THẠCH SANH

Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược.

- Truyện có nhiều chi tiết tưởng tượng thần kì độc đáo và giàu ý nghĩa (sự ra đời và lớn lên kì lạ, cung tên vàng, cây đàn thần, niêu cơm thần, v.v... ).

- Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. 

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Truyện Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu của kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nhân vật Thạch Sanh trong truyện vừa có nét khác thường của nhân vật trong truyền thuyết (là con Ngọc Hoàng đầu thai, được thiên thần của Ngọc Hoàng dạy cho võ nghệ, chém chằn tinh, bắn đại bàng), vừa có nét bình thường trong truyện cổ tích (cùng “mình trần đóng khố", có cha mẹ, có nơi ở, và nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng). Nhân vật Thạch Sanh vừa có tính chất kì lạ của thần linh, vừa gần gũi với cuộc sống đời thường của nhân dân lao động. Đây là cách
làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn, nhưng mặt khác, cũng thể hiện được quan niệm của nhân dân ta về nhân vật lí tưởng trong truyện cổ tích.

- Trong truyện cổ tích, các nhân vật thường phải vượt qua những thử thách mới được hưởng hạnh phúc. Thạch Sanh phải vượt qua rất nhiều thử thách liên tiếp và ác liệt, có thử thách do ác thú gây ra, có thử thách do con người mang đến. Đối với Thạch Sanh, loại thử thách thứ hai mới là gay go, ác liệt.

Không nhờ đến Tiên, Bụt giúp đỡ như các nhân vật cổ tích khác, Thạch Sanh đã chiến thắng bằng chính tài năng và phẩm chất của mình. Sự trợ giúp của thần linh chỉ là những phương tiện kì diệu mà Thạch Sanh có trong tay: cung vàng, đàn thần, niêu cơm thần). Những phương tiện ấy chỉ phát huy tác dụng khi được chàng sử dụng bằng chính sức lực mạnh mẽ và tâm hồn trong sáng của mình.

Hình tượng Thạch Sanh có sự kết hợp tuyệt đẹp giữa sức mạnh tài năng, tâm hồn cao đẹp của con người và các phương tiện kì diệu.

- Chi tiết tiếng đàn thần và chi tiết niêu cơm thần có nhiều ý nghĩa. Tiếng đàn là biểu tượng của công lí, là tiếng kêu đòi công lí, là biểu tượng cho cái thiện, cho lẽ phải và lòng yêu chuộng hòa bình. Nồi cơm thể hiện sự rộng lượng, tượng trưng cho tinh thần nhân đạo, yêu chuộng hòa bình.

- Thạch Sanh và Lí Thông là hai nhân vật có sự đối lập nhau. Đối lập giữa người lao động và kẻ bóc lột, giữa thật thà và xảo trá, giữa vị tha và vị kỉ, giữa anh hùng và hèn nhát, giữa cao thượng và thấp hèn. Thạch Sanh là nhân vật tốt, nhân vật thiện, Lí Thông là nhân vật xấu, nhân vật ác. Càng vượt qua nhiều thử thách, Thạch Sanh càng bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình: thật thà, chất phác, dũng cảm, luôn tin tưởng ở người khác, có tấm lòng rộng lượng, vị tha. Ngược lại, Lí Thông là nhân vật xấu, nhân vật ác, có nhiều mưu mô, giả dối, lừa lọc, hèn nhát, gian trá, ích kỉ, hẹp hòi. Cái ác và cái xấu của Lí Thông không một nhân vật nào trong truyện cổ tích sánh bằng. Hắn thuộc loại người độc ác, xấu xa nhất trong xã hội cũ. Có lẽ vì thế mà nhân dân ta đã dành cho nhân vật này một kết cục xứng đáng: bị sét đánh (trời đánh), hóa thành bọ hung chui rúc nơi nhơ nhớp, bẩn thỉu.

- Truyện Thạch Sanh phong phú về nội dung, đề tài. Ở đây, ta thấy có cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội (giai cấp áp bức, bóc lột mà đại diện là Lí Thông và giai cấp bị áp bức bóc bột mà đại diện là Thạch Sanh), có cuộc đấu tranh thiên nhiên (cụ thể là chống loài ác thú như đại bàng và chằn tinh), có cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm (với mười tám nước chư hầu) và có cả cuộc đấu tranh cho tình yêu đôi lứa (giữa Thạch Sanh và công chúa). Nhưng chung quy lại, đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Trong cuộc đấu tranh gian khổ này, chiến thắng thuộc về phía thiện, phía chính nghĩa.

- Đoạn thơ trong phần Đọc thêm (trích từ truyện thơ Nôm Thạch Sanh) kể về tiếng đàn của Thạch Sanh. Tiếng đàn được nhân hóa, là lời trách móc của Thạch Sanh về sự bất nhân, bất nghĩa, vong ơn của Lí Thông.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có gì khác thường? Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh như vậy, theo em, nhân dân muốn thể hiện điều gì?

Gợi ý:

- Khác thường:

+ Do Ngọc Hoàng sai Thái tử xuống đầu thai làm con.

+ Thạch Sanh được thiên thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.

Qua những chi tiết đó, nhân dân muốn thể hiện:

+ Thạch Sanh là con của người dân thường, cuộc đời và số phận rất gần gũi với nhân dân.

+ Tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ cho nhân vật lí tưởng -> tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Ra đời kì lạ, khác thường -> lập chiến công. Những người bình thường cũng là những con người có phẩm chất, khả năng kì lạ, khác thường.

2. Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh phải trải qua những thử thách như thế nào? Thạch Sanh bộc lộ phẩm chất gì qua những lần thử thách ấy?

Gợi ý:

Trước khi kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã phải trải qua nhiều thử thách cam go, ác liệt:

- Chém chằn tinh, trừ hại cho dân, thu được bộ cung tên vàng.

- Diệt đại bàng, cứu công chúa.

- Diệt hồ tinh, cứu thái tử con vua Thủy Tề, được nhà vua tặng cây đàn thần.

- Đuổi quân xâm lược mười tám nước chư hầu nhờ tiếng đàn và niêu cơm kì diệu.

Qua đó, Thạch Sanh đã bộc lộ phẩm chất:

* Thạch Sanh là người dũng sĩ dân gian bách chiến, bách thắng vì:

- Mục đích chiến đấu của chàng là luôn sáng ngời chính nghĩa: cứu người bị hại, cứu dân, bảo vệ đất nước;

- Có sức khỏe tài năng vô địch;

- Có trong tay những vũ khí, phương tiện chiến đấu kì diệu.

* Đức tính quí báu của Thạch Sanh cũng được bộc lộ:

- Sự thật thà, chất phác;

- Sự dũng cảm, tài năng;

- Lòng nhân đạo, yêu hòa bình.

Đây cũng những phẩm chất rất tiêu biểu cho nhân dân ta được thể hiện thông qua câu chuyện.

3. Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông luôn đối lập nhau về tính cách và hành động. Hãy chỉ ra sự đối lập này?

Gợi ý:

Thạch Sanh là người nhân hậu, độ lượng, trong sáng vô cùng. Luôn tin người, sẵn sàng giúp đỡ người bị hại, không bao giờ nghĩ tới việc người đền ơn. Còn Lí Thông là kẻ vong ân bội nghĩa, xảo trá, gian ác, thấp hèn. Hình tượng nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông đại diện cho hai thái cực thiện và ác.

4. Truyện Thạch Sanh có nhiều chi tiết thần kì, trong đó đặc sắc nhất là chi tiết tiếng đàn và niêu cơm đãi quân sĩ mười tám nước chư hầu. Em hãy nêu ý nghĩa của những chi tiết đó.

Gợi ý:

Niêu cơm: có khả năng phi thường -> quân giặc khâm phục. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo, tình yêu hòa bình của nhân dân ta.

Tiếng đàn: Cây đàn thần giúp nhân vật được giải oan, giải thoát (cứu công chúa, vạch mặt Lý Thông). Nó thể hiện tình yêu, công lí. Đây cũng là một trong những chi tiết thần kì thể hiện ước mơ thực hiện công lí trong xã hội của nhân dân.

* Tiếng đàn: làm quân xâm lược xin hàng, đại diện cho cái thiện, tình yêu chuộng hòa bình của nhân dân. Từ đó, kẻ thù dần được cảm hóa song cũng thể hiện được lòng nhân ái, ước vọng đoàn kết của nhân dân ta.

5. Xem câu hỏi SGK, tr. 67.

(Câu này các em tự làm)

Các bài học liên quan
TÌM HIỂU ĐỀ VÀ CÁCH LÀM BÀI VĂN Tự sự
CHỦ ĐỀ VÀ DÀN BÀI CỦA BÀI VĂN TỰ SỰ
SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
SỰ VIỆC VÀ NHÂN VẬT TRONG VĂN TỰ SỰ
NGHĨA CỦA TỪ
SƠN TINH, THỦY TINH

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật