NGHĨA CỦA TỪ

Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,...) mà từ biểu thị.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Nghĩa của từ là gì?

Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,...) mà từ biểu thị.

- Cách giải thích nghĩa của từ.

Có thể giải thích nghĩa từ bằng hai cách chính như sau:

- Trình bày khái niệm mà từ biểu thị;

- Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích,

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Từ là một đơn vị ngôn ngữ có hai mặt: nội dung (ý nghĩa) và hình thức biểu hiện. Nếu hình thức biểu hiện có hình thức ngữ âm, hình thức cấu tạo, hình thức ngữ pháp thì nội dung biểu hiện có nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái. Trong hoạt động giao tiếp, nghĩa từ không tồn tại độc lập mà được biểu hiện qua các quan hệ dọc (quan hệ lựa chọn), rõ nhất là quan hệ giữa từ đang xét với các từ đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa khác; biểu hiện qua các quan hệ ngang (quan hệ cú đoạn, quan hệ hình tuyến), tức là quan hệ với các từ khác trong cụm từ, trong câu.

- Nghĩa biểu niệm của từ là sự tập hợp những nét nghĩa khu biệt. Ví dụ: từ mẹ trong tiếng Việt có các nét nghĩa: người đàn bà có con, trong quan hệ với con.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. (Câu này các em tự làm)

2. Hãy điền các từ: học tập, học lỏm, học hỏi, học hành vào chỗ trống trong những câu dưới đây sao cho phù hợp:

- ... : học và luyện tập để có hiểu biết, kĩ năng.

- ... : nghe hoặc thấy người ta làm rồi làm theo, chứ không được ai trực tiếp dạy bảo.

- ... : tìm tòi, hỏi han để học tập.

- … : học văn hóa có thầy, có chương trình, có hướng dẫn (nói một cách khái quát).

Gợi ý:

Các em lần lượt điền: học tập, học lỏm, học hỏi, học hành.

3. Điền các từ trung gian, trung niên, trung bình vào chỗ trống cho phù hợp:

- ... : ở vào khoảng giữa trong bậc thang đánh giá, không khá cũng không kém, không cao cũng không thấp.

- ... : ở vị trí chuyển tiếp hoặc nối liền giữa hai bộ phận, hai giai đoạn, hai sự vật,...

- ... : đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa đến tuổi già.

Gợi ý:

Các em điền theo thứ tự sau: trung bình, trung gian, trung niên.

4. Giải thích các từ sau theo những cách đã biết:

- Giếng,

- Rung rinh,

- Hèn nhát.

Gợi ý:

- Giếng: hố đào thẳng đứng, sâu vào lòng đất, để lấy nước.

- Rung rinh: chuyển động qua lại, nhẹ nhàng, liên tiếp.

- Hèn nhát: thiếu can đảm (đến mức đáng khinh bỉ).

Các bài học liên quan
THÁNH GIÓNG
BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY (Tự học có hướng dẫn)
CON RỒNG CHÁU TIÊN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật