SỌ DỪA

Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật. Sọ Dừa có vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng, thường bị mọi người xem thường, coi là "vô tích sự”. Nhưng đây là nhân vật có phẩm chất và tài năng đặc biệt. Cuối cùng, Sọ Dừa trút bỏ lốt vật và có được cuộc sống hạnh phúc.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc như: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, có tài năng kì lạ; nhân vật thông minh hoặc ngốc nghếch; các nhân vật là động vật có tính cách như con người,... Truyện thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật. Sọ Dừa có vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng, thường bị mọi người xem thường, coi là "vô tích sự”. Nhưng đây là nhân vật có phẩm chất và tài năng đặc biệt. Cuối cùng, Sọ Dừa trút bỏ lốt vật và có được cuộc sống hạnh phúc.

- Truyện đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với những người bất hạnh.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Khái niệm truyện cổ tích lúc đầu dùng để chỉ các truyện cổ dân gian nói chung, nhưng về sau chỉ dùng để chỉ một thể loại của văn học dân gian.

Truyện cổ tích có ba loại:

Truyện cổ tích về loài vật có nhân vật chính là các con vật. Truyện giải thích đặc điểm, thói quen của các con vật (Quạ và công, Vì sao gà trống có mào, v.v...), hoặc kể về quan hệ giữa các con vật (Con thỏ và con hổ, Kiến và voi, Kiến và cá, v.v...), từ đó đúc rút những kinh nghiệm về thế giới loài vật và ngụ ý các vấn đề đạo đức, kinh nghiệm sống của con người, ở nước ta, nhiều truyện cổ tích về loài vật đã được chuyển hóa thành truyện ngụ ngôn.

+ Truyện cổ tích thần kì là những câu chuyện có rất nhiều yếu tố tưởng tượng, thần kì về người em út, người mang lốt xấu, người mồ côi, dũng sĩ, người có tài lạ, v.v... phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, ước mơ của nhân dân về công lí xã hội và về sự đổi đời (Sọ Dừa, Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây bút thần, v.v...). Đây là loại truyện tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất của truyện cổ tích.

Truyện cổ tích sinh hoạt kể về tài thông minh sắc sảo, tài phân xử hoặc sự lém lỉnh, mẹo lừa, v.v... của các nhân vật (Em bé thông minh, Nói dối như Cuội, Cái cân thủy ngân, v.v...). Loại truyện này rất gần cuộc sống thật, ít hoặc không sử dụng yếu tố thần kì.

Truyện Sọ Dừa được xác định là truyện cổ tích thần kì, kể về người mang lốt xấu (lốt vật). Đây cũng là một kiểu truyện rất phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Nhân vật chính của kiểu truyện này là người có mình hài dị dạng, thường mang lốt vật (như con cóc, con rắn, con rùa, con dê, quả bầu, v.v...), bị mọi người xem thường, coi là “vô tích sự”. Nhưng đây là nhân vật có phẩm chất và tài năng đặc biệt. Lúc đầu, hình thức bề ngoài và phẩm chất đạo đức, tài năng bên trong của nhân vật là không tương xứng. Nhưng cuối cùng, nhân vật trút bỏ lốt vật, kết hôn cùng người đẹp, sống cuộc đời hạnh phúc. Do có đặc điểm như vậy nên kiểu truyện cổ tích này rất giàu tinh thần nhân đạo và dân chủ.

- Truyện Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với những người bất hạnh. Đồng thời, truyện phản ánh nguyện vọng của nhân dân: những người lao động nghèo, số phận hẩm hiu, ngoại hình dị dạng nhưng có tài năng sẽ biến hóa và có cuộc đời sung sướng, hạnh phúc; những người hiền lành, giàu lòng thương người, dũng cảm, thủy chung cũng được đền bù xứng đáng.

- Truyện cũng cho ta bài học về cách nhìn nhận, đánh giá con người: không nên chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài mà cần căn cứ vào bản chất bên trong theo quan niệm dân gian:

- Ở Việt Nam và trên thế giới còn có nhiều truyện tương tự truyện Sọ Dừa kể về những nhân vật xấu xí, dị dạng mà tài ba. Đó là những dị bản (bản kể khác) như: Chàng Kho, Lấy vợ Cóc (Việt Nam); Sọ Dừa (Căm-pu-chia); Chàng Ta, Hoàng tử Rắn (Mi-an-ma); Chàng Ko Kho (Thái Lan); Cô gái lấy chồng Chim, Hoàng Tử Cua, Chàng Rắn, Vua
Ếch, Vua Cá Sấu (Ấn Độ); Chàng kị sĩ Nhái, Thần Ếch (Trung Quốc); Chàng Nhái kị mã (Mông cổ); I-xum-bô-xi, Chú bé ngón tay (Nhật Bản); Lấy chồng Dễ, Chàng Ếch, Nàng Rùa (A Rập); Nàng công chúa Ếch (Nga); Con Nhái, Con Sói Trắng (Pháp); Chàng Gấu (Thụy Điển);...

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Sự ra đời của Sọ Dừa có gì khác thường? Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều gì và muốn chú ý đến những con người như thế nào trong xã hội xưa?

Sự ra đời của Sọ Dừa có những điểm rất khác thường. Khác thường ấy được thể hiện ngay từ lúc bà mẹ mang thai cho đến khi sinh ra chàng. Do khát nước, thấy cái sọ dừa bên gốc cây đựng đầy nước mưa, bưng lên uống mà thụ thai. Đến lúc sinh ra thì đứa bé không chân, không tay tròn như một cái sọ dừa.

Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện và muốn chú ý đến những con người đau khổ nhất, thấp hèn nhất; thể hiện sự nhận thức muốn bù đắp cho những thiệt thòi đó.

2. Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết nào? Em có nhận xét gì về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật?

Gợi ý:

Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết:

- Chăn bò rất giỏi, con nào con nấy no căng bụng.

- Có tài thổi sáo.

- Cưới được con gái phú ông.

- Học giỏi, thi đỗ quan trạng và được đi sứ.

- Dự đoán chính xác những sự việc xấu trong tương lai sẽ xảy ra với gia đình mình.

Như vậy, mối quan hệ giữa hình thù bên ngoài và phẩm chất bên trong là đối lập. Không thể nhìn hiện tượng bên ngoài mà đánh giá phẩm chất bên trong. Khi Sọ Dừa biến hình thành chàng trai khôi ngô, tuấn tú thì đã có sự thống nhất đẹp đẽ, lí tưởng giữa hình thù bên ngoài và phẩm chất bên trong. Từ đó, Sọ Dừa trở thành nhân vật hình mẫu hoàn hảo, lí tưởng.

3. Tại sao cô út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa? Em có nhận xét gì về nhân vật cô út?

Gợi ý:

Khác với những người chị của mình, cô út là người hiền lành, thương người, chăm sóc Sọ Dừa một cách chu đáo nhất. Nhưng điều quan trọng là cô đã biết Sọ Dừa không phải là người phàm trần, chàng là người có tài năng và đức độ.

Cô đã nhận ra vẻ đẹp ẩn bên trong khối hình hài xấu xí đó. Con mắt tinh đời của cô út cũng là cách nhìn đầy nhân văn của các tác giả dân gian. Qua đó nói lên quan niệm dân chủ và thái độ khẳng định của họ đối với tầng lớp người thường bị coi là thấp cổ bé họng nhất trong xã hội phong kiến xưa.

4. Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã được trút bỏ lốt, cùng cô út hưởng hạnh phúc, còn hai cô chị thì phải bỏ nhà trốn đi. Qua kết cục này, em thấy người lao động mơ ước điều gì?

Gợi ý:

Qua câu chuyện, người lao động mơ ước về một sự đổi thay trong cuộc đời. Quan trọng hơn đó là đổi thay số phận trong xã hội phong kiến. Song qua đó, nó cũng nói lên quan niệm và ước mơ công bằng, dân chủ trong xã hội. Những người khôn cùng sẽ được hưởng hạnh phúc, giàu có.

5. Hãy nêu ý nghĩa chính của truyện Sọ Dừa.

Gợi ý:

Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với những người bất hạnh.

Các bài học liên quan
SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
SỰ VIỆC VÀ NHÂN VẬT TRONG VĂN TỰ SỰ
NGHĨA CỦA TỪ
SƠN TINH, THỦY TINH
TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN TỰ SỰ
TỪ MƯỢN
THÁNH GIÓNG

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật