ĐỘNG TỪ

Động từ là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

a. Đặc điểm của động từ

Động từ là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật.

Ví dụ: học, đi, cười, hát, khen thưởng, làm,...

- Động từ thường kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,...để tạo thành cụm động từ.

Ví dụ: đang học, hãy làm bài tập, sẽ ăn,...

- Chức vụ điển hình trong câu của động từ là vị ngữ.

Ví dụ: Chúng tôi / đang làm bài tập.

Khi làm chủ ngữ, động từ mất khả năng kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,...

Ví dụ: Học / là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi học sinh.

b - Các loại động từ chính

Trong tiếng Việt, có hai loại động từ đáng chú ý là:

Động từ tình thái (thường đòi hỏi một động từ khác đi kèm): toan, định, dám, phải, cần, bị, được,...

Ví dụ: Tôi được ăn. (Động từ được đi kèm với động từ ăn)

Động từ chỉ hành động, trạng thái (không đòi hỏi động từ khác đi kèm). Loại động từ này gồm hai loại nhỏ:

Động từ chỉ hành động (trả lời câu hỏi Làm gì ?): làm, học, viết, đọc, xem, chạy, ăn,... Ví dụ: Bạn ấy đang học (Bạn ấy đang làm gì? -> học)

+ Động từ chỉ trạng thái (trả lời câu hỏi Làm sao ? Thế nào ?): yêu, ghét, buồn, đau, nhức, vui,...

Ví dụ: Cái đầu đau quá. (Cái đầu thế nào? -> đau).

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

Trong những loại động từ trên, có các tiểu loại sau đây chưa được giới thiệu nhiều trong chương trình Tiểu học, do vậy còn chưa được các em làm quen.

1. Động từ chỉ trạng thái là những động từ có ý nghĩa chỉ tâm lí, như vui, buồn, đau xót, thương, giận,... hoặc những động từ chỉ một trạng thái nào đó của sự vận động như lớn lên, cao nhanh, vụt biến,...

2. Động từ chỉ tình thái là những động từ mang ý nghĩa tình thái. Ví dụ: cần học bài; định tới thăm anh; dám nghĩ đến việc lớn; được yêu chiều, ... (các từ in nghiêng là động từ trạng thái). Trong tiếng Việt, các động từ này ít khi tác động trực tiếp tới đối tượng được mà phải cần đến một động từ khác, hoặc một cụm C-V đứng sau.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Tìm động từ trong truyện Lợn cưới, áo mới. Cho biết các động từ ấy thuộc những loại nào?

Gợi ý:

a) Các động từ

Có, khoe, may, đem ra, hóng, mặc, đứng, đợi, có, đi, khen, thấy, hỏi, tức, tất tưởi, chạy, giơ, bảo, mặc.

b) Phân loại

- Động từ chỉ hành động, trạng thái: Mặc, có, may, mặc, khen, thấy, bảo, giơ.

- Động từ tình thái: Tức, tất tưởi, chạy, đứng, khen, đợi.

2. Đọc truyện vui sau và cho biết câu chuyện buồn cười ở chỗ nào.

THÓI QUEN DÙNG TỪ

Có anh chàng nọ tính tình rất keo kiệt. Một hôm, đi đò qua sông, anh chàng khát nước bèn cúi xuống, lấy tay vục nước sông uống. Chẳng may quá đà, anh ta lộn cổ xuống sông. Một người ngồi cạnh thấy thế, vội giơ tay ra, hét lên:

- Đưa tay cho tôi mau!

Anh chàng sắp chìm nghỉm nhưng vẫn không chịu nắm tay người kia. Bỗng một người có vẻ quen biết anh chàng chạy lại, nói:

- Cầm lấy tay tôi này!

Tức thì, anh ta cố ngoi lên, nắm chặt lấy tay người nọ và được cứu thoát. Trong lúc anh chàng còn mệt, người nọ giải thích:

- Tôi nói thế vì biết tính anh này. Anh ấy chỉ muốn cầm của người khác, chứ không chịu đưa cho ai cái gì.

Gợi ý:

Câu chuyện đã sử dụng đối lập về nghĩa giữa hai động từ đưa và cầm một cách thú vị để tạo nên tiếng cười. Từ đó, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nhất. Trong truyện, anh chàng bị ngã xuống sông thể hiện mình là người keo kiệt.

Các bài học liên quan
SỐ TỪ VÀ LƯỢNG TỪ
LỢN CƯỚI ÁO MỚI
TREO BIỂN
CỤM DANH TỪ
CHÂN, TAY, TAI, MẮT, MIỆNG
ĐEO NHẠC CHO MÈO (Tự học)

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật