SO SÁNH (BÀI 19, 21)

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. So sánh là gì?

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

(Ca dao)

Công cha được so sánh với núi Thái Sơnnghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn. Công cha, nghĩa mẹ và núi Thái Sơn, nước trong nguồn có nét tương đồng là: to lớn, nhiều.

2. Cấu tạo của phép so sánh

- Mô hình Cấu tạo đầy đủ

- Trong thực tế, mô hình trên có thể biến đổi ít nhiều:

+ Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh có thể được lược bớt. Ví dụ: Trường Sơn: chí lớn ông cha (từ chỉ phương diện so sánh và ý so sánh đã bị lược bớt).

+ Vế B và từ so sánh có thể được đảo lên trước vế A. Ví dụ: Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.

3. Các kiểu so sánh

Có hai kiểu so sánh:

- So sánh ngang bằng. Ví dụ: Anh em như thể tay chân.

- So sánh không ngang bằng. Ví dụ: Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.

4. Tác dụng của so sánh

So sánh vừa có tác dụng gợi hình, giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động; vừa có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc. Ví dụ:

Bão đến ầm ầm
Như đoàn tàu hỏa
Bão đi thong thả
Như con bò gầy
Xanh đẹp là cây
Bão vặt trụi hết
Mặt bão thế nào
Suy ra cũng biết

(Mặt bão - Trần Đăng khoa)

Bài thơ tả về bão rất cụ thể, sinh động bởi tác giả đã sử dụng phép so sánh (bão đến so sánh với đoàn tàu đến, bão đi so sánh với con bò gầy đi, xanh đẹp so sánh với cây).

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

1. Các từ ngữ chỉ sự so sánh ngang bằng thường là: như thể, là, như, như là, y như, giống như, tựa như, tựa, tựa như là, bằng, ngang, bao nhiêu... bấy nhiêu, ngần nào... ngần ấy,...

2. Các từ ngữ chỉ sự so sánh không ngang bằng thường là: hơn, kém, chưa bằng, chẳng bằng, không bằng, không sánh nổi với, so sánh sao được, chẳng tày, chẳng giống, không được như, khác,...

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Với mỗi mẫu so sánh dưới đây, em hãy lấy thêm một ví dụ

a) So sánh đồng loại.

- So sánh người với người:

Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo
Khi tới trường, cô giáo như mẹ hiền.

(Lời bài hát)

- So sánh với vật:

Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ [...]

(Vũ Tú Nam)

Gợi ý:

- Thầy thuốc như mẹ hiền.

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Lòng ta vui như hội
Như cờ bay, gió reo!

- Sự nghiệp của chúng ta giống như rừng cây đương lên đầy nhựa sống và ngày càng lớn mạnh nhanh chóng.

2. Dựa vào những thành ngữ đã biết, hãy viết tiếp ý B vào những chỗ trống dưới đây để tạo thành phép so sánh.

- khỏe như...

- đen như...

- trắng như...

- cao như...

Gợi ý:

Khỏe như voi; đen như cột nhà cháy; trắng như tuyết; cao như cây sào.

3. Hãy tìm những câu văn có sử dụng phép so sánh trong các học đường đời đầu tiên và Sông nước Cà Mau.

Gợi ý:

Bài Bài học đường đời đầu tiên:

- Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.

- Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.

- Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.

Bài Sông nước Cà Mau:

- Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện.

(Lưu ý: Các em làm tương tự, hễ có từ như trong câu văn thì gần như đó là câu so sánh).

BÀI TẬP NÂNG CAO: SO SÁNH (BÀI 19, 21)

1. So sánh là gì?

A. So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc được so sánh (vế A) với sự vật sự việc dùng để so sánh (vế B).

B. So sánh là đối chiếu sự vật này với sự vật khác.

c. So sánh là đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

D. So sánh là lấy tên của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật hiện, tượng kia.

Gợi ý:

Đáp án: c.

2. Tìm từ so sánh trong câu ca dao sau:

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người

Gợi ý:

Từ so sánh trong câu ca dao: hơn, còn hơn.

3. Trăng trong đoạn thơ sau được tác giả so sánh với những sự vật nào? Nêu tác dụng của việc so sánh này.

Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên mái nhà.

Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kì,
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi.

Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng,
Bạn nào đá lên trời.

Gợi ý:

Trong đoạn thơ:

- Trăng được so sánh với: quả chín hồng, mắt cá, quả bóng.

Tác dụng của việc so sánh này: làm cho hình ảnh trăng trong bài thơ trở nên gần gũi, trẻ thơ; làm cho bài thơ trở nên sinh động hơn.

4. Tìm từ 80 so sánh có trong đoạn thơ sau:

Con đi trăm suối ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

(Bầm ơi! - Tố Hữu)

Gợi ý:

Từ so sánh trong đoạn thơ: chưa bằng.

5. Tìm phép so sánh ngang bằng và không ngang bằng trong đoạn văn sau:

Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.

(Vượt thác - Võ Quảng)

Gợi ý:

- So sánh ngang bằng:

nhanh như cắt;

dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc;

+ các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

- So sánh không ngang bằng: Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn, dượng Hương Thư ở nhà...

6. Lể khoảng 10 thành ngữ có sử dụng phép so sánh.

Gợi ý:

Các em có thể kể được rất nhiều thành ngữ loại này. Ví dụ: lười như rệp, chậm như rùa, nhanh như cắt, đen như cột nhà cháy, đẹp như tiên, trắng như cục bột, xanh như tàu lá, sắc như dao, ngọt như mía lùi, nặng như chì, v.v ...

7. Từ ngữ có thể chọn điền vào chỗ trống làm phương diện so sánh đã bị lược bỏ trong câu sau “Trẻ em...... như búp trên cành." là:

A. Nhỏ bé                  B. Yếu ớt                   C. Đáng thương                   D. Tươi non

Gợi ý:

Đáp án: D.

8. Xác định sự vật được so sánh (vế A) và sự vật dùng để so sánh (vế B) của phép so sánh được dùng trong đoạn thơ sau:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...

                       (Lượm - Tố Hữu)

Giữa hai sự vật được so sánh có hét gì giống nhau?

Gợi ý:

Xác định sự vật được so sánh (vế A) và sự vật dùng để so sánh (vế B) của phép so sánh được dùng trong đoạn thơ.

- Sự vật được so sánh: chú bé.

- Sự vật dùng để so sánh: chim chích.

- Giữa hai sự vật này có nét tương đồng: nhỏ bé, nhanh nhẹn, hồn nhiên, vui tươi.

9. Quê hương được so sánh với những gì trong đoạn thơ sau đây. Cách so sánh như thế giúp ích gì trong việc thể hiện nội dung hài thơ?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày;
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay...

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng ;
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông...

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che;
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm...

                           (Quê hương - Đỗ Trung Quân)

Gợi ý:

Quê hương được so sánh với: chùm khế ngọt, đường đi học, con diều biếc, con đò nhỏ, đêm trăng tỏ.

- Cách so sánh này làm cho quê hương trở nên gần gũi, cụ thể, sinh động và sâu sắc hơn.

Các bài học liên quan
THẦY THUỐC GIỎI CỐT NHẤT Ở TẤM LÒNG
MẸ HIỀN DẠY CON
CỤM ĐỘNG TỪ
ĐỘNG TỪ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật