VƯỢT THÁC

Bài văn miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Bài văn miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.

- Nghệ thuật tả cảnh, tả người từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên, sinh động.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Võ Quảng sinh năm 1920, quê ở tỉnh Quảng Nam, là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.

Bài Vượt thác trích từ chương XI của truyện Quê nội (tên bài văn do người biên soạn đặt). Quê nội (1974) cùng với Tảng sáng (1976) là những tác phẩm thành công nhất của Võ Quảng. Truyện viết về cuộc sống của một làng quê ven sông Thu Bồn (làng Hòa Phước) tỉnh Quảng Nam, miền Trung Trung Bộ vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân vật chính của truyện là hai em thiếu niên: Cục và Cù Lao.

- Bài văn miêu tả chuyến ngược dòng sông Thu Bồn của con thuyền do dượng Hương Thư chỉ huy, từ làng Hòa Phước lên thượng nguồn để lấy gỗ về dựng trường học cho làng, sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đây là một bài văn miêu tả cảnh quan thiên nhiên trên sông và hai bờ, qua những vùng khác nhau dọc theo hành trình của con thuyền từ vùng đồng bằng trù phú vượt qua những thác ghềnh ở vùng núi để tới thượng nguồn.

Vị trí quan sát của nhà văn là trên thuyền cho nên có thể nhìn thấy cảnh hai bên bờ, dòng nước, thuyền đi tới đâu cảnh vật hiện ra tới đấy.

Những cảnh sắc từng vùng đất mà con thuyền đi qua hiện lên như những thước phim. Đầu tiên là vùng đồng bằng êm đềm, bao la, trù phú với những bãi dâu bạt ngàn trải dài đến tận những làng xa; tiếp theo là cảnh thác nước giữa hai vách đá dựng đứng; rồi sau đổ là đồng ruộng rộng lớn mở ra trước mắt,...

- Đặc sắc về nghệ thuật miêu tả trong bài văn là sự phối hợp miêu tả cảnh vật thiên nhiên với hoạt động của con người đưa thuyền ngược dòng, vượt thác. Cảnh thiên nhiên được trải dài theo hành trình của con thuyền, nên có sự biến đổi phong phú. Nhưng bức tranh được tác giả tập trung miêu tả vẫn là hình ảnh con người, mà nổi bật là hình ảnh dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong miêu tả ở bài này là phép so sánh và nhân hóa. Bức tranh sông nước ở đây như có hồn và gợi cảm nhờ cảnh vật được nhân hóa (phóng xuống, nhớ núi rừng,...); những hình ảnh sinh động, giàu sức biểu hiện nhờ sự ví von, nhân hóa (cây cổ thụ được ví với người: đứng trầm ngâm lặng nhìn).

- Đoạn thơ trong bài “Đọc thêm” miêu tả cảnh con thuyền vượt qua những con thác trên các miền đất nước. Cảnh đẹp của thiên nhiên hiện lên tươi đẹp và hùng vĩ dưới con mắt cùng với tâm trạng phấn chấn của tác giả.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài văn miêu tả một cuộc vượt thác của con thuyền theo trình tự thời gian và không gian như sau:

- Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác;

- Con thuyền vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ;

- Con thuyền ở đoạn sông đã qua thác dữ.

Dựa vào trình tự trên, em hãy tìm bố cục của bài văn.

Gợi ý:

Đoạn 1: Từ đầu cho đến thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.

Đoạn 2: Từ Đến Phường Rạnh đến thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò.

Đoạn 3: Gòn lại.

2. Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả ở trong bài đã thay đổi như thế nào theo từng chặng đường của con thuyền? Theo em, vị trí quan sát để miêu tả của người kể chuyện trong bài này là ở chỗ nào? Vị trí quan sát ấy có thích hợp không? Vì sao?

Gợi ý:

Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả ở trong bài đã đổi thay theo hành trình của con thuyền ngược dòng, theo trật tự không gian. Vị trí quan sát để miêu tả của người kể chuyện là ở trên thuyền. Từ vị trí đó, tác giả có thể phóng tầm mắt quan sát dòng sông và hai bên bờ, cảm nhận và miêu tả cuộc vượt thác một cách tường tận.

3. Cảnh con thuyền vượt thác đã được miêu tả như thế nào? Hãy tìm những chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác. Những cách so sánh nào được sử dụng?

Nêu ý nghĩa của hình ảnh so sánh dượng Hương Thư giống như “một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh”.

Gợi ý:

Cảnh con thuyền vượt thác:

- Cảnh con thuyền: Vùng vằng cứ như chực tụt xuống quay đầu chạy lại, giống như hình ảnh con người cố dẫn lên để chiến thắng.

Hình ảnh dượng Hương Thư:

+ Ngoại hình: Cởi trần, như pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa.

- Động tác: Có người phóng chiếc sào xuống lòng sông, ghì chặt đầu sào, chiếc sào... cong lại, thả sào, rúi sào rập ràng nhanh như cắt, ghì trên ngọn sào.

=>Hình ảnh so sánh "giống như một hiệp sĩ Trường Sơn oai linh” thể hiện vẻ dũng mãnh tư thế hào hùng của con người trẻ tuổi, con người có ngoại hình vững chắc.

- So sánh: Dượng Hương Thư khi vượt thác khác hẳn Dượng Hương Thư lúc ở nhà.

=> Nổi bật vẻ dũng mãnh của nhân vật.

=> Dượng Hương Thư - một con người hành động quả cảm, người chỉ huy vượt thác bình tĩnh, dày dạn kinh nghiệm, đồng thời là người khiêm nhường, nhu mì trong cuộc sống gia đình.

4. Qua bài văn, em cảm nhận như thế nào về thiên nhiên và con người lao động đã được miêu tả?

Gợi ý:

Qua cảnh vượt thác, tác giả ca ngợi cảnh thiên nhiên miền Trung đẹp hùng vĩ, ca ngợi con người lao động Việt Nam anh hùng mà khiêm nhường, giản dị.

Ta hiểu thêm vẻ đẹp phong phú, đa dạng của thiên nhiên vùng miền Trung vừa thơ mộng, vừa dữ dội.

Các bài học liên quan
SO SÁNH (BÀI 19, 21)
SÔNG NƯỚC CÀ MAU
PHÓ TỪ
BÀI HỌC ĐƯỜNG ĐỜI ĐẦU TIÊN
THẦY THUỐC GIỎI CỐT NHẤT Ở TẤM LÒNG

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật