Đề: Đọc sách có lợi ích gì? Trong các loại sách em thích đọc loại nào nhất? Tại sao? Đọc như thế nào thì có lợi và đọc như thế nào thì có hại?

Bắt đầu kỳ nghỉ hè, bố em cho em một số tiền nhỏ, bảo ra nhà sách mua một ít sách về nhà đọc. Trong nhà sách, em băn khoăn chẳng biết mua gì, bởi sách thì quá nhiều, cuốn nào cũng có nhiều màu sắc hấp dẫn, đủ loại từ truyện dài, truyện ngắn đến truyện vụ án, truyện tranh...

BÀI LÀM

Bắt đầu kỳ nghỉ hè, bố em cho em một số tiền nhỏ, bảo ra nhà sách mua một ít sách về nhà đọc. Trong nhà sách, em băn khoăn chẳng biết mua gì, bởi sách thì quá nhiều, cuốn nào cũng có nhiều màu sắc hấp dẫn, đủ loại từ truyện dài, truyện ngắn đến truyện vụ án, truyện tranh... Nhưng rồi cuối cùng em cũng chọn mua được những quyển sách phù hợp ý thích của em, phù hợp với suy nghĩ của em về lợi ích của sách vở.

Nói cho cùng thì không ai đo cho được lợi ích của sách vở, bởi tác động của nó không chỉ đến trong một lúc và hiệu quả của nó thì trải suốt cả đời người. Sách mang đến cho người ta nguồn hiểu biết vô tận về cuộc sống, về con người, về đất nước, về thế giới, không chỉ hôm nay mà cả trong quá khứ, vài chục năm, vài tràm năm, có khi cả mấy ngàn năm trước. Đọc sách, ta có thể biết được phong tục, tập quán, tâm lý, nguyện vọng của những người sống rất xa ta cả về không gian, hoặc cuộc sống con người trước mắt ta, bên cạnh ta, mà ta không nhận ra.

Sách dạy cho ta cách sống đẹp, cách nghĩ, cách làm, cách nói năng đối xử đẹp trong đời sống. Điều rất thú vị là sách không đưa ra những lời dạy khô khan mà bằng lời lẽ văn chương, bằng nhân vật sinh động, sách gợi ý cho ta tự mình rút ra những lời dạy dỗ, khuyến khích, khuyên nhủ...

Đối với người học sinh, sách còn là người thầy dạy môn Tiếng Việt tuyệt vời. Đọc sách, ta không cố tình học tập, thế mà rồi qua ngày tháng, từ quyển này sang quyển khác, ta cứ thu nhận lấy một cách hồn nhiên cách nói, cách viết chính xác, lưu loát, để có thể diễn đạt được ý kiến một cách đầy đủ, sinh động. Sách là người bạn, người thầy là thế; sách vừa thú vị vừa bổ ích là thế.

Tuy nhiên, cách đọc sách không ai giống ai, cách chọn sách để đọc người này cũng khác người kia. Riêng em, em thích nhất những cuốn sách viết về lứa tuổi của mình, truyện trong nước cũng như truyện dịch của nước ngoài, đặc biệt là truyện về những người trải qua tuổi thơ gian nan vất vả mà trưởng thành. Vì sao vậy? Vì đọc những cuốn sách như thế, em thấy giữa người trong sách và bản thân mình thật là gần gũi. Em hiểu được cách nghĩ, cách sống và cả những ước nguyện cao cả của họ. Đôi khi em cũng cay đắng, sướng vui, lo toan, hồi hộp với họ. Từ cuộc đời họ, em rút ra nhiều bài học cho mình và em thấy nếu em là họ thì em cũng sẽ làm được như họ.

Truyện “Không gia đình” của Hecto Malô vừa giúp em hiểu đôi chút về đời sống nước Pháp, vừa khiến em xúc động đến nghẹn ngào về cuộc đời và tâm hồn chú bé Rêmi mới tám tuổi đã lưu lạc giang hồ, gặp bao nhiêu kẻ xấu nhưng cũng gặp bao nhiêu con người cao thượng, ngay thẳng, đầy lòng vị tha. Em nghĩ, nếu em là Rêmi, em cũng sẽ cố gắng sống như chú bé đó, dũng cảm, ngay thật, trọng danh dự, biết quý trọng tình bạn, yêu thương và sống tình nghĩa với mọi người. Em hiểu rằng những cuốn sách như thế sẽ sống mãi với em đến suốt cuộc đời và sẽ còn giúp ích cho em nhiều.

Đọc sách có nhiều lợi ích, điều đó ai cũng thấy. Nhưng không phải bất cứ cuốn sách nào cũng bổ ích. Trước hết phải biết chọn sách mà đọc, phải đọc những cuốn sách thực sự giúp ta hiểu biết, thiết thực bồi bổ tình cảm tâm hồn ta. Nhân vật trong sách phải là những người dù sống trong hoàn cảnh nào .cũng không ngừng vươn lên, trở nên tốt đẹp, trong sáng hơn. Cuốn sách tốt là đẹp từ nội dung đến hình thức, từ câu chuyện hấp dẫn thú vị đến lời văn giản dị, câu văn sáng sủa, gãy gọn. Một cuốn sách như thế thật đáng mất tiền để mua, mất công để đọc. Em biết có bạn bạ sách gì cũng đọc, thậm chí đọc cả những sách nhảm nhí, nội dung thì lạc lõng, xa lạ, văn chương thì rườm rà, lủng củng. Đọc sách như thế thì đọc bao nhiêu chỉ hại bấy nhiêu.

Có sách rồi lại phải biết đọc vào lúc nào thì có kết quả. Phải đọc có kế hoạch, giờ nào việc ấy. Thú vị nhất là đọc sách vào ngày giờ rảnh rỗi, ngồi trước hiên nhà thoáng mát hoặc trên chiếc võng vườn sau rợp bóng cây trong ngày hè, tha hồ cho trí tưởng tượng và cảm xúc bay bổng... Mê sách mà đọc trong cả giờ ăn, giờ ngủ, giờ học bài, thậm chí giấu sách dưới ngăn bàn đọc cả trong khi thầy giáo giảng bài thì cái hại cũng thật dễ thấy.

Đọc sách còn là học theo sách, do vậy phải biết suy nghĩ chọn lựa sách để mà học tập. Trong đời mỗi người có một hoàn cảnh riêng không ai giông ai, mỗi thời, mỗi nước lại có những điều riêng biệt. Làm theo sách tức là lựa chọn lấy điều cốt yếu để rồi áp dụng theo hoàn cảnh của mình. Đọc sách để rồi bắt chước một cách dập khuôn, máy móc thì tốt hơn đừng đọc sách. Thử tưởng tượng: đọc xong một cuốn truyện về chàng hiệp sĩ thời xưa rồi cũng mặc áo giáp, cầm gươm, lên ngựa như chàng Đôn Kihôtê, cảm phục cậu bé Rêmi để rồi bỏ nhà ra đi làm người không gia đình, lưu lạc, bụi đời... thì sẽ ra sao? Cho nên từ việc thấy được lợi ích của đọc sách đến việc đọc sách cho thực sự có lợi, còn có nhiều khó khăn lắm. Từ đọc đến học còn biết bao nhiêu điều phải suy nghĩ.

Theo em nghĩ, trong những phát minh kỳ diệu của loài người thì sách là một phát minh kỳ diệu. Sách làm cho con người lớn lên, làm cho con người xích gần nhau lại, sách dạy dỗ, an ủi con người. Nếu mai sau lớn lên, em trở thành người có ích cho đời, một phần lớn nhờ có công của sách. Ôi những cuốn sách kỳ diệu!

Các bài học liên quan
Đề: Em hãy dựa vào hiện tượng trên, dựng một câu chuyện ngắn cổ nhân vật là em và cây táo nhằm biểu hiện một suy nghĩ mà hiện tượng trên đã gợi cho em.
Đề: Một lần, em được nghe mẹ kể truyện “Sự tích trầu cau” Trong giấc mơ, em như thấy mình đã đến được cánh rừng, nơi có ba anh em đang yên nghỉ. Em đến bên họ và nói những lời viếng thăm. Hãy kể và tả lại cảnh đó.
Đề: Em hãy giải thích câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật