Đề: Dựa vào bức tranh “Đám cưới chuột” (hoặc một tranh phê bình trên báo chí) em hãy lập biên bản vụ việc đó

BÀI LÀM 1

VƯƠNG QUỐC ĐỘNG VẬT
Biên Bản về Việc Ông Nguyễn Văn Mèo Ăn Hối Lộ
Của Nhà Chuột Nhân Dịp “Đám Cưới Chuột”

Kính gửi: Chủ tịch thế giới động vật.

Hôm nay, ngày Tí, tháng Tí, năm Tí chúng tôi gồm ban thanh tra vương quốc động vật và bị can, lập biên bản về việc ông Nguyễn Văn Mèo ăn hối lộ của nhà chuột nhân dịp “Đám cưới chuột”.

Ngày Tí, tháng Tí, năm Tí.

Ông Nguyễn Văn Mèo, nhà Chuột, nhân chứng Ruồi và Mèo giúp việc.

Nội dung sự việc như sau:

Lời khai của Ruồi: Ngày Tí, tháng Tí, năm Tí tôi được nhà Chuột mời đi ăn đám cưới. Tôi vừa tới thì thấy ông Mèo quát tháo trong hang Chuột: “Chúng mày phải nộp đồ cống, nếu không thì ta xé tan xác cả lũ ra”. Nói xong ông hầm hầm ra về. Một lúc sau tôi thấy bọn chúng cứ một đoàn chuột với hai mâm lễ vật ra đi. Tôi thấy thế liền bay theo. Họ nhà Chuột vừa thấy chú Mèo con giúp việc là đã chạy hết. Còn riêng tôi khi bay tới nhà ông Mèo thì thấy chúng đã dần xong lễ vật và chuồn ra cửa hậu.

Lời khai của Mèo giúp việc: Ngày Tí, tháng Tí, năm Tí tôi đến cơ quan thì thấy ông mèo đang nhận lễ vật của chuột. Sau đó tôi cất các thứ. Ông nhảy ra suýt nữa bóp cổ tôi. Tôi van xin, ông nói: “Tao tha cho nhưng mày nói thì tao giết nghe chưa”.

Lời nhận tội của Mèo: Tôi ăn hối lộ vì thấy ăn thịt chuột mãi cũng chán và tôi rất.

Lời nhận tội của Chuột: Chúng tôi có hối lộ vì chúng tôi cũng muốn cho xong chuyện chứ không ai muốn dây dưa với ông Mèo, và nhân dịp này biết đâu lại chẳng thắt chặt quan hệ với ông Mèo. Nếu được thế thì rất có lợi cho chúng tôi.

Kính gửi Chủ tịch thế giới động vật và đề nghị ngài kiên quyết xử lý để làm gương cho kẻ khác. Xin cảm ơn.

Người lập biên bản ký. Nhân chứng ký, Nguyễn Văn Mèo ký, Nhà Chuột ký, Ban thanh tra ký đóng dấu.

BÀI LÀM 2

Biên Bản về Việc Ông Mèo Ăn Hối Lộ Của Chuột

Kính gửi: Ban Thanh Tra Vương quốc động vật.

Hôm nay tại văn phòng chúng tôi, tại phố Chuột, chúng tôi đã lập biên bản về việc ông Mèo ăn hối lộ của nhà Chuột nhân dịp có đám cưới. Sự việc như sau:

Lời khai của nhân chứng Ruồi:

- Trưa hôm đó tôi thấy nhà Chuột bắt một con cá ở ngoài đồng. Tôi liền bám theo về nhà của nhà Chuột. Tôi thấy chúng rán cá lên rồi mang đến văn phòng của ông Mèo. Sau đó tôi không biết gì thêm nữa.

Lời khai của nhân chứng giúp việc ông Mèo:

- Trưa hôm đó tôi đến văn phòng, thấy cửa vẫn đóng. Tôi ghé nhòm vào thì thấy bọn Chuột dâng lên cho ông Mèo một con cá, một con gà, một con chim. Sau đó chúng về bằng cửa sau.

Lời khai của nhân chứng Gà:

- Trưa hôm đó tôi thấy lũ Chuột thập thò ở bờ dậu gần nhà tôi. Tôi gọi bảo các con vào nhà. Nào ngờ bọn chúng bắt mất một đứa con của tôi, sau đó chúng mang đi.

Lời tự nhận của Ông Mèo:

- Sáng hôm đó, thấy nhà Chuột rục rịch chuẩn bị đám cưới, tôi bí mật đến nhà Chuột dọc chúng: “Nếu không có đồ công lễ thì không xong đâu”. Thế là đến trưa bọn chúng mang đến cho tôi một con chim, một con cá và một con gà. Trước khi bọn chúng về tôi có dặn: “Cấm có lộ đấy, cẩn thận”.

Lời tự nhận của Ông trưởng họ Chuột:

- Sáng hôm đó tôi thấy ông Mèo đến dọa: “Nếu không có đồ cống lễ thì không xong đâu". Tôi liền sai bọn Chuột đi bắt một con gà, một con chim và một con cá để lễ ông mèo. Chúng tôi chẳng mất gì, đám cưới lại xong xuôi trót lọt.

Đề nghị Ban Thanh Tra có biện pháp.

BÀI LÀM 3

Biên Bản về Việc Ông Mèo Ăn Hối Lộ Của
“Đám Cưới Chuột”

Kính gửi: Ban huấn luyện động vật.

Tôi là Ruồi xin trình bày với ban huấn luyện động vật một việc như sau:

Hôm 20 - 02 họ hàng nhà Chuột tổ chức đám cưới cho hai cô chú Chuột. Cô Chuột là con ông Chuột cống, và chú Chuột là con ông Chuột đồng. Vì muốn đám cưới được tổ chức vui vẻ không bị ông Mèo phá quấy nên họ hàng nhà Chuột có mang một chú lợn con và một giỏ cá đến để biếu ông Mèo gọi là vật ăn hỏi của nhà Chuột đồng. Tôi biết được như vậy là vì tôi đậu trong giỏ cá từ ngoài đồng đến tận chỗ ông Mèo làm việc.

Lời khai của nhân chứng Lợn:

Chiều hôm 20 - 02 - 1982 lúc phải về chuồng để đi ngủ thì tôi không thấy con lợn út của tôi đâu nữa. Chúng tôi liền bỏ đi tìm thì được bác Ruồi mách là con tôi bị bọn chuột bắt đi làm lễ vật cho ông Mèo. Chúng tôi liền rủ thêm vài người nữa đứng chặn nơi cửa ông mèo làm việc để khi con Chuột ra tới chúng tôi sẽ trị tội. Nhưng chờ đến nửa buổi vẫn không thấy bọn chuột ló mặt ra. Chúng tôi được bác Ruồi cho biết chúng đã đi cửa sau và ra về. Vì chúng tôi không biết nơi tổ chức lễ cưới nên không đến trị tội chúng được.

Lời khai của ông Mèo:

Hôm 20 - 02 tôi được biết nhà Chuột có tổ chức lễ cưới nên tôi đã bắt chúng phải cống nộp. Sáng hôm đó bọn chúng có mang đến nơi làm việc của tôi một con lợn đã quay chín và một giỏ cá đã rán sẵn. Vì thấy những thứ cống nộp ngon quá nên tôi cũng nhận. Sau đó tôi đưa chúng về bằng cửa bí mật của tôi dành cho những kiểu người như nhà Chuột.

Đề nghị Ban huấn luyện động vật huấn luyện lại những con vật để chúng tôi được ngoan hơn.

Nhận xét: Ba bài viết cho thấy các em đã lao động nghiêm túc và đúng quy trình. Từ chỗ quan sát kỹ bức tranh dân gian, các em đã tưởng tượng ra cả một câu chuyện với nhiều nhân vật và tình tiết. Cách kể hóm hỉnh, có duyên. Qua câu chuyện, các em bộc lộ một thái độ sống tích cực. Nhưng điều bộc lộ đáng quý là các bài viết bộc lộ một tâm hồn văn: viết về “chuyện tiêu cực mà rất ngộ nghĩnh, dễ thương, người lớn khó mà có thể phản đối”.

Bài đọc thêm:

NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ

Chơi chữ là nghệ thuật ngôn ngữ của mọi dân tộc Đông - Tây. Riêng người Việt ta rất sính và rất thiện nghệ do vận dụng triệt để, tài tình đặc tiếng nói dân tộc.

Qua ca dao, ta thấy người nông dân rất hóm. Họ thường dùng đồng âm:

- Cô kia cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn NHÃN thì LỒNG sang đây!
- Trăng bao nhiêu tuổi trăng GIÀ
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi NON?
- Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng LỢI chăng?
Thầy bói gieo quẻ phán rằng
Lợi thì có LỢI, nhưng răng chẳng còn!

Với người có chữ nghĩa thường chơi chiết tự. Chẳng hạn:

       Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc 
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang

Chữ “Thiên” nghĩa là trời, viết cao đầu lên thành "Phu" nghĩa là chồng. Chữ “Liễu” thêm nét ngang thành chữ “tử” nghĩa là con!

Đó là thơ Hồ Xuân Hương, còn với Trạng Quỳnh thường dùng nói lái kiểu “Đại phong là gió to, gió to thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương”.

Một cách chơi khác là ghép tên các loài cùng họ:

Chàng CÓC ơi, chàng CÓC ơi 
Thiếp BÉN duyên CHÀNG có thế thôi 
NÒNG NỌC đứt đuôi từ đây nhé 
Ngàn vàng khôn CHUỘC giống bôi vôi

                                                      (Hồ Xuân Hương)

hoặc:

- Bà đồ NỨA đi vòng đòn TRE qua khóm TRÚC thở HI HÓP.

- Lên phố MÍA gặp cô hàng MẬT, cầm tay KẸO lại hỏi thăm ĐƯỜNG

- Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ.

GIÒ đến hàng NEM, CHẢ muốn ăn.

                                             (Giai thoại Đoàn Thị Điểm - Trạng Quỳnh)

Nguyễn Khuyến có cách chơi chữ bằng cách cắt nghĩa chữ có sẵn một cách hết sức bất ngờ nhằm lật tẩy thói đạo đức giả của bọn quan lại, qua huyện “Bồ tiên thi” của tri huyện Thanh Liêm:

Bồ chứa miệng dân chừng sứt cạp 
TIÊN là ý chú muốn vòi xu?

Cách dùng từ đa nghĩa, từ đồng âm có thể nói là sở trường của cụ Tam Nguyên. Đây là câu đối mừng cụ me tây được triều đình loan tặng “Tiết hạnh khả phong”.

  Bốn chữ vinh phong HÀM cụ lớn 
Nghìn năm danh giá CỦA bà to!

Và những câu đối người sau muôn đời còn thú vị thán phục:

- Giàu làm KÉP, hẹp là ĐƠN,

TỔNG TÁNG cho yên hồn PHÁCH mẹ.

Cá kể ĐẦU, rau kể mớ. TÌNH TANG thêm tủi phận ĐÀN con.

(Ả đào khúc mẹ)

- Tứ thời, BÁT TIẾT CANH chung thủy
Ngạn liễu, ĐÔI BỒ DỤC điểm trang!

(Câu đổi viết cho góa phụ bán thịt lợn)

(Bốn mùa, tám tiết, cày cấy trước sau Dặm liễu, bờ cỏ đều muốn trang điểm)

Vận dụng cách này, đời sau, có người đã thách đố thật hóc hiểm: “Thầy trò trường miền Nam làm vụ ĐÔNG, trồng khoai TÂY, bón phân BẮC, hạ quyết tâm XUÂN sang THU hàng tấn củ!”.

Một kiểu chơi chữ độc đáo là viết thơ chữ Hán, khéo đệm vào một từ nôm:

    Viên trung oanh điểu KHỀ KHÀ ngữ 
Dã ngoại đào hoa Lấm Tấm khai!
                                                (Tự Đức)

                    (Trong vườn chim oanh hót khề khà thánh thót
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm)

Thời Tú Xương Tây Tàu lố lãng, nhà thơ đất Vị Xuyên đã đệm vào trong thơ những “tiếng bồi” rất đắc địa.

HẢO LỚ khách đã ba bẩy chú
  MÉT xì Tây cũng bốn năm ông!

hoặc:

      Thôi thời lạy mợ XANH CĂNG lạy
Má tổ tôi không táng bút chì

Một lối chơi chữ nữa, hóc hiểm và thú vị là ghép một chữ ta với một chữ Hán cùng nghĩa:

Không / vô // trong / nội // nhớ / hoài!

Nếu đọc liền mạch, thì ý nghĩa tự nhiên đến khó thấy sự tài tình “không vô trong (đại) Nội nhớ hoài!”

Có khi lại ghép với tiếng Pháp:

“Cứng Đơ hai cẳng - Còi Huýt tám giờ!” (Đơ: 2, Huýt: 8)

Lắt léo hơn là vừa dựa vào đồng âm vừa biến thành bài toán: “Ba bà đã chín” (3x3 = 9).

Bác Hồ của chúng ta cũng chơi chữ rất tài. Ngoài các thủ pháp truyền thông Bác còn sáng tạo thêm cách biến nghĩa một số từ thành ý mỉa mai thú vị như:

       ĐÔI NGỰA ngày đi chẳng nghỉ chân
Đêm GÀ NĂM VỊ lại thường ăn!

Chẳng phải là đi xe song mã đâu, mà chính là đi bộ mỏi nhừ! Chẳng phải là ăn món “ngũ vị kê” đâu mà phải còng chéo như con gà trong món ấy là thôi!

Năm 1975 khi qua thăm Hải Phòng gặp cụ Thi Sơn bấy giờ là chủ tịch MTTQ, Bác ứng khẩu đọc hai câu:

        Lâu ngày gặp cụ THƠ NON (núi thơ - Thi Sơn)
Hồng hào, khỏe mạnh như hòn NÚI THƠ!

Thật là cách lộng ngữ thú vị dí dỏm.

Tóm lại, nghệ thuật chơi chữ thật phong phú. Đúng là một trò chơi thông minh, nhiều khi đạt được những hiệu quả bất ngờ. Ngày nay, nghệ thuật chơi chữ càng được vận dụng phong phú. Chơi chữ không còn là độc chiêu của lĩnh vực trào lộng. Đôi khi trong chính luận, người ta vẫn dùng để nâng cao sức biểu đạt.. Tuy nhiên “chơi chữ” cũng như mọi thủ pháp nghệ thuật, phải đúng mức. Nếu không nó sẽ là con dao hai lưỡi.

Cái kiểu một số bạn trẻ ngày nay hay nói:

- Này, làm chầu xếch-pia chứ? (bia)

- Nhưng đứa nào bánh bao? (bao tiền)

- Bọn mình đều Đétđêmôna, thôi, đưa góp vậy!

Không biết các bạn nghĩ thế nào chứ, riêng tôi thấy cái kiểu nửa chơi chữ nửa lóng ấy, xem ra vô văn hóa hơn là trí tuệ!

TỤC - THANH

Lối chơi chữ trong câu đối và thơ

ĐỐ TỤC - GIẢNG THANH hoặc đố thanh - giảng tục, rồi đối tục - đáp thanh, đối thanh - đáp tục không chỉ nhằm mục đích gây cười sảng khoái hoặc chế giễu, đả phá, mà còn là vũ khí khá lợi hại trong cuộc sống. Tuy nhiên, để lời ăn tiếng nói hằng ngày đó trở thành câu đố, câu đối, dù tục hay thanh, phải là một nghệ thuật công phu, nâng lên thành một thẩm mĩ về ngôn ngữ.. Ngôn ngữ là cái vốn sẵn có ở mỗi con người, nhưng làm sao sử dụng ngôn ngữ đó đạt hiệu quả cao nhất, thì phải “gia công” rất nhiều, thành một lối chơi nghệ thuật gọi là chơi chữ. Những truyện kể ờ trên là những cách thức về chữ nghĩa, đúng hơn, cách thức sử dụng chữ nghĩa có mục đích. Trong dân gian, lối nói chữ “dân dã” dễ hiểu hơn và cũng có nhiều lối chơi chữ rất bất ngờ, đầy thú vị. Đây là một cách chơi chữ đồng âm:

Bà già ra chợ cầu Đông
Xem một quả bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ, nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.

Chỉ khi nhận ra ý nghĩa của các chữ (từ) đồng âm nhưng khác nghĩa, người nghe mới bật cười, phục lối đùa hơi ác ý một chút, nhưng hóm hỉnh, vui tếu, nên không nỡ giận. Chữ lợi chỉ phần thịt bao quanh chân răng. Người già răng rụng sạch móm mém đến vậy mà còn đòi lấy chồng! Với lối chơi chữ dân gian xưa kiểu này, ta cũng gặp những đồng âm tương tự:

CÓC chết bỏ nhái mồ côi 
CHẪU ngồi chẫu khóc: CHÀNG ơi là CHÀNG!'
ỄNH ƯƠNG lệnh đã vang
Tiền đâu mà trả cho làng, NGÓE ơi!

Chữ “chàng ơi!” là tiếng khóc của cô Chẫu đối với chàng Cóc, thế nhưng ở đây chỉ là nói tới chẫu chàng trong bộ 5 con vật: cóc, nhái, chẫu chàng, ễnh ương, ngóe.

Chị XUÂN đi chợ mùa HÈ 
Mua cá THU về, chợ hãy còn ĐÔNG

Một câu thơ đủ cả 4 mùa, nhưng mùa xuân lại là tên một cô gái: Xuân. Cá thu và chợ còn đông là những đồng âm khác nghĩa, người sáng tác đã khéo vận dụng tài tình.

Câu thơ sau cùng có hiện tượng đồng âm rất đắt:

Anh HƯƠU đi chợ Đồng NAI 
Bước qua bến NGHÉ, ngồi nhai thịt BÒ

Đủ tên 4 con vật lớn: hươu, nai, nghé, bò. Hai địa danh (tên riêng) là tỉnh Đồng Nai và vùng Bến Nghé được lấy ra phần sau đồng âm với tên hai con vật nai và nghé.

Kiểu đồng âm vẫn được vận dụng trong ca dao mới với cách thức trang trọng, như:

- SẦU riêng ai khéo đặt tên,
Ai SẦU không biết, riêng em không SẦU 
- CAO Bằng CAO mà bằng 
Không đâu CAO bằng CAO Bằng.

Ở đây Cao Bằng là tên riêng một tỉnh, đồng âm với cặp từ chung cao bằng (cao hơn, cao kém...), gây ra sự thú vị bất ngờ.

Cũng giống lối đối chữ trong vế đối:

Tập thể dục tập thể dục tập thể

Có thể hiểu theo nhiều cách:

1) Tập thể - giục tập - tập thể dục tập thể.

hoặc:

2) Tập thể - giục tập - thể dục tập thể.

Trong các vế đối hiện đại tuy chữ dùng rất tục, nhưng giảng lại thanh và đối nhau sát, đúng. Ví dụ:

Con trai củ CHI ra đường gặp trẻ CHỈ CU hỏi củ CHI?
Con gái GÒ ME ra kênh MÒ GHE gặp khách hỏi GÒ ME?

Về đối này có nhiều dị bản khác nhau, tuy nhiên cả đối lẫn đáp đều "ở trình độ cao cường" cả. Củ Chi và Gò Me là 2 địa danh có tiếng ở Nam Bộ. Khi nói Củ Chi (tên riêng) với củ chi (củ gì) đã khiến gây cười vì sự tài tình, đến khi đọc chỉ cu, người nghe nhận ra nói lái của Củ Chi. Cũng vậy, mò ghe (lần mò tìm thuyền, chắc chìm dưới kênh) là tiếng nói lái của Gò Me. Ghe, tiếng Nam Bộ là thuyền.

NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ

Quản Trọng theo Tề Hoàn Công đánh nước Cô Trúc. Mùa xuân cất quân đi, mùa đông trở về băng tuyết phủ đầy nên quên mất lối, Tề Hoàn Công rất lo sợ Quản Trọng nói:

- “Muôn tâu bệ hạ, trí nhớ của ngựa già đáng kính trọng lắm!”

Bèn để con ngựa già đã từng qua đây đi trước dẫn lối - Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về.

Sự kiện đó trở thành thành ngữ “ngựa quen đường cũ” (Lão mã thúc đồ) để chỉ người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự việc.

GODAUTRE

Một sinh viên học năm thứ ba, trường Đại học Ngoại ngữ, khoa Pháp, đến hỏi tôi:

- Thưa bác! Vừa qua cháu gặp hai ông đã có tuổi nói chuyện với nhau. Họ hỏi nhau: - Thời kháng chiến chống Mĩ cậu làm gì? Ở đâu?

- Ông kia trả lời: godautre ở Nghệ An cho đến 1990 thì về hưu.

Cháu về tra từ điển chữ godautre mà chẳng thấy. Vậy chữ godautre nghĩa là gì, thưa bác!

Godautre là từ của nhà văn Nguyễn Công Hoan đặt ra thời ông dạy học (Nguyễn Công Hoan vốn là giáo viên ở Hải Dương), nghĩa là nghề gõ đầu trẻ.

Go là gõ, dau là đầu, tre là trẻ.

ĐIỀU TẤT NHIÊN VẪN GÂY THẢNG THỐT
HAY TÂM TRẠNG KẺ HỒI HƯƠNG

CÓ NHỮNG KHOẢNH KHẮC trong cuộc đời vụt biến đi như cánh chim bay nhưng mãi mãi còn lại trong tâm thức của những ai đã ngẫu nhiên trở thành người chứng kiến nó. Ngày mỗi ngày sẽ đẩy lùi quá khứ xa hơn, cái còn lại chỉ là những dấu ấn trong lòng người về những tháng năm mà con người ấy đã trải. Cuộc sống với những điều xảy ra tất nhiên mà đôi khi vẫn khiến cho lòng người giật mình thảng thốt.

Có một tâm trạng như thế trong bài Hồi hương ngẫn thư của Hạ Tri Chương (đời Đường):

          Thiếu tiểu li gia lão đại hồi
              Hương âm vô cái mấn mai tồi
                       Nhi đồng tương kiến bất tương thức
           Tá vẫn khách tòng hà xứ lai

(Khi đi trẻ lúc về già
                    Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao
        Trẻ con nhìn lạ không chào
                   Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi)
                                                                 (Bản dịch thơ của Pham Sĩ Vỉ)

Âm hưởng bao trùm của bài thơ là một điệu buồn diệu vợi. Nghe trong hơi thơ một tiếng lòng thổn thức. Câu chữ dồn nén, xô đẩy nhau một cách kì diệu, ý trước chuẩn bị cho ý sau, câu cuối bắt nguồn từ câu giữa... tất cả tạo thành một chỉnh thể thống nhất hoàn chỉnh cho một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật xúc động lòng người.

Hai câu thơ đầu chứa đầy những tất nhiên của sự thay đổi. Ở mỗi con người, như đã thành quy luật, khi những năm tháng tuổi trẻ qua đi, khi những bề bộn lo toan cuộc sống lắng xuống, ấy là lúc bước vào mùa thu của cuộc đời, người ta chợt có một nhu cầu mãnh liệt - hồi hương, người ta thường gặp ở lòng mình cái tâm của cuộc đời, bị cuộc đời xô đẩy tội nghiệp.

Haỉ câu thơ sau:

Trẻ con nhìn lạ, không chào 
Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi.

Ở đây cổ gì lạ đâu. Người hồi hương đã xa quê từ lâu. Chắc chắn phần đông người đã quên ông. Người cùng thôn với ông thì đã già, kẻ còn người mất. Kẻ còn chắc gì đã nhớ ông ngay. Vậy thì đám trẻ con có hỏi: “rằng khách ở chốn nào lại chơi” cũng là điều tất nhiên. Câu thơ quặn thắt nỗi niềm. Thử tượng xem một con người trở về cố hương phấp phỏng mong tìm sự đồng cảm thân thương và những hình ảnh dĩ vãng vẫn ám ảnh lòng mình suốt bao nhiêu năm xa cách bỗng trở nên xa lạ giữa nơi vốn là chôn nhau cắt rốn của mình.

Vậy, kẻ hồi hương chắc chắn là muốn tìm lại quê hương mình với những con người quen thuộc, thân thương của những ngày thơ bé. Nhưng tiếc thay quê hương ấy của ông chỉ còn trong kí ức. Giờ đây làng xóm quê hương, cảnh vật đã đổi khác, con người đã đổi khác, tâm trạng cô đơn của kẻ hồi hương có gì đồng điệu với sự bâng khuâng hụt hẫng của nhân vật trữ tình trong câu thơ: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông). Nhưng người trở về với bài thơ này còn đau đớn hơn, bởi hầu như không tìm được chút gì quen thuộc của quê hương ngày xưa. Chỉ còn một nét quen thuộc, đó là “giọng quê vẫn thế” của chính bản thân người hồi hương ấy. Phải chăng khi đã đi qua biết bao nẻo đường của cuộc sống, của tuổi trẻ, con người ấy đã sâu sắc nhận ra một bài học nhân sinh bình dị mà rất đỗi thiêng liêng: cuộc đời vẫn luôn luôn biến đổi, trôi chảy không cùng, chỉ có lòng người, những tình cảm, tiềm thức, kỉ niệm là bất biến mà thôi.

Hồi hương ngẫu thư là những tất nhiên mà vẫn gây thảng thốt, vẫn khiến lòng ta phải day dứt nghĩ suy: mỗi người đều có một quê hương ấy là nơi đã sinh ra ta, nuôi lớn tâm hồn ta và sẽ theo ta cho đến trọn cuộc đời. Có người muôn nơi và muôn thuở suy cho cùng đều đã đang và sẽ sống với những mối tình: tình yêu trai gái cồn cào say đắm, tình bạn chân thực nồng nàn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương thiết tha sâu nặng... Và cái tình quê hương thiết tha sâu nặng ấy là một tình cảm vô biên, nó vượt xa chân trời hữu hạn của một đời người, nổ giúp con người khám phá ra giá trị của chính mình: nó giúp con người thâu triệt được những chiêm nghiệm về cuộc đời; nó tồn tại trong vô thức và vĩnh viễn.

BÌNH CHÚ:

THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG 

(Buổi chiều đứng ở Phủ Thiên Trường trông ra
của TRẦN NHÂN TÔNG)

1. Bài thơ vẽ ra một cảnh nông thôn thái bình, êm đẹp. Chiều tà. Ánh chiều đã nhạt. Sương chiều đã dâng. Trước xóm sau thôn nơi xa xa đều như mờ mờ trong sương, trong khói. Ánh chiều tái nhạt có nơi còn đọng lại, có nơi đã tan biến, thành ra nửa như có mà nửa như không. Mờ mờ trong sương khói, có có không không ở ánh chiều, thôn xóm như hư hư thực thực, có chút gì huyền diệu phủ lên trên.

Trên bối cảnh đó có một đàn trâu đang thong thả khuất dẫn về chuồng, trên lưng vắt vẻo mấy chú trẻ chăn trâu đang mê theo điệu sáo của mình, và trên mặt ruộng xanh từng đôi cò trắng gọi nhau đáp xuống. Chân trâu chầm chậm, cánh có là là, nhè nhẹ. Điệu sáo chắc công thư nhàn. Màu ruộng xanh, màu cò trắng, thanh thanh, dìu dịu. Toàn cảnh hài hòa, thanh thoát, quen thuộc, thân thương, toát lên một không khí thái bình, êm đẹp.

Cảnh thái bình, êm đẹp ấy là một cảnh ấm no hạnh phúc, một cảnh sống yên vui vẻ hư hư thực thực của xóm thôn đằng xa là một nét đẹp, vui. Cảnh trẻ thơ thổi sáo cho trâu về chuồng mà nhà thơ cảm nhận thành cảnh trâu đi trong tiếng nhạc, chân trâu bước theo điệu nhạc, lại là nét đẹp, vui gấp bội, là lùng gấp bội, một ý vô cùng thơ. Rồi cánh cò trắng chập chờn trên mặt ruộng xanh cũng là sự phong phú, sự bình yên của xóm làng: lúa đang lên xanh, chân lúa có nước, có cá. Tất cả đều đẹp, vui. Đẹp vui ấy đi đôi với ấm no, hạnh phúc trong thái bình.

2. Tại sao trong mắt một ông vua lại nhìn ra được cảnh này? Vua, theo quan niệm thời xưa là ở trong cung cấm, ngọc vàng, là lụa. Sao ông vua này lại nhìn thấy, lại như chung vui, lại như sung sướng với cảnh quê mùa này? Ấy là vì thời Lý, Trần này, vua chưa phải tách biệt hẳn dân, còn gần gũi dân, biết dựa vào dân, chứ không phải như vua đời sau, khi chế độ phong kiến đã đối lập với dân. Hơn nữa, ông vua này là một ông vua đã từng cùng nhân dân chống giặc, vượt qua bao nhiêu gian nguy mới giành được cảnh yên lành cho đất nước. Cho nên, không lấy làm lạ là con mắt nhà vua không những chỉ thấy đẹp mà trái tim nhà vua còn thấy vui trước một vài nét quê mùa, bình dị: mái tranh trong ánh chiều, bước chân trâu đi, cánh cò, tiếng sáo. Bởi tất cả những cái đó, nhà vua cũng như nhân dân đã giành lấy, đã bảo vệ bằng xương máu của bản thân mình, của nhân dân mình.

Ở đất nước Việt Nam này, một bước chân trâu đi yên lành, chứ chưa đợi đi trong điệu nhạc, một cánh cò nhấp nhô mặt ruộng, chứ chưa đợi điểm trắng lên ruộng xanh, cũng đã phải trả giá bằng máu xương chứ không phải chỉ bằng mồ hôi, nước mắt. Không những thấy đẹp, thấy vui mà còn thấy thương thấy quý là vậy.

Bài thơ giản dị, chân chất mà niềm vui bên trong thật lớn lao và sâu sắc. Đây là một trong những bài rất tiêu biểu của đời Trần.

Các bài học liên quan
Đề: Tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt đã được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lý Bạch: Đầu giường... cố hương.  Hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ trên.
Đề: Qua cách miêu tả cảnh vật trong bài thơ Xa ngắm thác núi Lư em đã thấy gì về nghệ thuật miêu tả và tính cách của nhà thơ Lí Bạch?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật