TỪ MƯỢN

Từ mượn là những từ vay mượn của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,... mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Từ thuần Việt và từ mượn

Từ thuần Việt là những từ do nhân dân ta tự sáng tạo ra.

- Từ mượn là những từ vay mượn của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,... mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.

Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán (gồm từ gốc Hán và từ Hán Việt).

Bên cạnh đó, tiếng Việt còn mượn từ của một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,...

2. Nguyên tắc mượn từ

Mượn từ là một cách làm giàu tiếng Việt. Tuy vậy, để bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc, không nên mượn từ nước ngoài một cách tùy tiện

3. Cách viết từ mượn

Các từ mượn đã được Việt hóa thì viết như từ thuần Việt. Đối với những từ chưa được Việt hóa hoàn toàn, nhất là những từ gồm trên hai tiếng, ta nên dùng gạch nối để nối với nhau.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

Từ mượn (còn có những tên gọi khác như từ vay mượn, từ ngoại lai) là những từ của một ngôn ngữ nào đó được nhập vào ngôn ngữ khác và được bản ngữ hóa (nghĩa là khi dùng phải được cải tạo lại về hình thức ngữ âm và đặc điểm ngữ pháp cho phù hợp với bản ngữ).

- Do có sự tiếp xúc, do mối quan hệ đa dạng trên nhiều lĩnh vực đời sống cho nên vay mượn ngôn ngữ là hiện tượng phổ biến trên thế giới.

- Có nhiều cách thức vay mượn:

+ Mượn hoàn toàn: mượn cả ý nghĩa lẫn hình thức âm thanh (hoặc hình thức âm thanh có thể thay đổi chút ít). Ví dụ: xà phòng, mít tinh,...

+ Dịch ý: dùng nghĩa của từ thuần Việt hay Hán Việt để dịch nghĩa các từ của ngôn ngữ mượn các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga... Ví dụ: star (tiếng Anh) dịch thành “ngôi sao” (chỉ diễn viên, cầu thủ,... xuất sắc); gardeboue (tiếng Pháp) dịch thành cái “chắn bùn”.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Ghi lại các từ mượn có trong những câu dưới đây. Cho biết các từ ấy được mượn của tiếng (ngôn ngữ) nào?

a) Đúng ngày hẹn, bà mẹ vô cùng ngạc nhiên vì trong nhà mình có bao nhiêu sính lễ?
(Sọ Dừa)

b) Ngày cưới, trong nhà Sọ Dừa cỗ bàn thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập.
(Sọ Dừa)

c) Ông vua nhạc pốp Mai-Cơn Giắc-xơn đã quyết định nhảy vào lãnh địa in-tơ-nét với việc mở một trang chủ riêng.

Gợi ý:

a) Hán Việt: vô cùng, ngạc nhiên, tự nhiên, sính lễ.

b) Hán Việt: gia nhân.

c) Anh: pốp, Mai-cơn Giắc-xơn, in-tơ-nét.

2. Hãy xác định nghĩa của từng tiếng tạo thành các từ Hán Việt dưới đây:

a) khán giả: người xem; thính giả: người nghe; độc giả: người đọc.

b) yếu điểm: điểm quan trọng; yếu lược: tóm tắt những điều quan trọng; yếu nhân: người quan trọng.

Gợi ý:

a) Các từ khán giả, thính giả và độc giả có điểm chung là từ giả. Từ giả có nghĩa là người. Như vậy, các tiếng còn lại có thể định nghĩa là: khán: xem; thính: nghe; độc: đọc.

b) Tương tự câu a.

3. Hãy kể một số từ mượn:

a) Là tên các đơn vị đo lường, ví dụ: mét

b) Là tên của một số bộ phận của chiếc xe đạp, ví dụ: ghi đông

c) Là tên một số đồ vật, ví dụ: ra-đi-ô

Gợi ý:

a) Là tên các đơn vị đo lường: mét, lít, ki-lô-mét, ...

b) Là tên một số bộ phận của chiếc xe đạp: gác-đờ-sen, gác-đờ-bu, ghi-đông, pê-đan, ...

c) Là tên một số đồ vật: ra-đi-ô, vi-ô-lông, ác-cooc-đi-ông, ...

4. Những từ nào trong các cặp từ dưới đây là từ mượn? Có thể dùng chúng trong hoàn cảnh nào, với những đối tượng giao tiếp nào?

a) Bạn bè tới tấp phôn / gọi điện đến.

b) Ngọc Linh là một fan / người say mê bóng đá cuồng nhiệt.

c) Anh đã hạ nốc ao / đo ván võ sĩ nước chủ nhà.

Gợi ý:

Từ mượn: phôn, fan, nốc ao. Việc sử dụng các từ này trong hoàn cảnh giao tiếp hàng ngày mang tính chất thân mật, gần gũi.

Các bài học liên quan
BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY (Tự học có hướng dẫn)
CON RỒNG CHÁU TIÊN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật