DANH TỪ

Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm của danh từ

- Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

- Danh từ có thể kết hợp với từ số lượng ở phía trước, các từ này, ấy, đó, ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.

Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là chủ ngữ. Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ là đứng trước.

2. Các loại danh từ

- Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn là danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật.

Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính đếm, đo lường sự vật; gồm hai nhóm là:

+ Danh từ đơn vị tự nhiên (còn gọi là loại từ);

+ Danh từ chỉ đơn vị quy ước. Cụ thể là: danh từ chỉ đơn vị chính xác và danh từ chỉ đơn vị ước chừng.

Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện tượng, khái niệm,...; gồm hai nhóm: danh từ chung và danh từ riêng.

+ Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật.

+ Danh từ riêng là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương;..

3. Quy tắc viết hoa danh từ riêng

Khi viết hoa danh từ riêng, ta phải viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó. Cụ thể:

- Đối với tên người, tên địa lí Việt Nam và tên người, tên địa lí nước ngoài phiên âm qua Hán Việt: viết hoa chữ cái đầu tiên mỗi tiếng.

- Đối với tên người, tên địa lí nước ngoài phiên âm trực tiếp (không qua âm Hán Việt): viết hoa chữ cái đầu tiên mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó; nếu một bộ phận nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối.

- Tên riêng các cơ quan, tổ chức, giải thưởng, danh hiệu, huân chương,... thường là một cụm từ. Chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cụm từ này đều được viết hoa.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Những căn cứ để phân chia từ loại là:

+ Dựa vào ý nghĩa của từ. Nếu động từ mang ý nghĩa hoạt động, quá trình, tính từ mang ý nghĩa tính chất, đặc điểm thì danh từ mang ý nghĩa thực thể.

+ Dựa vào khả năng kết hợp của từ. Danh từ có khả năng kết hợp với tất cả, những, các,... (ở phía trước), với này, kia, ấy (ở phía sau). Ngược lại, động từ có khả năng kết hợp với đã, sẽ, hãy,... (ở phía trước), v.v...

Ví dụ: Tất cả những học sinh ấy đều được khen thưởng trong học kì này.

+ Dựa vào chức vụ cú pháp của từ. Người ta thường căn cứ vào chức vụ ngữ pháp chủ yếu của từ để làm căn cứ phân loại. Chức vụ ngữ pháp chủ yếu của danh từ là chủ ngữ, còn chức vụ cú pháp chủ yếu của động từ, tính từ là vị ngữ.

Danh từ cũng có thể làm vị ngữ nhưng phải có từ là đứng trước.

Ví dụ: Cô giáo Lan là người Thanh Hóa.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hãy liệt kê một số danh từ chỉ vật mà em biết. Đặt câu với một trong số các danh từ ấy?

Gợi ý:

Liệt kê một số danh từ chỉ sự vật: thịt, cá, đường, sữa.

Đặt câu: Không nên ăn quá nhiều thịt, cá.

2. Liệt kê các loại từ:

a. Chuyên đứng trước danh từ chỉ người, ví dụ: ông, vị, cô,...

b. Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật, ví dụ: cái, bức, tấm,...

Gợi ý:

a. Chuyên đứng trước danh từ chỉ người: ngài, viên, người, em,...

b. Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: quả, quyển, pho, tờ,...

3. Liệt kê các danh từ:

a. Chỉ đơn vị quy ước chính xác, ví dụ: mét, lít, ...

b. Chỉ đơn vị qui ước, ước chừng, ví dụ: nắm, mớ, đàn, ...

Gợi ý:

a. Chỉ đơn vị quy ước chính xác: tạ, tấn,...

b. Chỉ đơn vị quy ước, ước chừng: vốc, hũ, bó, gang,...

4 + 5. (Các em tự làm)

Các bài học liên quan
CHỮA LỖI DÙNG TỪ
THẠCH SANH
LỜI VĂN, ĐOẠN VĂN TỰ SỰ
SỌ DỪA
TÌM HIỂU ĐỀ VÀ CÁCH LÀM BÀI VĂN Tự sự

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật