ÔNG LÃO ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ VÀNG

Ông lão đánh cá và con cá vàng là truyện cổ tích do A. Pu-skin kể lại. Truyện ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và nêu ra bài học đích đáng cho những kẻ tham lam, bội bạc.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Ông lão đánh cá và con cá vàng là truyện cổ tích do A. Pu-skin kể lại.

- Truyện ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và nêu ra bài học đích đáng cho những kẻ tham lam, bội bạc.

- Truyện sử dụng các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của truyện cổ tích như: sự lặp lại tăng tiến của các tình huống cốt truyện, sự đối lập giữa các nhân vật, sự xuất hiện của các yếu tố tưởng tượng, hoang đường.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 - 1837) - đại thi hào Nga, từng được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga” - đã kể lại nhiều truyện cổ tích dân gian bằng thơ, như Truyện cổ tích về con gà trống, Truyện cổ tích về nàng công chúa chết và bảy chàng hiệp sĩ, Ông lão đánh cá và con cá vàng (nhan đề trong nguyên bản tiếng Nga là Truyện cổ tích về người đánh cá và con cá vàng).

- Đây là truyện cổ tích được tác giả kể lại bằng 205 câu thơ trên cơ sở truyện dân gian Nga, Đức. Tác phẩm được Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn dịch từ văn bản tiếng Pháp. Truyện vừa giữ được nét chất phác, dung dị của nghệ thuật dân gian, vừa thể hiện tài năng sáng tạo của Pu-skin.

Truyện vừa mang đặc điểm, nội dung, ý nghĩa của một truyện cổ tích, vừa chứa đựng tư tưởng kín đáo mà tác giả gửi gắm trong truyện. Đó là tư tưởng chống đối chế độ Nga hoàng độc ác, chuyên quyền, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của nhân dân Nga. Không ít nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Trong truyện này, nhân vật mụ vợ tượng trưng cho chế độ Nga hoàng tàn ác, độc đoán; ông lão tượng cho nhân dân - người có sức mạnh, khả năng (biểu tượng là cá vàng) nhưng nếu nhu nhược thì bị áp bức cực khổ suốt đời. Tư tưởng này của truyện cùng một loại với bài thơ Cây An-tra của Pu-skin.

- Truyện ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu, đồng thời phê phán lòng tham, sự bội bạc của người đời. Mụ vợ ông lão là một kẻ tham lam. Mụ có lòng tham vô đáy. Phản ứng tăng lên của biển cả tỉ lệ thuận với lòng tham của mụ vợ (mụ đòi cái máng mới -> biển gợn sóng êm á, đòi cái nhà rộng biển xanh nổi sóng, đòi nhất phẩm phu nhân -> biển nổi sóng dữ dội, đòi làm nữ hoàng -> biển nổi sóng mù mịt, đòi làm Long Vương —> biển nổi sóng ầm ầm).

Cá vàng trả ơn cho chồng mụ cũng chính là cá trở thành ân nhân của mụ. Do đó, sự vong ân của mụ không chỉ với ông chồng của mình mà còn cả với cá vàng nữa.

Biển cả và cá vàng cũng giận ông lão vì sự khờ dại, nhân nhượng, nhu nhược. Tính nhu nhược tạo cơ hội cho kẻ xấu, kẻ ác tiếp tay cho cường quyền, bạo lực, vua chúa lộng hành.

- Cách kết thúc truyện không phải là kết thúc có hậu trong truyện dân gian. Truyện dân gian kết thúc có hậu thường để cho nhân vật chính, nhân vật thiện trong truyện sau khi trải qua khó khăn thử thách được sống một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng nhân vật chính trong truyện này lại không như thế mà trở lại cuộc sống nghèo khổ trước đây.

- Hình ảnh cá vàng xuyên suốt tác phẩm không chỉ làm cho câu chuyện thêm li kì hấp dẫn mà nó còn là nhân vật thể hiện ước mơ công lí và hạnh phúc của nhân dân lao động.

- Các câu tục ngữ Việt Nam trong phần Đọc thêm có nội dung gần gũi với nội dung câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng. Đó là những câu tục ngữ đề cập đến lòng tham vô đáy của con người (Được voi đòi tiên) và lòng tham sẽ phải trả giá (Tham thì thâm), đề cập đến sự vô ơn, bất nhân, bội bạc (Ăn cháo đá bát) và khuyên mọi người phải có lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ, cưu mang mình (Ăn quả nhớ kẻ trồng cây).

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trong truyện, mấy lần ông lão ra biển gọi cá vàng? Việc kể lại những lần ông lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Hãy nêu tác dụng của biện pháp này.

Gợi ý:

Năm lần ông nghe lời vợ ra biển cầu xin cá vàng trả ơn, giúp đỡ.

Biện pháp này nhằm nhấn mạnh và khắc sâu một nội dung của truyện, góp phần bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Việc lặp lại hành động của ông lão đã khắc sâu thêm tính cách của mụ vợ. Sự lặp lại đó đã lột tả tính cách của hai nhân vật, một người nhu nhược sợ vợ, còn người kia thì tham lam vô độ. Cuối cùng, kẻ tham lam cũng bị trừng trị một cách đích đáng.

2. Mỗi lần ông lão ra biển gọi cá vàng, cảnh biển thay đổi như thế nào? Vì sao?

Gợi ý:

Mỗi lần ông lão ra biển gọi cá vàng, cảnh biển lại thay đổi một cách dữ dội hơn. Lí do là bởi những điều đòi hỏi của mụ vợ ngày càng quá mức, đến độ không thể chấp nhận được.

Khi mụ vợ đòi cái máng mới Biển gợn sóng êm ả.

Khi mụ vợ đòi cái nhà rộng Biển xanh đã nổi sóng.

Khi mụ vợ đòi làm nhất phẩm phu nhân => Biển xanh nổi sóng dữ dội

Khi mụ vợ đòi làm nữ hoàng => Biển nổi sóng mù mịt.

Khi mụ đòi làm Long Vương Biển nổi sóng ầm ầm.

Như vậy, lòng tham của mụ vợ đã trở nên quá sức chịu đựng. Điều này được thể hiện tài tình qua việc đan cài các chi tiết của Pu - skin.

3. Em có nhận xét gì về lòng tham và sự bội bạc của nhân vật mụ vợ? Sự bội bạc của mụ vợ đối với chồng đã tăng lên như thế nào? Khi nào sự bội bạc của mụ đi tới tột cùng? (Chú ý thái độ của mụ đối với cá vàng thể hiện ở ý muốn cuối cùng).

Gợi ý:

Mụ vợ là người:

- Tham lam vô độ;

- Lăng loàn, bội bạc, tàn nhẫn, thô bỉ;

- Mang bản chất của giai cấp bóc lột, bằng mọi cách để đạt danh vọng tột đỉnh.

- Mụ càng lên nước do được sự tiếp tay của sự nhu nhược, mềm lòng, thỏa mãn cam chịu.

4. Câu chuyện đã được kết thúc như thế nào? Ý nghĩa của cách kết thúc đó.

Gợi ý:

Câu chuyện được kết thúc khi ông lão trở về nhà nhìn thấy mụ vợ và cái máng lợn sứt mẻ. Đây là cách kết thúc truyện độc đáo, theo lối vòng tròn không có hậu. Nhân vật được đưa về với điểm xuất phát của chính mình.

Các bài học liên quan
EM BÉ THÔNG MINH
CHỮA LỖI DÙNG TỪ
THẠCH SANH
LỜI VĂN, ĐOẠN VĂN TỰ SỰ
SỌ DỪA

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật