CON HỔ CÓ NGHĨA

Truyện Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện hư cấu, trong đó dùng một biện pháp nghệ thuật quen thuộc là mượn loài vật để nói chuyện con người.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Truyện Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện hư cấu, trong đó dùng một biện pháp nghệ thuật quen thuộc là mượn loài vật để nói chuyện con người.

- Truyện Con hổ có nghĩa đề cao ân nghĩa trong đạo làm người.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

Trung đại là một thuật ngữ có tính chất quy ước (tức là thuật do chủ quan của một số nhà nghiên cứu tự định ra để sử dụng mà chưa hẳn là một thuật ngữ được nhiều người công nhận), mà gần đây được nhiều người sử dụng để chỉ thời kì lịch sử văn học từ thế kỉ thứ X (sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938) đến cuối thế kỉ XIX.

Truyện là một khái niệm có nội dung phong phú và phức tạp. Truyện tạm hiểu đơn giản là: thuộc loại tự sự? có hai phần chủ yếu là cốt truyện và nhân vật, thủ pháp nghệ thuật chính là kể. Truyện có nhiều loại nhỏ: truyện dân gian, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài (cũng còn gọi là tiểu thuyết), truyện Nôm,...

Truyện trung đại tồn tại và phát triển trong môi trường văn học trung đại có quy luật Văn, Sử bất phân (Văn và Sử chưa tách khỏi nhau); Văn, Triết bất phân (Văn và Triết chưa tách khỏi nhau); do đó, trong truyện vẫn thường có sự đan xen giữa yếu tố Văn và yếu tố Sử, Triết. 

Trong truyện trung đại, cốt truyện giữ vị trí quan trọng, kết cấu truyện thường đơn tuyến theo trật tự thời gian, thường sử dụng những yếu tố li kì, hoang đường, tính cách của nhân vật hiện lên chủ yếu qua lời kể của người dẫn chuyện và qua hành động, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, sự phân tích thế giới nội tâm, ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật, nhìn chung còn hiếm.

Ở Việt Nam, truyện trung đại ra đời trong thời trung đại. Các tác phẩm thường được nhắc đến: Việt điện u linh tập (Lý Tế Xuyên), Thiền uyển tập anh ngũ lục (khuyết danh), Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế Pháp), Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng), Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), (Đoàn Thị Điểm), Tang thương ngẫu lục (Nguyễn Án và Phạm Đinh Hổ),... Đây là những truyện viết bằng văn xuôi chữ Hán. Bên cạnh truyện văn xuôi chữ Hán, chúng ta còn có truyện Nôm - truyện ngắn bằng văn vần viết bằng chữ Nôm (tức bằng tiếng Việt).

- Con hổ có nghĩa là một truyện thuộc loại truyện trung đại Việt Nam (trong khoảng từ thế kỉ thứ X đến thế kỉ XIX), là tác phẩm của Vũ Trinh (1759 - 1828). Ông quê làng Xuân Lan, huyện Lang Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đỗ hương cống (cử nhân) năm 17 tuổi, làm quan dưới thời nhà Lê và thời nhà Nguyễn. Đây là loại truyện thuộc thể loại văn xuôi chữ Hán. Cốt truyện nhìn chung đơn giản, có nội dung phong phú và thường mang tính giáo huấn. Các tác giả trung đại rất đề cao đạo lí trong văn chương. Truyện trung đại gần với thể kí (ghi chép sự việc), gần với sử (ghi chép chuyện thật), cũng có những yếu tố hư cấu. Truyện Con hổ có nghĩa được viết theo phương thức hư cấu.

- Câu chuyện Con hổ có nghĩa ca ngợi sự ân nghĩa của hai con hổ, Qua đó đề cao cách sống ân nghĩa của con người.

Bà đỡ Trần sau khi cứu cho hổ cái được “mẹ tròn con vuông” thì hổ đực đã đền ơn bằng cách “quỳ xuống bên một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc”; khi tiễn chân ân nhân về thì “cúi đầu vẫy đuôi”, “gầm lên một tiếng” tiễn biệt. Đây là những hành động thể hiện lòng biết ơn của con vật đối với người đã cứu sống vợ con mình. Con hổ trán trắng cũng trả ơn người tiều phu lấy khúc xương mắc ngang họng khi bác còn sống bằng một con nai; khi bác chết hổ đã “đến trước mộ nhảy nhót”, “dụi đầu vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài”, mỗi khi tới giỗ, hổ lại đem dê hoặc lợn đến để trước nhà bác. Đấy là những chi tiết cảm động về lòng ân nghĩa.

Câu chuyện được kể lại bình dị, không khoa trương, không bình phẩm, có gì kể nấy. Chính điều này đã làm cho câu chuyện thêm cảm nông, thấm thía và thuyết phục người nghe, người đọc.

Tác giả mượn chuyện hai con hổ trong truyện ân nghĩa đến mức lí tưởng để nói chuyện con người. Theo quan niệm của nhân dân ta thì hổ là loại vật hung dữ nhất vậy mà chúng sống có nghĩa có tình đến thế; lòng con người phải sống sao đây? Ý nghĩa sâu xa và bài học giáo huấn tự nó bộc lộ một cách tự nhiên thông qua câu chuyện.

- Đọc thêm Bia con Vá của Phan Bội Châu.

Phan Bội Châu (1867 - 1940) là một nhà đại cách mạng, khi bị thực dân Pháp bắt về giam lỏng ở Huế (1925 - 1940) có nuôi một con chó đặt tên là Vá. Con Vá bị chết, cụ chôn cất, đắp mộ và dựng bia cho nó. Bia vừa có lời chữ Hán, vừa có lời chữ Nôm.

Có dũng và có nghĩa là hai đức tính quý của người quân tử. Loài vật (ở đây là chó) còn có đức tính này. Vậy mà có người không có những đức tính như con vật (trường hợp con Vá). Con Vá đáng được dựng bia mộ.

Bài văn bia ám chỉ những kẻ hèn nhát, bất nghĩa, “mặt người dạ thú”.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Văn bản này thuộc thể văn bản gì? Có mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?

Gợi ý:

Văn bản thuộc truyện truyền kì trung đại do các nhà Nho kể lại, bằng chữ Hán. Văn bản trong bài đã được dịch ra tiếng Việt. Truyện hai đoạn: đoạn 1 kể về con hổ đực đền ơn bà đỡ Trần đã cứu vợ con nó trong lúc sinh; đoạn 2 kể những việc làm ân nghĩa của con hổ trán trắng đối với bác tiều phu (khi sống và cả khi bác đã chết).

2. Với văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp gì? Tại sao lại dựng lên chuyện Con hổ có nghĩa mà không phải là Con người có nghĩa.

Gợi ý:

Biện pháp bao trùm lên toàn câu chuyện mà tác giả đã sử dụng là kết cấu giống nhau cho các đoạn truyện: hổ (gia đình hổ) gặp nạn - người cứu hổ - hổ đền ơn.

Việc dựng lên chuyện Con hổ có nghĩa mà không phải là Con người có nghĩa thể hiện quan niệm mượn chuyện con vật mà nói đến con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với thủ pháp nghệ thuật của các nhà văn trung đại. Họ thường nói tránh, không đi trực tiếp vào vấn đề mà qua những khâu trung gian.

3. Chuyện gì đã xảy ra giữa bà đỡ Trần (người huyện Đông Triều) với con hổ thứ nhất và giữa bác tiều (ở huyện Lạng Giang) với con hổ thứ hai? Trong mỗi chuyện, chi tiết nào em cho là thú vị? Chuyện con hổ với bác tiều so với chuyện con hổ với bà đỡ Trần có thêm ý nghĩa gì?

Gợi ý:

* Truyện 1:

+ Bà đỡ Trần bị động sợ hãi vì bị hổ chồng cõng đi đỡ đẻ cho hổ vợ.

+ Hổ đền ơn bà, giúp bà thoát khỏi nạn đói.

+ Ngoài ra cái nghĩa còn thể hiện: hổ đực hết lòng với hổ cái, vui mừng khi có con, lễ phép thắm tình lưu luyến trong lúc chia tay, con hổ như mang đức tính của con người.

* Truyện 2:

+ Bác tiều mỗ chủ động liều mình cứu hổ thoát chết vì hóc xương.

+ Hổ đền ơn bằng các loại thịt thú rừng.

+ Khi bác chết Hổ thương tiếc bác, nhảy, gầm lên quanh quan tài của bác.

Rõ ràng, so với truyện 1, cái nghĩa của con hổ ở truyện 2 được nâng cấp hơn: nếu ở con hổ trước đền ơn một lần là xong thì con hổ sau đền ơn mãi mãi. Câu chuyện thứ hai bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

4. Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích điều gì cần có trong cuộc sống con người?

Gợi ý:

Con hổ nổi tiếng hung dữ, tàn bạo còn có nghĩa nặng, huống chi là con người. Việc dùng gián tiếp (mượn loài vật để nhắn nhủ) gây tác động mạnh tới người đọc cần sống có nghĩa có tình, có trước có sau, ăn quả phải nhớ người trồng cây.

Các bài học liên quan
LỢN CƯỚI ÁO MỚI
TREO BIỂN
CỤM DANH TỪ
CHÂN, TAY, TAI, MẮT, MIỆNG
ĐEO NHẠC CHO MÈO (Tự học)
THẦY BÓI XEM VOI

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật