Tự học: MƯA

Bài Mưa tác giả viết năm 1967, lúc tác giả mới chín tuổi, đang là một cây bút thiếu nhi rất nổi tiếng. Đây là bài thơ được rút từ tập thơ đầu tay Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Bằng việc sử dụng rộng rãi phép nhân hóa, với thể thơ tự do, nhịp thơ ngắn và nhanh, bài thơ đã miêu tả chính xác và sinh động cảnh thiên nhiên trước và trong cơn mưa rào ở làng quê.

- Bài thơ thể hiện tài năng quan sát và miêu tả thiên nhiên một cách hồn nhiên, tinh tế và độc đáo của Trần Đăng Khoa.

II MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông có năng khiếu làm thơ từ rất sớm. Từ khi còn là học sinh tiểu học, Trần Đăng Khoa đã có thơ đăng báo và tập thơ đầu được in năm 1968.

Thơ của Trần Đăng Khoa thường viết về những cảnh vật và con người bình dị, gần gũi ở làng quê, nơi góc sân, vườn nhà, nhưng cũng từ đây mà nhìn ra được đất nước và khí thế của thời đại chống Mĩ cứu nước.

- Bài Mưa tác giả viết năm 1967, lúc tác giả mới chín tuổi, đang là một cây bút thiếu nhi rất nổi tiếng. Đây là bài thơ được rút từ tập thơ đầu tay Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa.

Bài thơ miêu tả chính xác, sinh động những cảnh vật thiên nhiên quen thuộc ở làng quê trước và trong cơn mưa. Bức tranh cơn mưa rào được thể hiện qua hàng loạt hình ảnh về hình dáng, động tác hoạt động của nhiều cảnh vật với cái nhìn, cách cảm hồn nhiên, tinh tế, rất trẻ thơ của tác giả.

- Cơn mưa được tác giả miêu tả theo trình tự thời gian. Ngoài việc miêu tả trực tiếp cơn mưa với sấm, chớp, nước mưa; tác giả còn miêu tả cơn mưa một cách gián tiếp thông qua trạng thái, hoạt động của các loài vật, cây cối, con người trước và sau cơn mưa.

- Thủ pháp nghệ thuật nổi bật của bài thơ là phép nhân hóa được sử dụng rộng rãi với nhiều liên tưởng bất ngờ, thú vị: Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận/ Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm/ Kiến/ Hành quân/ Đầy đường; sấm/ Ghé xuống sân/ Khanh khách/ Cười/ Cây dừa/ Sải tay/ Bơi/ Ngọn mồng tơi/ Nhảy múa.

Hình ảnh độc đáo, có giá trị phát hiện: có gà rung tai/ Nghe; Bụi mù/ Tần ngần/ Gỡ tóc.

Hình ảnh con người ở cuối bài mang ý nghĩa biểu tượng qua lối So sánh có tính khoa trương: người cha đi cày về dưới trời mưa được tác giả nhìn như là đang đội mưa, đội sấm chớp. Thiên nhiên đã trở thành “cái nền” để tôn vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp về tư thế mạnh mẽ, hiên ngang, vững vàng, tự tin, chiến thắng trước sức mạnh ghê gớm của tự nhiên: Đội sấm / Đội chớp / Đội cả trời mưa.

Bằng nhịp điệu nhanh, mạnh, dồn dập với những câu thơ ngắn, có số tiếng không đều nhau, bài thơ đã diễn tả sinh động cơn mưa rào mùa hạ, gợi được âm thanh của một trận mưa lớn.

- Hai bài đọc trong phần “Đọc thêm” của Tô Hoài (trích từ tác phẩm Tự truyện) và bài thơ Ngày 27 tháng 6 viết tại lầu Vọng Hồ trong lúc say của Tô Thức (nhà thơ Trung Quốc) đều miêu tả cơn mưa lớn bằng các chi tiết về âm thanh, màu sắc, cảnh vật,... trước, trong và sau cơn mưa một cách độc đáo, tiêu biểu. Đây cũng là những gì nhà thơ “nhí” Trần Đăng Khoa quan sát được và miêu tả trong bài Mưa của mình.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài thơ tả cơn mưa ở vùng nào và vào mùa nào?

Cơn mưa được tả qua hai giai đoạn: lúc sắp mưa và lúc mưa. Dựa vào thứ tự miêu tả, em hãy tìm bố cục của bài thơ.

Gợi ý:

Bài thơ tả cơn mưa rào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ vào mùa Hè.

Bố cục: gồm 3 phần.

Phần 1: Từ đầu cho đến Ngọn mùng tơi / Nhảy múa. Nội dung tả khung cảnh sắp mưa.

Phần 2: Tiếp theo cho đến Cây lá hả hê. Nội dung tả cảnh vật trong khi mưa.

Phần 3: Đoạn còn lại. Nội dung tả hình ảnh người nông dân trong mưa thật to lớn và đẹp đẽ.

2. Nhận xét về thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ và nêu tác dụng đối với việc thể hiện nội dung?

Gợi ý:

Bài thơ làm theo thể thơ tự do; cách ngắt nhịp linh hoạt, gồm các nhịp 1, 2, 3, 4 chủ yếu là nhịp 2. Điều đó tạo thuận lợi cho việc diễn tả một cách phóng túng những quan sát của người viết.

3. Gần hết bài thơ chỉ miêu tả cảnh thiên nhiên, đến cuối bài thơ mới xuất hiện hình ảnh con người:

Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa ...

Em hãy nhận xét về ý nghĩa biểu tượng cho tư thế, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên trong hình ảnh trên?

Gợi ý:

Đó là một hình ảnh to lớn, vững chãi: Đội sấm / Đội chớp / Đội cả trời mưa... Tầm vóc của người nông dân trở nên lớn lao, kì vĩ, như một vị thần. Viết về cơn mưa nhưng cũng viết về người nông dân (qua hình ảnh người cha) dãi nắng, dầm mưa. Đây là một cách ca ngợi, rất hồn nhiên nhưng cũng vô cùng sâu sắc.

Các bài học liên quan
ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ
NHÂN HÓA
BUỔI HỌC CUỐI CÙNG
VƯỢT THÁC

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật