CÂY BÚT THẦN

Cây bút thần là truyện cổ tích về nhân vật có tài năng kì lạ. Truyện kể về khả năng sức mạnh kì diệu của cây bút thần, thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghệ thuật, đồng thời thể hiện ước mơ về khả năng kì diệu của con người.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Cây bút thần là truyện cổ tích về nhân vật có tài năng kì lạ.

- Truyện kể về khả năng sức mạnh kì diệu của cây bút thần, thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghệ thuật, đồng thời thể hiện ước mơ về khả năng kì diệu của con người.

- Truyện có chi tiết tưởng tượng thần kì đặc sắc.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Dân tộc nào trên thế giới cũng có kho tàng truyện cổ tích của mình. Bên cạnh những nét khác biệt, truyện cổ tích giữa các dân tộc có rất nhiều điểm tương đồng, nhất là về đặc trưng thể loại.

Trung Quốc là nước láng giềng, có quan hệ giao lưu và có những nét tương đồng về văn hóa với nước ta. Do đó, Cây bút thần cũng rất gần gũi với truyện cổ tích Việt Nam. Câu chuyện thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghệ thuật, đồng thời thể hiện ước mơ về khả năng kì diệu của con người. Sức hấp dẫn của truyện không chỉ ở nội dung ý nghĩa của nó mà còn ở nhiều chi tiết nghệ thuật giá trị, độc đáo.

- Nhân vật chính trong truyện cổ tích này là Mã Lương - một người có tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Tài năng của Mã Lương có được là do nhiều yếu tố: phải có năng khiếu và trí thông minh; phải kiên trì khổ luyện, vượt qua khó khăn; phải có phương tiện, công cụ để thực hiện. Cả ba yếu tố này gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau. Bằng nghị lực của mình, bằng trí thông minh và sự cần cù khổ luyện, Mã Lương đã có phần thưởng xứng đáng: chất lượng tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, khả năng sáng tạo kì diệu.

- Nội dung chính của truyện là kể về những cuộc đấu tranh tích cực, liên tục và mạnh mẽ của Mã Lương nhằm chống lại lòng tham, sự độc ác, xảo quyệt để bảo vệ nghệ thuật chân chính và bảo vệ chính bản thân mình. Nhân vật từ chỗ bị động đến chỗ chủ động trong cuộc đấu tranh này. Cây bút thần kì đã trở thành vũ khí lợi hại giúp Mã Lương chiến thắng địa chủ và nhà vua.

- Mục đích nghệ thuật mà Mã Lương hướng tới là phục vụ nhân dân: "Vẽ cho tất cả người nghèo trong làng". Nhưng nghệ thuật chân chính không bao giờ đem đến cho con người sự hưởng thụ theo kiểu ăn sẵn, mà làm cho con người biết chủ động, sáng tạo trong lao động để tự mình đem lại thành quả cho mình. Vì vậy, Mã Lương không vẽ thóc gạo, nhà cửa, vàng bạc mà chỉ vẽ các công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt như cày, cuốc, đèn, thùng.

- Truyện có nhiều hình ảnh đẹp được xây dựng theo trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhân dân Trung Hoa.

- Truyện đưa ra bài học: muốn thành tài phải say mê, cần cù, chịu khó; những kẻ tham lam, độc ác đều bị trừng trị đích đáng.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Mã Lương thuộc một kiểu nhân vật rất phổ biến nào trong truyện cổ tích? Hãy kể tên một số nhân vật tương tự trong truyện cổ tích mà em biết.

Gợi ý:

Mã Lương thuộc kiểu nhân vật tài năng rất phổ biến trong các câu chuyện cổ tích ở nước ta và trên thế giới. Truyện cổ tích Việt Nam có các nhân vật như: Thạch Sanh, Chử Đồng Tử, Năm anh em sinh năm, Ba chàng thiện nghệ...

2. Những điều gì đã giúp cho Mã Lương vẽ giỏi như vậy? Những điều đó có quan hệ với nhau ra sao?

Gợi ý:

Những điều đã giúp cho Mã Lương vẽ giỏi:

- Năng khiếu và thông minh: em rất thông minh, thích học vẽ từ nhỏ;

- Kiên trì khổ luyện, có nghị lực vượt qua những khó khăn; 

- Phương tiện để vẽ (cây bút).

Những điều đó có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng bổ trợ cho nhau. Yếu tố có cây bút thần chỉ làm nền cho tài năng của Mã Lương phát triển. Bởi không có sự kiên trì và trí thông minh sẵn có chắc hẳn sẽ không tạo thành một tài năng kiệt xuất như Mã Lương.

3. Mã Lương đã vẽ những gì cho người nghèo khổ và cho những kẻ tham lam? Hãy đánh giá ngòi bút thần của Mã Lương qua những gì mà Mã Lương đã vẽ.

Gợi ý:

Mã Lương đã vẽ công cụ sản xuất cho những người nghèo: vẽ cày, cuốc, đèn... Khi gặp những kẻ tham lam, Mã Lương vẽ vũ khí chiến đấu chống lại chúng: cung tên, sóng to gió lớn.

Qua những việc mình làm cho thấy: Mã Lương đã không vẽ của cải vật chất có sẵn để hưởng thụ, mà vẽ các phương tiện cần thiết cho cuộc sống để người dân sản xuất, sinh hoạt, tạo ra thóc, gạo, nhà cửa và các của cải khác. Của cải mà con người hưởng thụ phải do con người làm ra. Đó là những công cụ hữu ích cho mọi nhà. Vẽ ra vũ khí để chống lại những kẻ tham lam thể hiện chàng không phải là người ham danh vọng, giàu sang phú quý. Chàng muốn chống lại chúng để trừ họa cho dân.

4. Truyện kể này được xây dựng theo trí tưởng tượng rất phong phú và độc đáo của nhân dân. Theo em, những chi tiết nào trong truyện là lí thú và gợi cảm hơn cả?

Gợi ý:

Mã Lương vẽ cò trắng, ... bay đi. Chi tiết này là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa nghệ thuật:

- Như một nhịp cầu nghệ thuật nối liền hai cuộc đấu tranh -> mạch chuyện thật hợp lí.

- Chứng tỏ tài năng nghệ thuật của Mã Lương

- Mã Lương là họa sĩ của người dân lao động -> Bút thần khi ở trong tay Mã Lương - một nghệ sĩ chân chính với mục đích chính nghĩa mới có thể làm ra nghệ thuật đích thực.

5. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Cây bút thần.

Gợi ý:

- Thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích tài năng nghệ thuật.

- Thể hiện ước mơ về những kỹ năng kì diệu của con người.

- Thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích tài năng nghệ thuật.

Các bài học liên quan
THẠCH SANH
LỜI VĂN, ĐOẠN VĂN TỰ SỰ
SỌ DỪA
TÌM HIỂU ĐỀ VÀ CÁCH LÀM BÀI VĂN Tự sự
CHỦ ĐỀ VÀ DÀN BÀI CỦA BÀI VĂN TỰ SỰ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật