Đề: Nhân dân ta thường khuyên nhau: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” Lời khuyên trên có ý nghĩa gì? Từ đó, em hãy nêu lên cảm nghĩ của mình

Dân tộc ta, vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau. Truyền thống cao cả, tốt đẹp đó luôn được nhắc nhở trong nhân dân.

BÀI LÀM 1

Dân tộc ta, vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau. Truyền thống cao cả, tốt đẹp đó luôn được nhắc nhở trong nhân dân. Đặc biệt, nhân dân còn dùng hình ảnh ví von để khuyên nhủ nhau trong câu ca dao gợi cảm:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Với chúng em hôm nay, câu ca dao vẫn còn là một bài học xứng đáng để chúng em tìm hiểu và nghĩ suy. Nhiễu điều là một thứ hàng tơ màu đỏ, giá gương là vật dụng bằng gỗ được chạm khắc cầu kỳ vừa đỡ lấy tấm gương soi, vừa là vật trang hoàng trong nhà. Hai vật ấy nếu để riêng rẽ không có gì là đặc sắc cả. Nhưng khi đem mảnh nhiễu điều phủ lên giá gương, chúng sẽ tạo nên cảnh tượng vừa rực rỡ, vừa uy nghiêm. Nhiễu điều giữ cho gương khỏi bụi và được trong sáng thêm, gương phản chiếu ánh sáng, lồng trong tấm nhiễu điều ánh lên sắc màu rực rỡ. Do đâu mà chiếc giá gương trở nên lộng lẫy và tấm nhiễu điều bỗng toát lên vẻ đẹp ưa nhìn? Chính vì đứng cạnh nhau, “phủ lấy”, bao bọc lấy, che chở lấy làm cả hai hình ảnh trên trở nên có giá trị, có ý nghĩa bảo vệ, yêu thương.

Từ hai hình ảnh ví von đó, nhân dân ta muốn nêu bật lên một lời khuyên nhủ thắm đượm nghĩa tình: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì ra cái cốt lõi của vấn đề là ở câu này. Chân lý của con người bình dân được phát biểu một cách giản dị như thế đó. Lời khuyên nhủ nhau đã trở thành hơi thở của một dân tộc, gìn giữ cho nhau và truyền lại cho nhau đời này sang đời khác, về mặt tình cảm, những người cùng chung một nước có cùng chung nguồn gốc lịch sử, đã cùng trải qua những giờ phút vinh quang cũng như những tháng ngày đen tối. Bên cạnh đó, họ còn có chung nguồn gốc tổ tiên, nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ, sinh hoạt cùng một phong tục, tập quán. Họ không khác gì anh em một nhà, cùng chung sống trong bầu không khí ấm cúng của gia đình, về một lý trí, người dân trong cùng một nước có nghĩa vụ tương trợ, giúp đỡ nhau, phải đoàn kết, gắn bó nhau để bảo vệ quyền lợi của nhau không để cho kẻ ngoại bang chiếm đoạt. Xuất phát từ lý tưởng yêu nước thương dân, vì danh dự của dân tộc, của Tổ quốc, người dân trong một nước sẵn sàng đem xương máu mình để bảo vệ tự do, độc lập. Một người dân trong nước làm được điều hay, việc lạ, cả nước lấy làm vinh dự chung. Một người dân làm điều xấu, cả nước lấy làm hổ thẹn, buồn rầu. Trải qua bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã chứng tỏ được tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong nước, là cơ sở lòng yêu nước thương nòi. Giữ nước là một công việc lớn lao, không chỉ một người hay một nhóm người nào có thể làm nổi. Nếu có giặc ngoại xâm, ai cũng chỉ khư khư lo giữ của cải riêng mình, chỉ chống giặc khi chính mình bị xâm phạm thì chẳng mấy chốc giặc sẽ lần lượt tiêu diệt hết người này đến người khác. Nhưng nếu lúc ấy, tất cả mọi người đều đồng lòng, hợp sức lại chống kẻ thù, tất nhiên ta có thể chống đỡ được giặc. Dưới thời Trần, giặc Nguyên Mông hung hãn và thiện chiến mà ba lần xâm lược nước ta đều chuốc lấy thất bại thảm hại. Đó là nhờ lúc ấy, từ vua đến dân, từ tướng lĩnh đến quân sĩ, đều gắn bó bên nhau, quyết tâm đánh giặc. Tinh thần đoàn kết chiến đấu đó được phát huy cao hơn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhờ thế, nhân dân ta từ hai bàn tay không đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vang dội, chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giữ vững nền độc lập, thống nhất Tổ quốc như ngày nay.

Bài học yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người trong một nước trong từng thời kỳ có những điểm khác nhau. Nếu trong đấu tranh dựng nước và giữ nước có sự đồng tâm hợp lực, trên dưới một lòng đánh đuổi ngoại bang, thì khi thiên tai, hoạn nạn, là tinh thần “Lá lành đùm lá rách", “Chị ngã, em nâng”. Chính những lúc này tấm lòng yêu thương, đùm bọc, cưu mang lẫn nhau lại càng thắm thiết hơn bao giờ. Trong đời sống bình thường, thiết nghĩ sự quan tâm giúp đỡ nhau khi tối lửa, tắt đèn, sự qua lại lúc giỗ chạp, hiếu hỉ cũng cần thiết để nói lên nghĩa tình của người dân trong một nước. Tất cả đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Là người công dân nhỏ tuổi của một đất nước tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, em vô cùng sung sướng được mang trong người dòng máu nhân ái chan hòa của dân tộc anh hùng. Kế thừa truyền thống cao đẹp của cha ông, đối với em lúc này là biết kính yêu ông bà, cha mẹ, hòa thuận với anh em, nhường cơm sẻ áo đối với người bất hạnh, trẻ mồ côi, tương thân tương ái với láng giềng... Em nghĩ đó cũng là nền tảng của tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa người trong một nước. Câu ca dao đã có tự bao đời em không rõ, nhưng ý nghĩa của nó đã trở nên muôn đời vì bài học đã đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân, mà em hằng ghi nhớ: phải luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn. Trong thời đại ngày nay, truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau càng cần được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở mỗi người dân, mỗi đoàn thể, mỗi địa phương trong cả nước ta.

BÀI LÀM 2

Là người Việt Nam, mấy ai không tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của cha ông vốn cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng của mẹ u Cơ. Dù ở đâu, dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam vẫn tự hào là “con một cha, nhà một nóc”. Vì vậy, đã là con một nhà, người trong một nước phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống cao cả và tốt đẹp ấy được biểu hiện trong câu ca dao:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Người xưa đã biết cách phô diễn tình cảm một cách tài tình. Nhiễu điều là một thứ lụa đẹp óng ánh sắc đỏ. Giá gương có thể là một chiếc gương đẹp được đặt trang trọng trong một cái giá, thường được làm bằng gỗ quý, cũng có thể là chiếc giá được trạm khắc cầu kì, công phu để trên bàn thờ tổ tiên. Giá gương chỉ đẹp, chỉ bền, chỉ trang trọng khi được phủ lên tấm lụa điều. Mượn cách phô diễn ấy, người xưa muốn diễn tả một tình cảm đẹp đẽ, cao cả, đó là tấm lòng sẵn sàng che chở, đùm bọc nhau, thương yêu nhau của người dân trong cùng một nước. Lời khuyên đó hoàn toàn đúng đắn, cố tình có lý mà đằm thắm và sâu sắc.

Một cây sao có thể thành rừng, sao có thể chống đỡ được mưa giông bão tố. Nhiều cây “chụm lại” sẽ là một rừng cây bão gió chẳng thể chuyển lay, chẳng thể đánh gục. Người dân sống trong một làng, một huyện, một tỉnh và trong cả nước đều là người cùng một cộng đồng, đều có quan hệ khăng khít và vật chất, vẻ tình cảm. Mỗi người dân trong cộng đồng phải thường xuyên đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày, nhất là khi khó khăn, hoạn nạn. Có đoàn kết, thương yêu nhau mới có thể gắn bó nhau để tạo nên một sức mạnh, mới thống nhất được ý chí và hành động để làm được những việc to lớn. Một giọt nước sao có thể tạo thành biển khơi. "Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng. Một người đâu phải nhân gian”. Vì thế, tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau là cần thiết, là cơ sở của lòng yêu nước thương nòi, là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tình thương yêu ấy phải trở thành điều tâm niệm của mọi người, phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, phải được thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi một địa phương gặp thiên tai, dịch họa, mỗi người địa phương mình gặp hoạn nạn, bởi “thương người như thể thương thân”, bởi bầu bí “tuy rằng khác giống như chung một giàn”, đó là đạo lý từ ngàn xưa, nhân dân ta đã từng khuyên bảo nhàu như thế. Cần phải góp sức người, sức của giúp đỡ các địa phương gặp khó khăn. Dân ca Thái có một bài ca mộc mạc mà rất hay, rất thắm đượm nghĩa tình:

Đầu mường ta là cuối mường bạn,
               Thuyền bè đứt trôi xuôi, người dưới buộc lại,
                  Voi ngựa sông chạy ngược, người trên buộc lại,
Lợn chó ăn chung, gà vịt ăn cùng

Trong những năm gần đây, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau được thể hiện rất rõ ở các địa phương trong cả nước. Khi Sơn La, Lai Châu bị bão lụt, nhân dân cả nước đã tích góp hỗ trợ đồng bào các dân tộc ở hai tỉnh nhanh chóng ổn định đời sống. Khi đồng bằng sông Cửu Long bị lụt lớn, cả nước lại chỉ viện đắc lực cho các tỉnh vùng lứa phục hồi nhanh hậu quả của thiên tai. Nhân dân ta dành dụm từng cân lúa, tấm áo, ngày lương, viên thuốc, quyển sách... để nhân dân các vùng bị lũ lụt vượt qua hiểm nghèo, mau chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường. Ở đâu trong nước ta cũng có những hoạt động nhân đạo, giúp đỡ những người bị bất hạnh, tật nguyền, nghèo khổ với tinh thần “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”. Tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau lồ cơ sở của lòng yêu nước, yêu con người, giúp chúng ta có trách nhiệm đầy đủ trước vận mệnh của đất nước.

Ngược lại, thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bàng quan đối với những biến cố xảy ra ở các địa phương khác là biểu hiện của sự chia rẽ, không đoàn kết. Đó cũng chính là biểu hiện của tính cá nhân ích kỉ chỉ lo cho bản thân mình, là biểu hiện của tư tưởng cục bộ, bản vị hẹp hòi. Những ai có biểu hiện như thế, suy cho cùng, tình đồng bào, lòng nhân ái và lòng yêu nước của họ chỉ là những lời nói suông mà thôi.

Dân tộc ta là một dân tộc vốn giàu lòng nhân ái. Tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau đã trở thành nếp nghĩ, lẽ sống của con người và được thực hành từ hàng ngàn năm nay. Truyền thống đẹp đẽ và cao cả đó luôn được giữ vững và phát huy suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, được biểu hiện rõ trong khó khăn, hoạn nạn. Ngày nay, truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau cũng vẫn được phát huy mạnh mẽ ở mỗi người dân, mỗi đoàn thể, mỗi địa phương trong cả nước ta. Tuy nhiên, vấn đề đoàn kết yêu thương nhau không thể chỉ là một chiều, không phải là bao che, dung túng cho những biểu hiện tiêu cực, mà phải cần đấu tranh xây dựng. Đó cũng là cách hiểu, là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo phương châm xử thế tốt đẹp từ ngàn đời nay của cha ông ta như ý nghĩa của câu ca dao đã nêu, như nội dung giàu chất nhân ái mà câu ca dao tỏa sáng từ muôn đời nay.

Các bài học liên quan
Đề: Đọc sách có lợi ích gì? Trong các loại sách em thích đọc loại nào nhất? Tại sao? Đọc như thế nào thì có lợi và đọc như thế nào thì có hại?
Đề: Giải thích câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Đề: Hãy phân tích nhân vật Va-ren để thấy tài châm biếm của Nguyễn Ái Quốc trong bài “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật