Đề: Em có thể phân tích và kể lại truyện “Sống chết mặc bay” theo cách hiểu của mình với điều kiện không làm mờ nhạt hình tượng Quan phụ mẫu

Tùng,... Tùng... Tùng... Tu... Tu... Tu... đó là những tiếng trống liên thanh và tiếng ốc vô hồi báo động, nước sông Hồng lên to quá hai ba đoạn đê, thấm lâu có thể vỡ mất...

BÀI LÀM

Tùng,... Tùng... Tùng... Tu... Tu... Tu... đó là những tiếng trống liên thanh và tiếng ốc vô hồi báo động, nước sông Hồng lên to quá hai ba đoạn đê, thấm lâu có thể vỡ mất...

Đã gần nửa đêm, dưới ánh chớp lòe... hàng trăm ngàn người đổ ra cứu đê: người cầm thuổng, người cầm cuốc, kẻ đội đất, người vác tre, bì bõm lội xuống bùn sâu quá khuỷu chân, ai nấy đều ướt và thấm lạnh, trông thật là thảm! (Đó là thảm trạng ở ngoài chân đê...)

... Đèn thắp sáng trưng như pha lê, lính tráng, kẻ hầu người hạ đi lại rộn ràng. Trên cái sập mới kê ở gian giữa “Quan phụ mẫu” uy nghi ngồi chễm chệ. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi ra cho người quỳ xuống gãi. Tên lính lệ đứng bên cầm cái quạt lông chốc chốc sẽ phảy, tên khác khoanh tay đứng chờ hầu điếm đóm... (Đây là cảnh tượng trong đình chỉ cách đê bốn, năm trăm thước)

... Than ôi! Sức người khó lòng thắng nổi. Lo thay nếu đê vỡ có thể cuốn trôi nhà cửa mạng sống và cảnh đói khổ kéo dài hàng mấy năm. Tâm trạng người dân quê lo buồn, xót xa, người mệt lả. Trời vẫn trút mưa, khúc đê này hỏng mất. (vẫn là cảnh ngoài đê!)

... Bên cạnh ngài “Quan phụ mẫu”, một bát yến hấp đường phèn, trong khung khảm khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi chữ nhật để mở trong đó đầy những trầu vàng, cau đậu, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi gà, ông vôi trạm, ví thuốc, quản bút và cả cái ngoáy tai nữa, trông thật thích mắt. (Vẫn cảnh trong đình)

Hai cảnh tượng trên đây miêu tả cảnh chống lụt, cứu đê. Nhưng một bên là bi kịch còn một bên là bức tranh biếm họa vẽ thật rõ gương mặt tên quan phụ mẫu với một lũ thầy đề, thông, đội... và bọn cường hào sở tại...

Một bên là lo miếng cơm manh áo thiết thực để sống, chết, lo nhà tan cửa nát... Một bên buông tay với trách nhiệm là quan phụ mẫu và những kẻ có bổn phận với cái lo của dân.

- Khúc đê này hỏng mất (ngoài đê)

- Điếu, mày; thất văn... phỗng (trong đình)

- Đê sắp vỡ rồi... (ngoài đê)

- Không ăn thì bốc. Bẩm bốc - ừ (trong đình)

- Mặc kệ, có không ăn thì bốc chứ? (vẫn trong đình)

- Bẩm quan lớn đê vỡ mất rồi! (lại ở trong đình)

- Đê vỡ rồi thì ông cắt cổ chúng mày... thời ông bỏ tù chúng mày. Lính đâu? Sao bây dám để cho thằng này chạy vào đây xồng xộc như vậy? Không phép tắc gì nữa à (trong đình)

- Dạ bẩm... (trong đình)

- Đuổi cổ nó ra... (trong đình)

Bút pháp miêu tả xen lẫn kể chuyện của Phạm Duy Tốn đã truyền vào lòng người đọc một cảm nhận đắng cay, chua xót của người dân và cũng làm người ta ghê tởm, căm ghét bọn quan lại, cường hào.

Tác phẩm đã làm nổi bật ra ý nghĩa: Mục đích quan phụ mẫu đến đây không phải để lo cứu đê. Ngài đến để chơi tổ tôm, ăn bát yến cho ngon, để có người phục dịch, có dịp “quạt nồng”, phục vụ điếu đóm... Hơn thế nữa cũng là một dịp để bọn cường hào sở tại, từ chánh tổng trở xuống, có dịp nịnh quan trên bằng lá bài tổ tôm... Bởi vậy, khi gặp con bài “chi chi” quan đã hét lên vì sung sướng: “Thông tôm, chi chi nảy! Điếu, mày...”

Trong này quan ăn ván bài to như thế thì ngoài kia nước đã lênh láng xoáy thành vực sâu cuốn phăng nhà cửa, ngập tràn những cánh đồng lúa, một nguồn sống duy nhất của người nông dân!

Người đọc không thể kìm nén được căm phẫn dù cảnh ấy đã xảy ra từ thời ông cha ta, nhưng làm sao quên được!

Nguyễn Khuyến, cũng là một ông quan, thậm chí là Tổng Đốc nữa, nhưng vì cuộc đời lam lũ, vất vả phải đi đánh dậm lấy tiền ăn học. Sau này cụ lại về sống chung với nỗi buồn đau với dân tình xơ xác, nghèo khổ vì nỗi nợ nần: “Lãi mẹ đẻ lãi con” vì “thuế một vài nguyên đóng vẫn đòi” vì cảnh hiện tại: “Sâu hạn liên miên úng lụt tràn”. Trong thơ của cụ cổ mấy bài than vì đê gây nạn lụt, trong đó có bài “Nước lụt Hà Nam” như nói ra từ nước mắt:

“Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi Gạo dăm ba bát cơ còn kém...”

Khác hẳn với tên quan phụ mẫu của Phạm Duy Tốn bệ vệ mà kệch cỡm “ung dung”, êm ái, khi cười, khi nói vui vẻ dịu dàng... nhưng khi nhà văn hạ một câu: “thật là tôn kính, xứng đáng với một vị phúc tinh” thì người đọc cảm thấy quan bị một cái tát nảy lửa, bằng cái lối tả thực mà mỉa mai đến cực điểm của dòng văn học hiện thực.

Các bài học liên quan
Đề: Một lần, em được nghe mẹ kể truyện “Sự tích trầu cau” Trong giấc mơ, em như thấy mình đã đến được cánh rừng, nơi có ba anh em đang yên nghỉ. Em đến bên họ và nói những lời viếng thăm. Hãy kể và tả lại cảnh đó.
Đề: Em hãy giải thích câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Đề: Cảm hứng về hạnh phúc đời thường và kỉ niệm tuổi thơ trong bài “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật