BUỔI HỌC CUỐI CÙNG

Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát Phị quân Phổ chiếm đóng và hình ảnh cảm động của thầy Ha-men, truyện đã thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là tình yêu tiếng nói của dân tộc và nêu chân lí: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...”.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát Phị quân Phổ chiếm đóng và hình ảnh cảm động của thầy Ha-men, truyện đã thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là tình yêu tiếng nói của dân tộc và nêu chân lí: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...”.

- Truyện đã xây dựng thành công nhân vật thầy giáo Ha-men và chú bé Phrăng qua miêu tả ngoại hình, cử chỉ, lời nói và tâm trạng của họ.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- An-phông-xơ Đô-đê (1840 - 1897) nhà văn Pháp thế kỉ XIX, tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng.

- Để hiểu được ý nghĩa tư tưởng và thành công nghệ thuật của truyện ngắn này, cần hiểu rõ tình huống được tác giả miêu tả trong truyện.

Truyện Buổi học cuối cùng viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp của một trường làng thuộc vùng An-dát. Truyện lấy bối cảnh từ một biến cố lịch sử: Sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 - 1871, nước Pháp thua trận, hai vùng An-dát và Lo-ren giáp biên giới với Phổ bị nhập vào nước Phổ. Phổ là tên của một nước chuyên chế trong lãnh thổ Đức trước đây. Cho nên, các trường học ở hai vùng này bị buộc học bằng tiếng Đức.

Việc dạy và học bằng tiếng Pháp trong nhà trường các cấp ở nước pháp vốn là việc hết sức bình thường, tự nhiên như việc dạy và học tiếng mẹ đẻ ở bất cứ nước nào. Nhưng điều bất bình thường ở chỗ: đây là buổi học cuối cùng mà thầy, trò ở ngôi trường ấy được dạy và học tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ của họ, bởi vì từ sau buổi đó, các trường học ở vùng này đều phải dạy bằng tiếng Đức (ngôn ngữ của kẻ chiếm đóng). Chính trong tình huống và thời điểm đặc biệt ấy mà mỗi người có mặt trong lớp học, từ thầy giáo Ha-men đến các học trò và cả những người dân, những cụ già đến dự buổi học này đều cảm thấy ý nghĩa đặc biệt của nó. Họ đều thấm thía điều hết sức quan trọng và thiêng liêng là phải biết yêu quý, trau dồi và giữ gìn tiếng Pháp, ngôn ngữ của dân tộc mình. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi mà quê hương của họ đang bị kẻ khác chiếm đóng và có ý đồ đồng hóa, đồng hóa trước về ngữ. Lòng yêu nước, tình cảm dân tộc ở đây đã được thể trong tình yêu và quý trọng tiếng nói của dân tộc mình.

- Truyện có một ý nghĩa lớn lao: Phải biết giữ gìn và yêu quý tiếng mẹ đẻ, đó là một phương diện quan trọng của lòng yêu nước. Khi đất nước rơi vào vòng nô lệ, tiếng nói của dân tộc là phương tiện quan trọng để đấu tranh giành độc lập, tự do.

Câu nói của thầy Ha-men “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”, có một ý nghĩa sâu sắc. Câu nói đề cao vai trò của tiếng nói dân tộc. Tiếng nói của một dân tộc có sức mạnh tinh thần góp phần quyết định số phận, vận mệnh của dân tộc.

- Về nghệ thuật kể chuyện có điểm đặc biệt: cách kể đã xuất phát từ điểm nhìn của ngôi thứ nhất - chú bé Phrăng, một học sinh trong lớp học của thầy Ha-men. Cách kế này tạo điều kiện thuận lợi để nhân vật biểu hiện tâm trạng, ý nghĩ một cách chân thành và sâu sắc nhất. Nhân vật chú bé Phrăng vừa làm người kể chuyện lại vừa là một nhân vật tham gia vào câu chuyện, góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Quang cảnh ngoài đường, trong trường và lớp học trong buổi sáng đáng nhớ ấy có nhiều khác lạ được thể hiện qua sự quan sát, nhận biết của chú bé Phrăng. Ban đầu là sự ngạc nhiên, chăm chú rồi bị cuốn hút hoàn toàn vào không khí thiêng liêng, xúc động của buổi học. Thái độ, tình cảm và ý nghĩa của Phrăng cũng biến đổi rõ rệt: từ chỗ mải chơi, lười học, ngại học tiếng Pháp đến chỗ biết yêu quý và ham muốn học tốt tiếng Pháp, nhưng thật đáng buồn, lúc này Phrăng lại không còn được học tiếng Pháp trong trường nữa.

Bài đọc thêm “Tiếng mẹ đẻ” (trích từ tác phẩm Đa-ghe-xtan của tôi) của R.Gam-da-tốp là một bài đọc có nội dung gần gũi với truyện Buổi học cuối cùng. Bài thơ viết về tình yêu tiếng mẹ đẻ của tác giả; tiếng mẹ đẻ là tài sản dân tộc quý giá, gắn bó máu thịt với mỗi con người.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Câu chuyện được kể diễn ra trong hoàn cảnh, thời gian, địa điểm nào? Em hiểu như thế nào về tên truyện Buổi học cuối cùng.

Gợi ý:

Hoàn cảnh, địa điểm: lớp học ở một xã thuộc vùng An-dát nước Pháp sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Nước Pháp thua trận vùng An-dát cho nước Phổ. Theo lệnh của chính quyền Phổ, trường học ở đây không được dạy tiếng Pháp nữa. Buổi học cuối cùng là buổi học bằng tiếng Pháp chứ không phải là buổi học cuối cùng theo biên chế năm học.

2. Truyện được kể theo lời của nhân vật nào, thuộc ngôi thứ mấy? Truyện có những nhân vật nào nữa và trong số đó, ai gây cho em ấn tượng nổi bật nhất?

Gợi ý:

Truyện được kể theo lời nhân vật chú bé Phrăng, thuộc ngôi thứ nhất. Truyện còn có các nhân vật khác nữa như bác phó rèn Oát-stơ cùng cậu học việc; cụ già Hô-de, bác phát thư, những người dân trong làng... Người gây ấn tượng nổi bật là thầy giáo Ha-men, người đã có bốn mươi năm công bằng nghề dạy học; người có một tấm lòng yêu nước Pháp tuyệt vời.

3. Vào sáng hôm diễn ra buổi học cuối cùng, chú bé Phrăng đã thấy có gì khác lạ trên đường, quang cảnh ở trường và không khí trong lớp học? Những điều đó báo hiệu việc gì đã xảy ra?

Gợi ý:

Vào sáng hôm diễn ra buổi học cuối cùng, ,chú bé Phrăng đã thấy có nhiều khác lạ trên đường, quang cảnh ở trường và không khí trong lớp học. Trên đường đến trường có nhiều người đứng trước bảng dán cáo thị. Trường học không ồn ào với những âm thanh quen thuộc mà bình lặng: như một buổi sáng Chủ nhật. Trong lớp, không khí trang trọng, thầy Ha-men mặc lễ phục, dịu dàng chứ không giận dữ. Ngoài ra, còn nhiều nhân vật khác nữa.

4. Ý nghĩa, tâm trạng (đặc biệt là thái độ đối với việc học tiếng Pháp) của chú bé Phrăng diễn ra như thế nào trong buổi học cuối cùng?

Gợi ý:

Đối với việc học tiếng Pháp, cậu bé rất ngại. Cậu thích rong chơi hơn là học toán.

Phrăng rất ân hận khi không thuộc bài. Cậu mong ước có thể đọc tiếng Pháp thật to, thật dõng dạc, Từ không thích, cậu bỗng cảm thấy yêu mến những cuốn sách tiếng Pháp. Cậu yêu mến người thầy Ha-men vốn hà khắc. Từ việc ngại, sợ tiếng Pháp và thầy giáo, Phrăng chăm chú, thích thú, cố gắng học tiếng Pháp một cách tự giác.

5. Nhân vật thầy giáo Ha-men trong buổi học cuối cùng đã được miêu tả như thế nào? Để làm rõ điều đó, em hãy tìm các chi tiết miêu tả nhân vật này về các phương diện:

- Trang phục;

- Thái độ đối với học sinh;

- Những lời nói về việc học tiếng Pháp;

- Hành động, cử chỉ lúc buổi học kết thúc.

Nhân vật Ha-men gợi ra ở em cảm nghĩ gì?

Gợi ý:

* Trang phục: Mặc bộ quần áo ngày lễ => tôn vinh buổi học tiếng Pháp cuối cùng.

* Thái độ với học sinh: Rất dịu dàng => sắp phải xa lớp, trường... xa giờ học bằng tiếng Pháp yêu thương.

* Lời nói: Dịu dàng, ấm áp, đầy xúc động ngay cả khi phê trách nhẹ thái độ thờ ơ với việc học tiếng mẹ đẻ của học sinh => đau xót và luyến tiếc tự trách học sinh, phụ huynh, trách mình... => càng nói càng xúc động nghẹn ngào.

- Thầy ca ngợi tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ, tiếng quê hương, thứ tiếng trong sáng nhất, hay nhất, vững vàng nhất, phải giữ lấy nó, đừng bao giờ lãng quên.

- Thầy đã nói lên chân lý khách quan, không chỉ đúng với nước Pháp mà còn đúng với mọi dân tộc khi đứng trước nguy cơ bị mất độc lập, tự do. Kẻ thù luôn muốn hủy diệt, đồng hóa ngôn ngữ dân tộc. Bởi vậy giữ được tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình là giữ được chiếc chìa khóa để mở cửa lao tù, giành độc lập tự do.

* Cử chỉ, hành động cuối buổi học

- Ba âm thanh có ý nghĩa tác động mạnh:

+ Hai âm thanh đầu gợi cảnh sắc bình yên.

+ Âm thanh sau gợi hiện tại: Nhắc nhở buổi học cuối cùng trong tự do đã kết thúc giờ chia tay với học trò, với tiếng Pháp đã điểm.

- Người tái nhợt => tâm trạng của thầy lo lắng, xúc động nghẹn ngào, đau đến cao độ, đến mức không nói được hết câu khiến thầy bật ra hành động cuối cùng là viết “Nước Pháp muôn năm!”.

6. Hãy tìm một số câu văn trong truyện có sử dụng phép so sánh và chỉ ra tác dụng của những so sánh ấy?

Gợi ý:

Một số câu văn trong truyện có sử dụng phép so sánh:

... tiếng ồn ào như chợ vỡ vang ra tận ngoài phố...

Những tờ mẫu treo trước bàn học trông như những lá cờ nhỏ bay phấp phới xung quanh lớp.

So sánh khiến câu văn giàu hình ảnh hơn, sinh động hơn.

7. Trong truyện, thầy Ha-men có nói: “...khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...” Em hiểu như thế nào và có suy nghĩ gì về lời nói ấy?

Gợi ý:

Câu nói của thầy Ha-men khẳng định giá trị to lớn của tiếng dân tộc. Tiếng nói của một dân tộc cũng chính là vũ khí đấu tranh sắc bén nhất của dân tộc đó. Yêu tiếng dân tộc, tiếng mẹ đẻ cũng chính là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước.

Các bài học liên quan
BỨC TRANH CỦA EM GÁI TÔI
SO SÁNH (BÀI 19, 21)
SÔNG NƯỚC CÀ MAU
PHÓ TỪ
BÀI HỌC ĐƯỜNG ĐỜI ĐẦU TIÊN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật