ÔN TẬP TRUYỆN DÂN GIAN

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Hệ thống hóa lại các truyện dân gian đã học.

Truyền thuyết:
1. Con Rồng, cháu Tiên
2. Bánh chưng, bánh giầy
3. Thánh Gióng
4. Sơn Tinh, Thủy Tinh
5. Sự tích Hồ Gươm

Truyện cổ tích:
1. Sọ Dừa
2. Thạch Sanh
3. Em bé thông minh
4. Cây bút thần
5. Ông lão đánh cá và con cá vàng

Truyện ngụ ngôn:
1. Ếch ngồi đáy giếng
2. Thầy bói xem voi
3. Đeo nhạc cho mèo
4. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Truyện cười:
1. Treo biển
2. Lợn cưới áo mới

- Những đặc điểm của các thể loại truyện dân gian đã học (định nghĩa từng thể loại ở SGK trang 7, 53, 100, 124).

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các thế loại truyện dân gian.

Truyền thuyết và truyện cổ tích:

+ Giống nhau: Đều có yếu tố tưởng tượng, kì ảo; chi tiết (mô típ) giống nhau (sự ra đời thần kì, nhân vật chính có những tài năng phi thường,

+ Khác nhau: Truyền thuyết kể về các nhân vật, sự kiện lịch sử và thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với những nhân vật, sự kiện lịch sử được kể; truyền thuyết được cả người kể lẫn người nghe tin đó là những câu chuyện có thật (mặc dù trong đó có những chi tiết tưởng tượng, kì ảo). Còn truyện cổ tích kể về cuộc đời của các loại nhân vật nhất định và thể hiện quan niệm, ước mơ của nhân dân về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, v.v...; truyện cổ tích được cả người kể lẫn người nghe coi là câu chuyện không có thật (mặc dù trong đó có những yếu tố thực tế).

Nếu truyền thuyết có nội dung đấu tranh chống ngoại xâm (Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm,...), đấu tranh chống thiên nhiên (Sơn Tinh, Thủy Tinh), sáng tạo ra sản phẩm văn hóa (Bánh chưng, bánh giầy) thì truyện cổ tích có nội dung chủ yếu là cuộc đấu tranh giai cấp giữa hai lực lượng: chính nghĩa và phi nghĩa (Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng).

- Truyện ngụ ngôn và truyện cười:

+ Giống nhau: Truyện ngụ ngôn thường chế giễu, phê phán những hành động, cách ứng xử trái với điều truyện muốn răn dạy người ta. Vì thế, truyện ngụ ngôn cũng có yếu tố gây cười như truyện cười.

+ Khác nhau: Mục đích của truyện cười là để mua vui hoặc phê phán, châm biếm những sự vật, hiện tượng, tính cách đáng cười. Còn mục đích của truyện ngụ ngôn là khuyên nhủ, răn dạy người ta một bài học cụ thể nào đó trong cuộc sống.

Ví dụ: Truyện cười Treo biển và truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường (mà các em đã từng được nghe) có nội dung na ná giống nhau: một bên là anh chàng đẽo cày giữa đường, nghe nhiều người qua lại góp ý, cuối cùng hỏng việc, “vốn liếng đi đời nhà ma”; một bên là chủ hàng bán cá treo biển giữa phố, nhiều người qua lại góp ý, cuối cùng phải hạ cái biển xuống. Thế nhưng, trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường có một câu ở cuối truyện rút ra bài học luân lí; còn truyện cười Treo biển thì khi cái biển được chủ nhà hàng cất đi, tiếng cười bật lên, truyện kết thúc ngay.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa truyền thuyết và truyện cổ tích?

Gợi ý :

- Giống nhau:

+ Đều là truyện, dân gian (thể loại tự sự),

+ Đều có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

+ Nhân vật chính thường ra đời một cách thần kì và có những khả năng phi thường.

- Khác nhau:

+ Truyền thuyết kể về nhân vật và sự kiện lịch sử, còn truyện cổ tích kể. Về cuộc đời của các loại nhân vật nhất định.

+ Truyền thuyết thể hiện cách đánh giá của nhân dân, còn truyện cổ tích thể hiện quan niệm, ước mơ của nhân dân về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.

+ Ở truyền thuyết, người kể và người nghe đều tin là chuyện có thực (mặc dù có những yếu tố tưởng tượng, kì ảo); còn ở truyện cổ tích, người kể và người nghe đều cho là chuyện không có thực (mặc dù trong đó có những yếu tố rất thực tế).

2. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa truyện ngụ ngôn và truyện cười?

Gợi ý:

- Giống nhau: Đều có yếu tố gây cười.

- Khác nhau:

Truyện cười: Gây cười để mua vui hoặc châm biếm, phê phán

Truyện ngụ ngôn: Mục đích: Khuyên nhủ, răn dạy một bài học cụ thể trong cuộc sống

3. Từ các truyện: Ếch ngồi đáy giếng; Thầy bói xem voi; Đeo nhạc cho mèo; Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, em thử khái quát những điểm giống nhau của các truyện này?

Gợi ý:

Những truyện trên đều là một thể loại: truyện ngụ ngôn.

Các bài học liên quan
CỤM DANH TỪ
CHÂN, TAY, TAI, MẮT, MIỆNG
ĐEO NHẠC CHO MÈO (Tự học)
THẦY BÓI XEM VOI
ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật