NHÂN HÓA

Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, ... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,... trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

a. Nhân hóa là gì?

Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, ... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,... trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

Ví dụ: Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu.

(Cây tre Việt Nam - Thép Mới)

Hình ảnh cây tre trở nên gần gũi, sống động nhờ tác giả đã sử dụng phép nhân hóa.

b. Các kiểu nhân hóa

Có ba kiểu nhân hóa thường gặp là:

- Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật. Ví dụ: lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, anh Gọng Vó, chị Cào Cào, ông Cống,...

- Dùng những từ ngữ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật. Ví dụ:

Sấm
               Ghé xuống sân
                   Khanh khách cười 
    Cây dừa
    Sải tay 
bơi
              Ngọn mồng tơi
       nhảy múa

(Mưa - Trần Đăng Khoa).

- Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người. Ví dụ:

Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta

                                                 (Ca dao)

      Đã ngủ chưa hả trầu?
Tao hái vài  nhé
 Cho bà và cho mẹ
  Đừng lụi đi trầu ơi!

                                                   (Đánh thức trầu - Trần Đăng Khoa)

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Nhân hóa (nhân nghĩa là người, hóa nghĩa là biến hóa, trở thành; nhân hóa còn gọi là nhân cách hóa). Nhân hóa suy cho cùng cũng là một loại ẩn dụ.

- Nhân hóa làm cho sự vật được miêu tả trở nên sống động, gần gũi với con người, làm phương tiện, lấy cổ để con người giãi bày tâm sự. Ví dụ:

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
        Buồn trông con nhện chăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai
         Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ

                                      (Ca dao)

- Ngược lại với nhân hóa là vật hóa.

Vật hóa là gọi hoặc tả người bằng từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả đồ vật, con vật,...

Ví dụ:

Gái chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Ai ngờ quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.

                                              (Ca dao)

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phép nhân hóa trong đoạn văn.

Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả đều bận rộn.

(Phong Thu)

Gợi ý:

Các đối tượng được nhân hóa:

- Tàu (tàu mẹ, tàu con),

- Xe (xe anh, xe em).

Tác dụng: Việc nhân hóa đã giúp cho người đọc hình dung ra được một cách cụ thể, sống động cảnh lao động nhộn nhịp, vất vả trên bến cảng. Mọi vật được miêu tả như có tâm hồn, cuộc sống lao động bận rộn chẳng khác nào cuộc sống của con người.

2. Hãy so sánh cách diễn đạt trong đoạn văn ở bài tập 1 với đoạn văn dưới đây:

Bến cảng lúc nào cũng rất nhiều tàu xe. Tàu lớn, tàu bé đậu đầy mặt nước. Xe to, xe nhỏ nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả đều hoạt động liên tục.

Gợi ý:

Đoạn văn trong bài tập 2 không sử dụng phép nhân hóa. Chúng ta có thể thấy sự diễn đạt khác nhau được tổng hợp sau:

Đoạn văn trong bài tập 1   -  Đoạn văn trong bài tập 2

Bông vui  -  Nhiều tàu xe

Tàu mẹ  -  Tàu lớn

Tàu con  -  Tàu bé

Xe anh  -  Xe to

Xe em  -  Xe nhỏ

Tíu tít  -  Nhận hàng, chở hàng

Bận rộn  -  Hoạt động liên tục

3. Hai cách viết dưới đây có gì khác nhau? Nên chọn cách viết nào cho văn bản biểu cảm và chọn cách viết nào cho văn bản thuyết minh?

- Cách 1:

Trong họ hàng nhà chổi thì cô bé Chổi Rơm vào loại xinh xắn nhất. Cô có chiếc váy vàng óng, không ai đẹp bằng. Áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuốn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy.

(Vũ Duy Thông)

- Cách 2:

Trong các loại chổi, chổi rơm vào loại đẹp nhất. Chổi được tết bằng rơm nếp vàng. Tay chổi được tết săn lại thành sợi và quấn quanh thành cuộn.

Gợi ý:

Đoạn văn 1  -  Đoạn văn 2

Cô bé Chổi Rơm  -  Chổi rơm

Xinh xắn nhất  -  Đẹp nhất

Chiếc váy vàng óng  -  Tết bằng rơm nếp vàng

Áo của cô  -  Tay chổi

Cuốn từng vòng quanh người  -  Quấn quanh thành cuộn

Từ sự so sánh trên đây, các em có thể nhận thấy rằng: cách viết trong đoạn văn 1 có sử dụng thủ pháp nhân hóa. Việc sử dụng này góp phần tạo; sự phù hợp với giọng văn của bài văn miêu tả. Đoạn văn 2 không sử dụng biện pháp này. Cho nên, nó chỉ phù hợp với giọng văn thuyết minh.

4. Hãy cho biết phép nhân hóa trong mỗi đoạn trích dưới đây được tạo ra bằng cách nào và tác dụng của nó như thế nào.

a)

Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương!

                                                       (Ca dao)

b) Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ tranh một mồi tép, có những anh Cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào.

(Tô Hoài)

c) Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. [...] Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước.

(Võ Quảng)

d) Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cỏ cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh dưới nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn.

(Nguyễn Trung Thành)

Gợi ý:

a) Kiểu nhân hóa: trò chuyện xưng hô với vật (núi) như đối với con người (núi ơi). Tác dụng: Coi vật như người bạn thân thích để bày tỏ tình em thầm kín trong lòng.

b) Kiểu nhân hóa: Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của con người để chỉ hoạt động tính chất của vật. Tác dụng: tạo ra sự sinh động của cuộc sống loài vật; giúp người đọc cảm thấy gần gũi và hình dung rõ ràng hơn.

Câu c và d, các em làm tương tự.

5. Hãy viết một đoạn văn miêu tả ngắn với nội dung tự chọn, trong đó có dùng phép nhân hóa.

Gợi ý:

Kiến đã được lên trên khô rồi, kiến mới tìm cách báo thù lại. Hễ bao giờ thấy con cá nào vô phúc lạc lên bờ là kiến rủ nhau từng dây, từng lũ đến mà cắn cá.

Cá thấy vậy cũng giận lắm, cứ rình hễ bao giờ nước tràn be bờ, trời làm lụt ngập, kiến ta xuống nước là cá lại bảo nhau ăn kiến như xưa.

(Kiến với cá - Truyện ngụ ngôn)

BÀI TẬP NÂNG CAO

1. Nhân hóa là gì?

A. Gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,... trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

B. Dùng từ ngữ hoặc cách diễn đạt nhân lên nhiều lần những đặc điểm của con vật, cây cối, đồ vật; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật, trở nên phong phú, hấp dẫn.

C. Lấy từ ngữ chỉ hoạt động của người để gọi tên, miêu tả những sự vật không phải người.

D. Lấy tên sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật hiện tượng kia; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,... trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

Gợi ý:

Đáp án: A.

2. Tìm từ nhân hóa trong đoạn thơ sau:

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi ?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu!

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
               Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
         Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
          Yêu nhiều nắng nở trời xanh
              Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

                                                       (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

Gợi ý:

Các từ nhân hóa là các từ: gầy guộc, ơi, siêng, nghèo, cần cù, vươn mình, kham khổ, hát ru, yếu, đứng.

3. Xác định kiểu nhân hóa và sự vật được nhân hóa trong mỗi trường hợp sau:

a)

Em hỏi cây kơ nia
    Gió mày thổi về đâu?
         Về phương mặt trời mọc

                                      (Bóng cây kơ nia, Ngọc Anh)

b)

Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa.

                                             (Ca dao)

c)

Bác Giun đào đất suốt ngày
Hôm nay chết dưới gốc cây sau nhà

                                                              (Đám ma bác giun, Trần Đăng Khoa)

Gợi ý:

Xác định kiểu nhân hóa và sự vật được nhân hóa.

a) Kiểu nhân hóa trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người (hỏi, mày). Sự vật được nhân hóa là cây kơ nia và gió.

b) Kiểu nhân hóa dùng từ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ vật (bạc đầu, sầu). Sự vật được nhân hóa là núi và hoa.

c) Kiểu nhân hóa dùng từ vốn gọi người để gọi vật (bác). Sự vật được nhân hóa là giun.

4. Tìm 5 câu thơ có sử dụng phép nhân hóa.

Gợi ý:

4. Tìm 5 câu thơ có sử dụng phép nhân hóa.

Chẳng hạn, các em tìm:

a)

Cây dừa cao tỏa nhiều tàu
Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng

                                                    (Cây dừa - Trần Đăng Khoa)

b)

Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi

                                                                 (Cây dừa - Trần Đăng Khoa)

c)

Chuông ơi, chuông nhỏ còn reo nữa ?
Phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn.

                                               (Bác ơi - Tố Hữu)

d)

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
 Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài

                                              (Bác ơi ! -Tố Hữu)

e)

Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

                                                            (Tiếng ru - Tố Hữu)

5. Xác định từ ngữ có tác dụng nhân hóa trong đoạn truyện sau:

Kiến đã được lên trên khô rồi, kiến mới tìm cách báo thù lại. Hễ bao giờ thấy con cá nào vô phúc lạc lên bờ là kiến rủ nhau từng dây, từng lũ đến mà cắn cá.

Cá thấy vậy cũng giận lắm, cứ rình hễ bao giờ nước tràn be bờ, trời làm lụt ngập, kiến ta xuống nước là cá lại bảo nhau ăn kiến như xưa.

(Kiến với cá - Truyện ngụ ngôn)

Gợi ý:

Các từ ngữ có tác dụng nhân hóa như: bảo thù, bảo nhau, rủ nhau, giận lắm.

6. Tìm một số câu ca dao có sử dụng phép nhân hóa và phân tích tác dụng của chúng.

Gợi ý:

Tìm một số câu ca dao có sử dụng phép nhân hoá.

Chẳng hạn, các em có thể lấy các câu như:

a)

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi mẹ hỡi mua tôi đồng riềng.

b)

Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi, nhện hỡi ! Nhện đi đường nào?

c)

Nghé ơi ta bảo nghé này
Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu
Ở đời không khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

d)

Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt người chẳng thấy người thương.

Tác dụng chung: lấy vật để nói người, hoặc nói với vật như nói với người, làm cho nội dung diễn đạt về vật thêm sinh động và có hồn, đồng thời những ý nghĩa cần diễn đạt về con người thêm tế nhị và kín đáo.

Các bài học liên quan
BỨC TRANH CỦA EM GÁI TÔI
SO SÁNH (BÀI 19, 21)
SÔNG NƯỚC CÀ MAU
PHÓ TỪ
BÀI HỌC ĐƯỜNG ĐỜI ĐẦU TIÊN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật