụ Tam Nguyên Yên Đổ, không bao giờ là người khô khan, thiếu tình cảm, cũng không thể là con người bạc bẽo! Đúng, có thể là không có tình huống lúng túng về chuyện đãi khách, cụ "bịa" ra để cười cợt, dí dỏm với bạn cho vui. Có thể bài thơ tạo nên từ cảm xúc ngẫu hứng, khi thấy bạn đến chơi mới nảy ta tứ thơ hay có khi cụ với bạn cùng nâng chén vỗ đùi tức cảnh ngay trước mâm cơm tuy không thật là "thịnh soạn" nhưng trong mâm cỗ thịt gà và cá... những thứ tạo nên câu thơ hay.

Vì vậy, mâm cơm đãi khách trong bài Bạn đến chơi nhà không có trong thực tế, nhưng nó lại tồn tại trong lòng người đọc cho đến hôm nay và cho mãi đến mai sau. Một nụ cười nở ra bằng cách cường điệu nhưng ra vẻ nghiêm túc, tình huống thật éo le nhưng không giả dối. Và cụ cho ta thấy cái quý nhất trong tình bạn là "tấm lòng”! Thật thế, bài thơ rất dễ thuộc và đọc xong bài thơ, gấp sách lại, ta thấy hiện lên một đời sống thanh bần nhưng vui vẻ của thi nhân làng Yên Đổ, bài thơ vang vọng vào lòng ta chỉ dư âm, thâm trầm, hồn hậu. Hai chữ "ta" với “ta” cứ ngân dài mãi ra, êm ả, trong sáng thanh thản như tấm lòng của một hiền nhân từ thuở xa xưa. Một tình bạn chân thành và giản dị nhưng vững chãi kí gửi lại cho đời sau. Một tiếng thơ không thể lãng quên ca ngợi cái thú vui tình bạn trong cái thú vui của vườn quê qua hình tượng: “Cải chửa ra cây, cà mới nụ”, “Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”.

3 - Nét đặc sắc về nghệ thuật bài thơ:

Bạn đến chơi nhà là bài thơ cấu trúc mới mẻ, tạo nên sắc thái đặc biệt thể hiện đúng tài năng văn chương của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Điều đặc biệt là hầu như cụ không dùng đến hai câu luận vì vậy sáu câu ở giữa bài thơ để làm nhiệm vụ của hai câu thực, nêu rõ tình huống éo le khi bạn đến chơi nhà. Thành ra câu mở đầu (thừa đề) cũng như câu kết thúc (kết) đều như thể hiện một động tác dang hai tay ra đón bạn và cầm tay bạn nhìn nhau mà cười đùa vui vẻ. Vì vậy, nó cổ thể so sánh với bài thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỗ khác nhau là Nguyễn Khuyến làm thơ khi bạn đến nhà còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì làm thơ khi đến thăm bạn:

           “Gượng đến mừng nhau một mặt không,
    Nhiều thì chẳng có, ít chẳng thông.
Hươu nai hãy đợi trên rừng Bắc,
Thu vược còn chờ dưới bể Đông.
     Nam Sách rượu hồng còn mượn cút
   Tây Chân quýt ngọt mới đâm bông
     Cực mong, rắp đợi, song còn muộn,
       Vậy đến mừng nhau một mặt không".

Cả hai bài có chỗ giống là tạo ra âm hưởng chủ đạo là:

Vậy đến mừng nhau một mặt không
                                                (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Bác đến chơi đây ta với ta
                                           (Nguyễn Khuyến)

Vì vậy, nhận định bài thơ này, nhà văn Ngô Tất Tố đã viết “Nếu không phải là tay văn chương lão luyện, thì không đặt nổi” và chúng ta cũng có thể nói: Tất cả vẻ linh hoạt, cái “thần” của bài thơ và giá trị của văn chương, đều xuất phát từ tấm lòng chân thành đôn hậu nhưng hóm hỉnh của thi nhân.

Bài đọc thêm:

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
                                       Nguyễn Khuyến

   Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
    Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
      Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
          Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
 Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
              Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
          Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta.

Hãy bắt đầu bằng một bài thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về tình bạn để hiểu sâu sắc hơn cái hay, cái đẹp của tâm hồn và cái hay, cái đẹp của bài thơ Bạn đến chơi nhà.

Bài thơ Nôm số 88 trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập như sau:

Gượng đến mừng nhau một mặt không,
Nhiều thì chẳng có, ít chẳng thông.
Hươu nai hãy đợi trên rừng Bắc,
Thu vược cồn chờ dưới bể Đông.
Nam Sách rượu nồng còn mượn cút.
Tây Chân quýt ngọt mới đâm bông.
Cực mong, rắp đợi, song còn muộn,
Vậy đến mừng nhau một mặt không.

Nguyễn Bỉnh Khiêm làm bài thơ này chắc là trong dịp bạn có việc vui, mình đến chúc mừng. Đến mừng bạn, thông thường là có quà mừng. Đằng này, nhà thơ đến với bạn mà “mừng nhau một mặt không”. Nỗi khổ tâm của nhà thơ có lẽ không phải là không có quà mà là ở chỗ: “Nhiều thì chẳng có, ít chẳng thông”. Quà nào cho xứng mối thâm giao? - Người xưa nói: quà tặng không quý nhưng cách cho thì quý. Làm sao để bạn hiểu mình, tiếng là quan trọng kia mà? Vì vậy cách nói nghe như giàu sang rất mực: đủ cả hươu nai rừng bắc, thu vược bể Đông, đặc sản các nơi không thiếu: rượu nồng Nam Sách, quýt ngọt Tây Chân. Nhưng thực chất, tất cả đang còn là “cực mong, rắp đợi”. Dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn lắm cái điều người xưa từng nói “quý vật đãi quý nhân”. Nhưng điều kiện khách quan không cho phép nên đành “Vậy đến mừng nhau một mặt không”. “Không” đây là không “mặt của” chứ còn lòng người thì có và có rất nhiều: có sự chân tình, có những mong muốn tốt đẹp cho bạn... Bài thơ nói rất nhiều cái không để khẳng định một cái có: tấm lòng quý mến chân thành trong tình bạn.

Về mặt giọng điệu, câu tứ, bài thơ của Nguyễn Khuyến có phần giống bài thơ nói trên của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy sự việc xảy ra có hơi khác: một đằng là mình tới chơi mừng bạn, một đằng là bạn đến chơi thăm mình, nhưng nỗi lòng thì giống nhau: quý bạn mà chẳng có gì để mừng bạn. Thế nhưng, trong tâm trí bao thế hệ người đọc, bài Bạn đến chơi nhà của Tam Nguyên Yên Đổ vẫn được thuộc, được yêu mến nhiều hơn. Cũng có thể do thời và thơ Trạng Trình xa chúng ta hơn thời và thơ Yên Đổ. Cách nói ở thế kỷ XVI cổ hơn chăng? Tuy nhiên, còn phải có một lý do nào khác?

Ngay trong hai câu thơ đầu đã xuất hiện một tình huống đặc biệt:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
 Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Bạn đến nhà là mừng, là quý, nhưng bạn thân lâu ngày mới có kiện qua thăm, hơn nữa bạn lại ở xa thì không chỉ mừng và quý mà còn phải chu đáo hơn. Tâm lý thường tình ai chả thế. Người Việt Nam vốn có phong tục bạn mới quen thì mời trầu, nước, bạn thân từ nơi xa đến thì nhất thiết phải mời cơm. Ấy vậy mà ở đây hoàn cảnh lại thật trớ trêu: “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”, nhà thơ không có điều kiện tiếp đãi bạn một cách tử tế. Phải có yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ ấy, phải có tình huống đầy kịch tính ấy mới thấy được Nguyễn Khuyến vốn là người chu đáo với bạn bè.

Hoàn cảnh éo le được diễn đạt theo chiều hướng ngày một tăng. Sơn hào hải vị đã đành là không mơ tưởng. Những món ăn ngon lành, sang trọng cũng thể tất bỏ qua, vì chợ xa không có người đi chợ. Nhưng những món ăn nhà có sẵn lại cũng không thể làm mâm cơm mời khách: ao đã sâu, nước lại lớn nên “khôn chài cá”, vườn đã rộng, rào lại thưa nên “khó đuổi gà”. Đến rau quả cũng không: cải chưa lên cây, cà mới lên nụ, mướp mới đang hoa, bầu vừa nhú quả. Tiết tấu 4/3 tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi làm nên sắc thái những câu thơ của Nguyễn Khuyến như lời giải thích, phân bua: chính điều kiện khách quan đã không cho phép ông tiếp đãi bạn bè thật tử tế.

Sự thiếu thốn về vật chất ở đây đã đến mức điển hình: tất cả đều không. Do cảnh nhà Nguyễn Khuyến thanh bần? Do bạn đến thăm bất ngờ không kịp chuẩn bị? Thực ra cuộc sống cáo quan về ở ẩn của cụ Tam Nguyên có đạm bạc đến đâu cũng chẳng đến mức không lo nổi bữa cơm dưa muối để mời bạn, không đến mức “đầu trò tiếp khách trầu không có”. Đây là một cách nói. Cách nói trào lộng, cách nổi đùa vui về một vấn đề nghiêm túc: cái quý trong tình bạn chính là tấm lòng. Tác giả phóng đại sự thiếu thốn về vật chất để làm nổi bật sự giàu có của tấm lòng trong tình bạn. Thử thách bạn và thử thách cả chính mình. Nếu mình loay hoay với việc đi gọi trẻ, chợ búa, cơm nước là minh lo những lễ nghi đón tiếp khách sáo, chứ đâu phải mừng bạn đến chơi một cách chân tình. Và nếu bạn quá câu nệ vào sự tiếp đón vật chất là bạn đến với bữa cơm chứ đâu phải đến thăm người. Rất may là cả chủ và khách đều vượt qua cảnh huống éo le đó bằng tấm lòng chân thành. Hai từ “ta” nối nhau bằng liên từ “với” trong câu thơ cuối bài đọc lên nghe tha thiết, quấn quýt, rất chân tình và cảm động. Không có “miếng trầu làm đầu câu chuyện", nhưng với câu thơ cuối bài, ai cũng hiểu cuộc hàn huyên giữa chủ và khách vốn rất rôm rả, đậm đà. Tưởng như thấy được nụ cười nhân hậu, hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời của cụ Tam nguyên, cụ Thượng và Nguyễn Khuyến qua câu thơ:

Bác đến chơi đây ta với ta.

Chủ và khách không còn khoảng cách, chỉ còn “ta với ta”. “Tôi và bác” hai người đã là một. Thiếu vật chất nhưng còn tấm lòng là còn tình bạn. “Tình bầu bạn tự nó cũng là một bữa tiệc của tinh thần” (Xuân Diệu).

Chính vì coi trọng tấm lòng mà tình bạn của Nguyễn Khuyến đã vượt qua thử thách của thời gian, của thế sự, mãi mãi thủy chung, trong sáng. Đây là một nét đẹp đạo đức truyền thống, nét đẹp cốt cách nhà nho đồng thời là tiếng nói nhân văn cao quý. Nó giúp ta hiểu phương diện con người trần thế nhất trần gian của nhà thơ.

Tình bạn của Nguyễn Khuyến thân tình, mộc mạc. Mộc mạc đến dân dã. Dân dã trong những hình ảnh gần gũi, quen thuộc của làng quê: ao cá,’ vườn rau, cây cải, cây cà, giàn bầu, giàn mướp. Dân dã trong những từ ngữ nôm na mang tính chất khẩu ngữ: đã bấy lâu nay, thời, khôn, chửa, rụng rốn, đầu trò... Bài thơ đạt tới sự hài hòa tuyệt diệu: nội dung cảm xúc chân tình, thân mật đã tìm thấy hình thức diễn đạt giản dị, quen thuộc. Phải chăng đây là một trong những lý do để bài thơ Bạn đến chơi nhà được xếp vào hàng những thi phẩm hay nhất về tình bạn.

THƠ ÔNG PHỖNG SÀNH

Tương truyền, khi Nguyễn Khuyến làm gia sư cho viên Kinh lược Bắc Kì, ông thường không mấy khi có nét mặt vui vẻ. Hằng ngày sau buổi dạy học, ông hay lững thững đi dạo một mình trong khu vườn vắng của nhà chủ. Tại đó, có cây, có đá, có đủ hoa cỏ bốn mùa, nhất là có ông phỗng sành đứng dưới gốc si, hai mắt đăm đăm dòm xuống bể nước như chứa chất một tâm sự gì làm cho Nguyễn Khuyến cũng không tránh khỏi “đối cảnh sinh tình".

Một lần, Ông đang tần ngần đứng ngắm phỗng sành, bất chợt viên Kinh lược đi tới, bắt gặp. Thấy vậy, Hoàng Cao Khải bảo Nguyễn Khuyến thử vịnh một bài “Thơ phỗng sành”. Nguyễn Khuyên đang hứng chẳng thèm nghĩ, vịnh luôn rằng:

  Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
    Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
     Non nước đầy vơi có biết không?

Bài thơ làm xong, viên Kinh lược chịu là hay; nhưng hắn không chịu nổi cái giọng mai mỉa sâu cay của vị gia sư. Thế rồi mấy ngày sau, hắn đành phải chiều theo ý Nguyễn Khuyến, để cho ông trở về và nhận con ông là Nguyễn Hoan đến dạy thay.

Các bài học liên quan
Đề: Hãy miêu tả chân dung một người bạn của em.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật