TỪ NHIỀU NGHĨA VÀ HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA CỦA TỪ

Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Từ nhiều nghĩa

Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.

2. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ

Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa.

- Trong từ nhiều nghĩa có:

Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.

Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.

- Thông thường, trong câu, từ chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, từ có thể được hiểu đồng thời theo cả nghĩa gốc lẫn nghĩa chuyển.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Khi mới xuất hiện, từ thường chỉ có một nghĩa, nhưng xã hội phát triển, tư duy con người phát triển, nhiều sự vật, hiện tượng được con người khám phá và vì vậy cũng nảy sinh nhiều khái niệm mới. Để biểu thị những khái niệm mới này con người phải tạo thêm từ mới hoặc thêm nghĩa mới cho từ có sản. Khi từ có sẵn được thêm nghĩa mới, lúc ấy nảy sinh hiện tượng từ nhiều nghĩa.

- Phải phân biệt từ nhiều nghĩa và từ đồng âm.

Nếu giữa các nghĩa trong từ nhiều nghĩa có mối quan hệ nhất định, ta dễ dàng tìm ra một cơ sở ngữ nghĩa chung thì ở từ đồng âm là những từ giống nhau về mặt âm thanh nhưng nghĩa của chúng không có mối quan hệ nào. VD:

+ Từ nhiều nghĩa

Từ "cày" (động từ) có hai nghĩa: 1. Lật đất lên bằng cái cày (Cày ruộng); 2. Xới đất lên làm cho mặt đất nham nhở (Bom đạn cày nát trận địa). Hai nghĩa trong từ "cày" có mối quan hệ với nhau.

+ Từ đồng âm

Má (danh từ): Mẹ (Bà má Nam Bộ).

Má (danh từ): Phần hai bên mặt, từ mũi và miệng đến tai và ở phía dưới mắt (Má lúm đồng tiền).

Nghĩa của hai từ đồng âm trên không có mối quan hệ với nhau.

- Trong từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có nghĩa gốc (nghĩa đen, nghĩa chính) và các nghĩa chuyển (nghĩa bóng, nghĩa nhánh).

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hãy tìm ba từ chỉ bộ phận cơ thể người và kể ra một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của chúng?

Gợi ý:

a. Đầu: đau đầu, đầu bảng, đầu đàn, đầu đảng, đầu têu.

b. Tay: nắm tay, tay ghế, tay súng, tay cày.

c. Cổ: cổ cò, cổ trai, cổ lọ, so vai rụt cổ.

2. Trong tiếng Việt, có một số từ chỉ bộ phận của cây cối được chuyển nghĩa để cấu tạo từ chỉ bộ phận cơ thể người. Hãy kể ra những trường hợp chuyển nghĩa đó?

Gợi ý:

Dùng bộ phận cây cối để chỉ bộ phận của cơ thể người:

- Lá: lá phổi, lá gan, lá lách, lá mỡ.

- Quả: quả tim, quả thận

- Búp: búp ngón tay.

- Hoa: hoa tay.

3. Dưới đây là một số hiện tượng chuyển nghĩa của từ tiếng Việt. Hãy tìm thêm cho mỗi hiện tượng chuyển nghĩa đó ba ví dụ minh họa:

a) Chỉ sự vật chuyển thành chỉ hành động: cái cưa - cưa gỗ.

b) Chỉ hành động chuyển thành chỉ đơn vị: gánh củi đi - một gánh củi

Gợi ý:

a. Mẫu sự vật, hoạt động

- Cái cưa - cưa gỗ; cái hái - hái rau, cái bào - bào gỗ

b. Mẫu hoạt động đơn vị.

- Gánh củi đi, đang bó lúa - gánh ba bó lúa; cuộn bức tranh, - 3 cuộn tranh.

4. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:

NGHĨA CỦA TỪ “BỤNG”

Thông thường, khi nói đến ăn uống hoặc những cảm giác về việc ăn uống, ta nghĩ đến bụng. Ta vẫn thường nói: đói bụng, no bụng, ăn cho chắc bụng, con mắt to hơn cái bụng, ... Bụng được dùng với nghĩa “bộ phận cơ thể người hoặc động vật chứa ruột, dạ dày”. (1)

Nhưng các cụm từ nghĩ bụng, trong bụng mừng thầm, bụng bảo dạ, định bụng thì sao? Và hàng loạt cụm từ như thế nữa: suy bụng ta ra bụng người, đi guốc trong bụng, sống để bụng chết mang đi, ... Trong những trường hợp này, từ bụng được hiểu theo cách khác: bụng là “biểu tượng của ý nghĩa sâu kín, không bộc lộ ra, đối với người, với việc nói chung”. (2)

(Theo Hoàng Dĩ Đình)

a) Tác giả đoạn trích nêu lên mấy ý nghĩa của từ bụng? Đó là những nghĩa nào? Em có đồng ý với tác giả không?

b) Trong các trường hợp sau đây, từ bụng có nghĩa gì:

- Ăn cho ấm bụng.

- Anh ấy tốt bụng.

- Chạy nhiều, bụng chân rất săn chắc.

Gợi ý:

a. Tác giả đã nêu lên hai nghĩa của từ bụng (1), (2).

Còn thiếu một nghĩa nữa là (3) phần phình to ở giữa của một số vật.

b. Như vậy từ bụng có 3 nghĩa:

a. Ăn cho ấm bụng (1)

b. Anh ấy tốt bụng (2)

c. Chạy nhiều, bụng chân rất săn chắc (3)

Các bài học liên quan
CHỦ ĐỀ VÀ DÀN BÀI CỦA BÀI VĂN TỰ SỰ
SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
SỰ VIỆC VÀ NHÂN VẬT TRONG VĂN TỰ SỰ
NGHĨA CỦA TỪ
SƠN TINH, THỦY TINH
TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN TỰ SỰ
TỪ MƯỢN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật