Đề: Bác Hồ đã khởi xướng Tết trồng cây: "Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” Em hiểu ý nghĩa của hoạt động đó như thế nào? Phát biểu cảm nghĩ của em

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa rất trân trọng những phong tục, tập quán tốt đẹp gắn liền với sản xuất nông nghiệp, với những sinh hoạt trong dân gian, tùy theo từng vùng miền, từng địa phương khác nhau.

BÀI LÀM 1

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa rất trân trọng những phong tục, tập quán tốt đẹp gắn liền với sản xuất nông nghiệp, với những sinh hoạt trong dân gian, tùy theo từng vùng miền, từng địa phương khác nhau. Nhưng cũng có những phong tục đã phát triển thành ngày hội chung của cả nước. Một trong những phong tục đó là Tết trồng cây do chính Bác Hồ, vị cha già của dân tộc, đã khởi xướng. Sau kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng lại đất nước trên miền Bắc. Trong cao trào lao động xây dựng đất nước cuối những năm năm mươi, Bác Hồ đã khởi xướng ngày Tết trồng cây với mục tiêu:

"Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"

Noi gương Bác, mọi người đều hăng hái trồng cây mỗi dịp xuân về. Từ đó “Tết trồng cây” trở thành một việc làm, một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết. Đến nay, Tết trồng cây đã thực sự trở thành ngày hội của nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước.

Hằng năm, mỗi lần Tết đến, mọi người lại nhớ Tết trồng cây đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ đến Bác Hồ cùng lời dạy của người. Mỗi cơ quan, mỗi trường học, mỗi địa phương đều tùy theo điều kiện của mình mà tổ chức Tết trồng cây. Tham gia hội Tết trồng cây, em thấy mình như được hòa nhập vào thiên nhiên. Từ đó gây cho em ý thức rằng con người không chỉ biết sử dụng, khai thác cây cối, thiên nhiên, mà còn có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ và làm phong phú thêm cho thiên nhiên. Nhất là, khi có dịp lao động với tập thể, em cảm thấy mọi người đều thân ái, chan hòa với nhau trong một hoạt động vì lợi ích chung của xã hội.

Tết trồng cây đã góp phần không nhỏ trong việc làm giàu đẹp thêm cho đất nước mình. Những rừng cây bạt ngàn đã tô điểm trên đất nước ta một màu xanh tươi mát, tràn trề sức sống, biến đồi trọc hay những vùng sỏi đá trở thành vùng đất trù phú, phì nhiêu. Cây còn giữ được nước, giữ đất, chống xói mòn, nguồn lá rụng giúp cho đất thêm màu mỡ. Chẳng những cải tạo được đất, cây xanh còn điều hòa mực nước các con sông, ngăn chặn lũ lụt bất thường, hoặc làm tấm bình phong che chắn, bảo vệ làng mạc, đồng lúa, hoa màu...

Gỗ khai thác từ cây xanh là một nguồn lợi rất lớn, rất thiết thực trong đời sống con người. Từ các đá vật gần gũi với chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày như bàn, ghế, giường, tủ, nhà cửa., đến các công trình xây dựng, những con tàu vượt gió ngàn tới những đại dương xa... đều từ gỗ mà ra cả.

Cây xanh còn làm cho môi trường sống của chúng ta đẹp hơn lên. Từ những bóng mát xanh, buổi trưa hè oi ả trở nên êm dịu lạ thường, con người như đi lạc vào xứ thần tiên. Thú vị biết bao khi đứng trước một khung cảnh rợp màu xanh cây lá. Tâm hồn ta trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng. Cây xanh gọi chim về ca hát líu lo tạo sự bình thản, yêu đời cho con người. Nhờ có rừng cây khí hậu, thời tiết được điều hòa, êm dịu. Đối với các thành phố công nghiệp, cây xanh giúp giảm bớt lượng khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ môi sinh cho chúng ta.

BÀI LÀM 2

Mùa xuân, khi chim chóc bay về làm tổ; khi màu xanh, lộc biếc mượt mà trải dài trên đường phố, làng quê; khi hoa đào, hoa mai rực rỡ sắc hương trong nắng xuân, nhân dân ta lại vui vẻ tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Một trong những hoạt động đón xuân vui vẻ ấy là tết trồng cây. Trong những ngày ấy, mọi người đều nhớ lời Bác:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Đã từ lâu, con người sớm ý thức được sự gắn bó mật thiết giữa mình và thiên nhiên, trong đó cây xanh là yếu tố vô cùng quan trọng. Cây xanh góp phần điều tiết không khí trong lành để con người sống khỏe mạnh, cây xanh tỏa bóng mát cho con người mỗi khi trời nắng, cây xanh đem đến cho con người quả ngọt, bông sai, cây xanh gọi chim về làm tổ hót véo von mỗi buổi sớm... Trên thế giới, nhiều nước sớm ý thức được tầm quan trọng của việc trồng cây. Một trong những nước có phong trào trồng cây rộng khắp và sớm nhất là Ấn Độ.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dâm ta bắt tay vào xây dựng một xã hội mới, bác Hồ đã đề xướng Tết trồng cây. Noi gương Bác và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhân dân ta đã hăng hái trồng cây vào dịp Tết. Tết trồng cây trở thành một thói quen, một phong trào không thể thiếu được trong dịp đầu xuân. Tết trồng cây trở thành ngày hội của nhân dân ta, là dịp tưởng nhớ đến Bác Hồ và làm theo lời của người.

Mỗi dịp tết trồng cây, con người thêm gắn bó với thiên nhiên, đất nước, làm đẹp thêm quang cảnh nơi chúng ta sống, bảo vệ môi trường lành mạnh nơi chúng ta ở, làm giàu thêm cho cuộc sống của chúng ta. Tết trồng cây cũng tạo cho con người gắn bó, gần nhau hơn vì một mục đích tốt đẹp, vì lợi ích chung của xã hội, của con người.

Trồng thêm cây xanh, chúng ta góp phần khôi phục những cánh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi, chống xói mòn, tăng thêm màu mỡ cho đất, điều hòa mực nước của sông ngòi, hạn chế lũ lụt, ngăn gió biển, nước biển tràn vào phá hoại mùa màng. Trồng thêm cây xanh, chúng ta còn tạo ra một tiềm năng của cải vật chất lớn lao cho đời sống mỗi gia đình và xã hội. Hàng triệu cây chúng ta trồng mỗi năm, trong một thời gian sẽ cho một lượng gỗ lớn để xây dựng nhà cửa, đóng thuyền bè, vật dụng cần thiết cho cuộc sống, cho việc học tập của con em và còn cung cấp cho công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp nhẹ và xuất khẩu nữa. Đối với những thành phố công nghiệp, việc trồng cây xanh còn giữ được bầu không khí trong lành, ngăn chặn được những độc hại do khí độc ở nhà máy thải ra, do ô nhiễm của xe cộ đi lại.

Cuộc sống của con người sẽ vui hơn, đẹp hơn, chúng ta sẽ giữ gìn được sức khỏe tốt hơn trong mỗi ngày đến cơ quan, nhà máy, trường học dưới những hàng cây rợp bóng mát, trong tiếng ríu rít đưa tiễn của chim chóc reo ca và trong niềm vui quây quần bên mái ấm gia đình có hoa thơm, trái ngọt.

Em đang sống và học tập trong một thành phố lớn, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Ngày ngày đi học giữa làn xe cộ tấp nập, khói thải từ nhà máy và xe cộ làm không khí xú uế, đấy là chưa kể đến lượng phế thải của rác, của những dòng sông đen ngòm nước thải. Khắp nơi trên thành phố, những khẩu hiệu “Hãy cứu lấy bầu trời thành phố” như thúc giục, nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn cho thành phố sạch đẹp, tạo cho thành phố có không khí trong lành. Việc trồng cây trên đường phố, công viên, trường học vào những dịp Tết trồng cây theo lời dạy của Bác lại càng có ý nghĩa. Làm theo lời Bác, chẳng những chúng ta phải học tập, lao động để xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mà còn phải thể hiện những ước mong bình thường mà trước khi đi xa Bác dặn lại. Trồng cây không chỉ vì lợi ích mười năm mà còn vì lợi ích muôn đời cũng như “trồng người” vậy.

Tết trồng cây mà Bác Hồ đề xướng là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa cho lợi ích đời sống và hạnh phúc lâu dài. Ngày hội trồng cây hàng năm vào dịp Tết đã trở thành một phong tục tốt đẹp không thể thiếu được trong đời sống của nhân dân ta. Chúng ta phải biến những hành động thành ý thức thường trực và phát triển với quy mô rộng lớn, làm cho đất nước ta “càng ngày càng xuân”, làm cho màu xanh cây lá mãi như là biểu dương của một đời sống ấm no, hạnh phúc. Trồng cây, bảo vệ và giữ gìn, chăm sóc cây xanh vì thế là trách nhiệm thường xuyên của tất cả chúng ta, nhất là dịp tết trồng cây hàng năm.

Các bài học liên quan
Đề: Đọc sách có lợi ích gì? Trong các loại sách em thích đọc loại nào nhất? Tại sao? Đọc như thế nào thì có lợi và đọc như thế nào thì có hại?
Đề: Giải thích câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Đề: Hãy phân tích nhân vật Va-ren để thấy tài châm biếm của Nguyễn Ái Quốc trong bài “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật