SƠN TINH, THỦY TINH

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh có nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyện giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, khát vọng của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh có nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

- Truyện giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, khát vọng của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bắt nguồn từ thần thoại cổ về núi Tản Viên nhưng đã được lịch sử hóa thành truyền thuyết. Truyện được gắn vào một thời đại lịch sử, trở thành một truyện quan trọng trong chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng. Nhiều chi tiết tưởng tượng, hoang đường trong truyện liên quan đến công cuộc dựng nước thời cổ đại, thể hiện thái độ của người Việt cổ trước thực tế đó. Sơn Tinh đã trở thành người anh hùng văn hóa trong nhận thức dân gian. Hiện nay ở Hà Tây, Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều đền thờ Sơn Tinh.

- Cốt truyện xoay quanh hai sự việc chính: Hùng Vương kén rể, Sơn Tinh và Thủy Tinh giao tranh.

Sự việc thứ nhất đáng lưu ý là lời thách cưới của vua Hùng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Đây là những con vật chỉ có trong thế giới thần thoại, trong tưởng tượng. Chi tiết này làm tăng thêm vẻ huyền thoại cho câu chuyện. Lời thách cưới có vẻ như vua Hùng “thiên vị” Sơn Tinh. Sự “thiên vị” này xuất phát từ quan niệm dân gian: thần núi là phúc thần, thần nước là hung thần. Từ xưa, ông cha ta đã coi thủy, hỏa, đạo, tặc là bốn cái họa lớn của con người; trong đó, tai họa hàng đầu, đáng sợ nhất là lo lụt (thủy).

- Truyện giải thích hiện tượng mưa bão, lũ lụt diễn ra hàng năm ở lưu vực sông Hồng, sông Đà vào mùa hè; đồng thời thể hiện ước mơ chiến thắng thiên tai, giữ gìn cuộc sống ấm no của nhân dân ta.

- Hình tượng Thủy Tinh tượng trưng cho sức mạnh ghê gớm, khủng khiếp của mưa bão, lũ lụt. Hình tượng Sơn Tinh tượng trưng cho sức mạnh thần thánh của nhân dân ta hàng nghìn đời nay đã không mệt mỏi, kiên trì đắp đê chống lũ, ngăn dòng nước hung dữ vào mùa mưa bão để bảo vệ mùa màng, nhà cửa,... Truyện đã nâng khả năng, sức mạnh chống trả, chế ngự thiên nhiên của con người lên tầm vóc thần thánh.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Truyện Sơn Tỉnh, Thủy Tinh gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? Truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?

Gợi ý:

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm 4 đoạn:

1. Từ đầu đến người chồng thật xứng đáng: Hùng Vương muốn kén chồng cho Mị Nương.

2. Từ Một hôm có hai chàng đến rước Mị Nương về núi: Cuộc kén rể và chiến thắng thuộc về Sơn Tinh.

3. Từ Thủy Tinh đến sau đến đành rút quân: Cuộc giao tranh dữ dội và quyết liệt của hai thần, cuối cùng Thủy Tinh phải rút quân về.

4. Đoạn còn lại: Hàng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thất bại.

Truyện được gắn với thời đại Hùng Vương (nhà nước Văn Lang u Lạc) trong lịch sử Việt Nam.

2. Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh ai là nhân vật chính? Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó?

Gợi ý:

Trong truyện, Sơn Tinh, Thủy Tinh là nhân vật chính.

Hai nhân vật này đều có những tài phép lạ: hô mây, hô mưa, chuyển non dời bể...

Ý nghĩa của hai nhân vật:

Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh ghê gớm của tự nhiên trong việc gây ra bão, lụt. Sơn Tinh tượng trưng cho sức mạnh chống thiên tai và ước mơ chiến thắng lũ lụt của ông cha ta. Trong tiềm thức của nhân dân ta, Sơn Tinh là phúc thần còn Thủy Tinh là hung thần.

3. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh?

Gợi ý:

Đây là câu chuyện tưởng tượng mang tính chất kì ảo, giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh của người Việt cổ muốn chế ngự sức mạnh của thiên nhiên; đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao của các vua Hùng.

Các bài học liên quan
BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY (Tự học có hướng dẫn)
CON RỒNG CHÁU TIÊN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật