LƯỢM

Bằng cách kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc, bài thơ đã khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Bằng cách kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc, bài thơ đã khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm.

Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của em còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người.

- Thể thơ bốn chữ, nhiều từ láy có giá trị gợi hình và giàu âm điệu đã góp phần tạo nên thành công trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, là nhà cách mạng và nhà thơ lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Bài Lượm được ông sáng tác năm 1949, trong thời kì kháng chiến chống thực dân pháp. Bài thơ cũng thuộc loại trữ tình tự sự.

- Bài thơ được kể theo trình tự sau đây:

+ Hình ảnh chú bé Lượm;

+ Lượm hi sinh anh dũng;

+ Lượm vẫn sống mãi.

Hình ảnh Lượm hiện lên đầy ấn tượng, đó là một chú bé liên lạc nhỏ nhắn, nhí nhảnh, hồn nhiên, vui tươi. Những từ láy và nhịp thơ đã góp phần khắc họa hình ảnh này. Hình ảnh chú bé Lượm hi sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ đã gây xúc động lớn trong lòng tác giả. Những câu thơ ngắt ra như tiếng nấc nghẹn ngào, cách xưng hô, tiếng gọi đau xót,... đã góp phần miêu tả cái chết đẹp đẽ và lãng mạn của người anh hùng nhỏ tuổi chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Câu thơ “Lượm ơi, còn không?” đặt gần cuối bài thơ, trước hai khổ thơ miêu tả hình ảnh Lượm hồn nhiên, vui tươi vừa là một câu hỏi ngơ ngác, đầy đau xót trước sự hi sinh của Lượm, đồng thời khắc họa được sự sống mãi của hình ảnh chú bé liên lạc.

Bài thơ Lượm có sự kết hợp giữa các yếu tố: kể chuyện, miêu tả và biểu hiện cảm xúc. Nhân vật Lượm hiện lên qua cái nhìn, sự miêu tả và cảm xúc của tác giả. Cảm xúc, tình cảm trong bài thơ bộc lộ trực tiếp. Đó là sự yêu thương, đau xót, cảm phục và tự hào về một chú bé liên lạc.

Bài thơ được làm theo thể bốn chữ, một thể thơ dân gian truyền thống hay dùng trong những bài vè kể chuyện, sau đó được tiếp nhận và nâng cao trong thơ hiện đại. Thể thơ bốn chữ thích hợp với lối thơ kể chuyện có nhịp kể nhanh.

- Phần “Đọc thêm” có in một số câu tục ngữ và ca dao Việt Nam. Những câu tục ngữ, ca dao này có hình thức của thể thơ bốn tiếng, có vần lưng và vần chân xen kẽ; có cách gieo vần liền hay vần cách; có nhịp phổ biến là nhịp hai. Nhiều nhà thơ đã học tập và vận dụng sáng tạo hình thức trên của những sáng tác văn vần dân gian cho sáng tác của mình.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài thơ kể và tả về nhân vật Lượm qua những sự việc nào , bằng lời của ai? Dựa theo trình tự lời kể ấy, em hãy tìm bố cục của bài thơ.

Gợi ý:

Bài thơ kể và tả về nhân vật Lượm bằng lời kể của người chú. Thông qua cuộc gặp gỡ của Lượm và người chú ở thành phố Huế trong những ngày “Huế đổ máu”, sự hi sinh anh dũng của chú bé lúc đang làm nhiệm vụ và hình ảnh bất tử của Lượm ở cuối bài thơ đã khắc họa một cách trọn vẹn hình ảnh một chú bé liên lạc gan dạ, dũng cảm mà vô cùng ngây thơ, đáng yêu.

Chúng ta có thể chia bài thơ thành ba phần:

Đoạn 1. Từ đầu đến Cháu đi xa dần: Kể về cuộc gặp gỡ ở Huế

Đoạn 2. Từ Cháu đi đường cháu đến Hồn bay giữa đồng: Sự hi sinh anh dũng của Lượm trong khi làm nhiệm vụ.

Đoạn 3. Đoạn còn lại: Lượm luôn sống mãi với quê hương, đất nước.

2. Hình ảnh Lượm từ khổ hai đến khổ thứ năm đã được miêu tả như thế nào qua cái nhìn của người kể (trang phục, hình dáng, cử chỉ, lời nói)? Sự miêu tả đã làm nổi bật ở hình ảnh Lượm những nét gì đáng yêu, đáng mến?

Các yếu tố nghệ thuật như từ láy, vần, nhịp, so sánh trong đoạn thơ đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện hình ảnh Lượm?

Gợi ý:

- Trang phục:

Cái xắc xinh xinh
Ca lô đội lệch

Đây là trang phục của các chiến sĩ liên lạc thời kháng chiến chống Pháp.

- Dáng điệu:

Chân -> thoăn thoắt
Đầu -> nghênh nghênh

Cử chỉ:

Cười híp mí
Mồm huýt sáo vang
Nhảy trên đường vàng

- Lời nói: Cháu đi liên lạc -> Vui lắm, thích hơn ở nhà.

Sự miêu tả đã làm nổi bật ở nhân vật Lượm nét nhanh nhẹn, hồn nhiên, chân thành, dễ mến và hết sức yêu đời.

Hình ảnh Lượm đã được khắc họa chính xác, sinh động qua hàng loạt các yếu tố nghệ thuật như từ láy, vần, nhịp, so sánh.

3. Nhà thơ đã hình dung, miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm như thế nào? Hình ảnh Lượm gợi cho em cảm xúc gì?

Trong đoạn thơ này có những câu thơ và khổ thơ được cấu tạo đặc biệt. Em hãy tìm những câu thơ và khổ thơ ấy, nêu tác dụng của nó trong việc biểu hiện cảm xúc của tác giả.

Gợi ý:

Chuyến liên lạc cuối cùng của Lượm có đoạn phải băng qua những cánh đồng, vụt qua mặt trận với đạn bay vèo vèo. Đường đi nguy hiểm, nhiệm vụ cấp bách, Lượm bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn, không sợ chi hiểm nghèo.

Giữa đồng quê vắng vẻ, Lượm trúng đạn giặc và ngã xuống như một thiên thần bé nhỏ. Hình ảnh:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa,
Hồn bay giữa đồng.

đã thể hiện được tình cảm thương xót của tác giả cũng như của người đọc về sự hi sinh của Lượm. Nỗi đau ấy như bị dồn nén để rồi chợt tuôn trào trước sự hi sinh đột ngột ấy.

4. Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau. Em hãy tìm những từ ấy và phân tích tác dụng của sự thay đổi cách gọi này đối với việc biểu hiện thái độ, quan hệ tình cảm của tác giả với Lượm.

Gợi ý:

Trong bài thơ Lượm, người kể chuyện đã gọi chú bé Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau: cháu, chú bé, Lượm, chú đồng chí nhỏ. Sự thay đổi như thế thể hiện tình cảm của tác giả. Đến cuối bài thơ, tác giả gọi là chú đồng chí nhỏ thể hiện Lượm lúc này không còn là người cháu của tác giả nữa mà là của mọi người, mọi nhà. Lượm như một chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Các bài học liên quan
NHÂN HÓA
BUỔI HỌC CUỐI CÙNG
VƯỢT THÁC
BỨC TRANH CỦA EM GÁI TÔI

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật