LẬP DÀN Ý CHO BÀI VĂN TỰ SỰ KẾT HỢP VỚI MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM

Bố cục của một văn bản tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm bao giờ cũng gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Khi làm một bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm phải biết lựa chọn và sắp xếp các ý trong bài văn đó theo một trình tự hợp lí.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

1. Bố cục của một văn bản tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm bao giờ cũng gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.

2. Khi làm một bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm phải biết lựa chọn và sắp xếp các ý trong bài văn đó theo một trình tự hợp lí.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI PHẦN BÀI HỌC

Câu a. Bài văn có thể chia làm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Mở bài (từ đầu đến bày la liệt trên bàn): Kể và tả quang cảnh chung của buổi sinh nhật.

- Thân bài (tiếp theo đến chỉ gật đầu không nói): Món quà sinh nhật độc đáo của người bạn.

- Kết bài (còn lại): Cảm nghĩ của người bạn về món quà sinh nhật.

Câu b.

- Truyện kể về món quà sinh nhật độc đáo của Trinh dành cho người bạn thân của mình. Người kể chuyện (Trang) ở ngôi thứ 1.

- Câu chuyện xảy ra trong buổi lễ sinh nhật của Trang.

- Hai nhân vật chính là Trang và Trinh.

- Diễn biến câu chuyện:

Buổi lễ sinh nhật của Trang rất vui: nhiều bạn, nhiều quà nhưng người bạn thân nhất là Trinh vẫn chưa đến.

Trinh đến mang theo món quà độc đáo: cành ổi sai quả.

Chùm ổi gợi nhớ đến sự việc Trang đến chơi nhà Trinh và chơi bên cây ổi găng đang ra hoa.

Trinh đã giữ gìn chùm hoa, nâng niu trái quả để làm quà sinh nhật cho Trang.

- Điều bất ngờ là ở chùm quả ổi - một món quà sinh nhật độc đáo, không phải là món quà mua vội bằng tiền trên đường phố mà là món quà được nâng niu ấp ủ suốt bao ngày.

- Các yếu tố miêu tả và biểu cảm được đan xen với các yếu tố kể trong văn bản, góp phần thể hiện rõ tình cảm của các nhân vật trong truyện.

Câu c. Những nội dung trên được kể theo trình tự thời gian đảo ngược: từ hiện tại nhớ về quá khứ rồi lại trở về hiện tại.

III. RÈN KĨ NĂNG GIẢI BÀI TẬP SGK

Bài tập 1.

Mở bài: Giới thiệu quang cảnh đêm giao thừa và gia cảnh của em bé bán diêm, nhân vật chính trong truyện.

Thân bài:

- Lúc đầu do không bán được diêm nên em bé không dám về nhà vì sợ bố đánh. Em tìm một góc tường để tránh rét. Kết quả em vẫn bị gió rét hành hạ: đôi bàn tay đã cứng đờ ra.

- Sau đó em đánh liều quẹt các que diêm để sưởi ấm cho mình. Mỗi lần quẹt lên một que em lại thấy hiện lên một viễn cảnh ấm áp và đẹp đẽ. Ban đầu em tưởng mình đang ngồi trước một lò sưởi. Thế rồi que diêm tắt em lại trở về với hiện tại tê cóng của mình. Tiếp đến que thứ hai, em lại mơ thấy một bàn ăn thịnh soạn, có cả một con ngỗng quay. Que diêm lại lụi tàn em bé lại đối diện với cảnh nghèo khổ thực sự của bản thân. Em lại quẹt que diêm thứ ba, một cây thông Nô-en được trang trí lộng lẫy hiện ra với “hàng ngàn ngọn nến sáng rực”. Nhưng rồi que diêm tắt, những ngọn nến bay về trời. Que diêm thứ tư được đốt lên, em “nhìn thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em”. Cuối cùng vì muốn níu kéo bà ở lại, em đã bật tất cả các que diêm còn lại.

- Các yếu tố miêu tả và biểu cảm được đan xen nhau trong quá trình kể chuyện. Đặc biệt, cứ sau mỗi lần em bé quẹt một que diêm thì quang cảnh mộng tưởng cũng như cảnh thực sau khi que diêm tắt được tác giả miêu tả rất sinh động. Kèm theo đó là những suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật.

Kết bài: Em bé bán diêm đã chết “vì giá rét trong đêm giao thừa”. Mọi người qua đường không ai biết được những điều kì diệu mà em bé đã trông thấy, nhất là phút giây em được gặp lại bà và cùng bà bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

Bài tập 2. Kể lại kỉ niệm với người bạn tuổi thơ khiến em xúc động và nhớ mãi.

Có thể lập dàn ý theo những gợi ý sau:

Mở bài: Giới thiệu người bạn tuổi thơ của mình. Kỉ niệm tuổi thơ khiến mình xúc động và nhớ mãi là kỉ niệm gì.

Thân bài: Tập trung kể về kỉ niệm xúc động ấy:

- Nó xảy ra ở đâu, lúc nào?

- Chuyện xảy ra như thế nào?

- Điều gì khiến em xúc động nhất? Xúc động như thế nào? (miêu tả biểu hiện của xúc động đó).

Kết bài: Nêu lên những suy nghĩ của em về kỉ niệm đó.

Các bài học liên quan
ĐÁNH NHAU VỚI CỐI XAY GIÓ (trích Đôn Ki-hô-tê) - Xéc-van-tét
MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ
TRỢ TỪ, THÁN TỪ
CÔ BÉ BÁN DIÊM (trích) An-đéc-xen
LUYỆN TẬP TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ
TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật