Đề: Anh (chị) hãy phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu để làm nổi bật cách nhìn của nhà văn về hiện thực đời sống, một cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu đối với con người

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa lúc đầu được in trong tập Bến quê, sau được Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987).

BÀI LÀM

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa lúc đầu được in trong tập Bến quê, sau được Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987). Chiếc thuyền ngoài xa rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ “góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Cái nhìn hiện thực đa chiều đã giúp ông nhận ra đời sống con người bao gọn cả những quy luật tất yếu lẫn những ngẫu nhiên may rủi khó bề lường hết.

Nguyễn Minh Châu day dứt về việc con người phải chấp nhận những nghịch lý không đáng có. Gánh nặng mưu sinh đè trĩu trên đôi vai cặp vợ chồng làng chài, giam hãm họ trong cảnh tăm tối, đói khổ, bấp bênh. Người chồng tha hóa dần, trở thành kẻ vũ phu, thô bạo. Người vợ thì thương con nên nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của chồng mà không biết rằng đã làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ dại. Cậu bé yêu mẹ, bênh vực mẹ thành ra thù địch với cha.

Phùng được giao nhiệm vụ đi chụp một cảnh biển thật đẹp đẽ làm lịch (chỉ có phong cảnh). Theo dõi sự kiên nhẫn, công phu của anh suốt tuần lễ lang thang ở bờ biển, nơi có phong cảnh “thật là thơ mộng”, đặc biệt chứng kiến giây phút "hạnh phúc tràn ngập tâm hồn" anh do "cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh" mang lại, có thể nói Phùng là nghệ sĩ đang săn tìm cái đẹp. Và anh đã thỏa mãn với “cái đẹp ngoại cảnh” - đó là hình ảnh con thuyền nhìn từ xa.

Nhưng rồi khi chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ Phùng đứng, anh bắt đầu nhận ra một sự thực trần trụi, khắc nghiệt.

Cũng như Đẩu, anh hoàn toàn bất ngờ trước thái độ lạ lùng của người đàn bà hàng chài. Anh đã đánh nhau với chồng bà ta để bảo vệ bà ta. Anh tốt bụng, cao thượng nhưng cũng ít thực tế, lại bị định kiến chi phối (câu hỏi Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?), cũng có thể đấy là thái độ hoang mang, hoài nghi khi niềm tin của anh bắt đầu lung lay. Khi nhận ra Đẩu “rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ” cũng là lúc nghệ sĩ Phùng “ngộ ra” mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

Câu chuyện bi kịch của gia đình hàng chài đã được tác giả kể lại công thật giản dị đời thường, nhưng ẩn chứa đằng sau bi kịch đó là rất nhiều câu hỏi của người đọc đã đặt ra.

Người đàn ông "lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới" của người đàn bà nhưng tại sao khi hai người đã đi khuất vào sau chiếc xe rà phá mìn “to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng” thì lão “lập tức trở nên hùng hổ?” Vì sao trong khi “trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà” giọng lão lại "rên rỉ đau đớn" Vì sao chuyện lão đánh vợ diễn ra thường xuyên và việc lão đánh vợ ở bãi xe tăng hỏng có phải là ngẫu nhiên không?

Thái độ cam chịu đầy nhẫn nhục của người đàn bà cũng gợi nhiều đau buồn: “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Đây là một thái độ lạ lùng. Phải chăng bà ta bị đòn nhiều đến mức quen rồi, không còn biết đau nữa? Hay bà ta tăm tối, dốt nát đến mức không còn chút ý thức về quyền sống của mình? Hay đó là một sự lựa chọn bất đắc dĩ nhưng đã được suy tính kỹ lưỡng, sáng suốt? Trong hoàn cảnh con đông mà cuộc sống trên mặt nước đầy nhọc nhằn, bất trắc, nỗi lo cơm áo không lúc nào buông tha liệu bà ta có cách lựa chọn nào tốt hơn không? Phải chăng tác giả đã dùng hình ảnh bãi xe tăng hỏng như một gợi ý rằng cuộc chiến đấu chống đói nghèo, tăm tối còn gian nan hơn cả cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, chừng đó con người còn phải chung sống với cái xấu, cái ác?

Anh mời người đàn bà đến công sở để trao đổi về vấn đề này. Có lẽ Đẩu đã tin rằng giải pháp mình chọn cho bà ta là đúng đắn. Nhưng sau buổi nói chuyện thì mọi lý lẽ của anh đều bị người đàn bà chít phác, lam lũ bác bỏ.

Hóa ra lòng tốt của anh là lòng tốt phi thực tế. Anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu sách vở nên trước cuộc sống đích thực anh trở thành kẻ nông nổi, ngây thơ. Người đàn bà hàng chài thất học, quê mùa nhưng thật sâu sắc khi “nhìn suốt cả đời mình” đã khiến “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”. Có thể anh vừa “ngộ” ra những nghịch lý của đời sống - những nghĩa lý con người buộc phải chấp nhận, phải “trút một tiếng thở dài đầy chua chát”: “trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo”.

Cũng có thể, anh bắt đầu hiểu ra rằng muốn con người thoát khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, man rợ cần có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn.

Thói vũ phu của người đàn ông hàng chài được tác giả đặt dưới những sự phán xét rất khác nhau: Đầu nhìn dưới góc độ luật pháp, Phùng nhìn dưới góc độ “Lý lịch, thành phần”, Phác nhìn bằng con mắt trẻ thơ thơ ngây, thương mẹ và căm ghét bố. Người đàn bà: thương xót và thấu hiểu.

Đây là cách Nguyễn Minh Châu đối thoại với bạn đọc: đưa con người vào cái khung đời sống nhiều chiều, dân chủ hóa mối quan hệ giữa nhà văn và công chúng, khơi gợi, nêu vấn đề để bàn bạc chứ không áp đặt chân lý cho công chúng.

Hậu quả của tình trạng bạo lực trong gia đình cậu bé Phác là nỗi đau khổ nặng nề mà người mẹ và những đứa con phải gánh chịu.

Người mẹ không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị giày vò về tinh thần vì bà luôn nơm nớp lo sợ con cái bị tổn thương. Dù bà hết sức che chắn (xin chồng đừng đánh mình trên thuyền, trước mặt con cái) nhưng rồi những đứa con vẫn biết sự thật khiến bà “vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”.

Đứa con - cậu bé Phác - vì yêu mẹ, thương mẹ mà thành căm ghét bố. Nó xông vào đánh bố để bảo vệ mẹ và như vậy niềm tin trong trẻo của tuổi thơ đã bị rạn vỡ. Con mắt nhân đạo của nhà văn còn thể hiện ở nỗi lo âu đầy trách i nhiệm: cậu bé sẽ thành người thế nào nếu môi trường sống không được thay đổi tích cực?

Ấn tượng của Phùng tưởng “lạ lùng” nhưng hoàn toàn hợp lôgic. Thứ nhất, nó giống như một sự ám ảnh sâu sắc đối với người nghệ sĩ. Phùng sẽ nhìn bức ảnh lịch qua sự ám ảnh đó chứ không nhìn bằng con mắt khách quan. Thứ hai, “mỗi lần ngắm kĩ” tức là anh đang sống lại kỉ niệm, màn sương màu hồng hồng anh đã bắt gặp trong niềm hân hoan phát hiện ra vẻ đẹp nên thơ nơi bờ biển ấy. Còn “nếu nhìn lâu hơn” anh sẽ thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh [...] hòa lẫn trong đám đông”.

Phải chăng đây là cái nhìn sâu sắc của nghệ thuật, là lời kêu gọi của Minh Châu: Hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật với hiện thực? Người nghệ sĩ mang trái tim có tình yêu sâu nặng với con người, anh ta cần phải hiện thực, dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực, trước hết phải nhìn vào số phận con người.

Muốn vậy, nghệ sĩ không thể nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm và biết trăn trở về con người. Chiếc thuyền ngoài xa nhìn thì rất đẹp nhưng khi nó ở gần, khi cuộc sống trần trụi phơi bày chẳng có chút gì thi vị như người phóng viên đã cảm nhận trước đó.

Chủ nghĩa nhân đạo trong nghệ thuật không thể xa lạ với số phận cụ thể của con người. Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa giống như một gợi ý về khoảng cách, về cự ly nhìn ngắm đời sống mà người nghệ sĩ cần coi trọng. Qua sự “vỡ lẽ” của người phóng viên nhiếp ảnh và vị thẩm phán, ta thấy hình ảnh con thuyền nhìn từ xa rất khác với lúc nhìn gần. Hình ảnh con thuyền trong những bức ảnh chụp của người phóng viên gắn với cái "tuyệt đỉnh của ngoại cảnh". Nhưng cuộc sống đích thực của gia đình dân chài kia thì chẳng có gì giống như thế cả. Nhan đề truyện là một khái quát giản dị về mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống.

Các bài học liên quan
Đề: Bình giảng đoạn đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu;  ... Mình về mình có nhớ ta...Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
Đề: Bình giảng đoạn thơ:  Bên kia sông Đuống (.......) Bây giờ tan tác về đâu.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật