SỰ TÍCH HỒ GƯƠM

Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm có nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo. Truyện nhằm giải thích tên gọi Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm), thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc ta.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm có nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo. Truyện nhằm giải thích tên gọi Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm), thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc ta.

- Truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo vào đầu thế kỉ XV.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Truyền thuyết dân gian có thể chia thành những tiểu loại nhiều truyền thuyết nhân vật, truyền thuyết địa danh, truyền thuyết phong tục - sản vật.

Truyền thuyết địa danh là truyền thuyết giải thích nguồn gốc trực tiếp của tên núi, tên sông, tên hồ, ... ; nguồn gốc hình thành những vùng đất, địa bàn dân cư nào đó, thiêng hóa những địa danh không gian được kể. Ví dụ: truyền thuyết về sự tích núi Mục, núi Voi, núi Dầu,...

Truyền thuyết nhân vật có loại kể về các anh hùng chống xâm lược như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, ... ; kể về các anh hùng văn hóa như Lạc Long Quân, u Cơ, các vua Hùng, Chu Vãn An, ...

Truyền thuyết phong tục - sản vật kể về nguồn gốc các phong tục, hội hè, diễn xướng dân gian. Ví dụ truyền thuyết về bánh chưng, bánh giầy, nguồn gốc cây cau, ...

Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm vừa là loại truyền thuyết địa danh vừa là truyền thuyết nhân vật. Đây là truyền thuyết về thời Hậu Lê.

- Truyện tập trung vào hai sự việc chính: Lê Lợi được gươm thần trao cho sức mạnh để đánh thắng giặc Minh; đất nước thanh bình, Lê Lợi trả gươm thần cho Long Quân.

Phần đầu truyện, xét về hình thức bề ngoài, có vẻ như hơi xa nhân vật trung tâm (Lê Lợi) nhưng mục đích chính là nhằm tô đậm ý nghĩa đề cao tính nhân dân, tính toàn dân, tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa thuận ý trời (hai chữ “Thuận Thiên” trên thanh gươm), hợp lòng dân. Trời ở đây là dân tộc, là nhân dân. Dân tộc, nhân dân đã trao cho Lê Lợi thanh gươm; Lê Lợi nhận gươm thần tức là nhận một trách nhiệm, nhận một sứ mạng lớn là đánh giặc cứu nước.

Xây dựng chi tiết Lê Lợi trả gươm thần, nhân dân ta muốn khẳng định một tư tưởng lớn, tình cảm lớn đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu chuộng hòa bình.

- Hình ảnh thanh gươm trong truyện là hình ảnh đẹp, mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa. Chi tiết lưỡi gươm thần ở dưới bến nước và chuôi gươm trên rừng mang tính chất tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, chứng tỏ khả năng cứu nước của nhân dân có ở khắp nơi, nhân dân ta từ miền sông nước đến miền rừng núi đều một lòng quyết tâm đánh giặc cứu nước. Chi tiết chuôi gươm khớp với lưỡi gươm vừa như in cũng mang tính chất tượng trưng: nguyện vọng giết giặc cứu nước đã được nhất trí rất cao trong nhân dân.

Trong truyện, thanh gươm luôn luôn tỏa sáng (tỏa sáng nơi góc nhà Lê Thận, trên ngọn cây đa, lúc chiến đấu và cả khi trả lại Rùa Vàng) đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của nhân dân, cho niềm tin chiến thắng.

- Những truyền thuyết ra đời vào những thời đại sau (trong đó có Sự tích Hồ Gươm), sự thật lịch sử, cốt lõi lịch sử có phần nổi bật, rõ rệt hơn truyền thuyết thời các vua Hùng (ví dụ bốn truyền thuyết đã được học trước), mặc dù, tất nhiên, các truyện vẫn có những chi tiết kì ảo, tưởng tượng. Cần phải hiểu sự thật lịch sử ở đây chủ yếu vẫn nằm ở chiều sâu các chi tiết cũng như toàn truyện. Các chi tiết kì ảo, tưởng tượng là nhằm tăng chất “thơ và mộng”, chứa đựng những “tâm tình tha thiết” của nhân dân.

- Truyện đọc thêm Ấn, kiếm Tây Sơn có chi tiết trao ấn, kiếm gần giống với chi tiết trao thanh gươm trong Sự tích Hồ Gươm.

Đây là một truyện dân gian kể về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Ông là chủ tướng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nguyễn Huệ là nhân vật lịch sử có thật. Chi tiết Ngọc Hoàng ban ấn, kiếm cho Nguyễn Huệ qua lưỡng xà là một chi tiết thêm thắt do trí tưởng tượng của nhân dân ta, nhằm ca ngợi tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Đó là cuộc khởi nghĩa hợp lòng trời, hợp lòng dân. Truyện còn nhằm ca ngợi công đức của Quang Trung (Nguyễn Huệ), thần thánh hóa nhân vật này.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vì sao đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

Gợi ý:

Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần để giết giặc.

2. Lê Lợi đã nhận được gươm thần như thế nào? Cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa gì?

Gợi ý:

Lê Lợi nhận được gươm báu trong hoàn cảnh đặc biệt. Đức Long Quân không trực tiếp đưa cho ngài mà thông qua nhân vật Lê Thận. Việc Lê Thận tìm thấy được gươm báu, còn Lê Lợi lại thấy chuôi gươm chứng tỏ sự hòa hợp giữa nhân dân và người đứng đầu (Lê Lợi). Các bộ phận của gươm báu khớp vào với nhau tượng trưng cho sức mạnh trên dưới đồng lòng của nhân dân ta. Sức mạnh đó đã làm nên chiến thắng chống lại kẻ thù xâm lược. Cách trao gươm như vậy vừa có ý nghĩa kì lạ song linh thiêng và sâu sắc.

3. Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn.

Gợi ý:

Việc nghĩa quân Lam Sơn có được gươm thần đã mang lại một sức mạnh to lớn. Gươm mà Lê Lợi cùng với nghĩa quân của mình sử dụng đâu phải loại tầm thường, ở đó, nó có sự hội tụ của hồn thiêng sông núi. Ánh sáng của gươm là ánh sáng của chính nghĩa. Cho nên, Lê Lợi cùng với nghĩa quân đánh giặc tan tác, cho tới khi trên đất nước không còn một bóng giặc. Chi tiết ánh sáng của gươm vẫn còn le loi khi trao cho rùa vàng chứng minh cho chiến thắng vẫn còn lưu giữ mãi mãi. Gươm thần cùng với nghĩa quân và chủ tướng Lê Lợi trở thành biểu tượng của truyền thống, sức mạnh trong cuộc chiến đấu chống giặc của nhân dân ta.

4. Khi nào Long Quân cho đòi gươm? Cảnh đòi gươm và trả gươm diễn ra như thế nào?

Gợi ý:

Long Quân cho đòi gươm khi nghĩa quân đã đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi, khi đất nước đã thái bình không cần gươm nữa mà cần dụng cụ để sản xuất. Cảnh đòi gươm và trả gươm cũng mang đậm màu sắc huyền thoại (rùa biết nói, không sợ người, đớp thanh gươm nhanh như cắt...) song nó cũng rất trang nghiêm và thiêng liêng.

Các bài học liên quan
TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN TỰ SỰ
TỪ MƯỢN
THÁNH GIÓNG
BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY (Tự học có hướng dẫn)
CON RỒNG CHÁU TIÊN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật