THẦY THUỐC GIỎI CỐT NHẤT Ở TẤM LÒNG

Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng là câu chuyện về vị Thái y lệnh họ Phạm. Ông không chỉ có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là ông có tấm lòng yêu thương và quyết tâm cứu sống người bệnh tới mức không sợ quyền uy, không sợ mang vạ vào thân.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng là câu chuyện về vị Thái y lệnh họ Phạm. Ông không chỉ có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là ông có tấm lòng yêu thương và quyết tâm cứu sống người bệnh tới mức không sợ quyền uy, không sợ mang vạ vào thân.

- Truyện ca ngợi phẩm chất cao quý của vị Thái y lệnh họ Phạm ấy.

- Truyện viết theo hình thức ghi chép chuyện thật, trong đó xoáy vào một tình huống gay cấn để tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Truyện được rút từ tác phẩm Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446). Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly, làm triều vua cha, từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt đem về Trung Quốc. Nhờ có tài chế tạo vũ khí, ông được làm quan trong triều nhà Minh tới chức Thượng thư (tương đương với chức bộ trưởng ngày nay). Ông qua đời trên đất Trung Quốc.

Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng là truyện trung đại có cách viết gần với thể kí (ghi chép sự việc), gần với sử (ghi chép chuyện thật).

- Văn chương chân chính không tách rời đạo đức chân chính. Văn chương bao giờ cũng kết tinh trên cơ sở đạo đức chân chính. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng đề cao đạo đức của một bậc lương y theo truyền thông giáo huấn của truyện trung đại.

Thái y lệnh họ Phạm là một bậc lương y chân chính. Ông không những giỏi về nghề nghiệp mà quan trọng hơn là có tấm lòng nhân đức, thương xót và đặt sinh mạng của người dân thường lúc ốm đau lên trên tất cả.

Câu nói của ông đã tự bộc lộ nhân cách và bản lĩnh của người thầy thuốc: “Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát”. Rõ ràng, với Thái y lệnh họ Phạm thì quyền uy không thắng nổi y đức. Ông đã đặt tính mệnh của người dân thường đang lâm bệnh nguy cấp lên trên tính mệnh của mình. Câu nói còn thể hiện được tài ứng xử của ông. Câu nói của ông là không theo lệnh vua nhưng vẫn giữ được phận làm tôi. Ông đã khôn khéo đưa nhà vua vào tình huống có lợi cho mình: nếu vua là người có lương tâm, lương tri thì chắc chắn không trị tội Thái y lệnh. Và quả thực, nhà vua tha cho Thái lệnh. Điều này chứng tỏ vua Trần Anh Tông là ông vua nhân đức.

Thắng lợi của Thái y lệnh họ Phạm là thắng lợi của y đức, của bản lĩnh người thầy thuốc, thắng lợi của lòng nhân ái và trí tuệ hơn người.

- Tính hấp dẫn của truyện thể hiện ở chỗ: tác giả đặt nhân vật vào tình huống gay cấn để làm rõ bản chất, tính cách nhân vật. Cách sắp xếp dẫn dắt câu chuyện đã gây được hứng thú cho người đọc.

- Đọc thêm: Một đoạn trích trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là đoạn viết về đạo đức người thầy thuốc. Người thầy thuốc có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng là người 1 thầy thuốc coi nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của mình, trị bệnh cho người là cấp thiết, không phân biệt người bệnh đó là nghèo hèn hay giàu sang.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hãy chỉ ra những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm. Từ đó:

a) Trả lời câu hỏi sau: 

- Vị Thái y lệnh là người thế nào?

- Trong những hành động của ông, điều gì làm em cảm phục nhất và suy nghĩ nhiều nhất?

b) Phân tích, bình luận lời đối thoại của vị Thái y với quan Trung sứ: Ngài đáp: Tôi có mắc tội... tôi xin chịu tội”.

Gợi ý:

a) Lương y họ Phạm được giới thiệu một cách trang trọng, thành kính, ca ngợi. Ông không những giỏi về nghề nghiệp mà quan trọng hơn là có tấm lòng nhân đức, thương xót và đặt sinh mạng của người dân thường lúc ốm đau lên trên tất cả.

Trong những hành động của ông, những điều làm em cảm phục nhất là suy nghĩ nhiều nhất là:

- Không tiếc tiền của, tích trữ thuốc tốt, thóc gạo để chữa bệnh giúp dân nghèo.

- Không kể phiền hà, thường cho bệnh nhân nghèo chữa bệnh tại nhà.

- Coi tính mệnh người bệnh quan trọng hơn tính mệnh của chính bản thân người thầy thuốc...

Đó là một vị lương y có tấm lòng bồ tát quảng đại hiếm có.

b) Khi phải lựa chọn giữa việc đi cứu người đàn bà mắc bệnh nặng với việc đi khám bệnh cho quý nhân, Thái y lệnh đã chọn cứu người bệnh nặng, bất chấp cả mệnh lệnh của triều đình.

Xuất phát từ tấm lòng thương người hơn cả thương thân -> Quyền uy không thắng nổi y đức: Tính mệnh của người bệnh còn quan trọng hơn tính mạng của chính bản thân thầy thuốc. Mặt khác còn thể hiện sức mạnh của trí tuệ trong cách cư xử.

2. Trước cách xử sự của vị Thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương diễn biến như thế nào? Qua đó, nhân cách của Trần Anh Vương được thể hiện ra sao?

Gợi ý:

- Trước thái độ khiêm nhường, tạ tội, tấm lòng thành của Thái y lệnh, Vương hết lời ca ngợi Lương y chân chính nghề giỏi, đức cao. Điều đó chứng tỏ Trần Anh Vương đã là một vị minh quân đời Trần, sáng suốt và nhân đức. Thái y chỉ lấy sự chân thành để giãi bày, để từ đó thuyết phục được nhà vua. Đó là thắng lợi của y đức, của bản lĩnh, của lòng nhân ái và trí tuệ.

3. Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học gì? .

Gợi ý:

- Người làm nghề y hôm nay trước hết cần trau dồi, giữ gìn và vun trồng lương tâm nghề nghiệp trong sáng như từ mẫu, cùng với việc tu luyện chuyên môn cho tinh, giỏi, vì nghề y là nghề trị bệnh cứu người.

4. Nhan đề văn bản này nguyên chữ Hán là Y thiện dụng tâm. Có sách dịch nhan đề trên là Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng, ở đây dịch: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Vậy có gì khác nhau? Em tán thành cách nào? Lí do?

Gợi ý:

Ngay nhan đề của bài văn đã đề cập đến chữ “tâm” và chữ “tài” trong nghề y. Nhan đề chữ Hán là Y thiện dụng tâm. Nếu dịch "thầy thuốc giỏi ở tấm lòng" thì dường như ý nói thầy thuốc giỏi ở tấm lòng là đủ. Nếu dịch “thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” thì có nghĩa là thầy thuốc vừa giỏi vừa có tấm lòng. Trong đó, tấm lòng là gốc.

Nhan đề như thế mới đúng với nội dung câu chuyện: Thầy thuốc không chỉ giỏi tay nghề mà còn là người rất yêu thương bệnh nhân.

Nguyễn Du quan niệm về “tâm” và “tài”:

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Bác Hồ yêu cầu người cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên và nhấn mạnh "Cán bộ cần phải yêu thương chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn." (Hồ Chí Minh, Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế, tháng 2 - 1955).

Các bài học liên quan
ĐỘNG TỪ
CON HỔ CÓ NGHĨA
CHỈ TỪ
SỐ TỪ VÀ LƯỢNG TỪ
LỢN CƯỚI ÁO MỚI
TREO BIỂN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật