CON RỒNG CHÁU TIÊN

Truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi cao quý, thể hiện niềm tự hào dân tộc của người Việt.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử, thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyện thể hiện thái độ và sự đánh giá của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện được kể.

2. Truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi cao quý, thể hiện niềm tự hào dân tộc của người Việt.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

1. Con Rồng, cháu Tiên là một trong những truyền thuyết về thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu lịch sử dân tộc Việt. Truyện gắn với nguồn gốc dân tộc và công cuộc dựng nước, giữ nước thời các vua Hùng.

Suy cho cùng, không chỉ truyền thuyết mà tất cả các thể loại, tác phẩm dân gian đều có cơ sở lịch sử, liên quan đến sự thật lịch sử. Nhưng truyền thuyết có mối liên hệ với lịch sử đậm hơn, rõ nét hơn. Sự kết hợp giữa các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt và nguồn gốc chung của các cư dân Bách Việt là có thật. Sự sùng bái tổ tiên là một tín ngưỡng đặc sắc của dân ta, đã có từ thời thượng cổ. Đó là cốt lõi sự thật lịch sử của truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên. Tuy nhiên, cơ sở lịch sử, cốt lõi lịch sử chỉ là cái nền, cái "phông" cho tác phẩm. Lịch sử qua tác phẩm đã được nhào nặn lại, được kì ảo hóa, làm tăng chất thơ cho truyện.

Truyền thuyết Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại. Nhiều truyền thuyết, đặc biệt là truyền thuyết về thời các vua Hùng là những thần thoại đã được lịch sử hóa như: “Con Rồng cháu Tiên”, “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Thánh Gióng”,...

- Theo quan niệm của phương Đông, Rồng là con vật đứng đầu tứ linh (bốn con vật linh thiêng: long, li, quy, phượng) biểu tượng của vua chúa thời phong kiến, của cái đẹp, cái hùng; còn Tiên là biểu tượng cho người đàn bà đẹp, nhân từ, có phép lạ dùng để cứu người lương thiện. Rồng, Tiên là biểu tượng cho người đàn ông và người đàn bà cao sang, toàn bích. Vẻ đẹp của bố Rồng, mẹ Tiên là kết tinh cho vẻ đẹp Việt, kết tinh cho những gì đẹp đẽ nhất của con người, thiên nhiên, sông núi. Nguồn gốc tổ tiên ta là Tiên Rông - một nguồn gốc cao quý, thiêng liêng, đẹp đẽ và rất đáng tự hào.

Truyện được thần kì hóa, linh thiêng hóa nguồn gốc dân tộc bằng các chi tiết tưởng tượng kì ảo. Nhân vật Lạc Long Quân, nòi Hổng, mang vẻ đẹp kì vĩ, dũng mãnh, có sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ và rất nhân hậu như giúp dân trừ yêu quái, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở. Nhân vật Âu Cơ, giống Tiên, xinh đẹp tuyệt trần, tính nết dịu dàng, tâm hồn trong sáng, thơ mộng, thích du ngoạn những vùng đất hoa thơm cỏ lạ. Các nhân vật vừa có nét kì lạ vừa rất gần gũi thân quen với mỗi người dân Việt. Chính điều này đã khiến cho thế hệ sau thêm tự hào, tôn kính nguồn gốc tổ tiên của mình, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn của truyện.

- Truyện Con Rồng, cháu Tiên thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất giữa các cộng đồng người Việt.

Hình tượng “bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai” tuy mang chất hoang đường của thần thoại nhưng lại có một ý nghĩa sâu sắc: toàn thể dân tộc Việt Nam cùng một giống nòi, đều sinh ra từ trong một bọc. Vì vậy, hai tiếng “đồng bào” (đồng bào nghĩa là cùng một mạng bao bọc) trở nên thiêng liêng đối với người Việt Nam.

Vẻ đẹp về hình tượng đàn con 50 xuống biển, 50 lên rừng cũng có tính chất biểu tượng cho tình anh em ruột rà giữa các dân tộc.

Con Rồng, cháu Tiên là truyền thuyết của dân tộc Kinh (Việt). Trên đất nước ta, các dân tộc khác cũng có truyện tương tự. Ví dụ, dân tộc Mường có truyện Chuyện cái trứng tiếng, dân tộc Khơ mú có truyện Quả bầu mẹ, dân tộc Ba-na có truyện Kinh và Ba-na là anh em,...

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hãy tìm những chi tiết trong truyện thể hiện tính chất kì lạ và cao quý về nguồn gốc, hình dạng của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Gợi ý:

Những chi tiết kì lạ, cao quý về nguồn gốc của Lạc Long Quân và Âu Cơ:

- Về nguồn gốc: xuất thân từ hai dòng Thần, Tiên.

+ Lạc Long Quân: thuộc nòi Thần Rồng, con Thần Long Nữ.

+ Âu Cơ: thuộc nòi Tiên, thuộc họ Thần Nông.

- Về hình dạng:

+ Lạc Long Quân là vị thần mình rồng, thường ở dưới nước, thỉnh thoảng mới lên cạn, có sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ...

+ Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần...

2. Việc kết duyên và sinh nở của Long Quân và Âu Cơ có gì lạ? Lạc Long Quân chia con như thế nào và để làm gì? Theo truyện này thì người Việt là con cháu của ai?

Gợi ý:

a. Việc kết duyên, sinh nở: Rồng ở biển cả, Tiên ở núi cao gặp nhau, yêu nhau, rồi kết duyên.

Âu Cơ có mang, sinh ra cái bọc trăm trứng, nở thành 100 con trai. Đàn con không cần bú mớm tự lớn như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần.

Nhận xét: Đây là các chi tiết có yếu tố hoang đường, kì ảo; được tác giả dân gian hư câu, sáng tạo nhăm giải thích cội nguồn của dân tộc Việt: Toàn thể nhân dân ta đều sinh ra trong một bọc (đồng bào), cùng chung một nòi giống tổ tiên.

b. Lạc Long Quân chia con:

- 50 người xuống biển.

- 50 người lên rừng.

Mục đích: Chia con để cai quản bốn phương, tuy vậy, khi gặp khó khăn vẫn giúp đỡ nhau.

Ý nghĩa: Thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất của nhân dân ta ở mọi miền đất nước. Người Việt Nam ta dù ở miền xuôi hay miền ngược đều cùng chung một cội nguồn, vì vậy phải luôn thương yêu, đoàn kết.

c. Theo truyền thuyết này, người Việt Nam ta đều là con Rồng, cháu Tiên.

3. Em hiểu thế nào là chi tiết tưởng tượng, kì ảo? Hãy nói rõ vai trò của các chi tiết này trong truyện.

Gợi ý:

- Truyện có nhiều chi tiết kì ảo như: các nhân vật có nhiều phép lạ, chuyện đẻ ra cái bọc có một trăm trứng.

- Chi tiết kì ảo là những chi tiết không có thật mà do trí tưởng tượng phóng túng hồn nhiên của nhân dân lao động từ đời xưa sáng tạo mà thành. Trong truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích thường sử dụng các yếu tố kì ảo như vậy.

- Vai trò của chi tiết kì ảo là một biện pháp nghệ thuật nhằm giải thích những vấn đề lớn mà trí tuệ loài người lúc đó không thể giải thích được như nguồn gốc các dân tộc (như truyện đang học), nguồn gốc các hiện tượng tự nhiên (như: Sơn Tinh, Thủy Tinh)....

Ngoài ra, các yếu tố kì ảo trong truyện còn góp phần thể hiện thái độ suy tôn, nguyện vọng đoàn kết của nhân dân các dân tộc Việt Nam.

4. Thảo luận ở lớp: Ý nghĩa của truyện Con rồng cháu Tiên. Hãy đọc phần Đọc thêm để hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa đó.

Gợi ý:

Truyện giải thích nguồn gốc các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

IV. LUYỆN TẬP

1. Em biết những truyện nào có nội dung tương tự truyện Con Rồng cháu Tiên? Sự giống nhau khẳng định điều gì?

Gợi ý:

Truyện Quả bầu mẹ của dân tộc Khơ mú có đoạn kể rằng: “Ít lâu sau người em có mang, đến bảy năm, bảy tháng, bảy ngày mới sinh ra được một quả bầu. Người chồng định đập đi, nhưng vợ tiếc đem gác lên bếp. Nhiều lần đi làm nương về, nghe trong nhà có tiếng cười nói lao xao. Một hôm người chồng trèo lên gác bếp áp tai vào quả bầu nghe ngóng thì thấy có tiếng ầm ĩ liền mang xuống định lấy dao bổ ra. Người
vợ sợ thế chặt phải con, bảo chồng lấy que đốt cho nhọn đầu đế dùi.

Khi dùi thủng quả bầu, người Khơ mới chui ra được. Người chồng ưng bụng quá bèn khoét lỗ cho rộng ra: Người Thái, người Tày, người Lự theo nhau chui ra. Người chồng thích quá, liền lấy củi đập vỡ quả bầu: người Lào, người Kinh (tức người Việt) ra tiếp.

Người Khơ mú vì ra đầu tiên, bị dính muội than quả bầu nên da ngăm ngăm đen. Người Kinh ra sau cùng nên da trắng. Em út hết đất phải đi xa, xuống tận vùng đồng bằng, cuối con nước dựng bản lập mường sinh cơ lập nghiệp”.

- Ý nghĩa của truyện Quả bầu mẹ: Giải thích nguồn gốc của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Hai truyện giống nhau: Khẳng định mối quan hệ huyết thống, tình anh em ruột thịt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam (Các dân tộc cùng sinh ra từ một bọc, một quả bầu, cùng cha, cùng mẹ). Hai truyện đều giải thích và đề cao tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, giữa nhân dân sống ở các vùng, miền của đất nước ta.

Các bài học liên quan
Đề 23. Em chuẩn bị múc nước để tưới cho cây trong vườn thì thấy một chú bọ hung mắc nạn. Em thương tình cứu giúp rồi có một cuộc trò chuyện thú vị với chú bọ hung. Hãy đóng vai chú bọ hung ấy để kể lại truyện Thạch Sanh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật