SÔNG NƯỚC CÀ MAU

Cảnh sông nước Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã. Chợ Năm Căn là hình ảnh cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Cảnh sông nước Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã. Chợ Năm Căn là hình ảnh cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc.

- Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống ở vùng đất Cà Mau hiện lên vừa cụ thể, vừa bao quát thông qua sự cảm nhận trực tiếp và vốn hiểu biết phong phú của tác giả.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Đoàn Giỏi (1925 - 1989) quê ở tỉnh Kiên Giang, viết văn từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Đoàn Giỏi thường viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người ở Nam Bộ.

Bài văn Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam (1957) của ông.

Đất rừng phương Nam là truyện dài kể về quãng đời lưu lạc của bé An - nhân vật chính - tại vùng đất U Minh, miền Tây Nam Bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua câu chuyện về cuộc lưu lạc của An, tác giả đưa người đọc đến với cảnh thiên nhiên hoang dã mà rất phong phú, độc đáo và cuộc sống của con người ở cực nam của Tổ quốc. Đất rừng phương Nam đem đến cho người đọc những hiểu biết phong phú và lòng yêu mến đối với thiên nhiên, con người ở vùng đất ấy.

Trong Sông nước Cà Mau, tác giả sử dụng nhiều từ địa phương Nam Bộ quê ông. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo cho tác phẩm.

- Cách miêu tả của tác giả trong bài văn trên đi từ ấn tượng chung, từ cái nhìn khái quát một vùng thiên nhiên sông nước đến những cảnh cụ thể của dòng sông Năm Căn; từ cảnh thiên nhiên đến hoạt động của con người (cảnh chợ Năm Căn). Xen vào giữa mạch miêu tả còn có các đoạn thuyết minh, giải thích.

Tác giả đã sử dụng nhiều phương thức và thủ pháp miêu tả, mà nổi bật là huy động nhiều giác quan để cảm nhận và tô đậm các ấn tượng về một thiên nhiên thật rộng lớn và nguyên sơ, đầy sức sống của vùng sông nước Cà Mau. Tác giả cũng huy động vào đây nhiều hiểu biết của mình về địa lí, ngôn ngữ địa phương, về đời sống để làm giàu thêm sự hiểu biết cho người đọc.

Đoạn văn đầu, tác giả nêu ấn tượng chung, ban đầu về cảnh sắc thiên nhiên Cà Mau. Đó là một không gian rộng lớn với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện. Và bao trùm lên tất cả là một màu xanh: màu xanh của trời, của nước, của cây lá,...

Dòng sông, kênh rạch hiện lên trong đoạn hai với một vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ và hoang dã. Hoang dã và kì lạ qua những cái tên rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía,... nhưng cũng rất gần gũi và bình dị như con người Nam Bộ.

Cảnh sắc chợ Năm Căn cũng có vẻ đẹp riêng: sầm uất và độc đáo. Một miền sông nước trù phú được thể hiện qua khung cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp, hàng hóa phong phú, thuyền bè ken dày san sát,... Cảnh chợ họp trên sông trông xa như một khu phố nổi.

Thủ pháp liệt kê được sử dụng một cách có hiệu quả để thể hiện sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên và cuộc sống con người Cà Mau. Chẳng hạn, nêu một loạt các địa danh khi miêu tả các dòng sông, kênh rạch; dùng từ “những” (12 lần) để liệt kê khi miêu tả chợ Năm Căn, V.V....

- Đọc thêm đoạn thơ trích trong bài thơ Mũi Cà Mau của nhà thơ Xuân Diệu, người đọc càng hiểu và thêm yêu vùng đất này. Vùng đất mũi Cà Mau (thuộc U Minh hạ) là vùng đất được phù sa bồi đắp quanh năm, đất càng ngày càng mở rộng ra phía biển. Dáng hình đất mũi Cà Mau được nhà thơ ví như mũi một con tàu lớn - con tàu Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, được - một loại cây đặc trưng của vùng đất này - mọc bạt ngàn; kênh rạch, sông ngòi chằng chịt.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài văn miêu tả cảnh gì? Theo trình tự như thế nào? vào trình tự miêu tả, em hãy tìm bố cục của bài văn.

Em hãy hình dung vị trí quan sát của người miêu tả. Vị trí ấy có thuận lợi gì trong việc quan sát và miêu tả?

Gợi ý:

Bài văn miêu tả cảnh sông nước vùng đất Cà Mau.

Trình tự miêu tả: Bắt đầu từ những ấn tượng chung về thiên nhiên; sau đó tập trung miêu tả và thuyết minh về sông ngòi, kênh rạch, cảnh vật hai bên bờ sông; sau cùng là cảnh chợ Năm Căn họp ngay trên mặt sông.

Bố cục của bài văn: được chia làm 3 phần.

Phần 1. Từ câu đầu đến lặng lẽ một màu xanh đơn điệu: cảm tưởng chung về thiên nhiên Cà Mau.

Phần 2. Tiếp theo cho đến khói sóng ban mai : Đặc tả kênh, rạch vùng đất Cà Mau và con sông Năm Căn.

Phần 3. Phần còn lại: Đặc tả cảnh chợ ở Năm Căn

Với ngôi kể là tôi, cùng với vị trí quan sát ở trên thuyền giúp cho nhà văn miêu tả cảnh vật nơi đây thật sinh động, với nhiều gam màu khác nhau.

2. Trong đoạn văn (từ đầu đến lặng lẽ một màu xanh đơn điệu) tác giả đã tả ấn tượng ban đầu bao trùm về sông nước vùng Cà Mau. Ấn tượng ấy như thế nào và được cảm nhận qua những giác quan nào?

Gợi ý:

Ấn tượng:

- Một vùng sông ngòi... chằng chịt như mạng nhện - so sánh sát hợp

- Màu xanh của trời, nước... một sắc xanh không phong phú, vui mắt.

- Âm thanh rì rào của rừng, sóng... đều đều ru vỗ triền miên.

=> Cảm giác lặng lẽ, buồn, đơn điệu ấn tượng chung, nổi bật. Ấn tượng ấy được cảm nhận qua các giác quan: thị giác, thính giác, vị giác.

3. Qua đoạn nói về cách đặt tên các dòng sông, con kênh ở vùng Cà Mau, em có nhận xét gì về các địa danh ấy? Những địa danh này gợi ra đặc điểm gì về thiên nhiên vùng Cà Mau?

Gợi ý:

Qua đoạn văn, tác giả nói về cách đặt tên cho các vùng đất, con kênh ở vùng đất mũi. Cách đặt tên ở đây đều rất giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Qua đó thể hiện đặc điểm của thiên nhiên nơi đây: tự nhiên, hoang dã, phong phú.

4. Em hãy đọc kĩ lại đoạn văn từ Thuyền chúng tôi chèo thoát qua đến sương mù và khói sóng ban mai và trả lời các câu hỏi sau:

a) Tìm những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng đước.

b) Trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn” có những động từ nào chỉ cùng một hoạt động của con thuyền? Nếu thay đổi trình tự những động từ ấy trong câu thì có ảnh hưởng gì đến nội dung được diễn đạt hay không? Nhận xét về sự chính xác và tinh tế trong cách dùng từ của tác giả về câu này.

c) Tìm trong đoạn văn những từ miêu tả màu sắc của rừng đước và nhận xét về cách miêu tả màu sắc của tác giả.

Gợi ý:

a) Những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng p đước.

* Dòng sông:

- Rộng lớn ngàn thước.

- Nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác.

- Cá bơi từng đàn.

* Rừng đước:

- Dựng lên cao ngất... trường thành vô tận.

- Lớp này chồng lên lớp kia.

b) Những động từ chỉ cùng một hoạt động của con thuyền trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn” là:

- Chèo thoát, đổ ra, xuôi: diễn tả hoạt động của người chèo thuyền

Nếu thay đổi trình tự những động từ ấy trong câu thì sẽ làm rối nội dung được diễn đạt. Vì nó diễn tả quá trình xuôi theo dòng chảy của con thuyền.

5. Những chi tiết, hình ảnh nào về chợ Năm Căn thể hiện sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau?

Gợi ý:

Những chi tiết, hình ảnh về chợ Năm Căn thể hiện sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau:

- Sự trù phú: Khung cảnh rộng lớn, tấp nập, hàng hóa đa dạng.

- Độc đáo: Chợ họp ngay trên sông nước

- Sự đa dạng về màu sắc, trang phục tiếng nói...

6. Qua bài văn này, em cảm nhận được gì về vùng Cà Mau cực Nam của Tổ quốc?

Gợi ý:

- Nét đặc sắc, độc đáo của cảnh vật Cà Mau:

+ Cảnh sông nước, kênh rạch, rừng đước, chợ trên sông lớn, vĩ, giàu có, đầy sức sống hoang dã.

- Tình yêu đất nước sâu sắc và vốn hiểu biết phong phú đã giúp tác giả miêu tả, giới thiệu sông nước Cà Mau tường tận, hấp dẫn.

7. Em hãy viết một đoạn văn thể hiện cảm nhận riêng của mình về vùng đất Cà Mau (câu 1 phần Luyện tập).

Gợi ý:

Em có thể dựa trên cảnh vật và con người được miêu tả trong bài văn hoặc xuất phát từ cuộc sống thực tế của vùng đất Cà Mau để viết cảm nhận.

BÀI TẬP NÂNG CAO

Càng đổ dần về hướng Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, xung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối [...]. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

a) Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt chủ yếu nào?

A. Biểu cảm                     B. Miêu tả                     C. Tự sự                     D. Nghị luận

b) Tác giả đoạn văn trên là ai?

    A. Võ Quảng                                                B. Nguyễn Tuân

 C. Tô Hoài                                                     D. Đoàn Giỏi

c) Cảnh sông nước Cà Mau qua đoạn văn là một bức tranh như thế nào?

A. Duyên dáng và yểu điệu                      B. Ghê gớm và dữ dội

C. Mênh mông và hùng vĩ                    D. Dịu dàng và mềm mại

d) Trong đoạn văn trên, tác giả đã dùng mấy lần phép so sánh?

A. Một lần                      B. Hai lần                      C. Ba lần                      D. Bốn lần

Gợi ý:

a: B; 1.b:D; 1.c:C; 1.d:D;

Các bài học liên quan
THẦY THUỐC GIỎI CỐT NHẤT Ở TẤM LÒNG
MẸ HIỀN DẠY CON
CỤM ĐỘNG TỪ
ĐỘNG TỪ
CON HỔ CÓ NGHĨA

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật